Tạp chí 04/04/2018

Những tay chơi thời trang may đo của châu Á

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 3/2018] Trong lịch sử hơn bốn thập niên, Tuần lễ thời trang Pitti Uomo tại thành phố Florence, Ý chưa từng chứng kiến sự đổ bộ áp đảo của những tay chơi phong cách “sartorial” - thời trang may đo - đến từ châu Á. Họ làm chủ cuộc chơi về phong cách kết hợp giữa những quy chuẩn và dấu ấn đương đại. Họ đại diện cho một thế hệ mới, trân trọng giá trị sartorial cổ điển tại châu Á.

Lịch sử phong cách thời trang may đo tại Viễn Đông

Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia tiên phong du nhập văn hóa phương Tây, tất nhiên bao gồm cả phong cách thời trang may đo (sartorial). Dưới triều đại Meiji (1868 – 1912), quy định bắt buộc công chức và viên chức diện những bộ suit phương Tây khi đi làm được ban hành vào năm 1872. Xuyên suốt thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ 19, phong cách thời trang may đo phương Tây tiếp tục sức lan tỏa, trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống người dân Nhật Bản. Điều này ảnh hưởng lớn đến phong cách ăn mặc hiện đại của các quý ông xứ Phù Tang.

thời trang may đo - elle man 7
Phục trang của quân nhân trong chiến tranh thời triều đại Minh Trị (Meiji).

Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là những quốc gia sớm đón nhận phong cách thời trang phương Tây. Lịch sử ghi nhận, tại Hàn Quốc, ảnh hưởng của phong cách thời trang châu Âu chỉ thực sự khởi nguồn vào đầu thế kỷ 20. Tại Trung Quốc, thiết kế “Mao suit”, hình ảnh gắn liền với Chủ tịch Mao Trạch Đông mang những chi tiết cải biên từ mẫu suit quy chuẩn phương Tây trở nên phổ biến, đặt nền móng cho sự du nhập lối mặc Âu hóa. Là thuộc địa của Anh, phong cách thời trang phương Tây du nhập khá sớm vào Hồng Kông và Singapore.

Quan hệ chính trị và giao thương tăng cường giữa các quốc gia phương Tây và châu Á cũng là tác nhân góp phần thúc đẩy sự du nhập của dòng thời trang may đo được lan truyền. Từ Đông Á, phong cách thời trang phương Tây dần tìm đường len lỏi vào cuộc sống tại các quốc gia khu vực Đông Nam như Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam.

Động lực phát triển của dòng thời trang may đo tại Á châu

Trải qua thời gian, xã hội phát triển kéo theo nhu cầu ngày càng cao đối với dòng thời trang suit. Không đơn thuần là yếu tố công năng, nhu cầu may đo suit dần đòi hỏi cao hơn qua khâu lựa tuyển chất liệu, kiểu dáng và đánh giá trình độ cắt may. Nhận thấy cơ hội kinh doanh, một bộ phận lựa chọn con đường tu nghiệp tại nước ngoài và trở về quê hương. Họ là những hạt nhân góp phần phần thúc đẩy sự phát triển của dòng trang phục này. Điểm qua có thể kể đến một vài tên tuổi lừng danh khắp châu Á như Ascot Chang (1953), W.W. Chan & Sons (1952), Tai Pan Row (1973)…

thời trang may đo - elle man 6
Chủ thương hiệu B&Tailor của Hàn Quốc – Park Jung Yul

Tùy vào đặc điểm xã hội, phong cách thời trang may đó ở các quốc gia mang nhiều màu sắc. Tại Nhật Bản, do suit du nhập từ sớm nên đã trở thành một phần của cuộc sống, quý ông ở đây đề cao yếu tố công năng, sự linh hoạt với kỹ thuật cắt may chuẩn xác. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, quý ông ưa chuộng suit mang phong cách Ý, thường được thiết kế với vạt áo ngắn, phần ngực nở rộng, eo chít ôm lấy cơ thể. Tại Hồng Kông, vốn là thuộc địa của Anh nên theo lẽ dĩ nhiên lịch sử phản ánh rõ rệt tầm ảnh hưởng của văn hóa Phớt Ăng-lê, điều này lý giải sự ưa chuộng phong cách cổ điển đậm chất Anh trong kỹ thuật cắt may và kiểu dáng suit ở xứ Cảng thơm.

thời trang may đo - elle man 3
Nam giới vận suit tại Nhật Bản

 

Trải nghiệm may đo

Ngày nay, khi những giá trị nguyên bản của phong cách thời trang may đo dần thay đổi để phù hợp với thị hiếu của đại bộ phận nam giới trong xã hội, vẫn có những quý ông đam mê sở hữu những mẫu suit được may đo theo đúng quy chuẩn cổ điển. Để hoàn thiện phong cách, họ tìm kiếm những trải nghiệm may đo bespoke theo yêu cầu riêng của cá nhân. Không chỉ vậy, quý ông còn có nhu cầu được tư vấn phong cách hoàn chỉnh kết hợp những mẫu giày oxford hay brogue, khăn gài ngực, cra-vát.

Điều này thôi thúc những chuyên gia kinh doanh nhạy bén với xu hướng thị trường xây dựng nên những mô hình cửa hiệu phong cách sống (lifestyle store). Các quý ông có thể tìm kiếm cho mình những mẫu suit bespoke được may đo riêng theo yêu cầu cá nhân kèm theo những mẫu phụ kiện kết hợp và dịch vụ tư vấn phong cách hoàn chỉnh. Tại châu Á, cửa tiệm The Armoury ở Hồng Kông là mô hình tiêu biểu cho xu hướng này. Thành lập vào năm 2010 bởi bộ ba Alan See, Ethan Newton và Mark Cho, The Armoury được xây dựng định vị là điểm đến về phong cách cho quý ông. Thế mạnh của The Armoury là những “sản vật phong cách” từ khắp các kinh đô phong cách của thế giới kèm theo dịch vụ thượng đẳng.

thời trang may đo - elle man 4
Nhà đồng sáng lập Alan See

Quý ông có thể lựa chọn cho mình những mẫu suit được may đo cá nhân bởi các thương hiệu từ khắp nơi trên thế giới như Liverano & Liverano (Florence), Ring Jacket (Nhật Bản), Ciccio (Nhật Bản), bên cạnh những món đồ phụ kiện tinh tế như kính mát Nackymade (Nhật Bản), túi xách Ortus (Nhật Bản) được lựa tuyển kỹ lưỡng.

Tại Đông Nam Á, mặc dù phát triển sau, mô hình cửa hiệu phong cách cũng được nhiều quý ông đón nhận. Singapore, Thái Lan là hai quốc gia tiên phong. Trong năm 2017, cửa hiệu The Decorum (Bangkok) được xây dựng bởi nhà sáng lập Sirapol Ridhiprasart và Warong Phatrachaikul, mang đến những trải nghiệm may đo suit bespoke bởi các thương hiệu danh tiếng như Huntsman (Anh quốc), Sartoria Salabianca (Florence), nghệ nhân may quần Igarashi Trousers (Nhật Bản); cùng với món đồ phụ kiện của Shibumi Firenze (Florence), hay dịch vụ đánh bóng giày chuyên nghiệp bởi chuyên gia Yuya Hasegawa (Nhật Bản). Tại Singapore, với mục tiêu ban đầu tiếp bước truyền thống gia đình, cửa hiệu may danh tiếng Leong Tailor của nhà sáng lập Jonathan Chiang và Liusvia lựa chọn mô hình kết hợp truyền thống gia đình với kinh doanh hiện đại, đem đến cho quý ông trải nghiệm may đo kèm theo dịch vụ tư vấn phong cách được đánh giá cao.

thời trang may đo - elle man feature
Nhà sáng lập Jonathan Chiang (bên trái)

Xem thêm:

Suit may đo cao cấp  – “ánh trăng không lừa dối” của nghệ thuật cắt may

Trọn bộ bí kíp phối suit nam cùng cà vạt và áo sơ mi

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: ThanhHuysing – ảnh: Tư liệu

cùng chuyên mục

No more