Tạp chí 11/05/2018

Tiểu thuyết Moby Dick: Hành trình thỉnh kinh trên biển Thái Bình

Bài ELLE Man

[ELLE Man tháng 3/2018] Trước khi rời Nhà Trắng, Barack Obama tâm sự rằng, suốt 8 năm đứng ở đầu sóng ngọn gió, nếu như ông có thể sống sót qua được những tháng ngày biến động ấy thì đó đều là nhờ vào tiểu thuyết.

Ông nói, “Vào những thời điểm gian khó, công việc này trở nên thực sự cô độc”, và tất cả những gì Barack có thể làm là tìm về với trí tuệ của những bậc tiền nhân như Lincoln hay Mandela, hoặc cũng có khi, ông chạy trốn thực tại bằng cách khép cửa thư phòng ngấu nghiến một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng về ngày tận thế, rồi chợt cảm thấy “những vấn đề của Quốc hội bỗng đâm tầm thường – chẳng đáng bận tâm. Người ngoài hành tinh chuẩn bị xâm lăng kia kìa!”.

Trong những ngày không suôn sẻ của đời mình, đôi khi điều tốt nhất người ta có thể làm là không làm gì cả, lẳng lặng bỏ điện thoại ở một nơi thật xa, pha một tách trà thơm ngào ngạt, ngồi trong nhà, mở những bản nhạc không lời bất tận của Philip Glass và đọc một cuốn tiểu thuyết dày.

Không phải một cuốn tiểu thuyết bất kỳ mà là một cuốn tiểu thuyết dày. Dày, nghĩa là dài từ 600 trang trở lên, cồng kềnh, nặng nề, dày đặc chữ. Còn về nội dung, tốt nhất là những nội dung xa vời thực tại, càng xa càng tốt, tỉ như một chuyến săn cá voi của những thủy thủ Nantucket 200 năm trước. Người ta thường cho rằng, đọc sách mà không hiểu bối cảnh văn hóa của sách thì vứt, ví như bạn phải là người Anh thì mới hiểu Shakespeare, hay không là người Trung Quốc thì khó mà thấm được Hồng Lâu Mộng, tôi thì nghĩ khác. Không hiểu có lợi thế của không hiểu. Không hiểu thì chỉ đọc thôi, và vui cái niềm vui thuần khiết của việc sống trong một cuộc đời khác.

Giờ thì bạn hãy bỏ lại thế giới này, cởi nó ra như cởi một bộ áo quần, tạm quên nó đi, rồi nhảy ùm vào một thế giới mới của đại dương nơi con cá voi trắng khổng lồ mang tên Moby Dick đang vẫy vùng ngang dọc. Nếu giữ bộ quần áo của thế giới này mà nhảy xuống nước, bạn sẽ thấy vướng víu lắm và không thể nào mặc sức bơi lội trong cuộc hải hành. Hãy nhớ rằng Moby Dick là một cuốn tiểu thuyết về nước, về sự mênh mông của nước, sự miên viễn của cuộc lênh đênh, không có chỗ cho bến bờ, không có thì giờ cho neo đậu.

tieu thuyet Moby dick - elle man 3

Câu đầu tiên của Moby Dick, câu mở đầu kiệt tác của lịch sử văn chương: “Hãy gọi tôi là Ishmael! Nhiều năm trước – chẳng rõ chính xác là bao lâu – khi không một xu dính túi và chẳng còn thứ gì trên cạn hấp dẫn đươc tôi, tôi nghĩ mình sẽ ra khơi và ngắm nhìn nước trên thế giới”.

Để bước vào một chuyến phiêu lưu, người ta bắt buộc phải trần trụi. Không cần biết bạn là ai, chỉ cần bạn đã đến đây. Bạn cũng không cần hiểu con cá voi trắng với cái lưng như núi tuyết ấy, chỉ cần bạn đã đến đây. Nơi con thuyền Pequod, quá khứ của những kẻ tứ chiếng chỉ là một ảo cảnh mờ sương. Ishmael là ai? Hai trăm ngàn từ nối tiếp từ, không ai biết Ishmael là ai ngoài một kẻ đã chán đất liền đến nỗi gương mặt ảm đạm như những người dự đám ma và tâm hồn rả rích như một cơn mưa phùn tháng Mười Một. Còn vị thuyền trưởng thần bí Ahab, những ái ân phù du ngài thả vào hư không, chỉ còn đây ký ức mặc khải về cách con người sấm sét này từng nằm chết ba ngày ba đêm và cách ngài hiến một chân vào miệng con quái thú Moby Dick.

Giữa đại dương mở ra đến vô cùng, những thứ đã từng quan trọng trở nên không còn quan trọng nữa, những lý lịch, hạnh vận, đời tư bị biển khơi nuốt chửng. Dù là con trai chúa đảo hay những tên săn cá, dù là dân da trắng hay lũ mọi ăn thịt người, dù đã già cỗi long răng hay còn chồi tơ mơn mởn, dù dấn thân chỉ vì “muốn ngắm nhìn thế giới” hay vì để trả mối thâm cừu đại hận, tóm lại họ đều ở đây, cưỡi sóng lướt mây, truy tìm con cá trắng thoắt ẩn thoắt hiện, vị thần Nemesis – kẻ tử thù của người thuyền trưởng, và rồi cùng vùi thây nơi nấm mồ nước thăm thẳm bao la. Đó là lý do, trước khi bước vào cõi thiêng của Moby Dick, tôi nói rằng ta hãy cởi bỏ lớp áo phàm, thân phận phàm, hỉ nộ ái ố phàm của mình, nếu không, con cá trắng vĩ đại sẽ không bao giờ trồi lên, không bao giờ.

“Hawthorne thân yêu, Độ tuần nay, tôi đi New York, chôn chân nơi căn phòng trên gác ba, làm việc cật lực như một nô bộc cho con “Cá voi” của mình… Hôm nay trời mưa… Giá có một chút rượu Gin ở đây”.

Một trích đoạn thư mà Herman Melville gửi tới cho người bạn thân, văn hào Nathaniel Hawthorne, cũng là người duy nhất ông đề tặng trên trang đầu cuốn tiểu thuyết Moby Dick. Tôi vẫn thường tưởng tượng Melville ngồi cô độc trong căn buồng nhỏ, ánh nắng hắt vào, hí hoáy viết cuốn kinh thánh của đời mình, không bao giờ biết một mai khi ông chết đi, cuốn sách bị thời đại lãng quên này sẽ phục sinh như Chúa cứu thế sống lại sau khi chết trên cây thập tự.

tieu thuyet Moby dick - elle man 2
Nhà văn Herman Melville

Moby Dick đã bắt đầu thế nào? Nó đã bắt đầu từ một ngày, khi Melville đang ngồi trong ngôi nhà điền dã xinh xinh nằm dưới bóng những tán cây vàng rộm, ông nhìn ra ô cửa sổ và chợt thu vào tầm mắt một ngọn núi phủ tuyết trắng lóa đằng xa, đỉnh Greylock, đỉnh núi cao nhất bang Massachusetts, cái điểm ám ảnh những văn sĩ kịch sĩ muốn lánh đời, cái nơi mà trước đó không lâu, triết gia đích thực cuối cùng trên Trái đất Henry David Thoreau từng trèo lên và mô tả như “một vương quốc của những đám mây nhấp nhô”. Ngọn Greylock khiến Melville liên tưởng ra tấm lưng của một con cá voi vĩ đại đang nhô lên, và đánh thức trong ông đoạn đời lữ hành thời thanh xuân, cái thời mà ông nổi trôi trên những đoàn thuyền săn cá lớn.

Và kìa, ngay cả Melville phi thường cũng chỉ có thể thấy được con cá trắng thần thánh trong phút xuất thần tách khỏi cuộc đời trần thế, vậy thì chúng ta sao có thể thấy cái bóng chờn vờn của nó nếu còn lấn cấn vấn vương với những phồn hoa xám xịt giả tạo của địa giới này.

Con cá của Melville, con cá voi tái sinh, đầu thai từ con Leviathan truyền thuyết đã nuốt chửng Jonah trong tập huyền thư Do Thái, nó là hiện thân của Thượng đế vĩnh hằng. Mà Thượng Đế là gì nếu không phải là tất cả, là cả thiện và ác, là cả những tốt đẹp và xấu xa, là cả cái hữu hạn và cái vô cùng, là cả cái bên ngoài và cái bên trong, là cả tự nhiên toàn bích và bản ngã méo mó của con người.

Đoàn thủy thủ của Pequod đã cắt đứt khỏi sợi dây của đất liền, cắt đứt khỏi đàn bà, khỏi những món ăn ngon, khỏi những mùi hương liệu thơm phưng phức. Rồi những đám ma, những đám cưới, những quán rượu chè chén thâu đêm, những quán trọ nơi đủ loại hạng người gây gổ, những bến cảng đông như nêm và những thị trấn nhốn nháo mà u uất. Họ là những thầy tu của đại dương, với phúc âm là những khúc tráng ca về biển cả, với thần tượng là cái đầu cá dị hình treo lủng lẳng nơi mạn thuyền, với lễ nghi là những lần đồ sát và xẻ cá, và họ sẵn sàng tuẫn tiết, tử vì đạo bằng cách khiêu chiến với con cá nhà táng kinh hoàng.

tieu thuyet Moby dick - elle man 1

Một chiều đọc cuốn tiểu thuyết Moby Dick, tôi bỗng nhớ diết da cách mà chục năm trước đọc truyện Tây Du Ký, mà đoàn thuyền Pequod thì có khác chi thầy trò Đường Tam Tạng tới Tây Trúc thỉnh kinh. Họ cũng rũ bụi hồng trần, cũng trải đủ những kiếp nạn, những kiếp nạn từ bên ngoài, những kiếp nạn từ trong tâm, lặn lội ngàn dặm xa xôi kiếm tìm pho kinh là con thủy quái khốc liệt hành tung bí ẩn. Đối diện con thủy quái ấy, họ sống và chết, thắng và thua, chiến đấu và quy hàng, khao khát và vứt bỏ, trần trụi và hiện hữu, mộng tưởng và suy vi, lạc lối và giác ngộ.

Và như thế, một con cá có thể dạy rất nhiều điều cho một con người giữa vòng luân hồi sinh tử.

Xem thêm:

5 sắc diện cuộc sống qua những cuốn tiểu thuyết kinh điển

10 bài học đắt giá từ “Nhà giả kim”

Bài: Hiền Trang (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)

 

cùng chuyên mục

No more