Thể thao 15/11/2018

Sức hút khó cưỡng của bộ môn vượt chướng ngại vật trong nhà

Bài ELLE Team

Không phải ở đâu và lúc nào cũng có những tòa nhà để bạn tha hồ bay nhảy và vượt chướng ngại vật. Vì lẽ đó mà bộ môn parkour trong nhà đang là một lựa chọn cho những người theo đuổi bộ môn này.

Trước hết, ta hãy điểm qua những khác biệt giữa parkour và chạy tự do. Parkour bắt nguồn từ hoạt động vượt chướng ngại vật trong quân đội, và người đưa ra khái niệm Parkour là Georges Hébert. Parkour cũng chính là cơ sở để ra đời chạy tự do, và người đề xuất là Sebastian Foucan, vốn đi tiên phong trong lĩnh vực parkour. Mục đích của Parkour chính là vượt chướng ngại vật trong quãng thời gian ngắn nhất, và do đó đòi hỏi một sự kết hợp giữa trí lực và thể lực.

Vượt chướng ngại vật trong nhà, tại sao không?
Giữa parkout và chạy tự do không có ranh giới cụ thể (Nguồn: Train Hard)

Khác với Parkour, chạy tự do đề cao tính thẩm mỹ của từng chuyển động. Chuyển động, chứ không phải chướng ngại vật, mới chính là ưu tiên của chạy tự do. Khi chạy, bạn có thể lộn nhào về phía trước, lộn nhào về phía sau, làm vài động tác hip-hop, miễn sao các động tác đó toát lên được cá tính của bạn.

Có thể thấy, xét về mặt động tác, chạy tự do toàn diện hơn Parkour. Nhưng khi xét về mặt mục đích, Parkour lại là môn thể thao đề cao tính kỷ luật và có mục tiêu cụ thể. Còn nếu xét về mặt ngoại cảnh thì sao? Vì Parkour là vượt qua chướng ngại vật, môi trường là yếu tố quan trọng. Những người theo đuổi Parkour cực kỳ ưa thích những thành phố nhà cửa mọc san sát, không đều nhau. Họ sẽ băng qua các toà nhà, bám lên các bờ tường, và thậm chí là trèo lên những ngọn cây. Tuy nhiên, nếu gặp môi trường bằng phẳng, rất khó để những người chơi Parkour trổ hết tài năng bản thân. Chạy tự do thì khác, vì chính bạn mới là mục đích sau cùng. Bất kể bạn chạy ở địa hình nào, chỉ cần bạn có những động tác khiến người khác trầm trồ, bạn là người chiến thắng.

Hai bộ môn trên đã phát triển đến mức ở các thành phố đã có các công viên dành riêng cho việc nhào lộn. Ngoài ra, mô hình chướng ngại vật cũng được phát triển trong nhà. Tính đột biến là điều khó thấy ở những mô hình như vậy, do nó đã được thiết kế mặc định, nhưng bù lại, tính an toàn được đảm bảo. Darryl Stingley là một người thực hành cả hai bộ môn trên, và như đã thấy, khi vượt chướng ngại vật trong nhà, anh ta có thiên hướng đi về chạy tự do hơn là parkour.

Vượt chướng ngại vật trong nhà, tại sao không?
Một ví dụ về sân parkour trong nhà (Nguồn: Rochester Parkour)

Một điểm khác biệt với các mô hình vượt chướng ngại vật trong nhà là những khung kim loại cho phép vận động viên sử dụng đôi tay nhiều hơn để đu bám. Khi bạn chạy trên những toà nhà, ngoài những lần bám tường hay tiếp đất, rất ít khi đôi tay được tận dụng. Tuy vậy ở Việt Nam, những mô hình trong nhà như thế vẫn là điều xa xỉ do yêu cầu cao về kinh phí nên chúng ta chỉ có thể trầm trồ qua những động tác của các vận động viên trong những thước phim. Hy vọng trong tương lai, bộ môn vượt chướng ngại vật trong nhà đầy sức hút này sẽ sớm được phổ biến rộng rãi!

Xem thêm

Parkour có phải là trò chơi mạo hiểm?

Thể thao đường phố Việt và những con người góp phần lan tỏa trào lưu

___

Phúc (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man)

cùng chuyên mục

No more