Công nghiệp thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất hiện nay. Chỉ sau ngành công nghiệp dầu khí, thời trang với quy trình phức tạp của canh tác bông sợi sử dụng thuốc trừ sâu, của công nghệ dệt và nhuộm sử dụng lượng nước lớn cùng với hoá chất gây nguy hại môi trường… Chưa kể tới những bãi rác khổng lồ mà áo quần cũ khó phân huỷ ngày càng chất chồng.
Chính vì vậy, thời trang bền vững được coi là xu hướng thời trang trong tương lai, “bắt buộc” chúng ta phải giảm tải và cứu rỗi bớt gánh nặng môi trường lên mẹ Thiên nhiên. Rất nhiều các ngôi sao tên tuổi, nhà thiết kế thời trang hay fashionista/fashionisto thế giới hưởng ứng xu hướng thời trang này một cách mạnh mẽ. Tại Việt Nam, các nhà thiết kế cũng bắt đầu những động thái ủng hộ thời trang bền vững bằng cách tuyên truyền thông điệp qua những ý tưởng thiết kế, tìm kiếm những chất liệu tự nhiên hay tái chế chất liệu cũ…
Tại ELLE Fashion Show 2017 với chủ đề “Thời trang bền vững” do tạp chí ELLE Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 7/12/2017 sẽ là bước tiến quan trọng đầu tiên trong sứ mệnh thời trang thân thiện môi trường tại Việt Nam. Đêm diễn thời trang là nơi tôn vinh những nhà thiết kế mang ý niệm thẩm mỹ bản thân vào trong thông điệp bảo vệ môi trường, trong số đó là hai nhà thiết kế Trương Thanh Hải và Võ Công Khanh. Hai con người, hai tôn chỉ thời trang trái ngược nhau, nhưng đều có điểm chung là tìm tòi và nỗ lực để kết hợp những ý tưởng thiết kế trong thông điệp bảo vệ môi trường.
Hãy cùng ELLE Man lắng nghe những chia sẻ của hai nhà thiết kế này về xu hướng thời trang bền vững hiện nay.
Chào hai anh! Hai anh nghĩ như thế nào về thời trang bền vững?
Trương Thanh Hải (TTH):
Tôi đã biết đến concept này cũng được một thời gian khi còn ở nước ngoài, và thật sự rất thích thú với hướng đi này. Khi nhắc đến thời trang bền vững, người ta sẽ nghĩ ngay đến chất liệu, nhưng nó không phải là duy nhất. Thời trang bền vững còn bao hàm cả quy trình sản xuất giảm thiểu tác hại đến con người và môi trường cũng như ý thức người dân trong việc sử dụng các sản phẩm may mặc.
Võ Công Khanh (VCK):
Vốn dĩ trước đây tôi không quan tâm nhiều lắm đến thời trang bền vững hay chú trọng những chất liệu từ thiên nhiên vì nó không gây cho tôi nhiều cảm xúc trong các ý tưởng thiết kế. Nhưng dạo gần đây, thời trang bền vững đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ từ các nhà mốt quốc tế đến trong nước đã khiến tôi phần nào suy nghĩ lại. Đặc biệt trong một lần công tác gần đây, tôi được tiếp xúc với chất liệu thuần thiên nhiên từ cây tre, vỏ chuối… đã tạo cho tôi nhiều ấn tượng. Vậy nên trong các BST tương lai, tôi chắc chắn sẽ cho vào những chất liệu độc đáo này.
Anh nhận định như thế nào về mối quan hệ giữa ngành công nghiệp thời trang và tình trạng môi trường sống hiện tại?
TTH:
Con người đang sống trong một kỷ nguyên thời trang hết sức phong phú với sự xoay chuyển mạnh mẽ và liên tục của các xu hướng, tuy nhiên con người dường như đã bỏ quên yếu tố môi trường trong thời trang, đặc biệt là khi hiện nay đang trong tình trạng đáng báo động. Hẳn bạn đã biết thời trang là ngành công nghiệp ảnh hưởng rất nặng nề đến môi trường, chỉ đứng thứ 2 sau công nghiệp xăng dầu. Đây là thời điểm cấp thiết để chúng ta nhận định lại việc ăn mặc cũng như lối sống bản thân đã phù hợp với môi trường sống hay chưa, cũng như phải đặt ra giới hạn của sự phát triển của thời trang.
VCK:
Đúng là thời trang ảnh hưởng rất nặng nề tới môi trường hiện nay, bánh xe thời trang đang xoay vòng nhanh hơn khi nào hết với sự lên ngôi và thoái trào liên tục của những xu hướng để làm thoả mãn khách hàng, điều đó khiến mẹ Thiên nhiên ngày càng gánh chịu những hậu quả thật năng nề. Tuy nhiên với những nhà thiết kế đặt nặng tiêu chí thẩm mỹ và sự phá cách, đây là một vấn đề nan giải vì nếu hạn chế sự phát triển của thời trang thì cũng chí là “án tử” cho những ý tưởng.
Anh nghĩ rằng thị trường Việt Nam hiện nay có phù hợp để phát triển thời trang bền vững thân thiện với môi trường không?
TTH:
Hiện tại có lẽ thị trường Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu cũng như quy trình sản xuất gặp nhiều trở ngại, điều đó làm giá thành sản phẩm khá cao. Tuy nhiên với động thái chung của các nhà mốt thế giới và của Việt Nam, hy vọng rằng trong tương lai chúng ta sẽ tạo được một quy trình sản xuất khép kín để tạo ra một sản phẩm chất lượng có giá hợp lý. Bên cạnh đó, việc phổ cập tầm quan trọng của thời trang bền vững đến các khách hàng, đó là một điều mà những nhà thiết kế Việt Nam cần chú trọng hiện nay nếu muốn tiến xa tiến bền vững. Điều đó tuỳ thuộc vào cách thể hiện của mỗi nhà thiết kế và nhà mốt!
Cũng hy vọng, khi nhận thức của mọi người về môi trường đủ chính chắn thì họ sẽ tiếp cận và sử dụng thời trang khác đi, sẽ chú trọng hơn vào những sản phẩm thân thiện môi trường để cho vào tủ đồ của mình.
VCK:
Trước đây, các khách hàng thời trang thường tách bạch yếu tố thời trang ra khỏi môi trường, và ngay cả bản thân tôi dạo gần đây mới bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này nên thời trang bền vững tại Việt Nam hiện nay cần một chặng đường rất dài để đi, nói thẳng ra là rất khó khăn. Những rào cản đó đến từ giá thành sản phẩm cũng như sự khan hiếm và không đa dạng trong nguyên vật liệu. Nhưng vì đây là xu hướng, tôi nghĩ với động thái thay đổi và nỗ lực của bản thân cũng như những nhà thiết kế khác thì sẽ tác động được đến các khách hàng.
Riêng bản thân mình, bên cạnh chất liệu denim chủ đạo, tôi vẫn chú trọng tìm đến những chất liệu sợi tơ tằm, lụa thủ công, sợi gai. Vì chất liệu lụa thủ công thường dễ bị sờn rách nên khách hàng Việt không mấy hào hứng. Tôi giải quyết vấn đề này bằng cách pha trộn với chất liệu cotton để tăng độ bền và tính đàn hồi, tuy không thể gọi đây là chất liệu thuần nhân tạo nhưng cái gì cũng có những bước đi ban đầu để thay đổi dần nhận thức của họ.
Bên cạnh đó tôi nghĩ thời trang bền vững sẽ có nhiều sân chơi hơn trong địa hạt thời trang nam giới, vì thời trang nam giới thường không có nhiều thay đổi trong xu hướng từng năm, nó cơ bản và “lâu dài” hơn so với nữ giới do vậy điều các bạn cần quan tâm là chất liệu bền và màu sắc trung tính, đây là hai yếu tố thời trang bền vững có thể đáp ứng.
Là một trong những nhà thiết kế hưởng ứng thời trang bền vững, những BST sau này của anh sẽ có hướng đi như thế nào?
TTH:
Khi nói đến thời trang bền vững tôi nghĩ ngay đến thời trang đường phố, những thứ đòi hỏi phải mang tính ứng dụng và độ bền cao. Đồng thời phải liên kết những thiết kế với nguồn cội của dân tộc, chúng ta không thể cứ mãi chạy theo các xu hướng của nước ngoài mà phải tạo ra một cái gì đó riêng biệt cho người Việt. Tôi sẽ chú trọng vào chất liệu, những chất liệu có nguồn gốc thiên nhiên và quen thuộc với người dân như linen, cotton hay đũi. Thiết kế của thời trang bền vững theo tôi sẽ là sự phản ánh lối sống của bản thân, một lối sống “Zen” tối giản để khi khách hàng khoác lên người sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng thân thiệt với môi trường thiên nhiên.
Như anh đã nói, thời trang từ vật liệu tự nhiên sẽ có giá thành khá cao, vậy làm làm sao để xu hướng này thật sự hiệu quả với những khách hàng phổ thông?
TTH:
Đây đúng là thách thức với các nhà thiết kế cũng như rào cản của những khách hàng muốn tiếp cận xu hướng này. Nhưng như tôi cũng đã nói, điều quan trọng chúng ta cần làm là giúp mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ mật thiết giữa thời trang và thiên nhiên, bên cạnh đó thời trang bền vững nên là những sản phẩm mang phom dáng cơ bản, sắc màu trung tính, thân thiện và có độ bền khá cao, xét về khía cạnh lâu dài thì đây là một hướng đi tài chính hiệu quả. Vậy nên khi hai vấn đề này được giải quyết thì người tiêu dùng chắc sẽ chẳng thể chối từ!
VCK:
Tôi nghĩ rằng trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng gắn liền với chất liệu denim qua hình ảnh những chiếc quần jeans, áo khoác jean. Riêng bản thân tôi có niềm đam mê mãnh liệt với chất liệu này, hiện tại tôi sẽ chưa nghĩ đến những chất liệu thân thiện môi trường có giá thành khá cao mà sẽ tập trung tái chế chất liệu denim chủ đạo cùng với những chất liệu thuần tự nhiên khác để “tái sinh” những điều đã cũ trong hình hài mới. Tuy không thể gọi đây là thời trang bền vững đúng nghĩa nhưng tôi nghĩ hướng đi của tôi là điều thiết thực hiện tại vì cũng giúp kéo dài vòng đời sản phẩm lên rất nhiều. Đó là hướng đi của bản thân để đem lại “luồng gió mới” cho chất liệu mật thiết với cuộc sống chúng ta.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của hai anh!
—
Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man
Bài: Đức Nguyễn – Hình ảnh: Trọng Đức