Trước đây giày thể thao thường được dùng cho các hoạt động thể thao hoặc đâu đó người ta thường thấy những anh chàng hip-hop bước vào cửa hàng công cộng với những đôi sneaker bụi bặm. Nhưng chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, đi cùng trào lưu streetwear, giày thể thao là một cơn sốt khuất đảo trên mọi ngóc ngách đời sống chúng ta. Giày thể thao sneaker đã có mặt khắp mọi nơi từ phòng tập, từ đường phố cho đến chốn công sở. Chúng trở thành một xu hướng thời trang dành cho giới trẻ trên khắp thế giới và không chỉ riêng nam giới, cả phụ nữ cũng dần ưa chuộng giày thể thao hơn.
Điều gì đã tạo nên “cơn sốt” giày thể thao trong giới thời trang?
Có thể nói rằng mạng xã hội hiện nay là một trong những phương tiện truyền thông giúp một xu hướng trở thành trào lưu toàn cầu nhanh nhất và giày sneaker cũng thế. Chúng bắt nguồn từ nhiều hướng, điển hình như từ những ngôi sao nổi tiếng ứng dụng giày thể thao trong phong cách ăn mặc của họ. Hay tại những tuần lễ thời trang, các fashionista và fashionisto mang chúng gần hơn với những xu hướng streetwear. Và đâu đó là hàng trăm cách phối quần áo cùng với giày thể thao trên mạng xã hội… Tất cả đã góp phần tạo nên một trào lưu giày thể thao hiện nay.
Sự góp tay PR từ các thương hiệu thời trang lớn
Có một sự thật rằng những đôi giày thể thao sneaker đang là một trong những thị trường béo bở đáng để đầu tư nhờ vào sức tiêu thụ khổng lồ của các thế hệ Millennial và thế hệ Z. Khi những thương hiệu giày thể thao chính thống như Nike, adidas, Puma hay Under Armour đang đua nhau phát triển công nghệ đế để nâng tầm chất lượng của sneakers, các thương hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Prada hay Balenciaga… cũng “nhúng tay” vào thị trường giàu tiềm năng này. Có thể nói, các thương hiệu thời trang cao cấp đã góp phần không ít trong việc thổi phồng trào lưu giày thể thao đến với giới trẻ. Họ xây dựng hình ảnh của những thanh niên thời thượng sử dụng những đôi sneaker vào những dịp trước đây hiếm khi thấy được hình bóng của sneaker như tại công sở, những buổi tiệc sang trọng hay sự kiện đặc biệt.
Một trong những xu hướng mà các thương hiệu thời trang cao cấp đã gây dựng thành công đó chính là xu hướng “dad shoes”, khi giới trẻ háo hức săn lùng những mẫu giày với thiết kế giống như giày của những ông bố thời xưa. Đã có những báo cáo các sản phẩm này vừa tung ra đã cháy hàng bởi nhu cầu rầm rộ của giới trẻ.
Nói đến sự phổ biến của giày sneaker trên thị trường thời trang, giám đốc điều hành của Neiman Marcus, Bruce Pas chia sẻ: “Giày sneakers không còn là một xu hướng thời trang mà nó đã được phân loại thành một dòng sản phẩm không thể thiếu cho bất kỳ nhãn hàng nào”. Tuy nhiên, trong khi cả thế giới đang trở thành fan hâm mộ cuồng nhiệt của sneakers thì đâu đó có những chuyên gia đã dự báo về chặn đường kế tiếp của những đôi giày thể thao. Người cho rằng thị trường lý tưởng này sẽ tiếp tục với có nhiều tiềm năng trong tương lai, nhưng số khác đã nhìn thấy một hồi kết mập mờ của chúng.
Trào lưu thời trang giày thể thao: Có bùng phát sẽ có kết thúc?
Dường như chúng ta có thể nhìn thấy được độ tràn lan của giày thể thao xuất hiện cùng với nhiều phong cách khác nhau, ngay cả suit cũng có thể kết hợp với sneaker, phụ nữ mặc đầm cũng mang sneaker… sneaker xuất hiện mọi nơi. Chính vì thế, diễn biến của trào lưu này đang thể hiện giống như những trào lưu thời trang trước đây, sớm nổi và cũng chóng chìm.
Điển hình như Vanessa Friedman đã có dự đoán “không mấy tốt đẹp” về thị trường giày sneakers trong tương lai, bà là một trong những nhà bình luận có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang nữ giới của toà soạn báo The New York Times. Friedman cho biết: “Sự phổ biến của những đôi giày sneaker giờ đây giống như những bông hoa tulip của Hà Lan, như một quả bóng đang chầu chực nổ”. Có thể nói rằng những đôi giày thể thao thuộc dòng thời trang xa xỉ là những sản phẩm hái ra tiền của các thương hiệu cao cấp khi chúng đang là xu hướng thịnh hành hiện nay. Song, những ai hiểu biết về ngành công nghiệp thời trang sẽ đoán trước được đặc điểm “vòng đời” của một xu hướng thời trang diễn ra như thế nào, nó trở nên rầm rộ khắp nơi nhưng rồi người tiêu dùng sẽ nhanh chán và dần lãng quên chúng.
Tuy nhiên, đối với Charlie Casely-Hayford, một nhà thiết kế thời trang và thường được bình chọn trong danh sách những người có gu ăn mặc thẩm mỹ, cho rằng thị trường này vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai. Theo quan điểm của anh, đàn ông thường sẽ không chạy theo xu hướng và thay đổi phong cách liên tục như phụ nữ, họ có thói quen mua sắm theo “bầy đàn” của họ. Đa số đàn ông thường quan sát xung quanh đồng nghiệp, bạn hữu đang mặc gì và bắt chước theo. Điều đó có nghĩa rằng thị trường giày thể thao sneaker có thể xem là vẫn “an toàn” trong tương lai. Hay ít ra là đối với địa hạt thời trang nam giới thì giày thể thao nói riêng và thời trang đường phố nói chung vẫn sẽ phát triển ổn định. Đây có phải cũng là lý do vì sao mà những thương hiệu thời trang đang đẩy mạnh cho mảng thời trang nam hay không? Để hiểu thêm về luồng ý kiến này, hãy đọc bài viết:
Thời trang thế giới sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi nam giới trong tương lai?
Quay lại với việc Hayford có thể tự tin khẳng định như vậy bởi anh là nhà thiết kế chuyên kết hợp các đôi giày sneaker như Reebok Classics và dòng giày Nike Air Force 1s cho những bộ trang phục suit nam của mình.
Ngoài ra, Dan Bisson, biên tập viên chuyên mục dự đoán xu hướng giày và phụ kiện của WGSN cũng tin rằng vẫn còn nhiều tiềm năng đối với thị trường sneaker: “Một hay hai năm trước có lẽ tôi sẽ cùng quan điểm với Friedman. Những đôi giày thể thao có thể sẽ kết thúc đối với thị trường thời trang cao cấp, nhưng đối với thị trường giày sneaker nói chung thì xu hướng này đã nâng nó lên một tầm cao mới”. Bisson tin rằng sự cải tiến trong công nghệ sẽ là chìa khoá giúp các thương hiệu lớn như Nike, Reebok, New Balance và adidas tiếp tục “truyền lửa” cho thị trường này. Cụ thể, dòng Speedfactory của thương hiệu adidas được làm hoàn toàn từ quy trình kỹ thuật số tự động và nhắm sẽ làm cho ra thị trường khoảng một triệu đôi trong năm 2020. Ông chia sẻ thêm: “Những đôi giày thể thao sneaker hiện nay có phần ảnh hưởng bởi những thương hiệu thời trang xa xỉ từ màu sắc, chất liệu và chi tiết. Kể cả những đôi giày truyền thống cũng dần “tiếp thu” chúng. Điều đó có nghĩa rằng không chỉ riêng thị trường giày thể thao, ngành công nghiệp giày nói chung cũng sẽ trở nên thú vị hơn bao giờ hết”.
Với làn sóng “bình thường hóa” sneaker vào mọi thứ, nhiều người đang lo về những “mất mát” mà nó mang đến. Như một trong những buổi hội thảo tại New York nói về điều này, blogger Simon Crompton của Permanent Style đã đặt câu hỏi rằng: “Liệu điều gì sẽ xảy ra khi xã hội không còn ranh giới rõ ràng giữa các phong cách thời trang?” Khi sự phát triển của những đôi giày thể thao có thể lấn sang phạm trù của những bộ suit may đo, liệu chúng có phá đi hình ảnh chỉn chu, lịch sự mà thời trang may đo mang lại?
Nếu nhìn về lịch sử thời trang nam giới, chúng ta có thể thấy những dòng chảy xu hướng một cách rõ ràng hơn, chúng đến rồi đi và có thể sẽ quay lại một lần nữa như xu hướng “dad shoes”. Điều thú vị chính là những đôi giày mang xu hướng “dad shoes” hiện nay đã có đôi chút khác biệt để thích ứng với thị hiếu của người hiện đại. Và sự phát triển của thời trang ngày nay cũng thế. Những đôi giày thể thao trở nên ngày một chỉnh chu, hoàn thiện về thiết kế lẫn chức năng hơn để có thể phù hợp với những phong cách khác nhau. Điển hình như những thương hiệu thời trang như Berluti, Brunello Cucinelli và Ermenegildo Zegna là ví dụ cho sự kết hợp chi tiết thể thao với các thiết kế may đo của họ mà không làm giảm đi sự tinh tế của trang phục may đo.
Trong tương lai, cũng có thể sự xuất hiện khắp mọi nơi sẽ khiến trào lưu giày thể thao sớm bị các tín đồ thời trang quay lưng như những trào lưu thời trang khác. Nhưng đâu đó những đôi giày sneaker của Gucci hay Stan Smiths vẫn đang ung dung sánh ngang hàng với những đôi giày truyền thống Oxford từ trước đến nay.
Xem thêm:
Khi thời trang cao cấp làm sneaker: Đã đủ tầm “đe dọa” các ông lớn thể thao?
Thời trang đường phố Việt Nam – Liệu cuộc chơi đã có bản sắc?
—
Bài: Hãn Hào (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, hình: Tổng hợp. Nguồn tham khảo: Mr Porter, D’Marge, Forbes, QZ)