Thú chơi 25/10/2015

Phạm Trung và tình yêu với gốm sứ cổ

Bài Trúc Đoàn

Được đào tạo và làm việc toàn thời gian trong lĩnh vực hàng không nhưng may nhờ… hội ngộ nên tìm được duyên mới là mỹ thuật cổ. Những gốm sứ, điêu khắc, áo mão cân đai của người xưa khiến Phạm Trung mê mẩn khi nhận ra phần hồn của từng hiện vật chính là cái đẹp đã được chuyển giao từ bao thế hệ.
pham trung va thu suu tam gom su co
Chân dung Phạm Trung

Hẳn có lúc Trung từng bị gọi là “kẻ gàn” bởi môn chơi cổ ngoạn có vẻ như không thuận mắt thuận tai lắm ở một người thế hệ 8X như Trung?

Nếu mua một chiếc xe hơi đắt tiền, không chỉ người thân trong gia đình, đồng nghiệp, cả những người được coi là trí thức sẽ ấn định… mình là một thằng thành đạt trong mắt họ. Còn nếu mua cái bình cổ, hay một tác phẩm mỹ thuật có giá trị tương đương chiếc xe hơi, cũng chính những người ấy sẽ nói tôi điên khi bỏ ra một giá trị lớn để thu về thứ chẳng khác gì ve chai trong mắt họ. Thực tế đó luôn xảy ra quanh tôi. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là nền tảng về giáo dục, văn hóa, lịch sử… thứ vốn quý của người Việt xưa mà nay đang bị lu mờ bởi vật chất, những bon chen thời cuộc và các giá trị tầm thường.

Có cơ hội tiếp cận môi trường tư vấn nghệ thuật trong nước cũng như với các nước khác trong khu vực, Trung rút ra kinh nghiệm hoặc có điều gì khác khiến bạn suy nghĩ?

Tôi nhận ra người Việt xưa đã có những hiện vật mang đầy đủ tính thiết kế, ứng dụng, mỹ thuật trong tạo hình lẫn hoa văn trang trí và công năng sử dụng đứng đầu khu vực kể từ ngàn năm trước, đó là các hiện vật gốm sứ cổ qua các niên triều Lý – Trần – Lê… làm rạng danh gốm Việt cổ trên bản đồ gốm sứ thế giới. Đến hôm nay, nghề làm gốm vẫn tồn tại, nhưng tính sáng tạo thì giậm chân tại chỗ, thậm chí là thụt lùi so với các nước trong khu vực. Lấy một so sánh gần gũi, ngành gốm sứ cổ của người Thái nổi tiếng ở thế kỷ XV có dòng gốm Sukhothai và Sawankhalok, cùng thời kỳ với dòng gốm Chu Đậu của Việt Nam lúc ấy đã xuất khẩu sang châu Âu. Còn bây giờ, người Thái đang đứng đầu khu vực và vượt xa chúng ta từ mỹ thuật cho đến các lĩnh vực mang tính ứng dụng cao như kiến trúc, thiết kế công nghiệp… Tôi nghĩ họ có được điều đó là nhờ nền tảng căn bản về văn hóa, giáo dục, và một sự dẫn dắt đúng đường hướng đạo đức – yếu tố then chốt tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Với bạn, giá trị cốt lõi của một sản phẩm mang tính sáng tạo nằm ở khía cạnh nào?

Điều vĩ đại của sản phẩm sáng tạo không cứ phải đẹp, bền, cầu kỳ, mà quan trọng hơn là tầm vóc của sản phẩm cũng như xu hướng thị trường nghĩ và đón nhận thế nào với sản phẩm đó. Nhà thiết kế người Ý Francesco Cappuccio người thầy dạy tôi biết tầm quan trọng của công việc sáng tạo chính là tính kỷ luật và tầm nhìn – đã từng chia sẻ quan điểm về sự thành công của chiếc ghế sắt ống được sản xuất công nghiệp theo trường phái Bauhaus ở Đức từ trước Thế chiến II và đến giờ người ta vẫn tiêu thụ với số lượng chóng mặt.

pham trung va gom su co
Khi tìm được một tác phẩm nghệ thuật chất lượng, một hiện vật độc đáo, tôi nghĩ ngay đến chuyện tìm vị trí phù hợp và một chủ nhân xứng đáng

Đồ

Đam mê sưu tầm, tìm hiểu văn hóa xưa, rồi chuyển sang nghiên cứu về thiết kế công nghiệp, điều đó khó hay dễ?

Nền tảng về văn hóa, mỹ thuật cổ giúp tôi tiếp cận những cái mới của mỹ thuật hiện đại dễ dàng hơn nhiều. Cơ hội học tập và nghiên cứu cùng những tên tuổi quen thuộc của mỹ thuật đương đại như nhà thiết kế Francesco Cappucio (Ý), nghệ sĩ đương đại, nhà khoa học Nikola Uzunovski (Maccedonia) ở học viện Accademia Italiana (Florence, Ý) giúp tôi có những suy nghĩ mang tính logic, khoa học, nối kết giữa cổ điển – hiện đại, hơn là tư duy, nghiên cứu theo một chiều. Cụ thể là tôi có thể dùng nền tảng cái đẹp của cổ xưa để phát triển thành cái mới, sáng tạo trong thiết kế, cấp tiến hơn trong chế tác như dự án làm gốm ở Bát Tràng mà tôi đang thực hiện, sử dụng đường nét truyền thống kiểu Nhật nhưng sản phẩm (bình trà, bình sake, tách…) mang đầy các yếu tố thiết kế hiện đại.

Hầu hết các nhà sưu tập đều có tư duy sở hữu, thậm chí là giấu biệt những hiện vật mình có được để “tự sướng”, còn với nhà tư vấn nghệ thuật như Trung thì sao?

Tôi là người ưa thích tìm kiếm, nhưng không thích sở hữu. Khi tìm được một tác phẩm nghệ thuật chất lượng, một hiện vật độc đáo, tôi nghĩ ngay đến chuyện tìm vị trí phù hợp và một chủ nhân xứng đáng, có thể thông qua một gallery ở Hong Kong hoặc các trung tâm nghệ thuật ở New York, mục đích để càng nhiều người có cơ hội tiếp cận, chiêm ngưỡng và tìm hiểu vẻ đẹp ấy, tôi càng cảm thấy thỏa mãn. Và riêng với các hiện vật sưu tầm mang văn hóa Việt, tôi nghĩ đó là cách phù hợp để quảng bá nét tinh hoa của người Việt ra với bạn bè quốc tế. Một trong những dự án tôi cảm thấy hài lòng là không gian trưng bày BST cổ vật và nghệ thuật Việt ở khách sạn sang trọng The Siam tại Bangkok, thông qua sự hợp tác với dòng họ Sukosol danh giá. BST này được giới chính khách, các nhà tài phiệt, ngôi sao ca nhạc, điện ảnh rất tán thưởng.

Cảm ơn bạn rất nhiều.

Bài: Nguyễn Đinh – Ảnh: NVCC

No more