Thú chơi 13/05/2014

Thăm núi lửa Bromo khi du lịch Indonesia

Bài

Đứng bên mép vực sâu hun hút, mặt đất thỉnh thoảng lại rung lắc sau những tiếng gầm gừ phát ra từ lỗ đen khổng lồ to như sân bóng sâu phía dưới. Từng vệt khói nặng mùi lưu huỳnh phả lên, gió lồng lộng thổi, tạo cảm giác lạnh sống lưng trong hành trình du lịch Indonesia và trải nghiệm kỳ quan thiên nhiên trên miệng núi lửa Bromo (Indonesia).

Nằm trong vành đai núi lửa Thái Bình Dương, xứ vạn đảo Indonesia hiện đang có đến 147 núi lửa, 127 trong số đó vẫn đang hoạt động và có khả năng phun trào bất cứ lúc nào. Ở phía Đông đảo Java, cách thành phố lớn thứ hai của Indonesia là Surabaya khoảng 5 giờ xe chạy sẽ đến được Bromo, một núi lửa vẫn đang hoạt động âm ỉ. Bromo từng được CNN chọn là một trong 50 kỳ quan thiên nhiên, là điểm đến đầy hấp dẫn, đậm chất khám phá, phiêu lưu mạo hiểm với những trải nghiệm về cảnh quan ngoạn mục, đan xen với huyền thoại gắn liền cùng đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người bản địa sống kề miệng núi lửa Bromo.

Tôi biết đến hình ảnh đầu tiên về núi lửa Bromo thông qua bộ ảnh Con người, Núi non và Biển cả của Rony Zakaria, bạn đồng học và cũng là nhiếp ảnh gia tự do hiện sống tại Jakarta, Indonesia, với những cảnh đẹp đầy huyền ảo của đỉnh Bromo và đời sống đậm sắc màu văn hóa của cộng đồng người theo đạo Hindu ở làng Tengger dưới chân núi Bromo, trong lễ hội Yadnya Kasada, diễn ra vào ngày trăng rằm của tháng Kasada theo lịch Hindu (tương đương tháng 7 dương lịch).

Để đến được Bromo, chúng ta phải vượt qua dãy núi Tengger – gồm năm ngọn núi: Bromo, Batok, Kursi, Watangan và Widodaren trong công viên quốc gia Bromo Tengger Semeru. Phương tiện khả dĩ nhất là xe máy hoặc xe Zeep vì cung đường núi này thật không dễ chịu chút nào với những con dốc đứng và khúc quanh đầy hiểm trở. Tuy vậy, núi lửa Bromo đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Indonesia hiện nay.

Tên gọi núi lửa Bromo bắt nguồn từ tên vị thần sáng tạo Brahma trong Hindu giáo. Nguyên do gọi Bromo vì theo cổ ngữ của Indonesia, tất cả các âm “a” khi phát âm đều biến thành “o”. Và người Hindu giáo ở Java quan niệm núi lửa Bromo chính là ngôi nhà nơi thần Brahma trú ngụ. Việc núi lửa Bromo phun trào nham thạch, tro bụi chính là nguồn sống, nguồn dinh dưỡng giúp cho đất đai của người Hindu giáo Tengger thêm màu mỡ. Người dân cũng tin rằng họ do là con của thần Brahma, nên thần sẽ bảo hộ người dân của thần bình an trước các đợt phun trào mỗi khi Bromo trở nên giận dữ.

Từng bước chân chinh phục Bromo như một chuyến ngược về quá khứ để nghe truyền thuyết rằng: Ngày xưa, ở làng Tengger dưới chân núi Bromo có đôi vợ chồng Roro Anteng và Joko Seger sống với nhau đã lâu nhưng không có con, họ lên núi cầu nguyện và nghe tiếng nói vọng xuống, nếu đồng ý hiến tế người con út, thì thần sẽ ban cho họ con cái, và cuộc sống thịnh vượng. Hai vợ chồng đồng ý, và có được với nhau 25 người con, nhưng đến thời gian hiến tế, hai vợ chồng đem cả gia đình đi trốn khiến ngọn núi lửa nổi giận, phun trào nham thạch, cuốn đi đứa con út. Cả gia đình đau khổ, nhưng khi ấy họ nghe tiếng người con út vọng lại rằng đừng than khóc, vì cậu đang có một cuộc sống hạnh phúc ở nơi đất mới.

Từ đó hàng năm, lễ hội Yadnya Kasada là dịp để người Hindu trong vùng lên núi hiến tế, cầu bình an, và cũng cầu cho ngọn núi đừng nổi cơn thịnh nộ. Có cao độ 2.392 mét so với mực nước biển, núi lửa Bromo nằm giữa một biển cát đen mênh mông, hậu quả của những lần phun trào nham thạch trước đó, khiến cho hành trình càng tiến gần đến chân núi lửa, dễ có cảm giác như đang lạc vào một hành tinh xa lạ vừa trải qua cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Với người Hindu giáo ở Java, ngôi nhà của vị thần Brahma – ngọn núi thần Bromo chính là nơi hành hương cầu an lành, còn với những lữ khách, ngọn núi lửa ấy là điểm đến để chinh phục và bổ sung vào hành trình rong ruổi của mình thêm một khám phá mới.

Đến với Bromo

– Từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, hàng ngày Singapore Airlines và Silk Air đều có chuyến bay thẳng đến Surabaya, Indonesia.

– Trung tâm Núi lửa và Giảm thiểu nguy hiểm địa chất luôn theo dõi tiến trình hoạt động của Bromo để đưa ra những cảnh báo kịp thời, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.

– Khi chinh phục Bromo, bạn nên trang bị thêm khẩu trang và kính mát để tránh các đợt gió bụi thường xuyên xuất hiện ở vùng thung lũng dưới chân núi Bromo.

 

Một số hình ảnh về Bromo:

 

Biển cát đen ở chân núi Bromo ở Indonesia
Biển cát đen với diện tích hơn 5.000 hecta dưới chân núi Bromo
Cung đường núi hiểm trở trên dãy Tengger ở Indonesia
Cung đường núi hiểm trở trên dãy Tengger

 

Người Hindu giáo l73 làn  Tengger, Indonesia
Ngựa là phương tiện giao thông chính của người Hindu giáo ở làng Tengger

 

Đời sống của người Hindu ở Bromo, Indonesia
Gian hàng bán hoa và lễ vật dành cho người Hindu cúng tế

 

Ngựa là phương tiên di chuyển chính để đến Bromo

Đa phần du khách khi đến chân núi Bromo thường chọn giải pháp thuê ngựa vượt qua biển cát đen với giá đi và về 15 đôla Mỹ.

 

Nghỉ dọc đường khi du lịch Indonesia và đến thăm núi lửa bromo
Phút nghỉ chân của người và ngựa ở lưng chừng núi Bromo

 

Đường đến núi lửa Bromo ở Indonesia
Gió kèm theo cát đen rất mịn là một nỗi ám ảnh trong hành trình chinh phục Bromo

 

Bậc thang dẫn lên miệng núi lửa Bromo
Để đảm bảo an toàn, 245 bậc thang được xây dựng kiên cố nối lên miệng núi lửa

 

Du lịch Indonesia và ngắm núi lửa Bromo

Sau mỗi tiếng gầm gừ rung chuyển nham thạch, từng đợt khói trắng không ngớt trong lòng núi phun ra

 

Cảnh quan nhìn từ miệng núi lửa Bromo ở Indonesia
Cảnh quan nhìn từ miệng núi lửa Bromo
Du khách có thể cưỡi ngựa khi đến vùng núi Bromo ở Indonesia
Dịch vụ cho thuê ngựa ở Bromo là cách người dân ở đây có thêm thu nhập từ khách du lịch.

 

Xem thêm: Hành trình trekking điên rồ nhất tại Indonesia 

xem thêm

No more