Thú chơi 01/10/2015

Tộc Leather và người mở đường cho đồ da handmade

Bài Trúc Đoàn

Là một trong những người khởi xướng phong trào làm đồ da handmade tại Việt Nam, tự do, phóng khoáng, bụi bặm và khá nghệ sĩ, Nguyễn Hữu Hoàng đã thổi hồn vào những sản phẩm da thủ công và tạo nên thương hiệu Tộc Leather cho riêng mình.
toc leather hoang nguyen
Tộc Leather

Cơ duyên nào đưa anh đến với đồ da?

Lúc trước tôi hay xem phim về các chiến binh và rất thích những đôi sandals bằng da. Vì không có điều kiện mua nên tôi bắt đầu nghĩ đến việc sẽ tự làm chúng. Tôi tìm hiểu về da và may mắn mua được một ít da vụn. Những đôi giày đầu tiên được bạn bè khen, tôi thử may túi và tiếp tục được nhiều người ủng hộ.

Đa phần tôi tự tìm hiểu các giáo trình của nước ngoài, lên youtube xem cách may sản phẩm và học theo video hướng dẫn. Cứ mỗi ngày tôi lại làm, lại tìm hiểu rồi thấy công việc luôn luôn đổi mới, luôn luôn thú vị. Thế là tôi không ngừng mày mò để tạo ra những chiếc túi có công năng khác nhau, trước mắt là để thỏa mãn sở thích của bản thân, mình muốn cái gì thì mình làm cái đó, rồi dần dần mới xây dựng thương hiệu Tộc.

Là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trào làm đồ da, thời gian đầu anh có gặp nhiều khó khăn?

Khó khăn lớn nhất chính là vật liệu và dụng cụ, đặc biệt là chỉ. Khi mới bắt đầu, tôi đã định hướng sẽ sử dụng loại chỉ tốt nhất, đúng tiêu chuẩn như các tài liệu hướng dẫn. Tuy nhiên, khi đó ở Việt Nam không bán loại chỉ đúng với mong muốn của mình, mà nếu có thì giá rất mắc. Còn các dụng cụ như đục, kim khâu… hầu hết là hàng Trung Quốc, chất lượng không được tốt, gây cho mình khá nhiều khó khăn trong quá trình làm việc. Sau này tôi tìm hiểu các website và shop bán dụng cụ làm đồ da ở nước ngoài thì mua được sản phẩm tốt hơn.

Tại sao anh lại chọn cái tên Tộc cho thương hiệu của mình?

Tôi là người Buôn Ma Thuột. Ở chỗ của tôi, những người không phải dân tộc Kinh thường được gọi là “tộc”, họ ăn ăn mặc khác biệt, để tóc dài, da đen… Sản phẩm của tôi cũng khác biệt như vậy, hơi bụi bặm, phóng khoáng, chủ yếu đi theo phong cách lính và khá hầm hố, vì vậy tôi chọn tên Tộc. Nhưng sau này mọi người lại hiểu theo nghĩa là “hoàng tộc” tại vì giá cao quá (cười), từ Tộc lúc này lại có ý chỉ sản phẩm sang trọng và tinh tế.

toc leather work space
Hoàng Nguyễn và không gian làm việc do anh tự tay decor
toc leather khong gian lam viec
Chất cổ điển pha một chút bụi bặm thể hiện trong chính phong cách sống của Hoàng Nguyễn

Nhiều người vẫn chọn đồ da cho phong cách bụi bặm, và anh cũng vậy. Có phải vì tính chất của đồ da phù hợp với phong cách này?

Đồ da rất bền. Nó được sử dụng trong quân đội để làm dây đeo súng và các vật dụng khác, nhưng không hẳn vì thế mà nó phải theo phong cách bụi bặm. Tổ tiên chúng ta vẫn mặc đồ bằng da thuộc, những người quyền quý vẫn thể hiện quyền lực bằng áo choàng da hổ, báo. Đồ da được xem là trang phục sang trọng của giới quý tộc. Tôi chọn phong cách này vì tôi thích thế.

Điều gì khiến cho Tộc trở nên khác biệt và có được vị trí riêng trong giới làm đồ da handmade?

Tôi chọn cho mình một lối đi riêng, đó là sự cổ điển, kết hợp giữa phong cách quân đội và thời trang. Tôi tìm hiểu các kết cấu của quân đội để tạo nên sản phẩm tối ưu nhất cho quá trình di chuyển. Tôi bắt đầu sớm hơn, tôi đi trước và có cách để làm ra một sản phẩm tốt nhất. Chính sách bảo hành của tôi lên đến 99 năm cho các sản phẩm túi. Tiêu chí của tôi là làm cho đến khi nào khách hàng hài lòng mới thôi. Khách hàng đến với Tộc chỉ đầu tư một khoản vốn ban đầu để mua sản phẩm, tất cả các dịch vụ bảo hành sau đó đều miễn phí.

Lúc trước tôi thường dùng chữ handmade, sau này có một anh bạn khuyên tôi dùng chữ handcraft cho đúng với tính chất sản phẩm, vì yếu tố thủ công và thẩm mỹ trong handcraft là tuyệt đối. Tôi cũng dùng loại chỉ tốt nhất được nhập với giá 1 triệu đồng/1 cuộn. Khách hàng có thể yêu cầu tùy chỉnh cao cấp hơn với da Ý, khóa Thụy Sỹ, phụ kiện của các thương hiệu nổi tiếng… để có được một chiếc túi hoàn hảo.

toc leather nguyen huu hoang
Mọi sản phẩm của Tộc Leather đều do chính tay Hoàng Nguyễn chế tác thủ công
toc leather do da thu cong
Cẩn thận và tỉ mỉ trong từng chi tiết
toc leather lam do da
Hoàng Nguyễn đòi hỏi yếu tố thẩm mỹ tuyệt đối trong sản phẩm của mình

Vậy còn nguồn nguyên liệu da của anh thì sao? Khi nhập nguyên liệu về anh có phải sơ chế cho phù hợp với khí hậu ở đây và làm cho da của mình khác với những nơi khác?

Khi xây dựng thương hiệu này, tôi muốn nó bền vững và phát triển lâu dài chứ không muốn nó bị hủy diệt bởi sự thiếu hiểu biết của mình, nên tôi phải tìm hiểu, phải cam đoan chất lượng sản phẩm của mình là tốt nhất. Nguyên liệu nhập về được phân cấp rất rõ ràng: da Ấn Độ, da Bangladesh, da Brazil hay Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… tùy từng loại da mà sẽ có phân khúc sản phẩm khác nhau. Tôi không có quyền chọn ra một loại vật liệu duy nhất mà phải luôn tìm tòi, sơ chế sao cho phù hợp với sản phẩm của mình và đúng với mong muốn của khách hàng.

toc leather san pham
Một sản phẩm của Tộc Leather
toc leather san pham da
Tùy từng loại da mà sẽ có phân khúc sản phẩm khác nhau

Hiện nay có nhiều bạn trẻ cũng kinh doanh sản phẩm đồ da handmade. Anh nghĩ gì về sự phát triển của trào lưu này?

Các bạn rất may mắn vì được làm việc khi phong trào đã nở rộ và có đủ các điều kiện, yếu tố thuận lợi chứ không khó khăn như khi tôi mới bắt đầu. Tôi thấy nhiều bạn làm đồ rất đẹp, rất tuyệt vời. Núi này cao còn có núi khác cao hơn mà (cười). Bản thân tôi là một trong những người đầu tiên khởi xướng nên phong trào làm đồ da handmade, nhưng một con én không làm nên mùa xuân. Khi mọi người nhìn vào Việt Nam, biết Việt Nam là một đất nước có những bạn trẻ tài năng, những người tự vẽ ra bức tranh cho cuộc sống, tôi thấy rất vui.

Anh có dự định phát triển Tộc Leather thành một thương hiệu lớn hơn hay chỉ đơn giản là làm những gì mình thích?

Ai cũng muốn mọi người biết đến sản phẩm của mình nhưng mà… sức người có hạn. Tôi muốn tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Đôi khi tôi cũng nghĩ đến chuyện sẽ thuê nhân công, nhưng tôi cứ mãi mong muốn mình là người tự tô vẽ cho cuộc sống, ít nhưng mà chất, còn hơn là mình làm số lượng nhiều mà bị loại ra khỏi cuộc chơi. Mỗi sản phẩm phải được làm ra từ bàn tay của tôi, mang dấu ấn của riêng tôi mà không phải ai khác.

Đối với anh thì làm đồ da là một thú chơi hay là sự nghiệp?

Tôi xem nó là một “thú chơi nghiêm túc” và muốn biến nó thành nghề gia truyền mà tôi là đời đầu tiên (cười).

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Phỏng vấn: Đoàn Trúc / Ảnh: Only In Saigon

cùng chuyên mục

No more