Tin tức 21/07/2021

Hom Nguyen và câu chuyện tưởng nhớ danh ca Edith Piaf

Bài ELLE Team

Hom Nguyen, sinh ra và lớn lên tại Pháp, sau khi trải qua nhiều thăng trầm tuổi thơ và từng kiếm sống bằng nghề đánh giày, vẽ giày, anh đã trở thành hoạ sĩ sáng tác các bức chân dung khổ lớn ấn tượng. Bức vẽ “chim sẻ” nước Pháp – huyền thoại Edith Piaf của Hom Nguyen đã gây nhiều tiếng vang và nhận được nhiều tình cảm từ giới đam mê nghệ thuật.

Tại Pháp, nơi mà tài năng nghệ thuật luôn rất nhiều và đa dạng, nơi mang đến nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ để thực hành nghề nhưng thử thách cực kỳ khắt khe để thành công thì Hom Nguyen là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi mà mỗi lần anh mở triển lãm là lại xuất hiện cảnh tượng một hàng dài những người yêu nghệ thuật đứng xếp hàng để vào chiêm ngưỡng các tác phẩm của anh.

Hom Nguyen và tình yêu cho nghệ thuật
Hom Nguyen và tình yêu dành cho các bức chân dung

Ngắm kho tàng những bức chân dung của Hom Nguyen, toát lên là cảm xúc về sự sống động trong một giây phút nào đó của cuộc đời. Lạ kì thay một người hoạ sĩ, vẽ các gương mặt thoáng qua trong trí tưởng tượng của mình chứ không phải là người mẫu, những tia suy nghĩ trong đầu anh trở thành năng lượng tích tụ đến ngòi bút và tràn ra thành những nét vẽ phóng khoáng trên các tấm toan khổ lớn. Từ đó gương mặt, ánh mắt, suy tư, cảm xúc được khắc hoạ đầy sâu sắc. Có thể nói nghệ thuật của Hom Nguyen là cầu nối giữa cái vô hình với hũu hình, những ý tưởng chợt đến, những ảo ảnh mơ hồ hay những giấc mơ thoáng qua.

Các tác phẩm của Hom đều được sử dụng chì than, màu nước, sơn dầu hay thậm chí là bút viết để sáng tác. Việc lựa chọn màu sắc, ứng dụng vật liệu hay sự linh hoạt trong đường nét của Hom đã cho thế giới thấy sức tưởng tượng của anh về con người đã vượt ra khỏi vẻ bề ngoài, thay vào đó, anh nắm bắt và vượt lên trên chiều sâu của cảm xúc và sự phức tạp nội tâm vốn dĩ đang lấn át tâm trí con người.

Bức tranh khắc hoạ Edith-Piaf
Hom Nguyen gói gọn bản chất của mọi dáng vẻ, ánh mắt bên trong khung vẽ.

Những khuôn mặt trong vũ trụ của Hom Nguyen có cả đàn ông, đàn bà, trẻ con, người già, có cả nét tươi vui, có sự ngây thơ có cả sự tàn phá. Không cần phải là một mĩ nhân hay cường nhân, tập hợp trong kho tàng tác phẩm của anh là những con người rất bình thường, trong họ có những thái độ rất dễ kết nối với cảm xúc của người xem. Mục đích của Hom Nguyen là muốn những khán giả xem tranh của anh cảm nhận những điều bình thường này, bởi đó chính là khuôn mặt của xã hội trong thời đại mà họ đang sống cùng, đó là xã hội của ngay giây phút này.

Tranh chân dung của Hom Nguyen có phong thái rất dễ nhận biết, anh không quan tâm nhiều đến sự trau chuốt, hay gắn kết ẩn ý gì đằng sau các chi tiết. Anh cũng không gây ấn tượng bằng những mảng màu lớn hào nhoáng hay hình thức bóng bẩy. Đặc trưng của phong cách chân dung kiểu Hom Nguyen là những đường nét đan xen trên mặt vải canvas, rất tự do, đầy ngẫu hứng và chẳng biết hoạ sĩ đã bắt đầu từ đâu kết thúc tại đâu. Ngắm một bức chân dung của Hom Nguyen, ta sẽ không thấy trầm trồ vì giống người thật quá. Sự hỗn độn của những nét vẽ lại giúp lột tả một nội tâm phức tạp nào đó mà mỗi người xem có một sự đón nhận khác nhau. Nếu bạn đứng trước một tác phẩm của Hom Nguyen bỗng thấy lòng rung động mà chẳng hiểu vì sao, chắc hẳn những nét vẽ, gương mặt, đôi mắt, cái hồn kia đã có gì đó khiến bạn cảm thấy tương đồng. Bức tranh sẽ là chìa khoá khơi gợi xúc cảm sâu sắc nào đó trong bạn, rồi hướng bạn về những suy nghĩ sâu thẳm mà không phải lúc nào ta cũng thể hiện, đôi khi muốn che giấu hay né tránh.

Vẽ chân dung mà không phải chân dung. Xem chân dung mà không phải xem tranh ghi lại gương mặt của một người có thật, không xem người đó đẹp hay xấu, không dừng ở vẻ bề ngoài. Ngắm tranh vẽ về người mà nhìn là thấy nội tâm, đó chính là lối đi riêng của Hom Nguyen. “Tôi quan tâm đến khuôn mặt của họ chứ không phải vẻ đẹp của họ. Không phải sự nổi tiếng của họ hấp dẫn tôi, mà là biểu hiện của họ, hình thể học và cảm xúc trôi nổi trong đó sẽ dịch chuyển ra sao” – Hom Nguyen chia sẻ.

Hom Nguyễn tác phẩm
Một trong những tác phẩm thuộc series “Sans Repère”(Without Bearings) của Hom Nguyen

Hom Nguyen cũng từng khám phá những series khá táo bạo như “Sans Repère”(Without Bearings) vào đầu năm 2016, tập trung vào trẻ em châu Á không có miệng, thể hiện một vấn đề quan trọng về phúc lợi và quyền trẻ em: Thế giới hiện đại có tước đi tiếng nói của những đứa trẻ? Về một quan điểm mang tính triết học hơn, Hom muốn thể hiện trực diện “vũ trụ” bên trong họ ngay cả khi miệng, cơ chế biểu đạt, đã bị tước bỏ. Sau đó, những gì người xem tập trung vào là mọi thứ khác: tai, mắt, mũi và ánh mắt dường như đang nhìn chằm chằm vào chúng ta – chúng ta có thực sự đang nhìn vào những gì anh muốn chúng ta thấy không? Chúng ta có thực sự ‘nhìn thấy’ những đứa trẻ theo cách họ là ai không? Hom tuyên bố vai trò của anh với tư cách là một nghệ sĩ là “tìm hiểu sự phản chiếu tâm hồn” qua con mắt của nhân vật, nơi anh tin rằng đó là cửa sổ dẫn đến mọi cảm xúc thực sự bên trong.

Có lẽ nỗi ám ảnh về khuôn mặt của Hom phản ánh những gì anh trải nghiệm khi là một cậu bé Châu Á sinh ra trong gia đình người nhập cư ở Pháp. Quan điểm của Hom về thái độ đối với người châu Á là những người “không nói, không nghe, không thấy” cho thấy sự khó khăn của một người ngoài cuộc.

Hom

Mẹ trong vũ trụ nghệ thuật của người nghệ sĩ

Mẹ là tượng đài truyền cảm hứng cho con đường nghệ thuật, dù muộn nhưng đầy ấn tượng của Hom Nguyen. Một tuổi thơ đầy sóng gió và khó khăn khi chỉ có 2 mẹ con, phần nào đã sản sinh ra một lòng trắc ẩn và trái tim nhiều xúc cảm cho Hom Nguyen. Mẹ của Hom– bà Lan – là một người phụ nữ Việt Nam khép kín và không biết tiếng Pháp, hằng ngày làm công việc phụ giúp ở một tiệm cắt tóc. Khi cậu bé Hom Nguyen mới tròn hai tuổi, tai hoạ đã giáng xuống gia đình nhỏ, mẹ anh bị tai nạn ô tô trên đường cao tốc khi đi làm về, khiến bà bị liệt. Tuổi thơ của Hom Nguyen phải trưởng thành trước tuổi, vừa quấn quít bên mẹ vừa xoay sở với cuộc sống muôn vàn khó khăn trên một đất nước xa lạ. Cậu bé nhỏ đã phải bung nở nội tâm so với vẻ bề ngoài. Con là chỗ dựa cho mẹ, mẹ là điểm tựa của con. Thế giới của cậu bỗng xoay quanh bác sĩ, sân chơi là bệnh viện và bạn bè là những bệnh nhân xung quanh.

Phụ nữ là một trong những chủ đề được Hom tập trung khai thác bởi mẹ là người truyền cảm hứng nghệ thuật cho anh từ thời thơ ấu. Một trong những nhân vật mà khắc hoạ là Edith Piaf, tác phẩm hiện vẫn được trưng bày tại bệnh viên Tenon, nơi bà được sinh ra.

Cho đến bây giờ, hoạ sĩ Hom vẫn nhớ như in cảm giác được đánh thức dậy bởi mùi gia vị từ nồi phở mẹ đang ninh trong bếp. Khi đó Hom Nguyen đã lớn hơn và mẹ anh cũng đã hồi phục hơn. Vừa chan tô phở mẹ của hoạ sĩ Hom vừa giảng giải cho anh về triết lý đằng sau cách nấu ăn của người Việt: sự kết hợp cầu kì các loại gia vị và thảo mộc, có sự cân bằng, âm và dương. Lớn lên trong xã hội Pháp, về nhà với một người mẹ thuần Việt, hai thế giới đã cùng tác động tới lòng nhiệt thành của cậu bé Hom Nguyen, khiến cậu thiếu niên khi đó thăng hoa trong những môn thể thao đường phố patin và sau này là trong hội hoạ.

Cảm xúc của Hom Nguyen rằng dù gia đình nghèo khó, nhưng anh vẫn thấy sự ấm áp toả ra từ người mẹ ân cần, tốt bụng và chân thành, luôn cổ vũ và khuyến khích anh cởi mở hơn. Trong các câu chuyện của mẹ, hoạ sĩ Hom đã hiểu về sự tồn tại, về nguồn cội và về sự cân bằng trong cuộc sống… Chính vì thế khi mẹ anh qua đời, Hom Nguyen đã tìm đến hội hoạ như 1 các bày tỏ nội tâm của mình và anh được mệnh danh là người nắm giữ ký ức. Trong thời gian đầu cầm cọ, anh thường tìm tòi và hoàn thiện phong cách của mình qua những bức chân dung người nổi tiếng, là những người mà mẹ anh tôn kính, cũng chính là một phần ký ức lớn trong suốt thời thơ ấu bên mẹ.

Nguyễn

Sự tôn vinh của Hom Nguyễn dành cho Edith Piaf

Năm 2019, tại bệnh viên Tenon, phía đông Paris, Hom Nguyen đã vẽ một bức chân dung khổ lớn để tưởng nhớ Edith Piaf, nơi mà nữ danh ca huyền thoại của nước Pháp chào đời. Tác phẩm có kích thước 9 x 3,6m được lắp đặt trên một bức tường của khu hộ sinh đã thể hiện lòng kính trọng của Hom Nguyen với “đứa trẻ” được sinh ra trong chính cái nôi của mình. Bên cạnh đó là bức 280 cm x 180 cm được đặt trong sảnh của toà Meynel mới tại bệnh viện. Những bức hoạ vẫn được trưng bài tại bệnh viện cho đến thời điểm hiện tại.

Hom Nguyễn và Edith Piaf
Hom Nguyen sáng tác bức chân dung dựa trên những xúc cảm của anh với cuộc đời của Edith Piaf

Ý tưởng của Hom Nguyen về bức chân dung của Edith Piaf bắt nguồn cuộc trò chuyện giữa Hom Nguyen và võ sĩ quyền anh người Pháp là Jean-Marc Mormeck, anh đã kể cho Hom về Marcel Cerdan, “tay đấm” huyền thoại của Pháp và cũng là tình yêu lớn nhất trong cuộc đời Edith Piaf. Hom ngưỡng mộ sự mạnh mẽ nhưng vẫn mong manh trong đôi mắt của Edith và tìm thấy sự đồng cảm với cuộc đời nghiệt ngã của bà. Vươn lên từ một cô gái nghèo đi hát rong để kiếm sống và trở thành nữ ca sĩ lừng danh nhưng luôn phải chống trọi với trấn thương tâm lý trầm trọng bởi cuộc sống nhiều biến cố. Một trong số đó là sự ra đi của Marcel Cerdantrong một tai nạn máy bay. Cô đã phải dùng đến rượu và morphin để xoa dịu tinh thần. Nhưng cũng chính thời gian này, Edith Piaf đã cho ra đời những ca khúc ấn tượng khó quên trong sự nghiệp như “L’Hymne à I’Amour,”. Giọng hát của Edith Piaf không nặng ở kỹ thuật mà nằm ở sự chân thực hay những bài ca u buồn lôi cuốn người nghe.

Hom nguyễn khắc hoạ Edith Piaf
Dù nhiều biến cố nhưng “Chim sẻ nhỏ” nước Pháp đã chọn sống một cuộc đời đẹp cùng tiếng hát đầy cảm xúc và sự chân thực của mình

Có lẽ, Hom Nguyen nhìn ra những điểm chung giữa Edith Piaf và mẹ của anh là bà Lan khi cả 2 người phụ nữ đều trải qua cuộc đời kém may mắn nhưng lại luôn giữ vững lòng chân thành, mộc mạc, lan toả hơi ấm tới những người xung quanh. Bên cạnh đó, Edith Piaf từng tới vùng biên giới và nói chuyện với những người con của người nhập cư như cách mà Hom đã làm. Cuộc đời của Edith Piaf như tác động mạnh mẽ tới Hom Nguyen khiến anh phải cầm cọ lên, tinh lặng, và thăng hoa với từng nét vẽ, vệt màu để tạo nên tuyệt tác về một tượng đài được kính trọng qua hàng thập kỷ.

Vị trí đặt bức chân dung cũng thể hiện của sự gắn kết của cá nhân nghệ sĩ đối với thế giới bệnh viện. Bởi mẹ của Hom bị tàn tật và phải ngồi xe lăn, anh thường dành phần lớn thời gian ở bệnh viện và nó giống như sân chơi đốivới anh. Tuy trải qua một tuổi thơ khó khăn, nhưng khi được hỏi về việc nếu có thể quay lại quá khứ và thay đổi mọi thứ hay không thì Hom trả lời rằng không, quá khứ đốivới anh là một phần tạo nên mỗi con người như ngày hôm này. Tuổi thơ của anh, dù không dễ dàng gì, nhưng anh vẫn giữ quá khứ đó trong sự sáng tạo và sứ mệnh của mình như một lời cam kết chân thành cho bản thân.

Anh dành thời gian tập trung cho tương lai cùng những dự án thiện nguyện và giúp đỡ những đứa trẻ, để họ không phải chịu đựng những nỗi đau như anh đã trải qua. Chính vì thế, Hom luôn sự quan tâm đặc biệt tới các dự án trẻ vị thành niên tại khoa tâm thần của bệnh viên Pitié-Salpêtriè-re, hay các bệnh viện và trại trẻ mồ côi ở Châu Á, nơi mà anh dẫn dắt các lớp về nghệ thuật, giúp trẻ em được tiếp cận sớm hơn với thế giới của những cây cọ và màu sắc. Thế giới tinh thần rộng lớn như ôm lấy con người một cách bao dung giúp họ vượt qua nỗi đau kéo dài đã lâu.

Sắp tới, những tác phẩm của nghệ sĩ Hom Nguyen sẽ được trưng bày trong không gian S&S Art Gallery ngay tại trung tâm TP.Hồ Chí Minh, một dự án mới thuộc S&S Art. Nơi đây cũng là phòng tranh được vinh dự lựa chọn đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, nhằm mục đích trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ Hom Nguyen.

S&S Art là làn sóng nghệ thuật mới mẻ quy tụ những nghệ sĩ tầm cỡ quốc tế, đồng thời là cầu nối đưa tinh hoa nghệ thuật đương đại thế giới tiếp cận gần hơn với công chúng Việt Nam.

Dương

___

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

No more