Biểu tượng thời trang của Chanel, nhà thiết kế Karl Lagerfeld qua đời ở tuổi 85 vào ngày 19/2 sau hơn ba thập kỷ cầm trịch con tàu danh gía và giàu di sản của nước Pháp. Theo một nguồn tin thân cận của Chanel, giám đốc sáng tạo Karl Lagerfeld cảm thấy không khỏe khoảng hai tuần trước khi mất tại một bệnh viện ở Paris và nói thêm rằng ông có nhiều dấu hiệu sức khỏe nghiệm trọng trong thời gian dài.
Trước khi mất, Lagerfeld bày tỏ nguyện vọng muốn đi xem show diễn thời trang mà ông dự định hôm thứ Hai nhưng ông trút hơi thở cuối cùng chưa đầy 24 giờ sau đó. Vào ngày 22/1 năm nay, Karl Lagerfeld cảm thấy không khỏe khi hai show diễn Haute Couture của Chanel được tổ chức, do đó ông phải cần chăm sóc y tế và cử Virgine Viard làm đại diện.
Đó cũng là lần đầu tiên mà ông bỏ lỡ một buổi ra mắt show diễn kể từ khi chính thức làm việc cho Chanel từ năm 1985. Người ta vẫn thường nhớ hình ảnh của Karl Lagerfeld ôm theo chú mèo yêu quý Choupette. Lagerfeld thậm chí còn lập một tài khoản instagram cho chú mèo đáng yêu của mình và cả hai thường xuyên cập nhật hoạt động, chẳng hạn như cùng bay trên máy bay riêng hay phơi nắng ở khu ngoài vườn của biệt thự.
Karl Lagerfeld trở thành biểu tượng thời trang của Chanel trong ba thập kỷ, cho ra khoảng 8 bộ sưu tập thời trang mỗi năm làm nức lòng giới mộ điệu từ người hâm mộ, nhà sưu tập cho đến những nhà thiết kế. “Tôi là bức tranh biếm họa của chính mình, và tôi thích điều đó” – câu nói nổi tiếng của Lagerfeld khẳng định cá tính và quan điểm nghệ thuật của mình, ông mô tả: “Nó giống như cái mặt nạ. Đối với tôi ngày nào cũng như ngày hội Carnival của Venice”.
Ông luôn thu hút sự chú ý mỗi khi xuất hiện với guu thời trang độc đáo: áo vest đen, tóc đuôi gà bạch kim cùng găng tay và mắt kính sẫm màu. Nhiều cuộc tranh luận nổi lên trong thời gian gần đây về việc ai sẽ là người ngồi vào chiếc ghế trống mà Karl Lagerfeld để lại, và trong đó người ta tin rằng chính Giám đốc Sáng tạo của Chanel – Virginie Viard sẽ là người kế nhiệm xứng đáng.
Trong một lần cùng mẹ tham gia show diễn thời trang của Dior vào năm 1933, Karl Lagerfeld đã bị thu hút vào lĩnh vực này. Năm 1985, ông được Chanel tuyển dụng và ông đã có lời tâm sự trên tờ tạp chí Madame Figaro: “Vào thời điểm đó, tôi đang làm cho Fendi và Chloe. Tôi cũng được cảnh báo rằng đừng làm việc cho Chanel, nó kinh khủng lắm.”
Khi Lagerfeld đến với Chanel, Coco đã mất được 10 năm và mọi người luôn sống trong không khí tưởng niệm đến cố lãnh đạo – người đã sáng lập nên thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu. Ông nói rằng: “Nếu muốn thành công ở Chanel thì việc trước hết phải bày tỏ sự tôn trọng tới bà ấy”.
Karl Lagerfeld trở thành một tượng đài bất tử trong giới thời trang – người luôn ở vị trí tiên phong hơn ba thập kỷ cho đến khi qua đời. Nhà thiết kế người Đức có mối liên hệ mật thiết với Chanel kể từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trước khi ông đến, Chanel vẫn đang bị nhầm lẫn như một hãng thời trang dành cho những quý bà đứng tuổi có nhiều tiền, cho tới khi Lagerfeld thêm thắt những đường nét đứng đắn cũng như sử dụng chất liệu vải khác thì giờ đây chúng ta có những bộ cánh thời trang đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Khí chất nghệ sĩ, tính nhạy bén trong kinh doanh cũng như cái ‘tôi’ ngạo nghễ của Lagerfeld làm ông trở thành một người cực kỳ thành công trong giới thời trang cao cấp, nơi ông nhân được sự tôn trọng gần như tuyệt đối của biết bao đối thủ và người mẫu.
Ông cũng được biết đến như một nhà ‘nghệ nhân’ tay nghề lão làng: một thợ chụp ảnh xuất sắc, một người luôn tự vẽ các mẫu thiết kế và trở thành hiện tượng hiếm thấy trong làng thời trang. Bên cạnh đó, ông là người có học vấn uyên thâm và có năng khiếu về văn học, thường xuyên ngấu nghiến những tờ thông tấn lớn nhất thế giới.
Quá khứ có Lagerfeld cũng là một đề tài gây tò mò. Ông có biệt danh là “Kaiser Karl” (Tạm dịch: Hoàng đế Karl), sinh ra tại Hamburg trong một gia đình có mẹ là người Đức còn cha là người Thụy Điển. Phần lớn thời thơ ấu ông cùng gia đình chạy trốn chiến tranh và sống tại một trang trại rộng 1200 mẫu Anh tại vùng Bavaria. Bước ngoặt sự nghiệp của Lagerfeld đến khi ông chuyển đến Paris năm 1954; tại đó, ông giành giải thưởng khi vẽ thiết kế chiếc áo khoác len và được nhà thiết kế Pierre Balmain mời đến thực tập.
Yves Saint Laurent, người sáng lập hãng thời trang cùng tên, từng là đối thủ cạnh tranh khốc liệt ‘kiêm’ tình địch lúc bấy giờ vì cả hai cùng theo đuổi Jacques de Bascher. Thành công thực sự của Lagerfeld chỉ đến vào giữa những năm 1960 khi ông làm cho hãng Chloe nhưng Chanel mới là nơi đưa tên tuổi ông bay xa. Lagerfeld nổi tiếng là một người khá nghiêm khắc với người mẫu và sẵn sàng chỉ trích bất cứ ai mà ông nhận xét là “không có xu hướng”.
Ông từng sa thải người bạn khác giới thân nhất của mình Ines de la Fressange – cựu người mẫu của Chanel – vì đã chụp hình cùng Marianne – quốc bảo nước Pháp – mà không hỏi ý kiến của ông vào năm 1999. Thỉnh thoảng, chính Karl Lagerfeld cũng là người khơi mào những tranh cãi dù ông được biết đến như một người có “cái lưỡi sắc sảo” và thông minh. Ông nói về một show diễn thời trang sau khi được yêu cầu phát biểu cảm nghĩ: “Tôi kiểu như mắc chứng cuồng dâm thời trang và không thể nào lên đỉnh được.”.
Hiếm khi nào người ta thấy Lagerfeld hạ mình. Một trong những lần đó là khi ông có động thái muốn xin lỗi nữ diễn viên từng đoạt Oscar Meryl Streep khi cô từ chối diện chiếc đầm ông thiết kế tại lễ trao giải vì Meryl Streep nói rằng cô chỉ mặc khi được Lagerfeld trả tiền công. Năm 2004, ông từng hợp tác với hãng H&M cho ra bộ sưu tập trang phiên bản giới hạn – một động thái làm ngạc nhiên giới thời trang và mẫu thiết kế đã truyền cảm hứng cho những hãng thời trang khác.
Ngày hôm nay (19/2) và nhiều năm sau nữa, thế giới sẽ mãi tiếc thương về một huyền thoại thời trang đã ra đi mãi mãi.
__
Minh Phong (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, ảnh tham khảo)