Tin tức 23/10/2017

Quân đội Úc áp dụng công nghệ thực tế ảo trong huấn luyện binh sĩ

Bài Tri Duc

Một chương trình công nghệ thực tế ảo đã được áp dụng trong phương pháp huấn luyện quân đội Úc nhằm giúp các binh sĩ trở nên linh hoạt và chịu đựng áp lực tốt hơn trong thực chiến.

Bùng

Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Úc, Christopher Pyne, đã công bố một dự án trị giá 2,2 triệu đô la với mục đích phát triển và nâng cao sự linh động trong việc huấn luyện binh sĩ bằng cách sử dụng kính thực tế ảo và sinh trắc học. Trong chương trình này, được áp dụng kết hợp với chương trình huấn luyện linh động cường độ cao Battle SMART của lực lượng Quốc phòng Úc (Australian Defense Force – ADF), sẽ cho chúng ta thấy được cách các nhà thần kinh học mô phỏng các môi trường khác nhau từ thế giới thực và tạo nên các kịch bản tác chiến trong hệ thống thực tế ảo.

cong nghe thuc te ao - elle man 4
Ảnh: Reuters

Các binh sĩ sẽ dùng chương trình huấn luyện này để đưa ra cách giải quyết vấn đề trong những tình huống bất ngờ, và tạo nên “tinh thần thép” cho các binh sĩ chịu đựng được những áp lực. Theo lý thuyết, những sĩ quan thượng cấp của những binh sĩ này có thể dùng những dữ liệu đo lường được thu thập từ sau những bài huấn luyện để đánh giá “chủ quan” về việc liệu người lính đó có đủ điều kiện tham chiến hay không.

Được hỗ trợ tài chính từ chính phủ Úc, nhóm Khoa học Công nghệ Phòng thủ (DSTG – Defense Science Technology Group) và quân đội Úc, đây là dự án cộng tác của các giáo sư Rohan Walker, Eugene Nalivaiko (thuộc chi nhánh Viện nghiên cứu Y khoa Hunter – HMRI) cùng với đội ngũ giáo sư Albert “Skip” Rizzo thuộc Đại học Nam California.

Giáo sư Rohan Walker nói trên trang Mashable: “Như đã trình bày, chúng tôi đem công nghệ thực tế ảo đi cùng phương pháp đánh giá khách quan tình trạng stress của con người, để từ đó tập hợp lại cho ra một phương pháp huấn luyện tân tiến, hấp dẫn để kiểm soát các mức độ stress của bản thân tốt hơn khi bạn đang thực hiện nghĩa vụ. Hãy tưởng tượng một chiếc trực thăng đang bay đến và đang chở rất nhiều binh sĩ thương vong. Bạn đang trong khu vực giao tranh, một tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Vậy, trong tình huống này đòi hỏi một người lính phản ứng nhanh hay một nhân viên y tế không chỉ phải “vật lộn” trong khu vực giao tranh mà còn phải làm sao giúp chiếc trực thăng đáp xuống an toàn, đó là chưa kể phải đủ tỉnh táo và kiến thức để xác định mức độ thương vong của từng người trên máy bay để phân chia cấp cứu hợp lý”.

cong nghe thuc te ao - elle man 5
Giáo sư Rohan Walker và giáo sư Eugene Nalivaiko. Ảnh: university of Newcastle

Giáo sư Eugene Nalivaiko chia sẻ trong một họp báo: “Đó quả là một tình huống cực kỳ “rối loạn”. Không chỉ phải quan sát thật kỹ, đánh giá chính xác mà những thứ như máu me, súng đạn tạo nên một áp lực rất lớn lên tinh thần mỗi người lính. Hàng tỉ thứ phải làm lúc đó, và bạn phải biết bắt đầu từ đâu, trình tự như thế nào, phải biết trấn tỉnh tâm trí để đưa ra quyết định chính xác. Ý nghĩa của chương trình này là làm sao cho những ứng viên phải làm chủ kỹ năng trong tình huống phỏng đoán, nơi mà chúng ta có thể kiểm soát được mức độ khó khăn của nhiệm vụ để đảm bảo rằng họ (những người lính) đã thật sự sẵn sàng trước khi bước vào những tình huống giao tranh thực sự.”

Ý tưởng này khiến cho những con mọt điện ảnh liên tưởng ngay đến tập phim Men Against Fire của series phim Black Mirror, trong đó những người lính được cấy ghép trong thần kinh một bộ trang bị gọi là MASS, trang bị này cung cấp những dữ kiện nhanh chóng thông qua hệ thống thực tế ảo tăng cường. Chúng dùng trong việc huấn luyện và thực chiến – đồng thời ức chế cảm xúc của người lính khiến họ trở thành những cỗ máy giết người vô cảm.

cong nghe thuc te ao - elle man 6
Một cảnh trong series Black Mirror. Ảnh: Netflix

Nhưng đó chỉ là chuyện trên phim, chứ dự án thực tế ảo này mang mục đích mô phỏng những tình huống giả định để tìm ra giải pháp kiểm soát tình trạng căng thẳng tâm lý và đề xuất kịch bản giải quyết vấn đề hiệu quả. Căng thẳng tâm lý là một mối nguy trong quân đội khi nó ảnh hưởng nặng nề tới khả năng tác chiến của một người lính trên thực địa, sẽ kéo theo nguy hiểm cho toàn đội.

Vậy chương trình này sẽ giúp những người lính chịu đựng và giải quyết những tình huống áp lực cao như thế nào? Có 2 yếu tố:

Đầu tiên, điều tiết nhận thức (cognitive reframing). Sau những bài mô phỏng, đầu tiên, thượng cấp sẽ nhận định và tranh luận với người lính về những suy nghĩ không phù hợp với tình huống. Sau đó, đánh giá và đưa ra những phương án, kịch bản để tìm ra những giải pháp thay thế tích cực, hiệu quả hơn.

Điều thứ hai, hít thở (tactical breathing). Nghe có vẻ đơn giản, nhưng hít thở chính là chìa khóa khi nó là thứ duy nhất chúng ta có thể điều khiển được dưới những áp lực. Khi hô hấp đúng cách, nhịp tim sẽ được kiểm soát ổn định sẽ giúp bạn nhận thức linh hoạt hơn để đưa ra những quyết định tốt hơn.

cong nghe thuc te ao - elle man 2
Ảnh: wareable

Theo lý thuyết, một khi ứng viên thử nghiệm bài kiểm tra thực tế ảo, phương pháp sinh trắc học sẽ tiếp tục được dùng để đánh giá “mức độ sẵn sàng” của họ đến đâu để chuẩn bị được đưa ra trận địa. Bản thử nghiệm của chương trình này đã được ra mắt với thời gian kiểm tra kéo dài 6 tháng, và không chỉ được dùng trong quân đội mà còn áp dụng để huấn luyện trong những lĩnh vực khác giúp con người vượt qua áp lực công việc.

Lược dịch: Đức Nguyễn (Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man, tham khảo: masable)

 

No more