Bộ ảnh chân thật về thực trạng môi trường thế giới đang lâm nguy

Bài ELLE Team

Ngôi nhà chung của con người và các loài động thực vật đang bị tàn phá nặng nề do chính bàn tay của chúng ta. Những hậu quả nghiêm trọng không còn là lời cảnh báo nữa, mà nó dần trở thành hiện thực. Thế giới sẽ sớm đi đến thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6 trong tương lai gần.

Ngày 5/6 vừa qua đánh dấu Ngày môi trường thế giới lần thứ 35, sự kiện toàn cầu do Liên Hợp Quốc chọn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống của con người và những loài sinh vật sống trên Trái Đất. Hằng năm, những chiến dịch của Liên Hợp Quốc liên quan đến các vấn đề môi trường như ô nhiễm nước biển, lượng khí thải carbon ngày càng tăng và bùng nổ dân số. Năm 2019 này, mục tiêu chính là hướng đến giảm ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí gây ra 8.8 triệu người chết mỗi năm. Hiện tại, có đến 91% dân số thế giới chịu cảnh sống trong bầu không khí không đạt tiêu chuẩn an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới kiểm định. Con người làm ô nhiễm không khí, đất đai và biển qua việc đốt khí đốt, lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và xả rác bừa bãi.

Không chỉ riêng sức khỏe con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà sự suy giảm môi trường thế giới tự nhiên khiến cho hàng trăm, hàng nghìn loài động thực vật trên Trái Đất biến mất mãi mãi.

Vấn nạn môi trường cấp bách khiến cả thế giới đặc biệt quan tâm như đại dương đang dần ấm lên, băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan ngày càng nhiều, 5 nghìn tỷ pound rác thải nhựa ở đại dương. Đó không còn là lời cảnh báo nữa, mà nó dần trở thành hiện thực nếu mỗi người trong chúng ta không sớm hành động vì hành tinh xanh này, ngôi nhà chung của tất cả sinh vật. Để hiểu rõ hơn về hiện trạng môi trường thế giới như thế nào, hãy cùng ELLE Man suy ngẫm qua bộ ảnh sau đây.

Lượng khí thải carbon được sinh ra từ việc đốt những nhiên liệu như than đá, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng. Nó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ Trái Đất đang tăng lên: Năm 2018 là năm nóng thứ 4 từ trước đến nay về nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

môi trường thế giới - lượng khí thải carbon tăng
Khí thải bốc lên ngùn ngụt từ nhà máy điện ở Wollongong, Úc (Ảnh: Thomson Reuters)

Các nhà máy và phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) sinh ra khí thải như oxit nito, SO2 và các hydrocarbon. Những hợp chất này có thể phản ứng với ánh sáng mặt trời tạo ra sương mù.

môi trường thế giới - khí thải từ nhà máy và phương tiện giao thông
Những công nhân vệ sinh Ấn Độ dùng chổi quét bụi trong màn sương dày đặc vào một buổi sáng ở Greater Noida, gần New Delhi (Ảnh: RS Iyer/AP)

Mức độ sương mù lẫn khói cao chưa từng thấy gây trở ngại cho cuộc sống của những thành phố đông dân, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Ở một số thành phố, sương mù dày đặc đến mức người dân không thể trông thấy mặt trời và phải đeo khẩu trang.

môi trường thế giới - sương mù lẫn khói ở trung quốc và ấn độ
(Ảnh: REUTERS/China Daily)

Xả rác bừa bãi ở các kênh rạch, sông hồ và biển cũng có thể gây ra những hiểm họa về sức khỏe.

môi trường thế giới - ả rác bừa bãi ở nguồn nước
Dòng sông bị nhuộm đỏ từ hóa chất của nhà máy ở Luoyang, Trung Quốc (Ảnh: REUTERS/China Daily)

Nước ở nhiều khu vực trên thế giới phủ đầy những chất thải hóa học và chất thải nông nghiệp, gây ra sự bùng nổ tảo biển. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài hải sinh và hệ sinh thái biển.

môi trường thế giới - chất thải hóa học và nông nghiệp gây ra bùng nổ tảo biển
Vụ tràn dầu ở vịnh Mexico (Ảnh: REUTERS/Sean Gardner/Files)

Tảo xanh lấy từ hồ Chaohu ở miền Đông Trung Quốc vào năm 2009.

môi trường thế giới - tảo xanh ở chaohu
Ảnh: REUTERS/Stringer

Năm 2007, cả đàn cá chết sạch ở Wuhan,Trung Quốc do lượng chất thải vượt mức và nhiệt độ cao.

môi trường thế giới - đàn cá chết
Ảnh: REUTERS/China Daily

Con người cũng tự tay xả hàng tấn rác thải nhựa xuống đại dương, trung bình 8.8 triệu tấn rác thải mỗi năm.

môi trường thế giới - vân đề xả rác xuống biển
Cậu bé người Philippines nhặt rác thải nhựa gần vùng biển bị ô nhiễm để bán ở Manila (Ảnh: Cheryl Ravelo/Reuters)

Nhựa dưới lòng đại dương đe dọa sự sống của hàng triệu loài hải sinh. Chúng sẽ nhầm tưởng nhựa là thức ăn và ăn chúng. Điều này sẽ khiến chúng thay đổi hành vi, nghẹt thở và chết. Có tổng cộng khoảng 5.25 triệu tấn nhựa plastic ở khắp các đại dương.

môi trường thế giới - hải sinh bị đe dọa do plastic
Một con cá voi chết được nhấc lên xe tải và được xác nhận trong dạ dày của nó chứa tới 22kg nhựa plastic (Ảnh: SEAME Sardinia Onlus/AP)

Biến đổi khí hậu diễn ra dai dẳng, nạn hạn hán cũng diễn ra thường xuyên hơn. Nếu tỉ lệ khí thải carbon không suy giảm, nạn hạn hán ở các quốc gia Địa Trung Hải, phần lớn là Châu Phi, đông và nam Á và Trung Mỹ được dự đoán sẽ diễn ra thường xuyên gấp 5 đến 10 lần.

môi trường thế giới - nạn hạn hán triền miên
Người dân ở làng Natwarghad (Ấn Độ) xếp hàng để lấy nước sinh hoạt ở một cái giếng (Ảnh: Amit Dave/Reuters)

Năm 2018 là năm nóng kỷ lục ở các vùng đại dương trên Trái Đất.

môi trường thé giới - năm 2018 là năm nóng kỷ lục
Ảnh: Kevin Flay/National Geographic

Nhiệt độ đại dương và sự nóng lên của Trái Đất khiến dải băng Greenland bị tan chảy nhanh hơn các nhà khoa học dự đoán.

môi trường thế giới - đảo băng tan chảy
Dải băng Greenland tan chảy nhanh sẽ làm tăng mực nước biển lên cao, nhấn chìm các thành phố ven biển và các hòn đảo thấp (Ảnh: AP)

Vào tháng Hai, một loài gặm nhắm của Úc là loài đầu tiên bị tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Nơi trú ngụ của chúng chủ yếu ở các hòn đảo thấp, khoảng 3m trên mực nước biển và bị ngập lụt khi triều dâng và bão.

môi trường thế giới - loài gặm nhắm bị tuyệt chủng ở úc
Ảnh: nmulconray/Getty Images

Đối với nhiều loài động vật đang bị đe dọa, chúng trở nên khó có thể tồn tại trên một hành tinh nhiệt độ tăng nhanh và khí hậu thất thường. Hơn 26.500 loài động vật trên thế giới đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

môi trường thế giới - động vật đang bị đe dọa sự sống bởi khí hậu
Ảnh: National Geographic

Một cuộc nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy các loài động vật khắp thế giới đang phải trải qua “cuộc hủy diệt sinh học”. Một phần do các hoạt động của con người đã hủy hoại và làm suy thoái môi trường thế giới.

môi trường thế giới - hoạt động của con người gây hại đến động vật
Ảnh: Shutterstock/Photosite

Trong khoảng 50 năm tới, có khoảng 1700 loài lưỡng cư, chim và động vật có vú sẽ có nguy cơ tuyệt chủng cao do môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp.

môi trường thế giới - môi trường sống của động vật bị thu hẹp
Báo tuyết đánh dấu lãnh thổ trên đỉnh Himalayas (Ảnh: National Geographic)

Bảo tồn và bảo vệ môi trường sống tự nhiên và hệ sinh thái là điều cấp thiết để duy trì sự đa dạng sinh học trong giới tự nhiên.

môi trường thế giới - bảo vệ môi trường tự nhiên
Ảnh: National Geographic

Cách hữu hiệu nhất để tránh hậu quả của biến đổi khí hậu là bắt đầu hạn chế lượng khí thải carbon và giảm ô nhiễm không khí ngay hôm nay và thực hiện mỗi ngày.

môi trường thế giới - vì một hành tinh xanh
Ảnh: NASA Earth Observatory

Hãy cùng nhau xây dựng một hành tinh xanh, nơi con người và môi trường thiên nhiên sống hòa hợp lẫn nhau, bảo vệ, che chở nhau. Một hành động bảo vệ môi trường nhỏ của bạn nhưng mang ý nghĩa lớn về sau.

Xem thêm

Tương lai nào cho hệ sinh thái Việt Nam đang trên bờ vực bị huỷ diệt?

Công trình nghệ thuật “Vì một môi trường biển không rác thải”

Lược dịch: Hoàng Bảo (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Tham khảo: Business Insider)

No more