Dấu ấn châu Á tại “thánh đường điện ảnh” Cannes 2024

Bài Tuan Anh

Không chỉ là sân khấu của những nhà cầm trịch thành danh, những cựu binh dày dạn kinh nghiệm trên màn bạc; LHP Cannes lần thứ 77 chứng kiến cuộc tề tựu của những tài năng trẻ và dấu ấn bản địa từ vùng đất năng động của điện ảnh châu Á.

cannes 2024

Tại mùa LHP năm ngoái, ngoài những thành tựu cá nhân, thành công của những tác phẩm như Inside the Yellow Cocoon Shell, Tiger StripesThe Breaking Ice gián tiếp phản ánh sự giao thoa và đón nhận những nền văn hóa nhỏ trong điện ảnh. Những bộ phim này đã mở ra cánh cửa cho nhiều nhà làm phim châu Á hơn để chia sẻ câu chuyện của họ trên trường quốc tế và thách thức những quan niệm truyền thống về những gì đã tạo ra điện ảnh chính thống.

cannes 2024
Dấu ấn bản địa từ vùng đất năng động của điện ảnh châu Á tại LHP Cannes 2024. (Ảnh: Tư liệu)

Bản sắc địa phương

 

Là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của Kurosawa, Seven Samurai lấy bối cảnh Nhật Bản thế kỷ 16, thời kỳ thống trị của các lãnh chúa và là giai đoạn hành hoành của nạn đói, thiên tai, giặc giã… Phim kể về 7 kiếm sĩ được thuê để đàn áp lại thổ phỉ, cướp bóc và bảo vệ mùa màng cho một ngôi làng nọ. Lấy cảm hứng từ các loại hình nghệ thuật cổ điển của Nhật Bản như tranh in khắc gỗ Ukiyo-e và kịch Noh, cùng cách kể chuyện sáng tạo và sự khám phá sâu sắc về bản chất con người, bộ phim thu hút khán giả nhờ cảm giác thơ mộng, chất sử thi và sự tinh tế về mặt thẩm mỹ.

 

Từ đạo diễn Ấn Độ Payal Kapadia – người nổi tiếng bởi cách kể chuyện trữ tình, hình ảnh giàu sức gợi, All We Imagine as Light giúp người xem đắm chìm trong thế giới sôi động của Ấn Độ đương đại. Là bộ phim Ấn đầu tiên tranh giải tại Liên hoan phim Cannes sau 30 năm, trọng tâm câu chuyện là hai người phụ nữ đấu tranh để tìm thấy sự khao khát và thuộc về trên nền đô thị Mumbai nhộn nhịp. Hơn thế, All We Imagine as Light đưa ra bình luận sâu sắc về những thách thức mà Ấn Độ đương đại phải đối mặt, từ những áp lực của hiện đại hóa đến sự xói mòn các giá trị truyền thống. Tại đây, thành phố Mumbai đóng vai trò như tấm gương phản chiếu thân phận con người.

 

Cũng là bộ phim nói về người phụ nữ, nếu All We Imagine as Light là cuộc khám phá lôi cuốn về sự gần gũi, bản sắc và sức mạnh biến đổi của sự kết nối giữa con người với nhau thì She’s Got No Name của Trần Khả Tân lại khám phá sự phức tạp của vai trò giới và kỳ vọng của xã hội ở Thượng Hải những năm 1940, nơi phụ nữ thường bị áp bức và gạt ra bên lề xã hội. Thông qua những đoạn hồi tưởng và thực tại, khán giả được đưa vào cuộc hành trình khám phá sự thật đằng sau vụ giết người bí ẩn mà về sau sẽ châm ngòi cho cuộc cách mạng về quyền cơ bản trên thành phố Thượng Hải phồn hoa. Bộ phim được ca ngợi vì đã làm sáng tỏ một chương bị lãng quên trong lịch sử Trung Quốc và khơi dậy những cuộc đối thoại về bình đẳng giới và công bằng xã hội.

cannes 2024
Hai bộ phim cùng nói về người phụ nữ đặt trên hai nền văn hóa với bản sắc riêng. (Ảnh: Tư liệu)

Góp mặt tới 3 tác phẩm nổi bật, điện ảnh Trung Quốc có nhiều đất diễn để tái hiện căn tính, bản sắc, tính dị biệt Á Đông. Ngoài She’s Got No Name, Caught by the Tides cũng là một tác phẩm nổi bật, mang đến cho người xem cái nhìn sắc nét về sự phức tạp trong mối quan hệ giữa con người với dòng chảy của số phận. Lấy bối cảnh Trung Quốc đầu thế kỷ 21, bộ phim kể về cuộc hành trình đầy biến động của Quách Bân và Kiều Kiều, hai người yêu nhau, chia ly, gặp lại, giao nhau ở những ngã rẽ bất ngờ của cuộc sống.

 

Tác phẩm còn lại Shanghai Blues tiếp tục lấy bối cảnh ở thành phố Thượng Hải. Bộ phim đan xen cuộc sống của một dàn nhân vật đa dạng, mỗi người vật lộn với những mong muốn, ước mơ của riêng mình. Shanghai Blues là một bức thư tình gửi đến chính thành phố, tôn vinh lịch sử phong phú, văn hóa sôi động và tinh thần bất khuất của thành phố trước những bi kịch thảm khốc của chiến tranh. Shanghai Blues miêu tả thành phố như một nơi hội tụ của các nền văn hóa và bản sắc. Khi làn sóng di cư, chấn thương hậu chiến và đô thị hóa định hình lại cảnh quan đô thị, Thượng Hải nổi lên như một mô hình thu nhỏ của Trung Quốc đương đại, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa. Từ những con hẻm chật hẹp đến những tòa nhà chọc trời, những quán ba lấp lánh, bộ phim nắm bắt được bản chất của Thượng Hải trong tất cả sự phức tạp và mâu thuẫn của nó.

Với 3 tác phẩm nổi bật tại Cannes 2024, điện ảnh Trung Quốc tái hiện bản sắc, tính dị biệt Á Đông. (Ảnh: Tư liệu)

 

Bên cạnh đó, Trịnh Bảo Thụy – vị đạo diễn vừa đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông mang tới hạng mục Tuyển chọn Chính thức (Official Selection) tác phẩm mới nhất của mình Twilight of the Warriors: Walled In. Là tác phẩm Hồng Kông hiếm hoi xuất hiện trong mùa Cannes 2024, bộ phim được tôn vinh vì sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong việc tái tạo thành phố lịch sử Cửu Long. Thông qua các nhân vật phong phú và bối cảnh sống động, phim ghi lại bầu không khí đậm chất Hồng Kông thập niên 80, sự đa dạng và năng động của thành phố, sự pha trộn độc đáo giữa phương Đông và phương Tây.

 

Các tác phẩm kể trên, cùng với những bộ phim châu Á khác được trình chiếu tại Cannes 2024, tái hiện bức chân dung đa dạng và đa diện về bản sắc châu Á. Từ những khung cảnh yên bình của Nhật Bản đến những con phố nhộn nhịp ở Mumbai, vẻ đẹp hoa lệ của Thượng Hải, hoài cố của Hồng Kông… đều mang đến một góc nhìn độc đáo về động lực văn hóa, xã hội và chính trị đã và đang định hình bản sắc địa phương của vùng đất đó.

 

Những câu chuyện toàn cầu tại Cannes 2024

 

Đặt trong sự cộng hưởng của cả 6 tác phẩm châu Á nổi bật nhất tại Cannes 2024 hiện tại với khán giả trên toàn thế giới, mặc dù những bộ phim này đều có nguồn gốc sâu xa từ bối cảnh văn hóa cụ thể là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… nhưng chủ đề mà chúng khám phá lại vượt qua ranh giới địa lý và ngôn ngữ. Mỗi bộ phim mang đến một góc nhìn riêng biệt, nhưng chúng đề cập đến những trải nghiệm và thách thức chung của con người, pha trộn giữa tính bản địa và tính toàn cầu, tính cá nhân và tính phổ quát.

 

Dù là miêu tả về tình yêu và sự khao khát trong Caught by the Tides hay câu chuyện sử thi về danh dự và sự hy sinh trong Seven Samurai, những bộ phim này đều nói lên thân phận con người. Kurosawa khéo léo đan xen các chủ đề về lòng trung thành, tình bạn, sự mơ hồ về mặt đạo đức và phẩm giá vốn có để biến Seven Samurai thành câu chuyện vượt thời gian về chủ nghĩa anh hùng, sự hy sinh và sức mạnh bền bỉ của tình đoàn kết. Caught by the Tides của Giả Chương Kha lại là một cuộc khám phá táo bạo và có tầm nhìn xa về tình yêu, bản sắc và thời gian.

Mỗi bộ phim mang đến một góc nhìn văn hóa riêng biệt, nhưng cùng đề cập đến những thách thức chung của con người. (Ảnh: Tư liệu)

Trong khi đó, All We Imagine as Light đi sâu vào sự phức tạp của các mối quan hệ gia đình, sự xung đột giữa mong muốn cá nhân và kỳ vọng xã hội cũng như trải nghiệm chung về việc đối mặt với khoái cảm, khao khát của phụ nữ. Những chủ đề này không phải chỉ có ở văn hóa Ấn Độ mà còn phù hợp với bất kỳ ai từng trải qua những căng thẳng và gắn kết trong chính gia đình mình hoặc đang vật lộn với những câu hỏi về danh tính và sự thuộc về.

 

Tương tự, She’s Got No Name khám phá các chủ đề về bất bình đẳng xã hội, đấu tranh giai cấp và mong muốn được giải phóng. Dù lấy bối cảnh ở Trung Quốc, nhưng việc mô tả sự chia rẽ xã hội và việc theo đuổi quyền con người đã gây được tiếng vang với khán giả trên khắp thế giới, những người đang vật lộn với những vấn đề tương tự trong xã hội của chính họ. Hành trình tìm kiếm công lý của Triển Châu đan xen với cuộc đấu tranh rộng lớn hơn cho số phận của đất nước mình, khi cô đối mặt với sự bất công của hệ thống pháp luật và chiến đấu để chứng minh mình vô tội. Thông qua sự kiên cường và quyết tâm của cô, bộ phim nhấn mạnh giá trị phổ quát của công lý như nền tảng của nhân quyền và phẩm giá.

cannes 2024
She’s Got No Name nêu bật tầm quan trọng của công lý, bình đẳng. (Ảnh: Tư liệu)

Ngoài lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc bảo vệ lẽ phải, She’s Got No Name lẫn Twilight of the Warriors: Walled In còn đề cập đến chủ đề công lý và liêm chính đạo đức. Từ thực tế khắc nghiệt của nghèo đói và bất bình đẳng xã hội đến bóng ma bất ổn chính trị đang rình rập, các tác phẩm này nhấn mạnh sự kiên cường của tinh thần con người trước nghịch cảnh.

 

Bằng cách trình chiếu những câu chuyện “riêng tư” nhưng “phổ biến” này trên màn ảnh rộng, các tác phẩm nêu trên không chỉ góp phần tạo ra diễn ngôn rộng mở về thân phận người châu Á nói riêng mà còn nói về những thách thức chúng ta phải đối mặt trong một thế giới đang thay đổi.

 

Từ đây, khán giả có cơ hội bước vào vị trí của các nhân vật thuộc các nền văn hóa khác nhau và hiểu sâu hơn về trải nghiệm của họ. Điều này không chỉ thúc đẩy sự đồng cảm và hiểu biết đa văn hóa mà còn khuyến khích người xem suy ngẫm về cuộc sống của chính họ và xã hội mà họ đang sống, nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của điện ảnh trong việc kết nối, kích thích tư duy và làm bật những vấn đề cấp bách của thời đại.

_____

Bài: Hoàng Thúy Vân cannes 2024

No more