Nỗi cô đơn ở thành thị qua những bộ phim điện ảnh châu Á

Bài Tuan Anh

Thành phố là nơi nhộn nhịp hoa lệ, chốn chật chội hơi người, là giao điểm của các cá nhân và câu chuyện. Trớ trêu thay, các thành phố cũng là vật chứa của vô số những sinh thể cô đơn. Sự lạc lõng nơi đô thị vẫn luôn là niềm cảm hứng của nhiều nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim châu Á.

“Chúng ta cô đơn. Chỉ có thể tự huyễn hoặc và làm như không có chuyện đó mà thôi. Nhưng thừa nhận, rằng chúng ta cô đơn, và thậm chí lấy đó làm tiền đề thì tốt hơn biết bao.” – Rainer Maria Rilke (Hoàng Thu Uyên dịch) từng viết như thế. May thay, dù không thể tìm thấy một phương thuốc dễ dàng cho sự cô đơn, ta vẫn có thể đối diện với nó bằng sự đồng cảm, bằng trải nghiệm điện ảnh. Hãy tạm rời bỏ Hollywood và phương Tây một hôm, ta trở về với những thước phim về cô đơn ở những thành thị châu Á, vốn gần gũi với văn hóa Việt. Qua những khung hình ấy, chúng ta được kết nối và cảm biết cái cảm giác cô đơn ấy, rằng, có ai đó cũng có cùng cảm giác với mình.

26

Cùng ELLE Man điểm qua những bộ phim châu Á đã thành công khai thác sự cô đơn ở các thành thị.

What time is it there? (2001) – Tsai Ming Liang: Nỗi cô đơn… buồn cười

Phim của Thái Minh Lượng luôn gắn liền với sự lẻ loi và tách biệt. Chủ đề trên xuất hiện xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của ông. What time is it there?” (Ở đó mấy giờ rồi?) là một tác phẩm như vậy, nơi mọi điều đều đáng buồn, và mọi điều cũng đều đáng buồn cười: Một anh chàng bán đồng hồ phải lòng một khách hàng của mình. Sau khi cô rời khỏi Đài Bắc để tới Paris, anh đổi giờ tất cả những chiếc đồng hồ mình nhìn thấy sang múi giờ Paris. Chuyện phim bắt đầu đơn giản như thế, với những chiếc đồng hồ, và tiếp diễn gắn liền với hình ảnh đồng hồ.

Ba tuyến nhân vật của phim. cùng một thời điểm, chịu ba nỗi cô đơn riêng. Phải chăng đó là ba chiếc kim trên một chiếc đồng hồ xoay vòng? Phải chăng đó cũng là tất cả những người vẫn đang cùng lúc cô đơn trên đời? Câu trả lời do bạn tự quyết định sau khi xem phim.

Ảnh: What time is it there? (2001)

Air Doll (2009) – Hirokazu Koreeda: Sắc dục huyền ảo

Búp bê thổi hơi là một loại búp bê tình dục, thường được dùng để giải quyết nhu cầu sinh lý cho những người đàn ông độc thân. Sẽ ra sao nếu một ngày nọ, một cô nàng búp bê hóa thân thành người, biết sống và biết yêu? Đó cũng là tình huống khởi đầu phim, một câu chuyện huyền ảo thường chỉ có trong giả định của trẻ thơ hay những kẻ mộng mơ.

Trong phim, Koreeda đã tài tình dùng tính người của búp bê đặt để khéo léo cạnh tính búp bê của con người. Xem phim, ta sẽ đôi lần tự hỏi, liệu búp bê có tình cảm, cũng như con người có thể vô cảm và mất kết nối ra sao.

Ảnh: Air Doll (2009)

YI Yi (2000) – Edward Yang: Cô đơn và mông lung

Bộ phim khắc họa cuộc sống một gia đình ba thế hệ ở Đài Loan. Họ giàu có, thành đạt, nhưng bị ám ảnh bởi sự tiếc nuối và những mông lung.

Nội tâm và cuộc sống của từng nhân vật phim được đạo diễn Dương Đức Xương (Edward Yang) khắc họa tài tình trong bộ phim. Ông thường xuyên đặt nhân vật của mình vào giữa những cảnh vật ngột ngạt của thành thị. Ông đóng khung họ bằng lối dàn cảnh khung trong khung. Mỗi chiếc khung, mỗi cá thể có những câu chuyện khác nhau. Họ biệt lập và xa cách, đồng thời bị dính chặt vào nhau.

Ảnh: Yi Yi (2000)

Burning (2018) – Lee Chang-dong: Sự lạc lõng tột cùng

Burning bí ẩn và lôi cuốn. Xem Burning, bạn sẽ không thể đòi hỏi một câu trả lời hay một kết luận rõ ràng, bởi chính bộ phim chứa đựng đầy bí ẩn về sự lạc lõng và cô đơn tột cùng của tuổi trẻ. Với mỗi lần xem, mạch truyện phim sẽ trải ra trước mắt người xem theo mỗi cách khác nhau.

Bộ phim như một bài thơ chỉ có thể đọc ở những khoảng trống giữa các từ: “Đối với thổ dân Karahari ở Nam Phi, có hai kiểu người đói. Người đói lớn và người đói nhỏ. Người đói nhỏ là những người đói khát về mặt sinh lý. Người đói lớn là những người khao khát tìm ý nghĩa của sự tồn tại.” Đó là một đoạn thoại trong phim. Chỉ có thể nói rằng, Burning nói về những người đói, những người đói nhỏ và những người đói to, về một cơn đói cồn cào thiêu đốt, mãnh liệt và đẹp đẽ.

Burning (2018)

Fallen Angels (1995) – Wong Kar-wai: Nỗi cô đơn đầy thi vị

Vương Gia Vệ (Wong Kar-wai) cũng là một đạo diễn thường xuyên đưa sự cô đơn vào tác phẩm của mình. Đọa Lạc Thiên Sứ (Fallen Angels), là một tác phẩm cực kỳ thú vị và đầy thi vị về những người trẻ cô đơn ở Hong Kong.

Tương tự như Trùng Khánh Sâm Lâm (Chunking Express), bộ phim cũng kết hợp hai cốt truyện rất khác nhau: tội phạm hình sự và hài lãng mạn. Thế nhưng, xem phim, ta chẳng cần để tâm về cốt truyện và ý nghĩa đằng sau chúng. Điểm lôi cuốn của phim nằm ở chính cách mà Vương Gia Vệ quan sát sự cô đơn của người trẻ khi Hồng Kông về đêm. Suốt phim, qua những khung hình tuyệt đẹp trên màn ảnh, ta được gặp những nhân vật, đồng cảm với cuộc sống của họ, sự mất kết nối của họ, sự mông lung của họ.

Có lẽ, đó cũng là một sức mạnh của điện ảnh. Khi những người xem phim được nghe, nhìn và đồng cảm với trải nghiệm của chính nhân vật. Khi những người cùng xem một phim, dù không biết nhau, đều có một giấc mơ chung và nỗi cô đơn sẽ được xoa dịu phần nào.

Fallen Angels (1995)
Thời

______

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Tuấn Noir

No more