Death Wish: Bạo lực lên ngôi là bằng chứng của hệ thống trị an yếu kém

Bài ELLE Team

Bộ phim mới ra rạp do Bruce Willis thủ vai chính nói về một vị bác sĩ chuyên cứu người và một Thần Chết giết người vào ban đêm, cả hai đều là Paul Kersey. Thật khó để tưởng tượng ra một bác sĩ bỏ dao mổ và tập cách cầm súng để bảo vệ cho gia đình anh ta, nhưng nếu sống trong một xã hội có hệ thống an ninh không đảm bảo, đợi mọi chuyện xảy ra rồi lực lượng trị an mới có mặt thì Paul Kersey có thể là bất kỳ ai trong chúng ta.

Death Wish là một bộ phim hành động kể về bác sĩ Paul Kersey (Bruce Willis thủ vai) trên hành trình trở thành sát thủ để trả thù và bảo vệ cho gia đình mình. Bối cảnh Death Wish đặt ra là một xã hội hỗn loạn và việc giết chóc, cướp lột trên đường phố xảy ra bình thường và rất bình tĩnh. Tội ác không còn nằm trong bóng tối như lâu nay ta vẫn tưởng, tội ác trong Death Wish được phơi bày và lan rộng. Kể cả những người dân trong thành phố cũng phải làm quen với việc một vụ nổ súng chết người xảy ra trước cửa nhà họ. Và khi chính phủ, cảnh sát không thể vào cuộc kịp thời thì người dân (chính nhân vật Paul Kersey) tự tay hành động để bảo vệ thứ anh ta muốn.

Bối cảnh một thành phố nhuốm máu và hỗn loạn của Death Wish.
Bối cảnh một thành phố nhuốm máu và hỗn loạn của Death Wish.

Trong phim, trước khi Paul Kersey quyết định chính thức để tay dính chàm, anh tới đồn cảnh sát để xem tình hình điều tra phá án tới đâu. Khi anh bước vào văn phòng cảnh sát, một chiếc bảng dán kín giấy note, mỗi tờ giấy tượng trưng cho một vụ án chưa được giải quyết. Góc bảng lại có thêm một tờ giấy ghi “Cần một chiếc bảng lớn hơn”. Đây có thể được xem là một tình huống châm biếm dưới góc nhìn của người làm phim lên trường đoạn này như chính đạo diễn Eli Roth đã thừa nhận trong quá trình làm phim, anh đã quan sát nhiều đồn cảnh sát và thực sự đã từng thấy một chiếc bảng với một tờ note y hệt như thế, nên anh quyết định đưa chi tiết đó vào phim.

Phim ảnh là một tấm gương phản ảnh hiện thực, nó không nhất thiết phải y đúc như hiện thực để mô tả như mọi chuyện đang xảy ra nhưng điện ảnh là loại hình nghệ thuật cho phép lật ngược sự thật và đẩy nó đến tận cùng để người xem thấy được cốt lõi sự việc, cái tận cùng mà hiện thực của người xem chưa đi tới. Chỉ có tưởng tượng một cách hợp lý mới mở ra một thế giới vô cùng với một kết quả vô cùng. Sẽ khó mà thấy được một người làm bác sĩ bỏ dao mổ và tập cách cầm súng để bảo vệ cho gia đình anh ta, nhưng nếu một hệ thống an ninh yếu kém và không đảm bảo được trật tự và an toàn cho người dân, đợi mọi chuyện xảy ra rồi lực lượng trị an mới có mặt thì Paul Kersey có thể là bất kỳ ai trong chúng ta.

Mỗi khi hành sự, Paul Kersey sẽ xuống bãi rác quần áo của bệnh viện để lựa một cái hoodie (áo khoác trùm đầu) mặc vào. Cứ mỗi đêm tìm kiếm sự trả thù và gây ra án mạng, người dân và truyền thông chỉ biết anh là một người da trắng trong chiếc hoodie. Họ tranh cãi là việc liệu “anh hùng bóng tối” này làm là đúng hay sai: giết người, nhưng giết người xấu.

Từ một bác sĩ ẩn mình trong áo hoodie, Kersey trở thành sát nhân.
Từ một bác sĩ ẩn mình trong áo hoodie, Kersey trở thành sát nhân.

Cách đây vài năm, vụ án về Trayvon Martin, một thanh niên da màu 17 tuổi bị bắn chết ở Sanford, ngoại ô Orlando bởi một người đàn ông da trắng. Đây được cho là một cái chết gây chia rẽ nước Mỹ và nó mở ra tất cả sự tàn độc và kì thị vẫn còn trong xã hội này vẫn còn nấp sâu dưới những hô hào và tuyên ngôn hòa bình của Mỹ. Lúc án mạng xảy ra, Trayvon Martin đã mặc áo hoodie, kẻ bắn chết em nghĩ em là người có khả năng phạm tội nên đã theo sát Trayvon, một cuộc ẩu đả xảy ra và kết thúc bằng hai tiếng súng.

Suốt thời gian vụ án xảy ra, hàng trăm người mặc áo hoodie biểu tình để lên tiếng giành quyền lợi lại cho Trayvon Martin. Đội bóng rổ nhà nghề Miami Heat cũng đã chụp hình tập thể mặc áo hoodie.

Đội tuyển Miami Heat.
Đội tuyển Miami Heat.

death wish elleman 2

Không chỉ người da màu, mà tất cả những ai bất bình đều lên tiếng và biểu tình tại thời điểm vụ án xảy ra.
Không chỉ người da màu, mà tất cả những ai bất bình đều lên tiếng và biểu tình tại thời điểm vụ án xảy ra.

Hình ảnh người da màu trong áo hoodie là Trayvon Martin, là người vô tội và không đáng phải ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ vì một lý do đầy ác cảm khi kẻ giết người cứ nhăm nhăm vào màu da mà kết luận.

Giờ đây trong Death Wish, Paul Kersey được biết đến như “một người đàn ông da trắng trong áo hoodie” làm Thần Chết về đêm. Áo hoodie ở đây không dừng lại là một cái áo khoác che đậy nhân dạng nữa mà trở thành một tấm khiên. Một người bình thường không thể nhìn xuyên thấu tấm khiên mà xác định người mặc chiếc áo đó là tốt hay xấu, là người vô tội hay kẻ tội phạm, là bác sĩ hay sát nhân. Cái áo bạn mặc lên không còn dừng ở mục đích cơ bản về nhu cầu ăn mặc nữa, cũng không thể hiện bạn là ai nữa, nó xóa nhòa mọi ranh giới, phỏng đoán, nhiệm vụ và địa vị của mỗi người.

Khoan nói tới đây là bộ phim hay hay dở, nhưng Death Wish đã đưa ra những cảnh báo, dự đoán khôn lường về việc, khi một tổ chức hay hệ thống chính phủ phải để người dân tự ra tay hành động để bảo vệ tính mạng cảu chính họ, mọi chuyện sẽ đi rất xa, xa hơn những gì chúng ta tưởng tượng, và mất mát cũng sẽ rất nhiều. Cái kết trong Death Wish là một cái kết tròn trịa, nhưng ngoài đời thực thì còn phải xem chúng ta sẽ đẩy ra bao xa.

Xem thêm

A Quiet Place: Khi căng thẳng đến từ sự im lặng

10 hình tượng hóa trang Halloween ấn tượng

Minh Thy (Tạp chí phái mạnh ELLE Man)

No more