G-Dragon tìm lại ngôi vương tại K-pop

Bài Tuan Anh

kpop
Sau nhiều năm rời xa âm nhạc, G-Dragon đang có màn tái xuất không thể bùng nổ hơn với loạt single đạt thành tích cao, và mới nhất là album “Übermensch” chứng minh vị thế ông hoàng K-pop vẫn còn vững chãi.

 

Khán giả đã đợi quá lâu cho màn tái xuất của G-Dragon, kể từ EP Kwon Ji Yong ra mắt từ năm 2017. Nếu tính single mới nhất khi anh hoạt động với BIGBANG thì lần cuối cũng đã từ single Still Life phát hành năm 2022. Trong suốt thời gian dài đó, G-Dragon thậm chí còn vướng vào những vụ lùm xùm đáng tiếc mà anh là nạn nhân, nhưng tên tuổi của anh chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí người hâm mộ.

 

Ngay khi anh giới thiệu single Power trên mạng xã hội và phát hành digital trên các nền tảng streaming một cách bất ngờ, nó đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ không chỉ gói gọn ở Hàn Quốc mà còn “chao đảo” cả châu Á. Single tiếp theo Home sweet home còn làm được nhiều hơn thế khi được anh trình diễn tại MAMA 2024, nhanh chóng dẫn đầu các bảng xếp hạng K-pop trong một thời gian dài.

 

Khán giả vẫn thường phong tặng cho G-Dragon danh hiệu ông hoàng K-pop nhờ tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong suốt gần 20 năm hoạt động, chưa có khi nào giảm độ nóng. Ở album phòng thu thứ 3, cũng là sản phẩm vừa phát hành có tên Übermensch, G-Dragon cũng một lần nữa khẳng định rõ ràng điều đó.

G Dragon
Ảnh: Tổng hợp

Ngai vị không bàn cãi

 

Übermensch được lấy cảm hứng từ một khái niệm được Nietzsche nhắc đến năm 1883 trong cuốn sách Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế). Khái niệm này có thể hiểu là Beyond Human – Siêu nhân – khuyến khích mọi người thoát khỏi lối mòn, tạo nên giá trị riêng mình và không ngừng hoàn thiện bản thân để ngày càng đạt đến những tầm cao mới. Quả thực, khó có cái tên nào mô tả tham vọng của G-dragon tốt hơn như vậy nữa.

 

Trong suốt quãng thời gian hoạt động cùng BIGBANG cũng như các sản phẩm solo, kết hợp với TOP hay Taeyang, G-Dragon liên tục tạo ra những cột mốc đột phá mới: nâng tầm vị thế của K-pop ở châu Á cũng như quốc tế, tiên phong phá bỏ định kiến về các nghệ sĩ thần tượng không có tài năng gì bằng việc tự tham gia sáng tác và sản xuất cho hầu hết các sản phẩm của bản thân, tầm ảnh hưởng lan rộng sang cả lĩnh vực thời trang với nhiều impact không thể phủ nhận như trend áo khoác lông, hoa cúc,… được rất nhiều người nổi tiếng khác học theo.

 

Ngay cả ở thời điểm hiện tại, với một idol đã gần 40 tuổi và hoạt động xấp xỉ 20 năm, G-Dragon cũng là người hiếm hoi vẫn đứng được ở đỉnh cao. Khái niệm Übermensch nếu để một nghệ sĩ nào đó chưa có nhiều thành tích sử dụng sẽ trở nên kệch cỡm. Nhưng bởi đây là G-Dragon, anh đã chứng minh vị thế của mình quá đủ trong những năm qua, nên nó trở nên vô cùng hợp lý.

Kpop
Ảnh: Tổng hợp

Hai ca khúc single được G-Dragon đưa vào đầu album thể hiện rõ ràng 2 khía cạnh có phần trái ngược của bản thân: Một mặt luôn ngạo nghễ, biết rõ vị trí của mình và không ngại ngần thể hiện nó “G to the D or ‘G.O.A.T’ the livin’ legend/ King is still poppin” (Power); mặt khác lại dành tặng cho những người hâm mộ của anh những lời ca ngọt ngào “Wеll, I said, I would be back/ And I’d never let you go/ Pick a petal off a flower/ Daze, you love me” (Home sweet home). Cả hai single này đều được G-Dragon triển khai lối rap giọng mũi rất đặc trưng, đã trở thành một thứ signature có ảnh hưởng lớn tới các idol rapper tại K-pop. Một phần lý do thành công của chúng cũng nằm ở chính yếu tố này: Nó gợi nhắc cho người hâm mộ về một thời hoàng kim của âm nhạc, thứ là một kỷ niệm rất đẹp mà họ luôn nhớ về G-dragon.

 

Tới Too bad có thể nói là ca khúc rất mới lạ và thú vị trong discography của G-Dragon. Kết hợp với nghệ sĩ quốc tế thì không phải điều bất ngờ bởi anh đã làm điều đó nhiều lần trong album Coup D’etat. Tuy nhiên, ở đây, G-dragon lại để cho Anderson .Paak là người dẫn dắt chính khi chất liệu funk đặc trưng của nam rapper này tràn ngập xuyên suốt bài. Điều này mang lại hiệu quả rất tích cực khi Too bad đang rất được ưa chuộng, nhanh chóng vươn lên dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng tại Hàn Quốc.

 

Drama là bản ballad duy nhất của album, mang lại nhiều cảm giác của single thành công Untitled, 2014 trước đây của G-dragon khi phần phối khí đặt trọng tâm vào piano và có nhiều khoảnh khắc cao trào nhiều cảm xúc. Các bản ballad của G-Dragon vẫn luôn tỏ ra khác biệt bởi cách hát, cách nhả chữ vẫn giữ được nguyên đặc trưng âm mũi cùng tông giọng cao không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, Drama còn được lồng ghép cả tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật, khiến cho ca khúc đang được được đón nhận ở khắp mọi nơi.

Không ngừng sáng tạo G-Dragon

 

Ở bốn ca khúc tiếp theo trong album Übermensch, tuy không còn sự hào nhoáng như ở 4 ca khúc được lựa chọn làm single, tuy nhiên mỗi ca khúc lại có những đặc trưng thú vị riêng, cho thấy sự chịu khó đầu tư sáng tạo của G-dragon. IBELONGIIU sử dụng các yếu tố của synth pop không thường thấy trong âm nhạc của nam rapper, gợi nhắc nhiều đến các album của The Weeknd. Take me thoạt nghe có cảm giác quen thuộc như ở thời kỳ đỉnh cao của BIGBANG với cấu trúc đơn giản và đoạn hook bắt tai, nhưng đến cuối G-Dragon lại mang vào tiếng solo guitar của huyền thoại funk/disco Niles Rodgers, khiến cho bài hát khác lạ và đáng nhớ hơn hẳn.

 

Bonamana lại là một ca khúc độc đáo khác khi xuyên suốt bài G-Dragon chỉ sử dụng độc tiếng guitar, thậm chí anh còn để tông giọng hát của mình thấp hơn trong phần lớn thời lượng của album, khiến cho nhịp đô của album được làm chậm lại và trầm lắng hơn. Phần vocal của bài cũng rất được đầu tư trau chuốt với nhiều layer chồng lên nhau tạo ra độ dày hơn hẳn các ca khúc khác và đối nghịch lại được phần guitar đơn giản trong bài. Ca khúc cuối cùng trong album Gyro-drop lại đẩy nhịp điệu lên trở lại với loạt trống dồn dập, tuy nhiên dung lượng ca khúc khá ngắn, dưới 2 phút, lại có cái kết khá đột ngột, khiến cho tổng thể album mang lại cảm giác chưa hoàn thiện.

G dragon
Ảnh: Tổng hợp

G-Dragon không theo đuổi trào lưu làm album dài, nhiều track như phần lớn thị trường âm nhạc hiện nay. Album của anh vẫn chỉ có 8 bài tiêu chuẩn tối thiểu và tổng độ dài chỉ hơn 25 phút. Điều này rõ ràng chưa làm thỏa mãn những người hâm mộ đã chờ đợi gần 8 năm cho một sản phẩm dài hơn của nam rapper kể từ EP Kwon Ji Yong năm 2017. Tuy nhiên, bù lại, G-Dragon khiến cho cả 8 ca khúc trong album đều có dấu ấn riêng đặc biệt, không có bài nào bị lãng quên hay chỉ làm nền, thêm vào cho có.

 

Khả năng quy tụ những khách mời đặc biệt của G-Dragon cũng rất đáng nể. Bên cạnh Taeyang, Daesung hay Anderson .Paak là những người được feat chính thức hay Niles Rodger góp thêm tiếng guitar ấn tượng như đã nói ở trên, G-Dragon còn mời được nhạc sĩ huyền thoại Diane Warren – tác giả của những bản hit đình đám thập niên 90 Because You love me, Unbreak my heart hay How do I live – tham gia vào ca khúc Drama. Hay thậm chí, anh mời được Karina của aespa – IT girl lừng lẫy của Kpop thời điểm hiện tại – tham gia diễn xuất chung trong MV Too bad. Những sự góp mặt này khiến cho “Übermensch” có thêm sức nặng cả về mặt truyền thông lẫn chất lượng.

G-Dragon cho thấy khi bước tới năm thứ 19 trong sự nghiệp, anh vẫn có thể hiên ngang đứng ở vị trí cao nhất của K-pop một cách rất dễ dàng, tiếp tục xây dựng vững chắc cho tên tuổi chưa bao giờ hạ nhiệt cũng như sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của mình. Übermensch tuy ngắn gọn nhưng vẫn đủ mang đến chất riêng không lẫn được vào đâu của G-dragon cũng như chứng minh khả năng sáng tạo không ngừng của nam rapper để xứng đáng với vị trí mà anh đang đứng.

_____

Bài: Nam Trần

No more