Giới thiệu sách: Nhật ký chuyên văn

Bài Trúc Đoàn

Tròn 20 năm sau ngày ra trường, những cô bé cậu bé học trò giờ đã lớn, đã làm mẹ, làm cha và giờ là lúc họ chia sẻ với tất cả những kỷ niệm dưới mái trường.
gioi thieu sach nhat ky chuyen van
Nhật ký chuyên văn

Cuốn sách ra đời đúng thời điểm có một số chuyện lùm xùm quanh áp lực của “trường chuyên lớp chọn”, đặc biệt tại trường Hà Nội – Amsterdam (hay vẫn được gọi thân thương là trường Ams). Và thế là, công chúng không khỏi tò mò tự hỏi, vậy trường Ams xưa kia thì sao? Có phải những vấn đề của trường chuyên mà người ta đang đồn thổi hiện nay đã bắt đầu từ khi đó?

Câu trả lời là Không! Vào thời điểm 20 năm trước, những cô bé cậu bé ngồi trên ghế nhà trường dành nhiều thời gian để mộng mơ và nghĩ về nhau hơn là về con đường “sự nghiệp” của chính mình. Nhà văn Nguyễn Trương Quý, tác giả và đồng thời cũng là biên tập viên của cuốn sách kể: “Thời đi học, thầy giáo chủ nhiệm có giao cho lớp một cuốn sổ và dặn các em hãy viết nhật ký hàng ngày vào đây, viết để lưu lại những chuyện vui buồn trên lớp. Thầy cũng để cho cả lớp thoải mái đọc sách ghi chứ không can thiệp, và cũng không để ý là chúng tôi đã viết đủ cả 3 năm trung học. Thậm chí, chính chúng tôi cũng không ngờ là vẫn giữ đươc sau 20 năm cả mấy cuốn sổ… Cách đây 2 năm, lớp tôi bắt đầu gặp lại nhau thường xuyên hơn, và một người bạn hiện đã sống nước ở ngoài nói tôi thử nghĩ xem có thể chắp nối thành một cuốn sách được không”. Con đường để những cuốn nhật ký riêng tư của lớp trở thành một cuốn sách công khai cho công chúng kéo dài hai năm, bao gồm cả việc thuyết phục các bạn trong lớp, biên tập và chờ được in. Và thật bất ngờ, cuốn sách bỗng trở thành một hiện tượng nho nhỏ, để bao nhiêu người bồi hồi nhớ lại thời “nhất quỷ nhì ma” của mình.

Phỏng

Quan trọng hơn, cuốn sách nhắc lại về một giai đoạn quan trọng của giáo dục Việt Nam, khi tinh thần “mở” bắt đầu được chú trọng. Những cô cậu tuổi mới lớn thời ấy đã bắt đầu được tiếp xúc với các tác phẩm văn hóa phương Tây, khác xa với thế hệ trước đó chỉ biết nhiều về văn hóa Đông Âu.

Họ cũng không phải đối mặt với quá nhiều áp lực về học tập, không chạy đua với lịch học thêm hay những thành tích mà xã hội bây giờ rôm rả tôn vinh. Nếu đem so sánh với hiện tại, những tháng ngày học trò của lớp chuyên Văn ngày ấy không khác gì một cuộc dạo chơi hạnh phúc. Vẫn có ở đó những nỗi buồn do không làm bài kiểm tra tốt, sự ăn năn vì lười biếng, đôi chút tự ti khi thua kém, nhưng cảm giác của toàn bộ cuốn sách là sự vui tươi của tuổi học trò.

Nhưng nếu không so sánh gì cả, chỉ tìm đến cuốn sách với sự hiếu kỳ “tuổi mới lớn ngày xưa viết gì”, độc giả vẫn có thể cảm thấy rõ ràng là họ không thể rời mắt khỏi những trang viết hồn nhiên, chân thật của những cô bé, cậu bé học trò.

Họ có thể đem tất cả các thầy cô ra bình luận một cách hài hước trong trang viết, họ cũng có thể đưa ra những bình luận rất đỗi não nề về những điểm yếu của chính mình. Họ cũng có thể hừng hực khí thế trước một sự kiện sắp tới, rồi lại ngay lập tức có thể mơ mộng về những điều xa xôi.

Khi

Và từ những điều ấy, người ta có thể nhận thấy rằng tuổi trẻ luôn tràn ngập ý tưởng và sáng tạo, không chỉ ở những điều các tác giả viết ra, mà còn ở cách họ tự vụng về minh họa trên trang giấy.

Những mẩu viết không đầu không đuôi về những chuyến đi, những trận đấu thể thao, về những câu chuyện học trò xảy ra trong lớp kéo độc giả lại thời hoa niên của họ, để rồi họ phải tự hỏi: Con người mơ mộng, lãng mạn của ta ấy liệu có còn?

Cuốn sách có lẽ không chỉ dành cho những ai từng là học trò, mà còn dành cho cả những người đã, đang và từng đứng trên bục giảng. Cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng tâm lý học trò thì vẫn thế. Cuốn sách này có thể giúp chúng ta hiểu chính những người trẻ hiện giờ.

ELLE Man giới thiệu sách Nhật Ký Chuyên Văn cho những ai đã, đang và sẽ trải qua những tháng ngày “nhất quỷ nhì ma” của tuổi học trò.

Bài: Phương Thủy – Ảnh: Tư liệu

No more