Uống trà từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của nhiều nước trên thế giới. Khởi nguồn là một nắm lá lạ vô tình rơi vào nước sôi và thôi ra thứ màu nâu nhạt, tỏa ra mùi thơm. Dần dần, trà len lỏi vào đời sống con người từ nhiều thế kỉ trước. Trà được cho là bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa ai dám khẳng định 100% về nguồn gốc của thứ nước uống thần thánh này.
Uống trà trong văn hóa phương Đông
Phương Đông cực đoan với trà y như với bất cứ thứ gì đi qua vùng đất này. Với trà, người Á Đông nâng lên thành đạo, đặc biệt là ở Nhật Bản. Uống trà không chỉ đơn thuần để giải khát, mà trà là một thứ không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân châu Á xưa.
Tại Trung Quốc, trà phát triển mạnh nhất ở thời Đường, sau là thời Tống. Đặc biệt là sự xuất hiện của cuốn “Trà kinh” (Lục Vũ) đã tạo nên cơn sốt trà lan rộng khắp cả đất nước Trung Quốc thời đó. Trà nơi đây chia thành nhiều nhánh, với hàng trăm công thức pha điêu luyện, và cả những điều luật hết sức khắt khe. Một ly trà khi uống phải được pha từ thứ nước mưa mát lạnh, búp trà tuyển chọn và thậm chí là có hẳn những nguyên tắc cho người hái trà.
Còn ở xứ sở “Mặt Trời mọc”, văn hoá uống trà đã nâng tầm thành “Đạo”. Văn hóa Trà Đạo ở Nhật Bản chủ yếu sử dụng loại trà matcha (mạt trà) đã được xay nhuyễn mịn, có màu xanh tươi sáng. Mỗi khi mời khách, chủ nhà bày ra một bộ dụng cụ nhỏ gồm một thìa nhỏ múc bột trà, một cái tiển trà (cái phới đánh trà) và một chén uống trà làm từ men ngọc. Những bàn tay tỉ mẩn pha trà thật khéo. Món trà thơm đắng, ngọt hậu ăn với một chút đồ ăn nhẹ như bánh nếp dẻo nhân đậu đỏ, thạch, đậu đỏ hầm…
Trà sang Hàn Quốc được sử dụng rất rộng rãi tại các thiền viện, chùa chiềng… Trong những nơi thanh tịnh, trà được trồng đầy trong các khu vườn. Những vị sư hay thiền sư tại Hàn coi trà là một thứ nước uống hỗ trợ cho quá trình tu tập của họ.
Trà đi vào thơ ca nhạc họa, đi dọc theo lịch sử Á Đông mà lớn mạnh. Tại đây, trà đã gieo nên một mạng nhện dày khắp, mà tại đó dân phương Tây không thể nào hiểu được sự kỳ bí và cực đoan này. Họ kinh ngạc, tò mò và háo hức thử trà với một tấm lòng hiếu kỳ nhất.
Trà như một thứ ngôn ngữ lạ lùng của người phương Đông. Chén trà mang hơi thở của sương sớm, phảng phất làn nước mưa mát lạnh, và đậm đà hương đắng chát của những búp trà non mơn mởn. Với trà, ta không vội vã, suồng sã, mà phải nhẹ nhàng nâng niu. Với trà, ta không mạnh bạo giằng xé mà phải nghiêm cẩn, tôn trọng như một lễ nghi. Đó là lý lẽ của người phương Đông ngoan cố. Hay là bản sắc của một vùng đất tuyệt vời, bí ẩn.
Những búp trà “đi Tây”
Trà xuất hiện tại châu Á từ thế kỉ thứ 4-5 nhưng phải đến mười thế kỉ sau mới đặt chân lên lục địa châu Âu. Trà vào Anh Quốc và dấy lên một cơn bão, thay đổi toàn bộ thói quen uống nước giải khát của xứ Tây.
Tại Anh Quốc, không có tinh thần cực đoan như tại châu Á. Dân Tây thưởng trà với mục đích thư giãn và tận hưởng hơn nhiều. Nếu ở Trung Quốc, trà được coi là một thứ thuốc chữa bệnh, ở Ấn Độ trà được xào tỏi ăn ngon lành, thì với dân Anh Quốc, trà chỉ đơn thuần là trà thôi. Là những viên, những sợi thảo mộc thơm phức, thả vào nước sôi nóng rẫy, bung tỏa ra những hương thơm quyến rũ. Uống một tách trà như uống cả một nền văn hóa xa xôi vào bụng. Thật là đáng để thử!
Dân Tây cởi mở và yêu trà như dân Á Đông vậy. Nhưng tình yêu của phương Đông lằn những đòn roi của sự khắc nghiệt, gò ép vào khuôn khổ thì tình thương mến của phương Tây nồng nàn những cái hôn. Họ thả vào trà một văn hóa nồng nhiệt, say mê, thả vào những giai điệu du dương ấm áp, mang trà vào bữa ăn chiều, sau giờ cơm, hay thậm chí là vừa mới ngủ dậy.
Mê lực của trà
Trà của phương Đông giải sạch những cơn mơ như Lục Vũ nói: “Muốn đỡ khát thì uống lấy nước, muốn tiêu sầu thì uống lấy rượu. Còn muốn tỉnh mộng mê thì uống lấy trà”. Hay như một vị nhà thơ thời Đường tha thiết với trà, cho rằng chỉ cần uống đến chén thứ bảy là có thể lên thiên đàng.
Người Nhật với những lễ nghi hà khắc, đã đem trà biến thành một bản sắc có một không hai, họ truyền nhau những bài học về trà còn khó hơn cả bài thi Đại Học. Có những trường lớp dạy Trà Đạo riêng, chúa và samurai sẵn sàng bái những bậc thầy về trà làm sư phụ. Có thể nói, trà tại phương Đông là một thứ nghiêm túc, đạo mạo và tuyệt đối không thể tách rời khỏi văn hóa.
Trà men gót những lái buôn sang Tây, đã được mở mang tầm mắt với cơ man nào là kem béo, bánh kem, mứt… Trà tại đây nhảy múa trong những chiếc tách sứ lộng lẫy, lắng tai nghe chuyện phiếm của những quý cô, quý bà đang khéo léo chỉnh lại chiếc khăn ăn lụa mềm mại.
Phương Tây yêu vẻ đẹp cân đối, đối xứng vĩnh cửu khác xa với Á Đông nhỏ nhẹ yêu cả những thứ không hoàn hảo. Nên ly trà ở đây cũng phải đạt tới một hương vị hài hòa, không quá đắng chát đặc biệt, cũng không được ngọt lịm hay quá ngậy (một số nơi thêm bơ vào trà). Ly trà của châu Âu thoảng nhẹ vị trái cây mềm mọng, vị thơm của cánh hồng đỏ hay chút hương mật ong ngọt ngào.
Một vị công nương khi nếm thử ly trà được pha theo kiểu châu Á xa xưa với đọt trà non và chút muối tinh khiết đã thảng thốt mà lắc đầu. Có lẽ hương vị sắc lẹm và chát chúa của ly trà mộc mạc bên kia đại dương không phải là thứ nước màu hổ phách óng ánh thoảng nhẹ hương mạch nha thơm lừng mà vị công nương đó uống mỗi sáng. Nhưng sự thật, cả hai thứ nước đó đều được gọi là trà. Trà muôn hình vạn trạng, trà muôn kiểu hương thơm, và hàng trăm cung bậc cảm xúc gửi đến người uống. Nếu ly trà biến hóa khôn lường, thì người uống trà lại chỉ có một. Tức là họ có một sự nhất quán, nhất mực yêu trà, say mê trà và sống chết cũng phải uống một ly trà, dù là trà đen hay trà xanh, trà trắng.
Sau một chiều dài lịch sử đầy những câu chuyện ly kỳ về trà, đến nay trà đã được hiện đại hóa và đi ngày càng sâu vào đời sống ẩm thực của chúng ta. Những quán trà lụp xụp từ thời xa xưa vẫn không biến mất, mà ngày càng nhân rộng ra hơn, thành trà Quán, trà Viện. Tại sao lại là lụp xụp, cũng bởi cái tính của người phương Đông cực đoan không màu mè, coi việc thưởng trà là cao quý, chỉ nhắm vào trà chứ không màng đến không gian, thời gian. Tất cả xoay quanh một ly trà nóng ngay trước mặt đây, không còn đau khổ, không còn muộn phiền.
Và ly trà được thở phào nhẹ nhõm, tạm rời xa khỏi những lễ tiết mà bay đến phương Tây.
Hãy cùng ELLE MAN pha một ấm trà thật ngon, ngồi xuống ngắm trời mây và ăn nhẹ một chút bánh. Đã bao lâu rồi mình không thảnh thơi uống một ly trà?
—
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài: Hà Chuu