Dù có điểm xuất phát có phần muộn so với các logo thương hiệu thời trang tiên phong nhưng những gì Givenchy đóng góp cho làng thời trang là vô cùng to lớn. Hubert de Givenchy, cha đẻ của logo thương hiệu thời trang này là người đã định nghĩa lại “thời trang” lúc bấy giờ và ngày nay, người ta xem thương hiệu Givenchy chính là một trong những lão làng của ngành công nghiệp thời trang thế giới.
NTK Hubert de Givenchy sinh năm 1927 tại Pháp. Bố của ông mất sau khi Hubert de Givenchy mới 3 tuổi và được nuôi dưỡng bởi mẹ và bà ngoại của mình. Bà ngoại ông là chủ sở hữu và là giám đốc điều hành của các nhà máy sản xuất thảm. Chính vì vậy mà niềm đam mê thời trang đã sớm thấm đẫm trong con người của nhà sáng lập nên logo thương hiệu Givenchy này. Ông bắt đầu con đường thiết kế vào năm 1944 khi ông chỉ vừa mới 17 tuổi. Hai năm sau, Givenchy làm việc cùng các NTK nổi tiếng như Pierre Balmain và Christian Dior. Sau này, ông trở thành phụ tá cho nhà thiết kế tiên phong Elsa Schiaparelli và thực hiện ước mơ thành lập thương hiệu thời trang riêng cho mình vào năm 1952 tại Plaine Monceau, Paris. Hubert de Givenchy được xem là tài năng trẻ tuổi nhất trong làng thời trang mới của Paris lúc bấy giờ.
Thương hiệu Givenchy được thành lập với logo thương hiệu bao gồm 4 chữ “G” với 4 chiều hướng khác nhau, tạo thành một hình vuông lớn. Chữ “G” chính là viết tắt của chữ Givenchy – tên của người sáng lập thương hiệu thời trang. Ngoài ra, logo thương hiệu còn gợi nhắc tới hình ảnh trang sức của người Celtic với một thiết kế phức tạp.
Phong cách thời trang mà Hubert de Givenchy mang tới được đánh dấu bằng sự đổi mới, trái với những thiết kế được cho là truyền thống có tính bảo thủ như thương hiệu Dior. Bộ sưu tập đầu tiên của ông được ra mắt lúc Givenchy chỉ mới 24 tuổi, mang tên ”Bettina Graziani” – được lấy cảm hứng và đặt tên theo nghệ danh của một người mẫu rất nổi tiếng lúc bấy giờ, và vì lý do tài chính nên ông đã sử dụng các loại vải giá rẻ, cũng chính vì thế mà kích thích sự tò mò của giới chuyên môn thời trang. Nó đã trở thành một cú hit thực sự cho cả ngành thời trang cũng như giới truyền thông, báo chí bởi tuổi đời quá trẻ nhưng ông đã làm nên một kỳ tích hiếm thấy.
Tuy nhiên, người đã tạo nên bước ngoặt cuộc đời cho nhà sáng lập logo thương hiệu Givenchy chính là ngôi sao nổi tiếng người Mỹ, nàng thơ và cũng là bạn thân của ông, Audrey Hepburn. Bà chính là hình tượng tiếp theo cho nguồn cảm hứng thiết kế của thương hiệu thời trang Givenchy. Kể từ năm 1953 cho đến khi Audrey qua đời vào năm 1993, họ đã trở thành những người bạn vô cùng thân thiết trong sự nghiệp cũng như cuộc sống. Givenchy cũng đã thiết kế 7 bộ phục trang cho 7 bộ phim khác nhau của Audrey Hepburn. Ông cũng chính là tác giả của chiếc váy đen nổi tiếng của Audrey Hepburn, The Little Black Dress. Bà đã mặc nó trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s của mình. Đây chính là chiếc váy được mệnh danh là một trong những bộ váy đắt nhất mọi thời đại trong một cuộc đấu giá từ thiện năm 2006 với giá bán hơn 920.000 USD (khoảng 21 tỷ đồng).
Cũng trong thời gian này, cuộc gặp gỡ với NTK Cristobal Balenciaga trở thành chất xúc tác mãnh liệt trong phong cách thời trang của ông, đồng thời mang đến cho Givenchy một người bạn, người thầy có sức ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp làm thời trang của mình, gắn liền với sự ra đời của Givenchy Haute Couture vào năm 1970. Phong cách thời trang của Givenchy được định hướng không cầu kỳ nhưng tinh tế, gợi cảm và hiện đại.
Tôn chỉ trong sáng tạo của Hubert de Givenchy là thanh lịch, tinh tế nhưng vẫn pha trộn nét phóng khoáng, tự nhiên. Đây cũng là bản sắc của thương hiệu Givenchy về sau này. Khách hàng của nhãn hiệu thường là những diễn viên hạng A, giới quý tộc trong đó có nữ minh tinh Liz Taylor, Cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy Onassis và Vương phi của Công quốc Monaco Grace Kelly. Logo thương hiệu Givenchy từ lâu đã được coi là biểu tượng cho sự lịch lãm, tao nhã giữa thủ đô Paris hoa lệ thời hậu chiến. Để có thể trở thành nhà mốt cao cấp hàng đầu, Givenchy không chỉ có những mối quan hệ mật thiết với từng khách hàng mà còn sẵn sàng đầu tư cả một bộ sưu tập cho các hình mẫu cụ thể.
Năm 1988, logo thương hiệu Givenchy được nhượng lại quyền sở sữu cho tập đoàn thời trang xa xỉ LVMH nhưng ông vẫn giữ được vai trò Giám đốc Sáng tạo cũng như NTK chính cho thương hiệu đến năm 1995. Giám đốc điều hành LVMH, ông Bernard Arnault từng nói về Givenchy rằng: “Hubert de Givenchy đã kết hợp hai giá trị hiếm có của thời trang: Sự sáng tạo và các thiết kế kinh điển. Ông là một trong những nhà thiết kế có công khiến Paris trở thành trái tim của thế giới thời trang sau năm 1950.”
Cái tên Givenchy được vinh danh như một ông hoàng thời trang của Pháp với nét thanh lịch hết sức chuẩn mực. Trong mắt của giới mộ điều thời trang, những thiết kế của thương hiệu Givenchy như một tiêu chuẩn để đánh giá vẻ sang trọng và thường thấy chúng qua những bộ phim ăn khách, thảm đỏ sự kiện đình đảm hay ở những quý cô sành điệu bậc nhất Paris.
Năm 1995, Hubert de Givenchy nghỉ hưu sau 43 năm lãnh đạo, đế chế Givenchy như mất đi phương hướng bởi sự phá cách lệch quỹ đạo và phương châm trong thiết kế của hãng dù Giám đốc Sáng tạo lúc bấy giờ chính là John Galliano, Alexander McQueen. Chỉ khi Riccardo Tisci được bổ nhiệm vào vị trí, logo thương hiệu Givenchy mới lấy được hào quang trước đó của mình, ông đã từng bước tìm lại bản sắc và khơi dậy “linh hồn” của logo thương hiệu. Có thể nói Givenchy dưới thời của Riccardo ẩn chứa sự quyến rũ, lôi cuốn bên cạnh sự gai góc và lãnh đạm. Các thiết kế thiên về họa tiết và trang trí nhiều hơn, có phần nổi loạn nhưng vẫn mang tính cổ tích và thần thoại hiện đại, đậm chất thẩm mỹ và sự năng động – điều mà trước đây Hubert de Givenchy hầu như không chú ý tới. Riccardo Tisci là người đã đưa tên tuổi của logo thương hiệu Givenchy trở thành thương hiệu thời trang thành công bậc nhất, sánh ngang với các ông lớn như Louis Vuitton, Christian Dior,…
Tháng 3/2017, trước sự ra đi đầy tiếc nuối của Riccardo Tisci sau 12 năm gắn kết, Clare Waight Keller đã được bổ nhiệm thay thế vị trí của ông và trở thành người phụ nữ đầu tiên được “cầm lái” cho nhà Givenchy. Tiếp nhận và phát huy được những truyền thống của Hubert de Givenchy để lại, Clare đã xuất sắc trong việc nỗ lực nâng tầm và chuyển hóa những di sản từ thời vàng son của thương hiệu đến thời trang hiện nay.
Hubert de Givenchy được ca ngợi là “một nhân cách lớn của làng thời trang cao cấp nước Pháp” và là quý ông biểu tượng cho sự sang trọng, thanh lịch của Paris trong hơn nửa thế kỷ qua. Và sự ra đi của nhà sáng lập nên logo thương hiệu Givenchy chính là một mất mát lớn cho làng thời trang thế giới, thậm chí là cả nước Pháp. Ông mãi mãi là một nhà thiết kế huyền thoại trong lòng của những người yêu thời trang. Hubert de Givenchy đã luôn sáng tạo trang phục theo nguyên tắc riêng của mình: Tôn trọng và tôn vinh cơ thể phụ nữ, cũng chính nguyên tắc này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều hậu bối sau này của ông.
Chúng ta hãy cùng dõi theo con đường phát triển trong tương lai của logo thương hiệu thời trang Givenchy dưới thời của NTK nữ tài ba Clare Waight Keller. Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi một Givenchy mang đậm chất “Hubert de Givenchy” nhưng vẫn có nét đột phá nào đó của Clare, để chứng minh với công chúng rằng: Cô chính là một người kế nhiệm hoàn toàn xứng đáng với những gì mà mọi người mong đợi.
Xem thêm:
Ý nghĩa logo thương hiêu – Phần 15: Chanel
Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 14: Moschino
—
Bài: Hami Trần (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Kham khảo: Tổng hợp, Wiki, Businessoffashion.)