Louis Vuitton luôn gắn liền với cái tên xa xỉ cùng logo thương hiệu monogram nổi tiếng của mình. Đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng thương hiệu vẫn luôn giữ vững vị trí dẫn đầu. Vào năm 2018, tạp chí Forbes danh tiếng đã công bố danh sách những thương hiệu đắt giá nhất thế giới và đứng đầu chính là Louis Vuitton thuộc tập đoàn LVMH Moët Hennessy. Liệu bạn có tò mò về những câu chuyện đằng sau của thương hiệu này?
Lịch sử thương hiệu
Louis Vuitton / LV là một thương hiệu thời trang cao cấp xa xỉ nổi tiếng toàn thế giới của Pháp, đã có tuổi đời hơn 165 năm. Được thành lập bởi Louis Vuitton và duy trì dẫn dắt bởi các thế hệ nhà Vuitton. Thuở ban đầu thương hiệu chỉ chuyên về các sản phẩm đồ da: vali, túi xách và các phụ kiện liên quan đến du lịch.
Nhắc đến du lịch, vào thế kỷ 19 nơi mà chỉ có một số rất ít những người sang trọng, giàu có mới có thể chi phí nổi cho việc đi nghỉ mát. Tuy “ngành du lịch” là một khái niệm mới mẻ trong thế kỷ 19 và bản chất của việc du lịch cũng được cách mạng hóa trong thời gian này. Vì thế du lịch có một vị thế quan trọng ảnh hưởng tới việc kinh doanh lúc bấy giờ. Do đó sự ra đời của thương hiệu Louis Vuitton và các sản phẩm liên quan đến du lịch trong thời điểm này như một cột mốc đánh dấu trong thời đại mới.
Quay lại thời gian vào năm 1835, cậu bé Louis Vuitton 14 tuổi rời quê hương, đi bộ hơn 460km đến Paris, trải qua hành trình dài suốt 2 năm và làm đủ mọi công việc để mưu sinh. Năm 1837, ông đặt chân đến Paris, bắt đầu học việc và nhanh chóng trở thành thợ thủ công lành nghề tại Monsieur Maréchal, một xưởng đóng rương và hòm gỗ đựng hành lý rất có tiếng tăm ở thời điểm đó. Vào năm 1853, cuộc đời cậu bé ấy hoàn toàn thay đổi sau khi được Hoàng hậu Eugenie de Montijo – vợ của Napoleon Bonaparte mời làm thợ đóng rương du lịch riêng cho bà. Năm 1854, Louis Vuitton mở xưởng riêng, đặc biệt thiết kế cho hàng thời trang, ở tại số 4 đường Neuve-des-Capucines, gần quảng trường Place Vendome, Paris – từ đó viết nên câu chuyện sử thi của đế chế Louis Vuitton ngày nay.
Năm 1858, Louis Vuitton chính thức trở thành người phát minh ra loại rương để đồ hình chữ nhật vuông vắn. Trước đó, cả châu Âu hầu như chỉ dùng loại rương với nắp hình vòm, gây nhiều khó khăn trong việc xếp chồng khi di chuyển xa. Công việc của Louis đặc biệt thăng hoa sau khi nhận được huy chương đồng trong cuộc triển lãm Exposition Universelle do Napoleon tổ chức vào năm 1867. Từ đây, ông chính thức trở thành nguồn cung cấp rương hòm uy tín cho giới quý tộc Paris.
Năm 1871, xưởng làm rương của Louis bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh Pháp – Phổ. Tuy nhiên bất chấp mọi khó khăn, ông đã xây dựng lại tất cả trên đống đổ nát và thậm chí còn thành công hơn trước. Vì thế vào năm 1892, Louis Vuitton đã trở thành thương hiệu xa xỉ hàng đầu nước Pháp. Nhà sáng lập LV cũng qua đời trong năm này, để lại vị trí quản lý cho người con trai là Georges Vuitton. Chặng đường mới tiến ra trường quốc tế của thương hiệu cũng bắt đầu từ đây. Đến năm 1987, nhà Louis Vuitton kết hợp cùng Moet et Chandon và Hennessy thành lập tập đoàn LVMH.
Cho đến năm 1997, Marc Jacobs được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo đầu tiên của thương hiệu. Giới quyền lực ví von rằng, nếu như Karl Lagerfeld được ca tụng như ông hoàng của ngành thời trang với đế chế Chanel vĩ đại thì Marc Jacobs chính là chàng bạch mã hoàng tử của vương quốc Louis Vuitton. Nhà thiết kế tài năng này đã gắn bó với Louis Vuitton gần 2 thập kỷ (1997-2014) và đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong hành trình phát triển của thương hiệu Louis Vuitton.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Marc Jacobs liên tiếp đẩy mạnh doanh thu cho Louis Vuitton và định hình phong cách của những “IT girl” thế hệ mới – những cô gái biểu trưng cho sự sành điệu và thành đạt. Sau 16 năm, những tàn tích có phần cũ kỹ của Louis Vuitton đã được Marc Jacobs giũ bỏ hoàn toàn. Ông đã làm “rung chuyển ngành thời trang” và đưa thương hiệu Louis Vuitton lên ngai vàng rực rỡ. Nhiều biên tập viên, nhà phê bình thời trang danh tiếng còn phải thốt lên rằng, thời trang thế giới sẽ không còn là thời trang nếu thiếu sự hiện diện của bộ đôi Marc Jacobs – Louis Vuitton.
Sau nhà sáng tạo Marc Jacobs, chúng ta không thể không kể đến Kim Jones. Kể từ khi Louis Vuitton đã lựa chọn Kim Jones trở thành Giám đốc sáng tạo năm 2011, Jones đã nâng tầm của thương hiệu lên một đẳng cấp mới, với hàng loạt hợp đồng cộng tác đình đám. Đó là hợp tác với nghệ sĩ Anh Quốc như Jake và Dinos Chapman, hay nổi tiếng nhất là lần liên kết cùng thương hiệu đường phố đình đám Supreme. Kim Jones đã viết một trang sử mới cho không chỉ cho LV mà còn cả nền thời trang thế giới, về sự dung hoà giữa hai ngành thời trang tưởng chừng như khó có thể kết hợp là thời trang cao cấp và thời trang đường phố. Với cương vị giám đốc nghệ thuật tại Louis Vuitton, Kim Jones đã thành công hồi sinh lại dòng thời trang nam của nhà mốt, trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của giới trẻ.
Vào năm 2018, làng thời trang thế giới đầy bất ngờ khi nhà mốt Louis Vuitton thông báo Virgil Abloh – người xây dựng thương hiệu thời trang streetwear Off-White, sẽ là người kế nhiệm vị trí của Kim Jones.
Sau bộ sưu tập Xuân-Hè 2019, có nhiều ý kiến trái chiều trong định hình phong cách của anh. Thậm chí có người còn cho rằng bộ sưu tập đã hạ giá trị của một hãng thời trang xa xỉ xuống thành một thương hiệu “mì ăn liền” không đáng giá.
Tuy nhiên với một cái nhìn khách quan thì định hướng này sẽ góp phần tươi mới hơn trong giới thời trang và mở ra nhiều cánh cửa cơ hội và đa dạng phong cách hơn cho các thương hiệu. Vì dù sao thì với một nhà thiết kế “tay ngang” ở giữa một xã hội nhiều thách thức với người da màu, và khoảng cách giữa thời trang cao cấp và đường phố thì còn lắm chông gai.
Bí quyết thành công của Louis Vuitton không có gì bí mật nhưng không mấy thương hiệu thực hiện được. Louis Vuitton thành công trước hết nhờ tính đặc thù của thương hiệu. Sản phẩm mang thương hiệu này luôn nhẹ, bền và mốt, ít phải thay đổi mẫu mã mà vẫn được ưa chuộng theo thời gian.
Một phần của sự ưa chuộng rộng khắp này là nhờ “chứng nhận” của những nhân vật nổi tiếng cho thương hiệu này, từ các ông hoàng bà chúa đến những ngôi sao lớn. Logo thương hiệu của LV đã đồng hành cùng những người nổi tiếng và có danh vọng trên thế giới, cũng như bảo chứng cho độ sang trọng giá trị của chính họ.
Nhưng bí quyết thực sự đem đến thành công thực sự cho Louis Vuitton chính là việc kiểm soát. Công ty trực tiếp thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sản xuất kinh doanh, từ thiết kế đến phân phối. Việc kiểm soát này không chỉ là phương tiện để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, mà còn đảm bảo cả tỷ lệ lợi nhuận của Louis Vuitton, một tỷ lệ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh của họ.
Việc kiểm soát này cho phép Louis Vuitton đạt kết quả tốt trong các hoạt động đầu tư mạo hiểm. Thương hiệu này cũng luôn nỗ lực nhằm cân đối tính danh giá với tính đại chúng, duy trì được sự kết hợp giữa một thương hiệu sang trọng với một quan điểm marketing đại chúng.
Ý nghĩa logo thương hiệu
Thật thiếu sót nếu như nhắc đến cái tên Louis Vuitton mà lại không đề cập đến logo thương hiệu hay còn là LV monogram. Logo thương hiệu đã trở thành biểu tượng đại diện cho sự đẳng cấp và quyền lực bậc nhất từ đế chế thời trang nước Pháp. Thời gian đầu mới thành lập, các sản phẩm của Louis Vuitton thường xuyên bị ăn cắp ý tưởng bởi không mang một hoạ tiết hay hoa văn nào biểu trưng cho tính chất riêng của hãng.
Chính vì thế, sau khi người đứng đầu thương hiệu qua đời, con trai Louis Vuitton là Georges Vuitton buộc phải bắt đầu nghiên cứu một hoa văn có thể bảo vệ bản quyền của sản phẩm tốt hơn. Như vậy, hoạ tiết logo thương hiệu monogram mang nét cổ điển ra đời năm 1896 và nhanh chóng trở thành một huyền thoại trong ngành thiết kế mẫu vải.
Nét đặc trưng của logo thương hiệu monogram chính là sự lồng ghép sang trọng, tao nhã và đậm tính sáng tạo của hai chữ cái L và V. Logo thương hiệu được tạo bởi phông chữ in hoa có chân tạo cảm giác trang trọng, cùng sự kết hợp nhịp nhàng giữa các đường ngang và đường chéo tạo cảm giác uyển chuyển bắt mắt. Cùng họa tiết hoa 4 cánh monogram đã trở thành biểu tượng huyền thoại đại diện cho giá trị của thương hiệu này. Họa tiết hoa 4 cánh monogram được lấy cảm hứng theo mô típ những cánh hoa tại Nhật Bản đã thành công trong việc ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái. Đến nay, LV monogram màu nâu là biểu tượng dễ nhận biết và có giá trị nhất, trở thành tuyên ngôn của cái đẹp và sự đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Các biểu tượng monogram không chỉ dừng lại ở đó, mà còn biến hoá qua nhiều tháng năm cùng các nhà mốt thời thượng. Dưới thời Marc Jacob, ông đã tài tình kết hợp giữa nghệ thuật đường phố graffity thay thế họa tiết chữ lồng truyền thống của logo thương hiệu để tại thành những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng. Hay dưới thời Kim Jones, ta thấy hoạ tiết monogram đã hồi sinh trở lại đầy mạnh mẽ qua sự kết hợp giữa LV và Supreme. Và gần nhất với Virgil Abloh cùng bộ sưu tập Xuân-Hè biểu tượng logo thương hiệu đã phủ trùm khắp các bộ trang phục kết hợp trên các chất liệu đa dạng và ấn tượng khác nhau.
Tuy mục đích ban đầu là để chống nạn làm hàng giả, nhưng cuối cùng logo thương hiệu monogram đã trở thành chính “cái tôi” của thương hiệu, cũng như cho ta thấy được tầm nhìn trước thời đại của nhãn hiệu cao cấp này này. Từ sang trọng đến xa xỉ là chặng đường phát triển rất thành công và thời đại của thương hiệu Louis Vuitton. Có thể nói thế giới nhận định thương hiệu Louis Vuitton là “người phát minh ra xa xỉ”.
Louis Vuitton là một cái tên thời trang xa xỉ đẳng cấp của thế giới. Với chiều dài hơn 165 năm tuổi của mình. Thương hiệu vẫn giữ được sự độc quyền của mình như những tuyên ngôn từ ban đầu. Không phải ngẫu nhiên mà LVMH lại bổ nhiệm Virgil Abloh vào chiếc ghế giám đốc sáng tạo, vì thế hãy đón chờ những bước đi tiếp theo của thương hiệu giữa cơn bão thời trang đầy biến động và chuyển mình của hiện tại.
Xem thêm:
Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 19: Comme des Garçons
Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 16: Vans
—
Tổng hợp: Katelyn (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man. Kham khảo: Tổng hợp: Wikipedia, Vogue, Lifestyle Asia)