Ý nghĩa logo thương hiệu – Phần 48: Onitsuka Tiger
Onitsuka Tiger, thương hiệu giày thể thao với hơn 70 năm tuổi đời đến từ Nhật Bản sở hữu lịch sử hình thành đầy thú vị với hàng loạt sáng tạo kinh điển đã tạo nên những dấu mốc son trong lịch sử giày thể thao thế giới. Đến năm 1977, Onitsuka Tiger trở thành tập đoàn ASICS bên cạnh việc giữ lại cái tên cũ và phân nhánh thành những hướng đi riêng biệt. Cùng ELLE Man tìm hiểu lịch sử hình thành, phát triển và ý nghĩa đằng sau logo thương hiệu Asics và Onitsuka Tiger.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của logo thương hiệu, Onitsuka Tiger luôn gắn liền với đam mê, sự bền bỉ, và lối sống lành mạnh đặc biệt khi ra đời với nỗ lực vực dậy tinh thần thế hệ trẻ của một thanh niên Nhật Bản sau kết thúc của Đệ Nhị Thế Chiến năm 1949.
Onitsuka Tiger – đế chế thể thao Nhật Bản bắt đầu từ những khoảnh khắc “Eureka!” và mối lương duyên bền bỉ với Olympics
Sau khi trở về nhà từ cuộc chiến, Kihachiro Onitsuka thành lập nên Onitsuka Shokai tại thành phố Kobe vào năm 1949. Trong cùng năm, công ty được đổi tên thành công ty trách nghiệm hữu hạn Onitsuka Co., Ltd chỉ với 4 nhân viên với số vốn vỏn vẹn ba trăm nghìn yên.
Bám theo trào lưu bóng rổ đang du nhập vào giới trẻ dưới ảnh hưởng của văn hóa Mỹ hậu Thế chiến II, Kihachiro Onitsuka khao khát thiết kế nên một mẫu giày bóng rổ để làm bàn đạp thành công cho Onitsuka. Với yêu cầu từ một huấn luyện viên bóng rổ trường trung học cho một mẫu giày sở hữu hai yếu tố mà chưa đôi giày bóng rổ nào đáp ứng được tại thời điểm đó: 1) đủ trơn cho những cú lướt nhanh và 2) khả năng bám chắc cho những cú dừng đột ngột, Kihachiro Onitsuka không ngừng thử nghiệm và hoàn thiện để tạo ra những mẫu thử được trải nghiệm bởi các cầu thủ thuộc những câu lạc bộ nức tiếng thời bấy giờ; cuối cùng, mẫu giày ra đời vào năm 1950.
Tuy nhiên, với phiên bản gần như hoàn thiện nhất, hội tụ đủ yếu tố lí tưởng cho những cú dừng, xoay và chạy nhanh trên sân của mẫu giày được tung ra vào mùa xuân năm 1950, có gì đó vẫn chưa đủ.
Năm 1951
Trong khi đang ăn salad, với một xúc tu bạch tuộc bị mắc kẹt trên thành bát, ngay lập tức một điều gì đó đã lóe lên trong tâm trí của Kihachiro Onitsuka. Ngay lập tức, cấu trúc tinh tế và khả năng bám dính đáng nể của cấu trúc giác hút của bạch tuộc trở thành giải pháp đột phá cho Onitsuka Tiger.
Sự bám dính từ những “giác hút” lấy cảm hứng từ bạch tuộc đã cho phép mẫu giày Onitsuka OK Basketball Shoe trở thành ngôi sao sáng của những cú phanh gấp nhanh nhạy không trơn trượt mà mọi cuộc đấu bóng rổ đều cần đếm. Và sự ra đời thần thánh của giày bóng rổ Onitsuka cũng đã góp phần đem đến chiến thắng cho một trong những khách hàng đầu tiên của thương hiệu, đội tuyển bóng rổ trung học đã tìm đến Kihachiro Onitsuka.
Năm 1960
Kihachiro Onitsuka lại tiếp tục chứng minh ý tưởng luôn đến từ những điều tưởng như bình dị nhất trong cuộc sống, với khoảnh khắc eureka! lần thứ hai.
Lần này là khi Kihachiro quan sát những đầu ngón chân ông phồng rộp trong bồn tắm. Sau khi tham khảo một giáo sư đại học ngành y, ông đã biết được nguyên nhân của những vết phồng rộp chân do chạy bộ đến từ tác động của nhiệt, dẫn đến việc Kihachiro Onitsuka tập trung vào những giải pháp thông thoáng khí cho những thiết kế giày chạy bộ đường dài của thương hiệu.
Giải pháp “khoan lỗ” vào giày trở thành một phát hiện mang tính lịch sử không kém vào năm 1960. Nhờ khả năng quan sát, học hỏi và kiên trì cải thiện sản phẩm, mẫu giày Magic Runner sau đó không những trở nên nhẹ hơn mà còn sở hữu khả năng lưu thông khí tuyệt vời.
Năm 1964
Thế vận hội Tokyo Games 1964 đã thúc đẩy cuộc đua sáng tạo dành cho những thương hiệu Nhật Bản bấy giờ, đó cũng là lúc Onitsuka cho ra đời “đứa con tinh thần” tiếp theo – Runspark, mẫu giày đinh đầu tiên dành cho các vận động viên ra đời phục vụ cho nhu cầu về tốc độ, được chọn lựa giữa 4 độ dài gai bám khác nhau tùy thuộc vào điều kiện đường đua. Ngoài ra, thiết kế này cũng sở hữu một số cải thiện mang tính mới mẻ cao như phần gót bằng bọt biển mềm giúp hấp thụ chấn động khi va chạm với mặt đất.
Năm 1966
Có thể nói, 1966 chính là dấu mốc quan trọng của thương hiệu Onitsuka với sự ra đời của “icon” Mexico 66, mẫu giày huyền thoại với ba sọc chéo hai bên thân giày được giới thiệu cho Thế vận hội năm 1968 tổ chức tại Mexico. Sự ra mắt của thiết kế mang tính nhận dạng 3 sọc đan chéo này cũng tiếp tục xuất hiện trên những mẫu giày mang tên Onitsuka Tiger và ASICS sau này.
Logo thương hiệu Onitsuka Tiger, “mãnh hổ” Nhật Bản chinh phục thế giới
Năm 1969
Tiếng lành đồn xa, nhờ tính năng vượt trội và khả năng hỗ trợ tốt cho các vận động viên Olympics, Onitsuka Tiger khiến thế giới phải để mắt đến nhà làm giày thể thao hàng đầu Nhật Bản này. Vận động viên chạy cự ly trung bình và đồng thời là học trò của HLV Bill Bowerman, Phil Knight gặp gỡ nhà sáng lập Onitsuka cũng vào thời điểm này trong quá trình học MBA về mảng marketing cho giày thể thao.
Ngay sau đó, Phil đã cho ra đời công ty Blue Ribbon Sports nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối những mẫu giày Onitsuka Tiger đến thị trường Mỹ. Công ty mà Phil sáng lập sau này cũng trở thành thương hiệu Nike, bí mật hoàn thiện và cho ra đời mẫu giày Nike Cortez được cho là đụng độ với Tiger Cortez do Onitsuka sản xuất mà Onitsuka sau này buộc phải đổi tên thành Tiger Corsair.
Năm 1978
Mẫu giày tiên phong cho giày chạy bộ hiện đại mang tên California chính thức ra đời, với khả năng nâng đỡ khung bàn chân và đệm ngón trong khi phần đế trong vẫn cho phép đủ không gian chuyển động cho các ngón chân. Phần đến tròn của California giúp người chạy vẫn giữ được thăng bằng khi chạm đất trong khi độ cong của ngón chân về phía trước vẫn được hỗ trợ hết mức. Ngoài ra, mẫu giày cũng sở hữu thiết kế miếng đắp phản quang phía sau gót giày nhằm đảm bảo an toàn cho người chạy buổi tối hoặc cả trong mưa, cho thấy sự cam kết của Onitsuka với những thiết kế tạo điều kiện và bảo vệ người chơi thể thao hết sức có thể.
Những thiết kế giày mang tên Onitsuka Tiger từng bước thu phục người chơi thể thao trên toàn thế giới và đặc biệt là những cái tên góp phần đưa Onitsuka Tiger ngày càng phổ biến hơn ở thị trường ngoài biên giới Nhật Bản.
Không chỉ gây tiếng vang với tính năng hỗ trợ lí tưởng và chất lượng thể hiện cao, các mẫu giày Onitsuka Tiger còn trở thành biểu tượng thời trang mới, đặc biệt với sự góp mặt thông qua địa hạt điện ảnh khi xuất hiện trên chân của Lý Tiểu Long trong tựa phim Game of Death (tựa Việt: Tử Vong Du Hý) năm 1978 hay Uma Thurman trong tựa phim kinh điển Kill Bill 2003. Sau cơn sốt hậu bộ phim, Onitsuka Tiger nhanh chóng nắm bắt thời cơ mở ra hàng loạt cửa hàng tại những thành phố lớn như Paris, London hay Seoul.
ONITSUKA TIGER, ASICS và ASICS TIGER
Năm 1977 chứng kiến sự sáp nhập của Onitsuka Tiger với hai công ty khác là GTO và JELENK để trở thành tập đoàn ASICS.
ASICS được hội tụ từ 5 chữ cái viết tắt của triết lí mà nhà sáng lập Kihachiro Onitsuka vẫn luôn tâm niệm, “Anima Sana In Corpore Sano” – “Tâm hồn khỏe mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh” của nhà thơ trào phúng La Mã Juvenal.
Câu ngạn ngữ trước đó được gợi ý cho Onitsuka bởi một đồng đội thời chiến của ông, ngài Kohei Hori. Giám đốc Y tế và Giáo dục thể chất tại Hội đồng Giáo dục tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Phương ngôn sáng suốt này đã lưu lại ấn tượng sâu đậm trong Onitsuka, truyền cảm hứng và sự cống hiến của ông cho công việc sáng tạo nên những mẫu giày góp phần nuôi dưỡng những tâm trí và cơ thể khỏe mạnh cho thế hệ trẻ Nhật Bản thông qua thể thao.
Sau sự sáp nhập, cái tên Onitsuka Tiger vẫn được giữ nguyên với các dòng sản phẩm sở hữu tên gọi trên vẫn được bày bán rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên từ năm 1978 trở đi đến những năm 90, việc tập trung phát triển ASICS với những mẫu giày sở hữu công nghệ hiện đại, cải tiến cho các bộ môn đa dạng như chạy bộ, bóng chuyền, cái tên khai sinh nên đế chế thể thao Onitsuka Tiger dần trở thành một cái bóng mờ nhạt.
Vào thập niên 2000, ASICS thành lập nên ASICS TIGER chuyên về dòng giày lifestyle với các mẫu giày nổi tiếng như Gel Lyte III hay Gel Lyte V.
Năm 2003, sau nỗ lực hồi sinh từ năm 2001 cộng hưởng với sự xuất hiện trên màn ảnh trong bộ phim Kill Bill của Quentin Tarantino, Onitsuka Tiger trở nên bắt nhiệt trở lại và tiếp tục được đón nhận trên toàn thế giới. Di sản lớn mang tên Onitsuka Tiger vẫn tiếp tục tồn tại song song với ASICS và ASICS TIGER như một dấu ấn đến từ sự tiên phong của đế chế làm giày Nhật Bản.
Ý nghĩa logo thương hiệu Onitsuka Tiger – ASICS
So với những trademark thương hiệu của những ông lớn cùng ngành như Nike hay Adidas, logo 4 sọc chéo của Onitsuka Tiger và của ASICS Tiger sau này cũng không hề kém cạnh về độ nhận diện.
Sau hàng chục năm kể từ khi ra đời, cơ duyên tạo nên ba sọc chéo của thương hiệu mới được hé lộ vào kỉ niệm vàng của thương hiệu. Năm 1966, Onitsuka Tiger nhận thấy nhu cầu để tạo ra dấu ấn riêng biệt mang đến mức độ nhận diện cao cho các sản phẩm của mình và tổ chức một cuộc thi thiết kế nội bộ, khuyến khích sự tham gia đóng góp của toàn thể nhân viên công ty. Bên cạnh việc trung thành với triết lí thương hiệu và “form follows function” – hình dáng phải đi theo công năng, yêu cầu duy nhất dành cho các thiết kế logo là các thiết kế không những phải độc đáo mà đồng thời phải góp phần giúp cải thiện chất lượng thể hiện của mẫu giày.
Hơn 200 mẫu thiết kế muôn hình vạn trạng được gửi về từ các nhân viên. Từng bước một, những nhà phát triển đã dần lược lại những sự lựa chọn cuối cùng cho đến khi chỉ còn 5 mẫu thiết kế logo được bước vào chung kết và trải qua các công đoạn làm mẫu. Cùng với cái vẫn động viên và chuyên gia từ Đại học Kyoto, những nhà thiết kế của thương hiệu đã thử nghiệm những ứng viên logo với tôn chỉ: Đâu sẽ là các thiết kế mang đến màn trình diễn đỉnh cao và mang ấn tượng thị giác rõ ràng nhất.
Kết quả cuối cùng đã thuộc về 4 sọc chéo đã làm nên nhận dạng của Onitsuka Tiger hiện nay, không những bao trùm khéo léo concept mà còn mang đến sự ổn định cho bề mặt vật liệu cũng như thay đổi mức độ ôm khít và sức bền của giày, những yếu tố then chốt để tạo nên màn trình diễn cao nhất cho các vận động viên.
Sự ra đời của logo thương hiệu Onitsuka Tiger được xem là ví dụ hoàn hảo của một thiết kế logo mang tính biểu tượng và khả năng thể hiện đột phá, thuyết phục cả đội ngũ nghiên cứu lẫn các nhà thiết kế của Onitsuka Tiger.
Mẫu giày với logo mới toàn này chính thức được ra mắt vào lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Mexico năm 1968, khi toàn bộ phái đoàn thể thao Nhật Bản bước vào sân với mẫu giày Mexico Delegation mới nhất, mở ra chương mới cho thành công của Onitsuka Tiger.
Ngoài ra, ASICS cũng sở hữu cho mình một số logo kể từ năm 1977. Logo mang tên ASICS được thiết kế bởi Herb Lubalin và Alan Peckolick với font chữ độc nhất vô nhị và typo nhấn vào được cong và dòng chảy liên tục giữa các chữ cái vào năm 1977. Toàn bộ chữ cái được viết thường và được xét bớt một phần. Đặc biệt, phía bên trái logo là kí tự “a” cách điệu cỡ lớn, nhấn mạnh cho tính thể thao, chuyển động, sự bùng nổ và quá trình sáng tạo của bản thân thương hiệu ASICS.
Logo thương hiệu sau đó chỉ được thay đổi một lần duy nhất vào năm 2003 đến nay.
Thiết kế mới được hoàn thiện vào năm 2003 với các chữ cái xiên in đậm và tăng độ rộng chữ. Kí tự “a” đặc biệt cũng trở nên nhỏ và vừa mắt hơn, được đặt thấp hơn so với phiên bản năm 1977. Chấm “i” cũng được lược bỏ trong phiên bản này, cùng với tính đối xứng trục của kí tự “s”. Logo thương hiệu phiên bản 2003 là thành quả sáng tạo kết hợp giữa Kontrapunkt Studio và Bruce Mau Design.
Ngoài ra, màu xanh trên cả hai logo chữ cũng xuất phát từ phương châm “Anima Sana In Corpore Sano” đã tạo nên ASICS, đề cao sự khỏe mạnh của cả thể chất lẫn tâm trí.
Bên cạnh đó, ASICS còn có logo thương hiệu Asics Tiger cho những dòng giày lifestyle mang chất liệu cao cấp và thẩm mỹ trứ danh – Gel Lyte của mình.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man Việt Nam
Tổng hợp: Blair
Tham khảo: Onitsuka Tiger, ASICS, Logo’s World, Sneaker Freaker