Tự truyện “Miền đất hứa”: Hành trình tìm lại “Giấc mơ Mỹ” của tổng thống da màu đầu tiên

Bài Tuan Anh

Sức hấp dẫn của  Miền đất hứa không chỉ nằm ở những chuyện “thâm cung bí sử” của một chính trị gia nắm giữ vai trò quan trọng hàng đầu thế giới, mà còn ở sự gần gũi và hành trình đầy nội tâm, cảm hứng của chàng trai da màu, đồng thời là hiện thân cho “giấc mơ Mỹ”.

Từ giấc mơ Mỹ của một chàng trai da màu

Dù được xuất bản sau khi rời khỏi vị trí “ông chủ Nhà Trắng” gần 4 năm, cuốn tự truyện Miền đất hứa (A Promised Land) của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn lập kỷ lục khi bán được hơn 1,7 triệu bản tại thị trường Mỹ và Canada trong tuần đầu tiên. Cho đến hiện tại, đây vẫn đang là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon.

Sức hấp dẫn của Miền đất hứa không chỉ nằm ở những chuyện “thâm cung bí sử” của một chính trị gia nắm giữ vai trò quan trọng hàng đầu thế giới, mà còn ở sự gần gũi và hành trình đầy nội tâm, cảm hứng của chàng trai da màu, đồng thời là hiện thân cho “giấc mơ Mỹ”.

Người ta thường nhắc đến “giấc mơ Mỹ” với niềm tin về một đất nước nơi các giá trị như dân chủ, quyền tự do, cơ hội và bình đẳng được tôn vinh. Thế nhưng, dù đã tuyên bố độc lập khỏi đế quốc Anh hơn 200 năm, nội tại nước Mỹ đến nay vẫn còn nhiều vấn đề, nổi cộm là nạn phân biệt chủng tộc. Câu chuyện của chàng trai gốc Phi trở thành tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ đã truyền cảm hứng cho chúng ta tin vào sức mạnh của nền dân chủ, vào “giấc mơ Mỹ” vẫn còn hiện diện trong đời thực.

mien dat hua elleman 2022

Lớn lên trong một gia đình không có gì đặc biệt, chàng trai đó cũng trải qua những năm tháng tuổi trẻ bình thường như bao thanh niên khác cho đến khi những cơ duyên đầu tiên xuất hiện, manh nha với các hoạt động cộng đồng để từ đó gợi lên những khát vọng chính trị.

Xuyên suốt hành trình hấp dẫn của cựu Tổng thống Barack Obama, ta thấy sự trưởng thành và những hiểu biết sâu sắc về động lực chính trị của các đảng phái Hoa Kỳ, đồng thời cũng khâm phục lý tưởng tạo nên những đổi thay lớn cho đất nước.

Obama cũng bộc bạch thẳng thắn về những băn khoăn trong việc phải hy sinh sự bình yên và thời gian dành cho gia đình; những thất vọng về con người, chẳng hạn như trong trường hợp của đức ông Wright – một nhà thuyết giáo da màu, đã lãnh đạo hàng ngàn giáo dân da trắng “tinh hoa” che giấu những tư tưởng cố chấp về chủng tộc đằng sau các bài thuyết giảng của mình.

Thế nhưng, trên hết, lý tưởng về việc “nhen nhóm lên một thứ chính trị mới mẻ, thúc đẩy một thế hệ mới tham gia, hoặc bắc chiếc cầu nối những chia rẽ trong lòng đất nước” vẫn luôn bùng cháy trong chàng trai trẻ. Lý tưởng ấy thậm chí đã vượt qua cả nỗi sợ thất bại khi bước đi trên con đường chính trị với tham vọng trở thành “nhân vật số 1” của Nhà Trắng.

32

Đến thế giới sẽ nhìn nước Mỹ khác đi

Trong hồi ký Miền đất hứa, cựu Tổng thống Obama viết: “Không có gì đảm bảo chúng ta có thể thành công. Nhưng có một điều tôi biết chắc. Tôi biết rằng cái ngày mà tôi đưa cánh tay phải lên và tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, thế giới sẽ bắt đầu nhìn nước Mỹ khác đi. Tôi biết trẻ em ở khắp đất nước – trẻ em Da đen, trẻ em Hispanic, trẻ em không thuộc nhóm phân loại nào – cũng sẽ nhìn bản thân khác đi, chân trời của chúng được nâng lên, các cơ hội được mở rộng. Và chỉ cần như thế thôi… cũng đáng làm rồi”.

Obama tin vào giá trị cốt lõi của nền dân chủ Mỹ nhưng ông cũng đủ thực tế để hiểu rằng sự ủng hộ của người Mỹ dành cho ông với tư cách ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ là do họ đã quá chán ngán đảng cầm quyền. ông Vì thế, những thắng lợi quan trọng tại Iowa cũng không làm ông ngạo mạn, hay thất bại tại bang New Hampshire cũng không làm nản lòng. Đến khi giành chiến thắng và trở thành nhân vật gần như quyền lực nhất thế giới, ông đã đưa ra cho mọi người thấy rõ những khám phá độc đáo về tầm hoạt động tuyệt vời, lẫn giới hạn trong quyền lực của một vị tổng thống thông qua cuốn hồi ký của mình.

mien dat hua obama

Thành tựu của ông không chỉ trên phương diện đoàn kết dân tộc, giảm bớt sự chia rẽ đảng phái, sắc tộc trong nội tại nước Mỹ hay đưa ra những cải cách phố Wall, mà nó còn được thể hiện trên phương diện quốc tế với những chiến lược về Iraq, Afghanistan và các đồng minh Châu Âu. Đối với Barack Obama, nền dân chủ không phải là một món quà xa vời, mà nó chính là thứ được xây dựng bởi sự đồng lòng, dựa trên nền tảng của sự đồng cảm, hiểu biết chung và đoàn kết.

Ông viết: “Tôi chợt hình dung nước Mỹ sẽ như thế nào nếu chúng ta có thể hiệu triệu toàn quốc, từ đó giúp chính phủ huy động trình độ chuyên môn và quyết tâm để phục vụ công cuộc giáo dục trẻ em hay làm nhà cho người vô gia cư, tương tự như khi hạ được Bin Laden vậy; giá mà chúng ta có thể sử dụng sự bền bỉ và các nguồn lực tương tự để giảm đói nghèo và hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính hoặc đảm bảo rằng mọi gia đình đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ ban ngày đúng chuẩn”.

“Hậu

Ông hiểu rằng ý niệm đó là không tưởng, những mong ước về một xã hội dân chủ, bình đẳng cho mọi màu da sắc tộc không phải là chuyện dễ dàng, bởi “nó dường như chạm vào một số dòng chảy ngầm sâu nhất trong tâm thức quốc gia, chạm vào phần thô sơ nhất của thần kinh, nó nhắc nhở tất cả chúng ta, người da đen cũng như người da trắng, rằng trật tự xã hội của quốc gia không bao giờ chỉ đơn thuần là sự đồng thuận; rằng nó còn là câu chuyện về hàng thế kỷ người da trắng dấy động bạo lực dưới sự bảo trợ của nhà nước nhằm vào người da đen và da nâu”. Vậy nên, khi nhìn nhận về nhiệm kỳ và vai trò tổng thống của mình, ông cho rằng mình vẫn chưa đạt tới những điều bản thân hằng mong, và rằng vẫn còn rất nhiều việc cần phải được tiếp tục.

Thực tế, dù đánh giá của công chúng và lịch sử về vị Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ có như thế nào, thì đối với độc giả của cuốn tự truyện “Miền đất hứa”, Barack Obama vẫn có cái chất rất riêng, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về một “giấc mơ Mỹ” – lý tưởng về một nền dân chủ, nơi con người được sống với giấc mơ của mình và được là chính mình.

____

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Tú Oanh

No more