Review “Ms.Marvel”: Series mạo hiểm nhất của Marvel Studios

Bài Tuan Anh

Nếu như chỉ đơn thuần làm về các siêu anh hùng mới để rồi tụ họp lại chống lại một thế lực nguy hiểm thì đó lại là câu chuyện của quá khứ. Khi giờ đây Marvel đang từng bước cho người xem thấy nước đi của mình lớn hơn những gì khán giả được thấy qua từng bộ phim như Shang-Chi, MoonKnight hay mới nhất là Ms.Marvel.

Series mới nhất của vũ trụ điện ảnh Marvel là “Ms.Marvel” đã đi được một nửa chặng đường, có người khen, có người chê nhưng càng về cuối thì số lượng người ủng hộ series này bắt đầu thay đổi hẳn khi người xem nhận ra ý định thực sự của Kevin Feige cùng những cộng sự của mình tại Marvel Studios là viết ra một vũ trụ siêu anh hùng đa sắc tộc, đa văn hóa và đa văn hóa.

Cô bé Kamala Khan là siêu anh hùng Hồi Giáo đầu tiên của MCU (Ảnh: Marvel)
"Spiderhead":

Như lời của đạo diễn Mohamed Diab, Marvel đã có quá nhiều siêu anh hùng tại thành phố New York, chính vì vậy ông đã cho câu chuyện của MoonKnight diễn ra tại Anh và Ai Cập. Những siêu anh hùng thế hệ mới của MCU cũng không còn chỉ hoạt động tại nước Mỹ nữa, giờ đây những câu chuyện có thể diễn ra ở bất cứ quốc gia nào, thậm chí là bất kỳ chiều không gian nào khác. Việc Kevin Feige lựa chọn những siêu anh hùng mới của Phase 4 đều có đặc điểm là đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau và trong câu chuyện của mỗi người họ lại là một thành phố, một quốc gia, một nền văn hóa mới được đưa vào MCU.

Nhân vật mang dòng máu Pakistan nhưng lại sinh ra và lớn lên tại Mỹ (Ảnh: Marvel)

Chấp nhận nền văn hóa đối nghịch trong quá khứ

Phải đến tận bây giờ, khi sự hứng thú của khán giả với nước Mỹ dần ít đi, cũng là lúc các nền văn hóa khác trên khắp thế giới được Hollywood để mắt tới và với Marvel họ đã lựa chọn Ms.Marvel để truyền tải văn hóa và lịch sử của người Pakistan vào vũ trụ của họ.

Với nước Mỹ, việc sẵn sàng để quảng bá và truyền tải hình ảnh nét đẹp của một tôn giáo mới không hề đơn giản, đặc biệt hơn nữa khi văn hóa tôn giáo của người Đạo Hồi lại từng có lịch sử không hay với người Mỹ. Cho đến nay rất nhiều người Mỹ vẫn coi những người đạo hồi là những kẻ khủng bố, vậy tại sao Marvel lại sẵn sàng đưa văn hóa này lên màn ảnh? Liệu rằng Marvel thực sự đang muốn dùng những bộ phim của mình, làm cầu nối để hàn gắn những khác biệt về văn hóa và vết thương trong quá khứ giữa hai Quốc Gia?

Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ chúng ta sẽ cần nhìn lại một lần nữa vào bộ phim Ms.Marvel, những thứ nó làm được và những thứ còn chưa làm được.

Ảnh: Marvel

Ms.Marvel nữ anh hùng tuổi teen với ước mơ to lớn

Điểm gây tranh cãi khá nhiều ở bộ phim lần này là việc Marvel đã tiếp cận khai thác góc nhìn của một siêu anh hùng tuổi teen, khi mà câu chuyện về một nữ thiếu niên với những mơ mộng tuổi học trò và cách làm phim có phần chưa hấp dẫn lắm với các fan của MCU và đa số là những người đã qua tuổi học trò này. Nếu để đánh giá một cách khách quan nhất, câu chuyện của Kamala Khan do nữ diễn viên trẻ tuổi Iman Vellani thủ vai chưa thực sự đánh đúng tâm lý khán giả vào lúc này cho lắm.

Mọi chuyện khá là bình thường và nhạt nhòa ở những tập đầu tiên khi Kamala tìm được chiếc vòng của cụ ngoại mình và đánh thức năng lực đặc biệt trong cô. Bằng sức mạnh đó Kamala tiếp tục rèn luyện và khám phá bí mật thực sự về chiếc vòng bí ẩn đó. 

Ảnh: Marvel

Như đã nói ở trên, bộ phim chỉ bình thường và nhạt nhòa nếu cứ đi theo hướng đi của hai tập đầu tiên, nhưng khi đến với tập 3 và 4, chúng ta lại nhận được một pha quay xe đầy hấp dẫn của nhà làm phim khi chiếc vòng là chìa khóa của hai thế giới khác nhau, những nhân vật bí ẩn được gọi là Djinn (Thần đèn) và nguồn gốc thực sự của chiếc vòng được mở rộng hơn rất nhiều chúng ta từng nghĩ. Đặc biệt là pha bẻ lái quan trọng nhất ở cuối tập 4 khi Kamala đi ngược quá khứ, trở về một trong những thời điểm lịch sử quan trọng nhất của người Pakistan.

Một câu chuyện lịch sử quan trọng của người Pakistan

Có lẽ đây là bước đi liều lĩnh nhất của Marvel khi thực sự làm về một sự kiện lịch sử có thật của một nền văn hóa khác, khi việc tái hiện khung cảnh của sự kiện Chia cắt Ấn Độ và năm 1947 khi tiểu lục địa Ấn Độ bị chia cắt thành hai quốc gia-dân tộc độc lập: Ấn Độ với người Hindu chiếm đa số, và Pakistan với đa số người Hồi giáo. Lập tức, một trong những đợt di cư lớn nhất trong lịch sử loài người bắt đầu khi hàng triệu người Hồi giáo di dời sang Tây và Đông Pakistan (Đông Pakistan nay là Bangladesh) trong khi hàng triệu người theo đạo Hindu và đạo Sikh hướng về phía ngược lại. Hàng trăm ngàn người đã không thể sống sót trong chuyến đi.

Ảnh: Marvel

Việc Marvel tái hiện lịch sử cũng là cách họ mang một phần quan trọng trong lịch sử của người Pakistan kể cho cả thế giới biết. Ngay cả việc họ đưa những ngôn ngữ, điệu nhảy, đám cưới, trang phục, bầu cử và thần linh của người Đạo Hồi vào MCU đã là một bước đi hoàn toàn táo bạo và liều lĩnh. Marvel đã tiên phong trong việc giới thiệu văn hóa Hồi Giáo dưới góc nhìn của người Mỹ, một nền văn hóa đa sắc màu và ấn tượng đã được giới thiệu đến với thế giới qua 4 tập phim.

Văn hóa đa dạng của người pakistan luôn có trong từng tập phim.

Thông qua Ms.Marvel, các nhà làm phim của Marvel Studios đã sẵn sàng cho một bước tiến lớn hơn của vũ trụ điện ảnh MCU khi đưa những nền văn hóa mới đến với khán giả. Gửi trọn thông điệp đến tất cả người hâm mộ của họ trên toàn thế giới rằng dù bạn là ai? Dù bạn có màu da nào? Dù bạn theo tôn giáo nào thì chúng tôi cũng sẵn sàng viết câu chuyện siêu anh hùng về chính bạn.

Hãy cùng xem rằng với những tập tiếp theo của Ms.Marvel, các nhà làm phim sẽ tiếp tục kể câu chuyện này như thế nào trong tương lai và liệu rằng đây có thực sự là mục tiêu hướng tới khi kết nối các nền văn hóa thông qua thông điệp của điện ảnh hay không? Hãy cùng chờ đợi và đón xem các tập phim tiếp theo của Ms.Marvel trong các tuần tới.

_________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

No more