“Nghề Siêu Dễ”: Bản remake đáng xem dẫu có nhiều điểm đáng tiếc

Bài Tuan Anh

Được kì vọng khi remake từ hit phòng vé "Extreme Job" của Hàn Quốc, tác phẩm mới nhất của Võ Thanh Hòa đã tạo ra nhiều điểm sáng, dẫu chưa thể gây ấn tượng mạnh mẽ vì kịch bản có một số chi tiết gây tiếc nuối.

“Nghề Siêu Dễ” lấy bối cảnh trong một con xóm lao động. Ông Thái – một cảnh sát về hưu cùng một nhóm thanh niên bất hảo đã mua lại một tiệm cơm tấm để làm nơi theo dõi tội phạm. Nhưng quán cơm bất ngờ nổi tiếng và đông khách, khiến cho phi vụ điều tra của họ đứng trước nguy cơ đổ bể.

Phim

Điểm sáng trong việc “bản địa hóa” tác phẩm remake

“Nghề Siêu Dễ” mở đầu bằng cảnh long-shot khắc họa màn rượt bắt kẻ trộm của những con người trong khu xóm lao động nghèo. Danh tính của các vai diễn nòng cốt dần được hé lộ. Họ là cựu cảnh sát Thái (Hứa Vỹ Văn), Phú “hàng nước” (Kiều Minh Tuấn), Thu “hai ngón” (Thu Trang), Vinh “thần bài” (Huỳnh Phương). 

Hơi khác một chút với bản gốc, “Nghề Siêu Dễ” có ý tưởng từ “Extreme Job” nhưng lại lấy bối cảnh của phim chiếu mạng “Chuyện Xóm Tui” do chính Thu Trang sản xuất. “Chuyện Xóm Tui” là một câu chuyện quen thuộc xoay quanh cá nhân thuộc tầng lớp bình dân và “tình làng nghĩa xóm” của họ. Xuất thân được làm mới của “bộ ba tấu hài” hoàn toàn gạt bỏ yếu tố “chủ nghĩa anh hùng” sang một bên. Phú – Thu – Vinh chưa bao giờ thực sự “giống” cảnh sát. Họ chỉ là những con người vật lộn mưu sinh vì tình nghĩa mà ra tay tương trợ ông Thái.

Ông Thái không đơn độc trong cuộc sống này. Bởi ngoài các “nhân viên” trong tiệm cơm tấm Bụi Tre, ông còn đứa con gái My (Lâm Thanh Mỹ). Sau khi vợ qua đời, chân thì bị tật do làm nhiệm vụ, My chính là niềm an ủi lớn lao cho ông.

Nghề Siêu Dễ” chỉ có thời lượng hơn 100 phút. Có thể nói, ekip làm phim đã cố gắng đem tính bản địa hóa vào trong tác phẩm này. Đây được xem là việc cực khó với những người làm kịch bản khi phải giữ tinh thần bản gốc, vừa phải gần gũi với khán giả đại chúng. Bằng cách chọn quán cơm tấm, “Nghề Siêu Dễ” đã thực sự thành công trong việc đưa hồn túy phim Việt vào trong tác phẩm của mình.

Các diễn viên thiếu nét riêng

Điều đáng tiếc đầu tiên là các diễn viên vẫn chưa thật sự tạo nên một “nhân vật” hoàn toàn mới qua cách diễn xuất. So với thanh tra Go của Ryu Seung Ryong trong “Extreme Job”, ông Thái của Hứa Vĩ Văn gợi nhớ đến ông Tổ trưởng tổ dân phố Bé “thọt” hành tung bí hiểm trong “Trái Tim Quái Vật”. Điểm nhấn mà Hứa Vĩ Văn làm được chính là khắc họa ổn thỏa được nỗi trăn trở, ưu tư của ông Thái khi phải đứng giữa nghĩa vụ người cha, người chồng và sự nguy hiểm của công việc.

Còn Kiều Minh Tuấn là một diễn viên giỏi. Nhưng có cảm nhận là Tuấn vẫn là Tuấn, chứ không phải là một Phú học thức không cao, “bựa” trong phim này. Ngoài việc nhíu mày, cử động môi rất “kịch” để cố diễn bộ dạng ngây ngô thì vài ba phân cảnh Phú kích động, ồn ào lại có phần khoa trương, mang phong thái của các vai nhỏ thời kỳ trước khi nổi tiếng với “Em Chưa 18″.

Thu Trang dường như chưa thoát khỏi vai Mai trong “Chìa Khóa Trăm Tỷ”. Cô vẫn “bê nguyên si” bộ dạng “mê trai”, đanh đá sang nhân vật Thu.

Vinh của Huỳnh Phương rất “đơ”. Gương mặt quá ít biểu cảm của anh không thể gợi lên bất kì cảm xúc nào cho khán giả. Quang Tuấn có vẻ chỉ phù hợp với vai biến thái, loạn thần hơn là “cảnh sát chìm” Mèo hiền lành, ít nói.

Ảnh: Thanh Niên

Kịch bản và phần nhìn chưa đủ chiều sâu

Kịch bản vẫn luôn là lỗ hổng đầy đáng tiếc của phim Việt. “Nghề Siêu Dễ” dành khá nhiều thời gian để giải thích quá khứ, đời tư của ông Thái nhưng câu chuyện bi kịch của ông lại xây dựng chưa đủ hấp dẫn, thuyết phục để làm bật lên động lực to lớn khiến ông bất chấp tất cả “đeo bám” để vạch trần thủ phạm. Mô-tuýp “bận việc, bỏ bê gia đình” để rồi hối hận sau khi mất đi người thân thì đã cũ mèm, câu nước mắt lộ liễu. Xung đột của ông Thái – My cũng là điều dễ dàng được dự báo ngay từ đầu phim, thiếu tính bất ngờ.

Bên cạnh đó, trong thời đại người người nhà nhà đều làm phim hài, khán giả không chỉ cần các nhân vật phồng mang, trợn mắt, hành xử, ăn nói như trẻ con để kéo tiếng cười gượng ép, mà họ cần một câu chuyện đầy đặn để chiêm nghiệm và suy tư. Rất tiếc, “Nghề Siêu Dễ” vẫn chưa đem lại tiếng cười sâu cay cho công chúng.

Bên cạnh đó, phần nhìn của “Nghề Siêu Dễ” cũng không thực sự đã mắt. Máy quay bị rung, giật khi quay cận cảnh. Tông màu ám vàng thường trực gây ra cảm giác đang xem những bộ phim truyền hình thời 10 năm trước. Kĩ xảo hóa trang nhân vật ông Thái rất kém, không che giấu được Hứa Vĩ Văn vẫn còn khá phong độ thay vì là một ông cảnh sát trung niên về hưu luộm thuộm.

Kết

“Nghề Siêu Dễ” ra mắt khá đúng thời điểm vì Đại lễ 30/4 đến gần cũng như không có bom tấn nào “đụng độ”. Phim là tác phẩm chỉn chu khá ổn để công chúng tận hưởng trọn vẹn. Dù đã rất cố gắng thoát khỏi cái bóng của bản gốc, nhưng bản Việt hóa vẫn dường như vẫn có rất nhiều tình tiết miễn cưỡng, gượng gạo thay vì tạo ra tiếng cười tự nhiên, duyên dáng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự cố gắng của ekip khi đem đến một bộ phim Việt ổn nhất với khán giả.

__________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phương Nga

No more