Trở lại với thuở sơ khai khi chàng trai Đà Nẵng mang chiếc máy hình đi chụp dạo trên từng ngóc ngách Sài Gòn, Đà Lạt… Từ những người bạn vừa quen vừa lạ cho đến những diễn viên trẻ mới vào nghề, dễ nhận thấy Tang Tang nắm bắt các chất liệu về ảnh chân dung khá rõ nét, từ góc nghiêng 45 độ cho đến tỉ lệ một phần ba. Công bằng mà nói, có rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với chiếc máy ảnh nói chung, đều là từ việc chụp lại hình ảnh của những người chung quanh. Thật ra chụp chân dung rất dễ, chỉ cần tinh ý một chút, nhanh nhạy một chút, có một chiếc ống 85L gắn trên thân máy fullframe thì bạn sẽ dễ dàng thâu lại được cảm xúc đầy đặn. Mà với Tang Tang, chính những shoot ảnh với bạn bè – những kẻ sẵn sàng bộc lộ mọi biểu cảm mà chẳng ngại ngần, đã giúp anh nhạy cảm hơn với cách thể hiện cảm xúc trên khung hình.
Vài năm trước, cả nước chưa rộ lên nhiều nhiếp ảnh gia tự xưng, càng không có mấy ai bộc lộ khiếu thẩm mỹ rõ rệt như Tang Tang. Bấy giờ, hầu như tất cả các bạn trẻ đam mê ảnh chân dung nói riêng đều phải tham quan một diễn đàn nhiếp ảnh khá mạnh để phần nào tìm cái căn bản, cảm hứng cho riêng mình. Chính Tang Tang cũng mang cái tên của mình đến với công chúng, một cách phổ biến, từ đây. Các bức ảnh chân dung xáo động giữa một bên là biểu cảm dữ dội, một bên là bố cục đơn giản, dễ nhận ra rằng hình ảnh Tang Tang chụp bước đầu không nhận được sự đồng điệu của số đông. Thật đáng mừng, số đông ấy định nghĩa vẻ đẹp một cách khá dễ dãi: da trắng, môi hồng, ba vòng đầy đặn và biểu cảm vừa ngây thơ vừa hững hờ được truyền tải đủ. Nhưng may, sự lãng mạn vốn có dư đã được anh giữ nhịp xuyên suốt cho đến tận hôm nay.
Nhiếp ảnh gia Tang Tang bảo nếu buộc phải xem ảnh để lấy cảm giác hứng thú cầm máy, anh nghĩ đến Tim Walker – một bậc thầy của nghệ thuật sắp đặt. Ảnh của Tang Tang không mang thế giới huyễn hoặc như họ Walker, song như một tảng băng trôi trên bề mặt nổi, thế giới ảnh thời trang của Tang Tang gần hơn, thể hiện rõ tính trừu tượng nhiều hơn. “Ảnh chân dung đối với tôi chỉ cần một yếu tố duy nhất để thành công: cảm xúc”. Tang Tang ít nói, ít san sẻ, thậm chí bâng quơ vài câu đùa đôi khi cũng hiếm, nhưng chính suy tư ấy giúp anh làm chủ cảm xúc của bản thân và nhân vật tối đa. “Khi chụp ảnh, chỉ có những makeup, hair, stylist, quần áo… là có thể làm khó tôi, còn lại là chuyện nhỏ. Mọi thứ đều tốt, tự khắc tôi biết sẽ phải ghi lại những gì cho nhân vật, hoặc cho công việc của mình”. Khi đi chụp tại những bối cảnh đẹp, anh cũng “để nhân vật bối cảnh hòa vào nhau” để tăng phần cảm xúc.
Tang Tang nhấn mạnh quan điểm trên dành cho cả hai khái niệm nhiếp ảnh mà anh đang theo đuổi: chân dung và thời trang.
Bài: Tuyên Tuyên – Ảnh: Tang Tang