Những ca khúc bất hủ của huyền thoại Bob Dylan

Bài ELLE Team

Khán giả thường ca ngợi lời bài hát của Bob Dylan mang đậm chất thơ trữ tình, triết lý nhân sinh. Không chỉ nổi bật với lời ca, dấu ấn của Bob Dylan còn thể hiện trong từng giai điệu.

Đó là sự kết hợp, khám phá nhiều thể loại âm nhạc một cách sáng tạo, từ các bài hát dân gian, blues, phúc âm, rock’n roll với tiếng Anh, Scotland và âm nhạc dân gian Ireland, bao gồm cả nhạc jazz và swing. Sự cộng hưởng của tất cả các yếu tố đó cùng với hành trình rong ruổi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình đã tạo nên những ca khúc bất hủ với thời gian, và cái tên Bob Dylan đã trở thành huyền thoại trong lòng người yêu nhạc.

Những ca khúc bất hủ của huyền thoại Bob Dylan - 1
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, Bob Dylan vẫn rong ruổi thứ âm nhạc mang chân lý của riêng mình.

Bob Dylan sở hữu mọi thứ mà người khác mơ ước, giàu có và danh tiếng. Những tưởng Bob sẽ dành một khoảng thời gian nào đó cho chính mình, ít nhất là khi ông không còn trẻ. Thế nhưng với ông, “nếu cuộc sống không âm nhạc thì chẳng khác nào là sự vô nghĩa”. Đó là lý do vì sao Bob cứ rong ruổi với âm nhạc mang chân lý của riêng mình, mới đây hôm 7/3, ông thông báo sẽ phát hành album phòng thu thứ 37 mang tựa đề Fallen Angels vào ngày 20/5, bốn ngày trước khi ông tròn 75 tuổi.

Nhân dịp huyền thoại âm nhạc Mỹ trở lại, hãy cùng ELLE Man nghe lại một vài trong số hàng trăm ca khúc bất hủ mà ông đã sáng tác và thể hiện trong suốt sự nghiệp của mình.

Những ca khúc bất hủ của huyền thoại Bob Dylan - 5
Vương triều âm nhạc mang tên Bob Dylan được xác lập từ những năm 1960, khi ông bắt đầu đưa những bất ổn xã hội vào trong ca khúc.

Blowin’ In The Wind (1963)

Bài hát này nằm trong album The Freewheelin’ Bob Dylan, phát hành năm 1963, được lấy một phần từ một ca khúc truyền miệng giữa những người nô lệ da màu mang tên No More Auction Block. Bài hát nêu ra một loạt loạt câu hỏi đau đáu về thân phận con người trong cuộc sống mong manh, về hòa bình, chiến tranh và sự tự do.

Bao nhiêu chặng đường ta phải bước đi, để khi nằm xuống ta làm người thật sự? Bao nhiêu đại đương cánh bồ câu phải sải, để đến một ngày ngủ trên cát bình yên? Và bao nhiêu, bao nhiêu làn đạn phải bay… để rồi chúng sẽ im trong nòng súng? Câu trả lời, bạn của tôi ơi, nó đang dần cuốn theo cơn gió. Câu trả lời… gió đã thổi bay đi… (How many roads must a man walk down before they call him a man? How many seas must a white dove sail before she sleeps in the sand? How many times must the canon balls fly before they’re forever banned? The answer, my friend, is blowin’ in the wind. The answer is blowin’ in the wind…)

Bob Dylan từng nói, ông viết ca khúc này chỉ trong vòng 10 phút. Năm 1962, khi lần đầu tiên Blowin’ in the wind được biểu diễn, nó chỉ có 2 đoạn, nhưng theo thời gian, Bob Dylan đã thêm vào đoạn giữa để phát triển thành một bản nhạc dày dặn. Tạp chí Rolling Stone xếp hạng ca khúc bất hủ này đứng thứ 14 trong danh sách “500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Những ca khúc bất hủ của huyền thoại Bob Dylan - 2
Thưở trẻ Bob đã đánh dấu con đường viết nhạc: hòa quyện dòng ý thức, ca từ giàu tính tưởng tượng với giai điệu nhạc folk truyền thống.

Cũng chính Blowin’ in the wind đã tạo cảm hứng cho đạo diễn Robert Zemeckis làm nên một cảnh phim vô cùng đắt giá cho tác phẩm kinh điển Forest Gump, khi cho nữ diễn viên chính đầy cá tính Jenny Curran (do Robin Wright Penn thủ vai) khỏa thân ôm cây đàn guitar thả mình trong ca khúc hòng thức tỉnh các binh lính vẫn còn háo hức trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.

The Times They Are A Changin’ (1964)

Bài hát này là ca khúc chủ đề cho album thứ ba của Bob Dylan, phát hành năm 1964. Giống như các bài hát khác trong album, ca khúc được sáng tác dựa trên cảm hứng của ông về các vấn đề của xã hội như: chiến tranh, đói nghèo, phân biệt chủng tộc, những biến động chính trị của xã hội Mỹ thập niên 60.

Mang một chút âm hưởng nhạc dân ca Ireland, Scotland, với The Times They Are a-Changin’, Bob Dylan truyền vào từng lời hát cảm thức của riêng ông về biến động và bước chuyển của thời đại. Chất giọng khàn khàn, mộc mạc của Bob Dylan hát lên những ca từ của chính ông chẳng khác lời hiệu triệu tinh thần cho tầng lớp trí thức của xã hội Mỹ thập niên 60, kêu gọi con người đến với cuộc đời bằng trái tim cởi mở chứ không bằng định kiến: Nào các bậc cha mẹ. Thôi chỉ trích những gì các vị không hiểu đi. Con trai, con gái của các vị đã vượt qua sự quản lý… Vì thời khắc của sự đổi thay đã đến. (Come mothers and fathers. Throughout the land. And don’t criticize. What you can’t understand. Your sons and your daughters. Are beyond your command…. For the times they are a-changin’) 

Like A Rolling Stone (1965)

Nằm trong album Highway 61 Revisited, Bob Dylan sáng tác bài hát này đúng vào thời kỳ ông kiệt quệ trong cảm xúc và có lúc tưởng chừng như muốn từ bỏ công việc ca hát. Thế nhưng, Like a rolling stone đã ra đời và được xem là nhạc phẩm mang sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất với nền âm nhạc thời hậu chiến của Mỹ, đưa tầm vóc của Bob Dylan lên một vị thế không ai thay thế được.

Những ca khúc bất hủ của huyền thoại Bob Dylan - 3
Hình ảnh quen thuộc của Bob Dylan bên cây guitar và chiếc kèn harmonica.

Giọng khàn đục, chất chứa đầy nỗi hoài nghi về thời đại đã khiến Bob Dylan là một trong những ca sĩ thành công khi thể hiện ca khúc do chính ông sáng tác.

Cảm giác thế nào nhỉ? Cảm giác ra sao nhỉ? Khi bạn thui thủi một mình. Không có nhà để về. Như một kẻ vô danh. Như hòn đá cứ lăn… (How does it feel? How does it feel? To be on your own. With no direction home. Like a complete unknown. Like a rolling stone…)

https://www.youtube.com/watch?v=4F0ytNzHDj8

Knockin’ on Heaven’s door (1973)

Knockin’ on Heaven’s door được xem là một ca khúc phản chiến bất hủ của Bob Dylan. Bài hát là sự miêu tả cảm giác một người sắp lìa khỏi cuộc đời: Mẹ ơi, xin hãy giấu đi cây súng của con. Con không thể bắn giết họ thêm nữa. Đám mây đen lạnh lẽo vây quanh. Con đau đớn gõ cánh cửa thiên đường… (Mama, put my guns in the ground. I can’t shoot them anymore. That long black cloud is comin’ down. I feel like I’m knockin’ on heaven’s door.)

https://www.youtube.com/watch?v=rnKbImRPhTE

Năm 1973, Bob Dylan sáng tác album nhạc nền cho phim Pat Garrett & Billy the Kid. Bài Knockin’ on Heaven’s door trích từ album này là một single bán rất chạy. Nhạc phẩm này được yêu thích và nhiều nghệ sĩ cover lại bản nhạc của Bob Dylan như: ca sĩ Eric Clapton, nhóm nhạc Guns N Roses, Avril Lavigne… Tạp chí Rolling Stone xếp ca khúc này vị trí 190 trong bảng xếp hạng “500 ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Forever Young (1974)

Forever Young xuất hiện lần đầu tiên trong album Planet Waves phát hành năm 1974. Đây là năm Bob Dylan trở lại với âm nhạc sau 8 năm gián đoạn và không tham gia các tour diễn để toàn tâm toàn ý là người đàn ông của gia đình và là một người cha.

Chúc con dựng được từng nấc thang vươn lên những vì sao. Và mong con sẽ từng bước tiến trên những bậc thang đó. Mong rằng tuổi thanh xuân sẽ mãi ở lại bên con… (May you build a ladder to the stars. And climb on every rung. May you stay forever young. Forever young, forever young.)

Tangled Up In Blue (1975)

Ca khúc Tangled Up In Blue xuất hiện trong album Blood on the Tracks vào năm 1975. Khi được phát hành dưới dạng đĩa đơn, nó được xếp vị trí 31 trên bảng xếp hạng 100 của Billboard. Tạp chí Rolling Stone cũng bình chọn bài này thứ 68 trong danh sách “500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Giai đoạn sáng tác bài hát này là giai đoạn Bob Dylan làm quen với phong cách hội họa lập thể. Vì thế, Tangled up in blue là một minh chứng cho thấy nỗ lực sáng tác ca khúc mang phong cách khác lạ, “đa chiều kích” của Bob Dylan. Với 7 đoạn khá dài, bài hát là sự dồn nén thời gian để kể cho khán giả về một câu chuyện tình, một đời người qua âm nhạc.

Emotionally Yours (1985)

Bài hát này xuất hiện trong album thứ 23 của Bob Dylan là Empire Burlesque, phát hành năm 1985. Trong album này, ông thể hiện phong cách điển hình của âm nhạc thập niên 80, khác hẳn với phong cách tiên phong của ông trong những năm 60, 70.

Tờ Telegraph từng chọn Bob Dylan đứng đầu tiên trong danh sách 10 nhạc sĩ vĩ đại nhưng lại hát dở vì chất giọng khàn khàn, thô mộc kiểu một gã say vừa bước ra khỏi một quán rượu đầy khói thuốc của ông. Tuy vậy, với Emotionally yours, xếp hạng này có thể không còn ý nghĩa vì Bob chứng tỏ ông có thể hát hay và rất hay những bản tình ca ngọt ngào, da diết.

Not Dark Yet (1997)

Bài hát này nằm trong album Time Out of Mind, phát hành năm 1997 và được phát hành single vào năm 1998. Với Not dark yet, Bob Dylan cho thấy một tâm hồn khắc khoải và trăn trở về cuộc sống qua những nốt nhạc, tinh tế đầy cảm xúc và gợi hình tượng.

…Tôi trượt dần xuống đáy của thế giới đầy dối trá. Tôi tìm kiếm thứ chẳng có gì trong mắt bất kỳ ai. Đôi khi tôi cảm thấy cõi lòng mình nặng trĩu, quá sức chịu đựng rồi. Trời chưa tối đâu nhưng sẽ sớm mà thôi. (I’ve been down on the bottom of a world full of lies. I ain’t looking for nothing in anyone’s eyes. Sometimes my burden seems more than I can bear. It’s not dark yet, but it’s getting there)

Things Have Changed (2001)

Năm 2001, Bob Dylan tiếp tục là một hiện tượng âm nhạc với Things have changed. Bài hát được ông sáng tác và trình bày trong bộ phim Wonder boys (có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Michael Douglas, Tobey McGuire, France McDormand). Ca khúc bất hủ này đem về cho ông giải Quả cầu vàng và tượng vàng Oscar cho Ca khúc trong phim hay nhất.

Phong cách lãng tử, ngang ngang và chất giọng phớt lờ, tưởng nhẹ như không nhưng đầy ám ảnh của Bob Dylan khi thể hiện ca khúc này chứng tỏ ông thách thức thời gian và thể hiện đẳng cấp của mình.

Cơ

Thunder On The Mountain (2006)

Thunder on the mountain nằm trong album Modern Times, album thứ 32 của ông, phát hành vào năm 2006. Ca khúc bất hủ này như một bài thơ dài 12 đoạn này chẳng khác nào câu chuyện kể đầy tính ẩn dụ về bộ mặt của thời đại, khiến người nghe phải suy ngẫm về các giá trị của tình yêu, cuộc sống và đạo đức.

Trong âm nhạc của Bob Dylan có đầy đủ sắc thái: sự sôi nổi của tuổi trẻ, trầm tư của tuổi già, tính cách phản kháng bất công xã hội mạnh mẽ cũng như những nổi loạn, xáo trộn của một cá nhân trước những biến thiên của thời gian, cuộc đời. Khi nghe các ca khúc bất hủ của Bob Dylan ở mỗi thời kỳ, bạn sẽ có những cảm nhận nhiều trải nghiệm khác nhau, điều đó khiến chúng cứ sống mãi cùng thời gian.

Bài viết: Thảo Bùi – Hình ảnh: Tư liệu

No more