3 thầy giáo vĩ đại nhất lịch sử Việt Nam

Bài ELLE Team

Isaac Newton là thầy giáo của mọi nhà vật lí, Khổng Tử được hàng ngàn tín đồ Nho giáo tôn làm sư, Bill Gates được coi là người thầy giáo vĩ đại của công nghệ,…

Lịch sử thế giới này tồn tại rất nhiều thầy giáo vĩ đại, lỗi lạc. Song, khi mà ngày Nhà giáo Việt Nam đến gần, người ta không thể không nhắc đến những người thầy vĩ đại của lịch sử Việt Nam.

Người

Chu Văn An

thay giao - elle man 1

Chu Văn An được ví như người thầy giáo vĩ đại với chuẩn mực của muôn đời – được nhân dân tôn là “vạn thế sư biểu”. Ông từng được vua mời làm hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám mà tại đây, Chu Văn An có trách nhiệm dạy dỗ, giáo huấn những người con quan, con vua – những đứa trẻ gánh vác trọng trách đất nước trong tương lai.

Chu Văn An đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Cuối đời Chu Văn An là những tháng ngày dạy học, viết sách cho tới khi mất. Nói khác đi, Chu Văn An cống hiến và dành trọn vẹn cuộc đời mình cho giáo dục. Ông là một trong số rất ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Nguyễn Bỉnh Khiêm

thay giao - elle man 2

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những nhà giáo vĩ đại có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông là một nhà đạo đức, nhà thơ, nhà giáo có tiếng tăm thời kỳ Nam – Bắc triều. Xét một cách toàn diện lịch sử Việt Nam thế kỷ 16, nhiều người đã gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm là “cây đại thụ văn hóa dân tộc”, hay nói theo cách khác, ông đã được xem là đại diện tiêu biểu nhất của lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam trong thế kỷ nhiều biến động lớn này.

Khi dạy học, Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, ông đã cho dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân cho dân qua lại thuận tiện và mở trường dạy học cạnh sông Tuyết (còn có tên là sông Hàn). Vì vậy mà về sau các môn sinh ngoài tên hiệu còn tôn Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Tuyết Giang phu tử”. Sự nghiệp trồng người của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang lại cho đất nước và thế hệ sau những người học trò giỏi giang, hiển đạt như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh,…

Lê Quý Đôn

thay giao - elle man 3

Lê Quý Đôn là một nhà nho, nhà giáo dục tài năng và đức độ, và được mệnh danh là “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”. Qua bàn tay dạy dỗ với những bài học về kiến thức, đạo đức làm người, học trò của ông có rất nhiều người đã thành tài và giữ chức vụ quan lớn trong triều đình như Bùi Huy Bích, Bùi Bích Tựu…

Ở thế kỷ 18, các tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy hàng ngàn năm tới nay đã ở vào giai đoạn súc tích, tiến đến trình độ phải hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những bộ óc bách khoa, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người “tập đại hành” mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 của nước ta đều được bao quát vào trong các tác phẩm của ông. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó. Với những trang sách quí giá này, Lê Quý Đôn không những là người thầy giáo vĩ đại của những người sống tại thời điểm đó, mà “chữ” của ông được truyền qua bao thế hệ, ông là thầy giáo của chúng ta – thế hệ tương lai, là thầy của cả dân tộc.

Thời gian qua đi, ý nghĩa hai chữ “giáo dục” ngày càng bị cố ý hiểu sai mà trở nên méo mó. Song, chừng nào cái tâm và cái tầm của những người làm nghề nghiệp cao quí này vẫn vững vàng thì chừng đó hi vọng cho một tương lai phát triển vẫn còn được nhen nhóm. Sự nghiệp trồng người là một hành trình dài, học tập là một công việc cả đời. Vì thế, học tập từ quá khứ với những tấm gương bậc hiền nhân trên là một việc phải làm nhân dịp ngày lễ trọng đại tôn sư trọng đạo này.

Bài: Khánh Nguyên (Nguồn: Tạp chí Phái Mạnh ELLE Man)

 

No more