Với anh, Sài Gòn không chỉ là nơi để sống, để thưởng lãm văn hóa nghệ thuật mà những câu chuyện phía sau từng con người, từng nơi chốn còn mang lại cho anh niềm hạnh phúc bất tận…
Ra đời vào giữa năm 2015, Only in Saigon (OIS) của Nam Quản được xây dựng như một kênh video chuyên khám phá các điểm đến thú vị ở Sài Gòn. Với những thước phim đậm chất điện ảnh và lối kể chuyện mang tính tự sự, OIS mang lại cho người xem sự hiểu biết sâu sắc về những nơi “bị bỏ quên” ở thành phố phồn hoa này.
Nguồn cảm hứng nào đã thôi thúc anh thực hiện Only in Saigon?
Có rất nhiều lý do mà tôi nghĩ trước hết xuất phát từ bản thân mình. Tôi là người yêu nghệ thuật, thích nhiều nền văn hóa khác nhau và cũng thích mua sắm nữa (cười). Quan điểm của tôi khi quyết định mua một món đồ thì nó phải có giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra, vì vậy tôi luôn tìm những nơi có thể cho mình sản phẩm giá trị nhất.
Bên cạnh đó, tôi thấy giới trẻ ở Việt Nam vẫn còn bị lệch lạc. Họ tiếp nhận sự đa dạng văn hóa rất nhiều nhưng không chọn lọc. OIS, ở một khía cạnh nào đó, đối với cá nhân tôi là nhằm góp phần định hình lại những giá trị về nghệ thuật, văn hóa, đời sống và thói quen mua sắm của giới trẻ, đặc biệt là giới trẻ ở Sài Gòn.
Sài Gòn khá rộng lớn và có rất nhiều thứ để khám phá, làm thế nào anh phát hiện được những địa điểm độc đáo và những con người thú vị như vậy?
Tôi là người làm nghề tự do nên rất thích la cà loanh quanh Sài Gòn. Đến nơi này, nơi kia xem có gì hay ho. Tôi cũng là một tín đồ mua sắm nên có cửa hàng nào mới mở, địa điểm nào mới xuất hiện là tôi biết đến rất nhanh. Tuy nhiên, tìm được một địa điểm không khó bằng thẩm định chất lượng nơi đó. Bản thân tôi đã phải trải nghiệm nhiều lần dịch vụ và sản phẩm của một nơi nào đó mới quyết định đưa địa điểm đó vào Only in Saigon.
Vậy theo anh, địa điểm đó cần hội tụ những yếu tố nào để với nhiều người, xứng đáng là “Only in Saigon”?
Thực ra tôi không có tiêu chí cụ thể nào. Như đã nói, tôi có xu hướng đến những nơi có sản phẩm, dịch vụ theo tôi là chất lượng nhất. Trong quá trình trải nghiệm, tôi được lắng nghe câu chuyện của những con người ở đó, tôi trân trọng cách họ nghĩ, cách họ làm nghề và cảm thấy hạnh phúc khi được đến những nơi như vậy. Tôi muốn chia sẻ niềm hạnh phúc đó. Nó thuần về cảm xúc cá nhân thôi, giống như là cơ duyên vậy.
Khi chọn được địa điểm và quyết định khai thác, có khi nào anh bị từ chối?
Cho đến giờ, cũng may mắn là chưa có ai từ chối. Một phần vì tôi đã thành khách quen của nơi đó rồi, một phần vì tôi làm phi lợi nhuận, tiếp cận một cách chân thành nên họ cũng sẵn sàng chia sẻ. Có những người, những nơi cũng đã được nhiều người biết đến, đã được ghi hình và phỏng vấn nhiều lần rồi, nhưng khi biết OIS, khi ngồi lại với tôi, họ luôn nói với tôi một câu “Anh đang nói với em những điều mà anh chưa nói với ai”. Điều đó khiến tôi cảm thấy được tin tưởng, cảm thấy việc mình làm thật có ý nghĩa.
Có những lần tôi chỉ dự định làm một video ngắn thôi, nhưng nhân vật lại rất mở lòng với tôi. Những câu chuyện của họ thật sự ngoài sức tưởng tượng, ngay cả khi mới tiếp cận, tôi cũng không nghĩ nó hay đến mức như vậy. Tôi quyết định phải dựng video đó thành 3 tập phim để có thể chuyển tải hết cho người xem những chia sẻ của nhân vật. Sự tin tưởng đó, theo tôi, chính là giá trị lớn nhất của Only in Saigon.
Được gặp những con người đặc biệt và nghe những câu chuyện của họ, anh thấy mình nhận lại được gì?
Sống ở Sài Gòn, đôi khi người nghệ sĩ phải làm việc thương mại nhiều hơn là làm việc cho riêng họ, nhưng OIS thì không như vậy. Tôi hiểu mình đang cống hiến cho xã hội, mình làm những việc có ích và cảm nhận được phúc phần cho riêng mình. Tôi cũng luôn chia sẻ và dặn dò các anh em tham gia sản xuất OIS với mình như vậy.
Chính những điều này khiến anh em yêu nghệ thuật hơn, là điều khiến chúng ta muốn bấm máy quay phim, chụp hình, chứ không phải là đồng tiền. Tôi cảm thấy mình may mắn vì luôn có những người bạn tin tưởng vào những điều mình đang làm và sát cánh hỗ trợ mình trong một năm qua với OIS.
Tôi nghĩ là tôi có thể hiểu được Sài Gòn. Mỗi khi đi xa tôi đều nhớ, đều thèm cái sự ồn ào, náo nhiệt, thèm sự chuyển động liên tục của thành phố này. Sài Gòn là một thành phố không ngủ, một thành phố có quá nhiều câu chuyện. Nhiều người gọi đó là sự xô bồ, nhưng tôi thì thấy đó sự năng động, là một cách sống tích cực. Mỗi ngày tôi đều cố gắng sống hết mình, phải lao ra đường, phải làm điều gì đó, phải gặp một ai đó, nghe một câu chuyện nào đó, có như vậy tôi mới tận hưởng được trọn vẹn cuộc sống này. Sài Gòn thúc đẩy tôi làm việc và mang lại cho tôi nhiều năng lượng hơn.
Đến nay Only in Saigon đã hơn một tuổi và nhận được nhiều phản hồi tốt. Kết quả đó có như hình dung ban đầu của anh?
Đúng là có những thành công ngoài mong đợi của tôi. Nhưng cái “ngoài mong đợi” đó không thực sự tốt. Lúc đầu, tôi mong đợi OIS sẽ là một dự án tôn vinh những cái đẹp, cái tốt, cái chất lượng của Sài Gòn để từ đó định hướng lại người xem về nền văn hóa của Sài Gòn. Nhưng người xem tiếp nhận mặt hình ảnh nhiều hơn nội dung, và có nhiều nơi sẵn sàng bỏ tiền thuê ê-kíp của tôi đến sản xuất cho họ. Tôi sợ OIS bị thương mại hóa sớm quá. Tôi vẫn muốn người xem đặt niềm tin vào OIS, tin những gì OIS nói và xem đó như một kênh tham khảo đáng tin cậy để đánh giá văn hóa Sài Gòn, chứ không đơn thuần chỉ là một ê-kíp làm video đẹp. Đến hiện tại, 90% những gì OIS thực hiện vẫn phi lợi nhuận. Các anh em tham gia vì đam mê nghệ thuật và tôn trọng những giá trị được đề ra ngay từ đầu.
Như anh nói, hiện nay có rất nhiều nhóm làm video giới thiệu địa điểm ăn uống, vui chơi, mua sắm ở Sài Gòn. Vậy điều gì tạo nên đặc trưng của OIS?
Tôi nghĩ đó chính là sự khó tính của tôi. Tôi rất khắt khe trong việc lựa chọn nội dung. Tôi thường khai thác những thứ bị bỏ quên ở Sài Gòn, những thứ mà lẽ ra người khác phải biết đến nhiều hơn, vì những việc họ đang làm, những câu chuyện họ đang kể, những chất lượng mà họ đang mang tới luôn cần được tôn vinh. Tôi chỉ đang đào bới nó lên và nhắc nhở mọi người rằng có những nơi như vậy đang tồn tại ở Sài Gòn. Tôi xem đó là nghĩa vụ của OIS.
Tôi cũng không quan tâm đến việc phải sàng lọc nội dung sao cho hay mà luôn muốn mang đến những gì chân thật nhất. Ngoài ra, tôi có những đòi hỏi cao về mặt hình ảnh và luôn cố gắng có những góc máy đẹp nhất, điều đó cũng khiến OIS có được cảm tình của mọi người.
Cái gì đi mãi cũng sẽ mòn chân. Anh có nghĩ, một ngày nào đấy Sài Gòn sẽ không còn nơi nào thú vị để khai thác nữa?
Tôi là một người Sài Gòn và tôi tin chắc Sài Gòn sẽ không bao giờ hết những địa điểm thú vị. Sài Gòn luôn chuyển động không ngừng, luôn đón nhận những thứ mới mẻ và sự đa dạng về văn hóa cũng thể hiện rất rõ ràng. Người Sài Gòn lại tôn trọng sự khác biệt.
Chỉ có ở Sài Gòn thì những gì thuộc về văn hóa, nghệ thuật mới có thể phát triển mạnh mẽ và muôn màu nhất. Đây là môi trường tự do và đầy cảm hứng để những người yêu nghệ thuật có thể làm những gì họ muốn.
—
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE