Về phim điện ảnh, tôi thường chia làm 2 loại. Một là những bộ phim cho người xem cảm xúc mãnh liệt (có thể là yêu hoặc ghét) trong 2 tiếng ngồi trước màn hình, để rồi sau khi hết phim người ta không còn cảm thấy gì mấy. Và ngược lại, dạng hai, những bộ phim cho tôi cảm xúc bình bình trong suốt quá trình xem, nhưng sau đó, lại mất nhiều thời gian cảm xúc của tôi để suy ngẫm. Và Burning là một trong không nhiều những tác phẩm điện ảnh trong thời gian gần đây thuộc vào dạng thứ 2.
Sau LHP Cannes 2018, phim Burning của đạo diễn Lee Chang Dong là bộ phim châu Á được bàn luận nhiều nhất. Cũng dễ hiểu, vì ở Burning có quá nhiều thứ để mong đợi. Thứ nhất, đây là bộ phim được chuyển thể từ truyện ngắn Barn Burning của tác gia Haruki Murakami. Thứ hai, đã 9 năm rồi Lee Chang Dong mới làm phim trở lại. Và thứ ba, chắc chắn phải kể đến sự quay trở lại màn ảnh rộng của Yoo Ah In với một diện mạo hoàn toàn khác. Mong chờ nhiều là vậy, nhưng thật sự Burning có đáp ứng được những kỳ vọng? Tôi không chắc, chỉ biết Burning là một tác phẩm đáng suy ngẫm. Và tôi khuyên khích người xem nên đọc trước nguyên tác Barn Burning của Haruki, vì phải nói Burning của Lee Chang Dong chưa đựng nhiều bất ngờ hơn bản nguyên tác.
Vệt nắng từ tháp Namsan
20 phút đầu, hay thậm chí 30 phút đầu của phim Burning không dễ xem, vì mạch phim chậm rãi và nhiều tự sự. Phim mở đầu bằng một cuộc hội ngộ tình cờ của Jong soo và người bạn hàng xóm thuở nhỏ – Yoo Haemi. Jong soo – một nhà văn trẻ phải đi làm nghề bốc vác để kiếm thêm tiền trong quá trình viết sách, và Haemi – cô gái làm nghề tiếp thị sản phẩm để dành dụm tiền cho những chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Hai người đi uống với nhau, Hae Mi bày tỏ rằng cô sắp đi du lịch châu Phi và nhờ Jong Soo chăm giúp con mèo ở nhà mình bằng cách đến cho nó ăn hàng ngày.
Không thể phủ nhận Haemi là một cô gái quyến rũ. Cô không quá xinh đẹp hay gợi cảm, nhưng sự thông minh và bí ẩn trong từng ánh mắt, nụ cười của cô là điều không cưỡng lại được. Jong Soo và Haemi ân ái với nhau trong căn hộ của cô trước chuyến đi châu Phi. Một cuộc ân ái ngắn ngủi nhưng chi tiết Jong Soo vừa làm tình vừa nhìn vào một vệt nắng nhỏ nhoi ở góc phòng – thứ được Haemi “quảng cáo” là vệt nắng hiếm hoi chiếu thẳng từ tháp Namsan vào cửa sổ phòng cô – cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Sau này, khi Haemi đi châu Phi rồi, Jong Soo vẫn quay lại căn phòng ấy để cho con mèo ăn nhiều lần. Nhưng điều kỳ lạ là chẳng có con mèo nào ở đấy cả, dù Jong Soo đã ra sức tìm kiếm. Rồi anh cứ đứng nhìn mãi về tòa tháp Namsan ấy, chờ đợi một vệt nắng như hôm nọ, và thủ dâm.
Ngày Haemi từ châu Phi trở về, cô dẫn theo Ben – một chàng trai giàu có và phong độ và giới thiệu là bạn trai mình. Jong Soo – hẳn nhiên buồn bã và thất vọng, vì Haemi là cô gái anh đã lỡ yêu quý và chờ đợi, và có lẽ, vì Ben có được tất cả những gì anh không có – tiền bạc, địa vị, sự thoải mái và phong thái tự tin. Jong Soo đã định quên Haemi đi và tập trung vào cuộc sống của mình, nhưng mối lương duyên kỳ lạ giữa anh và Haemi chưa dừng lại ở đó. Cả Haemi và Ben đều quý mến Jong Soo – cặp đôi nhiều lần rủ anh đi ăn uống, tụ tập cùng nhóm bạn giàu có của Ben. Cho đến một buổi chiều khi cả ba cùng ngồi ở vườn nhà Jong Soo ở ngoại ô để ăn uống, hút cần sa và trò chuyện, Ben mới chia sẻ anh có một thói quen kỳ lạ là đốt những chiếc nhà kính bỏ hoang. Và mục tiêu tiếp theo là một chiếc nhà kình gần khu Jong Soo đang ở. Vốn đã tò mò về Ben ngay từ đầu, cộng thêm sở thích kỳ dị mà Ben vừa chia sẻ, tất cả đã thôi thúc Jong Soo mỗi buổi sáng đều đi kiểm tra những cái nhà kính quanh khu vực của mình, nhưng chẳng có cái nhà kính nào bị đốt.
Cùng lúc đó là sự cắt đứt liên lạc bí ẩn của Haemi, cô không có ở nhà, cũng không ở chỗ của Ben, mọi liên lạc hay mọi nỗ lực tìm kiếm của Jong Soo đều vô ích. Bên cạnh đó vài manh mối khiến Jong Soo nghi ngờ rằng sự mất tích ấy có thể là một vụ giết hại gây ra bởi Ben. Để rồi cuối cùng chẳng ai biết Haemi đã ở đâu, cô gái ấy vì nhàm chán và muốn phiêu lưu nên đã bỏ đi một châu lục mới, hay cô đã thật sự bị sát hại? Chỉ biết là cuối phim, Jong Soo đã giết Ben bằng đúng cách mà Ben miêu tả về việc anh đốt nhà kính, Nhanh, gọn và quyết liệt, chỉ một ngọn lửa bùng lên, và tất cả cháy rụi.
Những người trẻ châu Á quẩn quanh
Jong Soo, Haemi và Ben, 3 mảnh ghép tạo nên một góc nhìn tương đối về người trẻ Hàn Quốc nói riêng hay châu Á nói chung. Họ có thể có tiền hoặc không, nhưng họ thông minh và hiểu biết về cuộc sống. Ở họ luôn có một sự u tối nhất định, dù là trong suy nghĩ hay trong những hành động, thói quen.
Sau 2 tiếng của phim Burning có lẽ thứ tôi ấn tượng nhất vẫn là cảnh Jong Soo (Yoo Ah In) nhìn về tháp Namsan chờ đợi một vệt nắng mỏng manh và thủ dâm (chi tiết không hề có trong nguyên tác của Haruki). Đối với tôi, đó là một tuyên ngôn lãng mạn mới của điện ảnh Hàn Quốc. Không phải là những nụ hôn ngọt ngào, những giọt nước mắt hay những căn bệnh hiểm nghèo nữa. Sự bế tắc và lãng mạn Lee Chang Dong truyền tải qua nhân vật Jong Soo làm tôi vô thức cảm động (dù có vẻ như vậy không đúng đắn cho lắm). Ben cũng là một nhân vật mà tôi thích thú. Ben là một người giàu có và thành công, đồng thời ý thức được về những gì mình có. Anh tự tin, biết mình phải làm gì, đôi lúc anh có những câu nói châm biếm và kẻ cả làm người xem khó chịu, nhưng không thể phủ nhận những điều anh nói đúng. Cái ngáp kín đáo của anh trong những buổi tiệc vui cùng bạn bè, cách anh luôn lắng nghe và tiếp thu ý kiến của những người xung quanh, dù là cả những lời chỉ trích – một lối cư xử đầy quý tộc và cũng đầy sự u tối.
Còn Haemi, cô là hình mẫu cho tuýp phụ nữ châu Á hiện đại. Cô phóng khoáng, thông minh và mạnh mẽ, nhưng ở cô cũng có một sự bí ẩn và ma mị vừa đủ, để khi người khác vừa kịp lại gần thì cô đã kịp rời xa. Cô dễ khóc, dễ cười, dễ bộc lộ cảm xúc, nhưng không đồng nghĩa với dễ năm bắt. “Có một điều gì đó đặc biệt ở Haemi” – cả Ben và Jong Soo đều cảm nhận được điều đó. Tôi không nghĩ Haemi chọn Ben vì cô ham của cải vật chất, những ai đã đọc nguyên tác của Haruki sẽ hiểu sự lựa chọn ấy còn nhiều hơn một lý do như vậy.
Burning vẫn là tuýp phim tôi luôn khuyến khích người khác xem, vì tôi có giải thích họ cũng không hiểu được. Đây là tuýp phim phát triển kịch bản dựa trên những nghi vấn. Có hay không có? Vừa có vừa không? Hay thậm chí có khi nào chưa bao giờ có gì thật sự xảy ra? Nguyên tác của Haruki Murakami không phức tạp vậy, chỉ là một mối quan hệ tay ba và nhân vật nữ chính bỏ đi một cách đột ngột. Truyện của Haruki đã có nhiều nhân vật nữ chính đột ngột bỏ đi, biến mất như chưa từng tồn tại như vậy rồi, nên độc giả cũng chẳng còn mấy bất ngờ. Nhưng qua tay của Lee Chang Dong, rất nhiều câu hỏi bất ngờ được đặt ra. Haemi có thật sự có con mèo hay không có con mèo? Cô có từng bị té xuống một cái giếng hay thậm chí chẳng có cái giếng nào cả? Ben có thật sự có thói quen đốt nhà kính hay khi mà chẳng có cái nhà kính nào quanh khu Jong Soo ở bị đốt? Có ai đó liên tục gọi vào điện thoại Jong Soo hay đó chỉ là ảo giác của anh? Và lúc chúng ta đang xoay vòng trong những câu hỏi đó thì cũng là lúc ta nhận ra cái bẫy của đạo diễn còn lớn hơn như vậy, Hae Mi chỉ đơn thuần nhàm chán ngột ngạt mà bỏ đi hay là đã bị giết hại? Và giết hại bởi ai? Ben? Jong Soo? Tóm lại là có hay không một chuyện gì đó đã xảy ra ở đây?
Không ai biết. Tác giả cũng không để lại một đáp án nào. Có ai đó có thể nói có đầy đủ manh mối để thấy Ben giết hại Haemi. Nhưng nhớ lại đi, Haemi là một diễn viên kịch câm, cô từng ăn một trái quýt do cô tưởng tượng ra, cô cũng có thể nuôi mèo trong khi chẳng có con mèo nào, thì những manh mối ấy, có bao nhiêu là thật? Và cả Jong Soo – một nhà văn sống quá nhiều trong những suy nghĩ của mình – tất cả câu chuyện này có thể là những gì anh tưởng tượng ra? Và cả Ben – chàng trai giàu có ấy liệu có đủ điên rồ và bệnh hoạn để xem việc giết hại và đốt xác những cô gái trẻ là một sở thích? Tất cả những câu hỏi ấy, mỗi người có lẽ sẽ có một câu trả lời cho riêng mình. Lee Chang Dong đã tạo nên một mạch phim mà ở đó không có ai đúng, ai sai, ai có lỗi và không có lỗi, chỉ có những diễn biến và kết quả, và nơi đó sự bế tắc và u tối của tuổi trẻ phần nào đó chiếm hữu.
Có thể nói, Lee Chang Dong, và cả Haruki Murakami nữa, hai ông đã khắc họa rất đúng về một bộ phận giới trẻ châu Á. Một thế hệ mà ai đó đã gọi là thế hệ ở giữa – ở giữa có tất cả và không có gì cả, ở giữa tin tưởng và nghi ngờ, ở giữa lãng mạn và vô cảm, ở giữa lương thiện và tội ác, và hơn tất cả, là ở giữa thực tế và những mơ ước quẩn quanh.
Kết
Bỏ qua tất cả những câu hỏi và tranh cãi còn lại xung quanh Burning, đây vẫn là bộ phim nhận được đánh giá cao của các nhà phê bình. Và đối với tôi đây vẫn là bộ phim châu Á xuất sắc nhất tính từ đầu năm cho đến nay, mặc cho sự thất bại doanh thu của Burning tại các phòng vé quê nhà. Và vẫn như các bộ phim trước của Lee Chang Dong, nhiều chi tiết về chính trị và xã hội Hàn Quốc được cài cắm khéo léo mà chỉ những người am hiểu chính trị mới cảm nhận được. Về phần nguyên tác, tôi tin những độc giả trung thành của Haruki cũng sẽ hài lòng với sự chuyển thể này. DIễn xuất của Yoo Ah In, Jeon Joong seo và Steven Yeun đều vừa vặn, không quá xuất sắc nhưng cũng đủ để bộc lộ tính cách nhân vật. Câu hỏi cuối cùng được đặt ra là sẽ mất bao lâu để Lee Chang Dong có thêm một bộ phim như thế này nữa? Vì 9 năm là qua lâu để chờ đợi và vì điện ảnh châu Á rất cần thêm những bộ phim như Burning.
Xem thêm:
LHP Cannes 2018 và 10 bộ phim điện ảnh đáng chú ý
Review phim Ex Machina: Nỗi ám ảnh đến từ tương lai
Hạnh Nguyên (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)