5 bộ phim hay nói về người gốc Á và giấc mơ Mỹ

Bài Tuan Anh

Từ Parasite, Drive my car, Minari cho đến Everything Everywhere All At Once, có thể nói rằng những năm vừa qua chính là thời kì hoàng kim của “điện ảnh châu Á”. Không chỉ sống động vì những yếu tố có phần khác lạ, mà đây còn là câu chuyện của một cộng đồng và những giấc mơ về sự thay đổi, theo suốt hành trình tìm tiếng nói riêng, giữa sự áp bức, không được là mình.

Chủ đề về người gốc Á và giấc mơ Mỹ ngày càng được phát triển, bộc lộ đa chiều trong điện ảnh, tạo nên những bộ phim hay, ấn tượng. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu qua bài viết sau.

Review

1. Everything Everywhere All At Once – Tuyệt vọng khi chứng minh mình

Là tác phẩm giành nhiều chiến thắng nhất trong lịch sử điện ảnh, bộ phim gây sốt toàn cầu trong năm vừa qua của hãng A24 là câu chuyện tương đối mới lạ về siêu vũ trụ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, ta cũng thấy được cảnh ngộ của những di dân cố gắng kiên cường để vươn đến được một cuộc sống tốt hơn.

Ở những cảnh đầu của tác phẩm này, nhân vật Evelyn Wang và chồng của mình đã phải “quần quật” trong một cửa hàng giặt là. Họ phải đối mặt với doanh thu ế ẩm, hàng đống hóa đơn, các tờ khai thuế… cũng như dựa vào chính sách hỗ trợ để tồn tại. Tuy là một chi tiết nhỏ, nhưng nó cũng cho thấy cuộc sống ở một nơi khác không dễ dàng và phải đòi hỏi rất nhiều nỗ lực.

Ảnh: IMDb

EEAAO một mặt nào đó cũng đem đến những khoảnh khắc nói về các mối quan hệ ở trong gia đình. Ở đó người mẹ Evelyn bị kẹt lại giữa những con đường: Một mặt, bà phải chứng minh với cha mình về quyết định di cư thuộc về quá khứ, và phía bên kia là liệu nên chấp nhận hay khước từ những điều “lệch chuẩn” ở cô con gái? EEAAO cũng là tác phẩm đưa người xem vào một đa vũ trụ của nhiều thế hệ với ngôn ngữ điện ảnh khác biệt, từ đó ta thêm hiểu biết, thông cảm và nhìn nhận mọi thứ chỉ bằng tình yêu.

2. Beef – Bất an của những kỳ vọng

Chưa kịp hết sốt với EEAAO, hãng A24 cũng vừa trở lại với TV Series Beef trình chiếu trên Netflix. Vẫn tập trung vào những người gốc Á ở trên đất Mỹ, xuất phát từ một bất hòa tưởng như nhỏ nhặt, thế nhưng nhà sản xuất Lee Sung Jin và hai đạo diễn Jake Schreier, Hikari đã dựng nên một vấn đề vô cùng phổ quát: sự tự ti về mặt xuất thân có thể dẫn tới rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn.

Xây dựng 2 tuyến nhân vật thuộc hai tầng lớp hoàn toàn khác nhau, trong khi Danny Cho là một điển hình cho sự thất bại, thì Amy Lau lại là đại diện cho một tuýp người đã có tất cả nhưng lại hoài nghi sẽ đánh mất nó. Ta có thể thấy dù có là ai và như thế nào, thì Beef cũng cho thấy sự mất cân bằng và nỗi e sợ rất khó điều hòa khi là những người nhập cư đã bị ám ảnh về sự thay đổi.

Ảnh: Netflix

Bộ phim cũng đã đặt ra những câu hỏi khác, rằng nếu không phải là người gốc Á, không phải những người nhập cư mang theo kỳ vọng… thì khi đứng trước những sự chông chênh và nỗi thất bại, mối bất hòa chỉ do lùi xe có là vấn đề? Để rồi đến cuối, khi hai nhân vật ôm lấy nhau và cùng đồng cảm, để hiểu không có hữu hình thì sẽ không có vô hình, không có bóng tối – không thể có ánh sáng. Thất bại của họ có nhiều khả năng sẽ là nền móng để thúc đẩy cho một khởi đầu mới.

3. Minari – Tình thế của người nhập cư

Sau Parasite từng tạo nên được hattrick ở Oscar 2020, thì Minari chính là tác phẩm nối tiếp theo thành công ấy. Gây sốt ở Oscar 2021 với một chiến thắng dành cho diễn viên huyền thoại Youn Yuh-jung, tác phẩm cũng đã khắc họa một cách sâu sắc tình cảnh của những người gốc Hàn mong muốn “đổi đời” chính trên đất Mỹ. Nhưng liệu điều đó có khả năng không, và họ sẽ phải chịu đựng điều gì?

Không nhiều ẩn dụ hay là hàm nghĩa, bộ phim của đạo diễn Lee Isaac Chung đánh rất trực diện vào một câu chuyện  quen thuộc. Minari tạo được nên “nỗi đau dịu dàng”, khiến cho người xem “mất máu từ từ”, để họ có thể trải nghiệm được sự tuyệt vọng và nỗi bất an khi đặt chính bản thân mình vào bối cảnh đó.

Ảnh: IMDb

Với việc xen lẫn hình tượng trẻ con cũng như người già, chi tiết về thời thơ ấu vô cùng trong xanh… Minari là một tác phẩm “mật ngọt giết ruồi”, thu phục người xem bởi sự dịu dàng, từ đó ca ngợi những mối gắn kết gia đình cũng như bài học làm lại, tin tưởng vào chính tình thân, tình yêu và tình cảm lớn với thế giới này.

4. The Farewell – Bộ phim hay về những quay quắt giữa đa văn hóa

Ra mắt vào năm 2019, The Farewell từng là tác phẩm lấy đi nước mắt của rất nhiều người, khi dấn sâu vào văn hóa và những cách biệt giữa hai dân tộc, giữa mới và cũ, phương Đông và phương Tây. Vậy liệu khi ấy, ta sẽ chọn lấy hướng nào?

Xây dựng tác phẩm dựa trên “một lời nói dối có thật”, The Farewell chính là bộ phim hay và thú vị về tình cảnh của những “công dân quốc tế” hiện nay. Nó mang được tính phổ quát và cũng lời lý giải xoay quanh vấn đề lớn hơn về sự xung đột văn hóa, cách biệt thế hệ… cũng như đã khắc họa được những nỗi luyến nhớ hướng về cố hương vốn rất quan trọng đối với tâm thức của người gốc Á.

Ảnh: IMDb

Mở rộng ra hơn về một bộ phim hay đậm tính điện ảnh, The Farewell cũng là một “phương tiện” để người xem thông qua đó di chuyển trên chuyến hành trình tìm lại bản lai diện mục, cũng như tiếng nói bên trong của bản thân mình. Một lời nói dối đẩy tới ngã ba của sự tự ngã, đây là tác phẩm vô cùng khác lạ của A24 với ngôn ngữ điện ảnh dễ hiểu, nhẹ nhàng, nhưng cũng có tính “sát thương” vì quá chân thật.

5. NOPE – Bộ phim hay về những cao vọng điên cuồng

Xuất hiện ở 2 tác phẩm đã nhắc trước đó là BeefMinari, nam tài tử Steven Yeun cũng đã có màn hóa thân vô cùng đáng nhớ ở tác phẩm viễn tưởng – kinh dị của nhà làm phim Jordan Peele, người từng tạo được thành công với Us trước đó. Là một tác phẩm hài – châm biếm về nhiều vấn đề, từ sự tham lam của chủ nghĩa tư bản cho đến bộ máy truyền thông – quảng cáo vô nhân tính, NOPE là một “chiếc máy xay” (cũng giống như “linh vật” chính trong tác phẩm này) nghiền nát hết mọi con người vốn dĩ nhỏ bé.

Vai diễn của Steven Yeun trong tác phẩm này là một cậu bé đã từng nổi tiếng lúc còn rất nhỏ trong đoàn tạp kỹ, để rồi mấy mươi năm sau đã bị lãng quên trong những lớp bụi. Nhân vật Ricky trong tác phẩm này đã đại diện cho làn sóng đào thải có phần khắc nghiệt của giới giải trí, cũng như nỗ lực bám víu vào dòng chảy đó dẫu là bất khả. Do đó khi “chiếc máy xay” có những dấu hiệu nghe lời Ricky, thì anh đã ngỡ hào quang sống dậy, để rồi thêm một lần tin vào chính mình.

Ảnh: IMDb

Tuy chỉ là một mạch nhỏ đan cài song song với mạch phim chính, nhưng NOPE cũng như Babylon của Damien Chazelle gần đây, đã họa lại những con người bé mọn từng bị đè nén trong giới giải trí của thời xa hoa. Họ đã từng sống một đời cống hiến, để rồi bị bỏ rơi lại không ai đoái hoài. Bi kịch của người da màu phía trên đất Mỹ là lịch sử dài, và sẽ còn kéo dài mãi cho đến ngày nay. 

"Making

_____________

Bài: Tuấn Anh

No more