5 bộ phim LGBTQ+ ấn tượng của châu Á trong những năm gần đây

Bài Tuan Anh

Điện ảnh LGBTQ+ của châu Á trong những năm qua đã có những điểm nhấn vô cùng thú vị. Hãy cùng ELLE Man tìm hiểu các tác phẩm thú vị trong Tháng Tự Hào năm 2023.

Không chỉ đặc biệt ở ngôn ngữ điện ảnh, mà các đạo diễn Châu Á cũng rất biết cách kết hợp với yếu tố bản địa, từ đó làm ra các tác phẩm LGBTQ+ riêng, mang được hơi thở của một thời đoạn. Ở đó, ta không chỉ thấy có những mối tình tưởng như lệch chuẩn, mà còn là những số phận đang giao thoa nhau. Cùng ELLE Man điểm qua những tác phẩm này.

1. Your Name Engraved Herein (Đài Loan)

Ra mắt vào năm 2020, Your Name Engraved Herein (Cái tên khắc sau trong tim) của đạo diễn Liễu Quảng Huy đã tạo được những thành công vô cùng vang dội. Tác phẩm xoay quanh hai nhân vật chính Trương Gia Hán (Trần Hạo Sâm đóng chính) và Vương Bách Đức (Tằng Kính Hoa thủ vai) cùng một tình cảm khó nói thành lời. Từ những cậu chàng cùng học một trường, trong những va chạm mà họ đã cùng cảm thấy một điều gì đó.

Thành công của tác phẩm này đến chính từ sự chân thật. Đạo diễn Liễu Quảng Huy và biên kịch Cù Hữu Ninh đã không đốt cháy giai đoạn, mà là từng bước đi sâu vào sự chuyển biến về mặt tình cảm của hai nhân vật. Ta thấy hai nhân vật chính đều đã từng thử và rồi sửa sai, khiến cho tình cảm giữa họ là thứ tình yêu đúng với bản chất.

Và cũng chính bởi hành động thử sai liên tục mà các khán giả như thấy hình bóng của mình trong các nhân vật. Song song với chuyện cá nhân, đạo diễn Liễu Quảng Huy cũng lồng ghép vào sự biến chính trị trong một thời kỳ vô cùng biến động của đảo quốc Đài Loan, từ đó biến tác phẩm này thành ra phổ quát và là ký ức của rất nhiều người.

Your Name Engraved Herein có thể nói là một thước phim táo bạo, đớn đau và rồi để lại những dư âm sâu rất khó xóa nhòa. Chiến thắng 2 giải Kim Tượng trong tổng số 5 đề cử, đây là tác phẩm đi vào lịch sử của dòng phim LGBTQ+ Đài Loan, và là tượng đài khó ai có thể thay thế, khi mọi yếu tố và mọi khung cảnh đều được thực hiện với một vẻ đẹp gây ra rung động.

Ảnh: IMDb

2. Phim LGBTQ+ thú vị: Dear Ex (Đài Loan)

Ai yêu anh ấy trước hay Dear Ex ra đời vào năm 2018 là một tác phẩm đã tạo ra nhiều cảm xúc. Nếu Your Name Engraved Herein khiến khán giả nhớ đến một mối tình đẹp cũng như quá trình dần chấp nhận mình, thì Dear Ex là việc giải quyết các hệ lụy ấy, giữa những khía cạnh hoàn toàn khác nhau, mà không ai sai hay là đáng chịu một sự bỏ mặt.

Tác phẩm xoay quanh nhân vật vắng mặt – Tống Chính Viễn – và 3 “di sản” để lại của anh: người vợ Lưu Tam Liên (Tạ Doanh Hiên thủ vai), con trai tuổi mới lớn Tống Trình Hy (Hoàng Thánh Cầu diễn xuất) và nhân tình cũ A Kiệt (Khưu Trạch đóng chính). Với món gia sản kếch xù mà anh để lại, liệu ai mới xứng đáng hơn để hưởng thụ nó?

Ảnh: IMDb

Có thể thấy rằng bộ phim của đạo diễn trẻ Hứa Trí Ngạn đã đi rất sâu vào một vấn đề khác, là sự tranh chấp tình yêu cũng như không ai tin rằng mình đáng bỏ lại. Người vợ Tam Liên dù biết tình cảm của chồng nhưng cũng không ngừng quấy rầy A Kiệt, một vì cô biết số tiền cần cho con mình, và cũng một phần cô không muốn tin mình lại thất bại. Chính bởi trạng thái “tiến thoái lưỡng nan” này mà Trình Hy và A Kiệt ngày càng gần nhau, từ đó cả hai nối lại mảnh ghép khuyết thiếu, về một người cha và một người tình qua người còn lại.

Kết thúc bộ phim là cái kết đẹp mà chắc hẳn ai cũng sẽ đồng ý. Điều này làm giảm bớt đi những sự dằn vặt so với một cái kết buồn khi cả 3 người mãi luôn vương vấn. Ra mắt tại LHP Far East Film và được Netflix mua bản quyền phân phối, nếu ai từng thích màu phim của Vương Gia Vệ và những mối tình không biết đường ra, thì đây là một tác phẩm vô cùng phù hợp.

3. Chuyện người hầu gái (Hàn Quốc)

Là một trong những bộ phim tạo nhiều dấu ấn của đạo diễn danh tiếng xứ Hàn Park Chan-wook, The Handmaiden từ khi ra mắt vào năm 2016 đã khiến không ít khán giả bàng hoàng về cốt truyện mới lạ, có nhiều cú twist cũng như rất nhiều dấu ấn phương Đông đã được lồng ghép. Tuy được dựa trên một tác phẩm gốc của nhà văn Anh, nhưng đạo diễn họ Park đã rất thành công để đưa nó về với những chi tiết gần quê hương mình.

Tác phẩm xoay quanh tiểu thư Hideko (Kim Min-hee thủ vai) và cô hầu gái Sook-Hee (Kim Tae-ri đóng chính). Tương truyền người chú Kouzuki (Cho Jin-woong diễn xuất) có một căn phòng bí mật, trong đó ẩn chứa rất nhiều bí mật như một “chiếc hộp Pandora” mà nhiều khả năng sẽ làm hại đến cô chủ của mình. Liệu Sook-Hee phải làm thế nào để cứu người chủ nhân ấy? Khi một người đàn ông vừa đến và một cuộc hôn phối đã được sắp đặt?

Ảnh: IMDb

Không bạo lực như Oldboy cũng không duy mỹ như Decision to Leave, The Handmaiden nằm ở ngã giao của hai tác phẩm, khi Park Chan-wook biết cách tận dụng thể loại trinh thám với các tình tiết liên tục xoay chuyển, từ đó khiến cho khán giả không thể ngồi yên. Trong tác phẩm này, tình cảm giữa Hideko và Sook-Hee cũng là những thứ khiến cho người xem nhớ đến. Không có quá trình, không có mưu kế, họ đến với nhau bằng một tia sét và rồi cảm xúc cứ thế nở rộ.

Đoạt giải Phim nước ngoài hay nhất tại BAFTA 2018, tác phẩm với một cấu trúc biến hóa khôn lường này đã mở ra trận thắng liên tiếp sau đó của điện ảnh châu Á, với Parasite và một loạt những Minari, Drive my Car… ở phía sau này. Cho đến hiện nay, đây vẫn là tác phẩm được đánh giá cao của đạo diễn họ Park mỗi khi nhắc đến.

4. Phim LGBTQ+ thú vị: Suk Suk (Hồng Kông)

Khác với những bộ phim về đề tài đồng tính nói về những người trẻ thì bộ phim “Thúc thúc”, tên tiếng Anh “Twilight’s Kiss”, mô tả cuộc sống và hành trình của hai người đàn ông đồng tính không công khai tại Hồng Kông, ở tuổi xế chiều.

Bách (Tai-Bo) là một người đàn ông 70 tuổi đã kết hôn có một con trai và con gái lớn. Ông lái một chiếc taxi quanh thành phố, điều này giúp ông có cơ hội đến những điểm đón nam giới. Mặt khác, Hội (Ben Yuen) là một ông bố đơn thân 65 tuổi sống cùng con trai, con dâu và cháu gái. Hồi gắn bó với câu lạc bộ “gay tóc bạc” nhưng giấu kín chuyện này với gia đình.

Ảnh: IMDb

Hai người gặp nhau tình cờ và sớm phát triển một mối quan hệ thân thiết. Câu chuyện mô tả cách họ đối mặt với những định kiến của xã hội và những khó khăn mà họ phải đối mặt. Một trong những bộ phim LGBTQ+ châu Á gây thổn thức, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn trẻ Dương Diệu Khải và được lấy cảm hứng từ cuốn sách “Oral History of Old Gay Men in Hong Kong” (2014).

5. Song Lang (Việt Nam)

Mới đây, chuyên trang phê bình nghệ thuật uy tín Pitchfork đã đưa Song Lang vào danh sách 30 bộ phim queer nhạc kịch xuất sắc nhất. Đây không chỉ là tác phẩm Việt Nam duy nhất, mà đến giờ này, thì cũng vẫn là tác phẩm hiếm hoi có yếu tố LGBTQ+ đạt được đến độ duy mĩ của ngôn ngữ điện ảnh, kết hợp với các yếu tố văn hóa dân gian tương đối thú vị.

Lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1980 với ngành cải lương tuy đã thoái trào nhưng còn ảnh hưởng, đạo diễn Leon Le đã vẽ nên cuộc gặp gỡ của lửa và nước, của mặt trăng và mặt trời, của nhịp phách và lời hát… Từ đó tạo nên một mối gắn bó không thể nào quên. Bộ phim xoay quanh Linh Phụng (Isaac đóng chính) – một kép hát nổi tiếng, và Dũng “Thiên Lôi” (Liên Bỉnh Phát thủ vai) – một tay giang hồ chuyên đòi nợ thuê.

Bằng cuộc gặp gỡ hoàn toàn định mệnh, họ đến với nhau mà không thể biết ra sao ngày sau. Tình cảm của hai cá thể đặt trong một sự bất định đã khiến khán giả cảm thấy bùi ngùi vì sự xù xì, gai góc cũng như thô mộc của những tình cảm không được giải đáp. Xem tác phẩm này, ta có cảm giác như những thước phim Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca đang quay trở lại, với những ánh mắt và sự chan chứa nỗi buồn của Trương Quốc Vinh giờ đã trở thành “di sản điện ảnh” đến muôn đời sau.

Ảnh: Tư liệu

Tuy vậy, do được thực hiện bởi một đạo diễn ngay từ rất nhỏ sống xa quê hương, nên yếu tố cải lương trong Song Lang vẫn chưa đạt được “nồng độ” cần thiết. Nếu như mảng miếng này được cải thiện, thì tác phẩm này chắc chắn sẽ hay và ấn tượng hơn. Với hai vai chính chạm ngõ diễn xuất, Isaac và Liên Bỉnh Phát vẫn còn đôi chút ngượng ngùng, nhưng nhìn chung, áp vào tình cảnh của hai nhân vật vốn vẫn đang dần khám phá bản thân, thì nó lại rất tự nhiên cũng như phù hợp. 

____________

Bài: Tuấn Anh

No more