Phim tài liệu Yves Saint Laurent được công bố sau 18 năm bị cấm

Bài ELLE Team

Đạo diễn Olivier Meyrou đã dành ba năm để quay lại những thước phim tư liệu về quá trình làm nên những bộ sưu tập cuối cùng của Yves Saint Laurent để rồi bị chính bạn đời của Saint Laurent, Pierre Bergé cấm công bố - và trong bài viết này, ông đã trải lòng về bộ phim tài liệu đầy cảm động này của mình.

Năm 1998, tại một buổi công chiếu phim của mình, đạo diễn trẻ người Pháp Olivier Meyrou được tiếp cận bởi Pierre Bergé, người tình cũ và đối tác kinh doanh trọn đời của Yves Saint Laurent, người đã đề nghị Olivier làm một bộ phim tài liệu về  Saint Laurent và đế chế couture huyền thoại của ông.

“Đó là một thời khắc rất đặc biệt; kết thúc đã đến rất gần,” Meyrou kể. “Tôi nghĩ rằng ông ta muốn có một bức chân dung cuối cùng về đế chế này  trước khi nó bị đóng cửa, và khi ông ta trao cho tôi cơ hội, tôi đã trả lời có cho dù chẳng biết tí gì về nền công nghiệp thời trang. Yves Saint Laurent là một nhân vật huyền thoại và tôi muốn cho thấy khía cạnh bằng xương bằng thịt đằng sau một thiên tài.”

2-yves saint laurent-elle man-1119

Meyrou đã dành ba năm sau đó để  ghi lại những thước phim tài liệu tại xưởng may trên đại lộ Marceau, quan sát nhà thiết kế gầy gò ốm yếu sản xuất ra những bộ sưu tập couture cuối cùng của mình và chuẩn bị cho hàng tá những dấu mốc lịch sử khác, bao gồm show diễn tuyệt tác nhìn lại những thiết kế kinh điển của chính ông tại lễ bế mạc World Cup 1998 và Giải thưởng Thành tựu Trọn đời  mà ông sắp sửa trao tại CFDA Fashion Awards năm 1999. Công tác quay phim hoàn tất vào năm 2001, một năm trước khi Saint Laurent về hưu, nhưng sau đó cuộc chiến pháp lí với Bergé khiến bộ phim tài liệu đã được hoàn thiện, Yves Saint Laurent: Những bộ sưu tập cuối cùng, bị cấm công chiếu. Bộ phim đã ra rạp ở Anh ngày 30/10/2019 vừa qua, 18 năm sau sự thật trên.

Thời gian trôi qua vẫn chưa thể làm giảm hiệu ứng của bộ phim kiểu fly-on-the-wall này (fly on the wall: ở bên cạnh lặng lẽ quan sát và không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất). Bộ phim tư liệu đã mang đến một cái nhìn đầy cảm động về những năm tháng sau cuối của “Nhà thiết kế Pháp vĩ đại cuối cùng”. “Nhà mốt giống như một phiên bản thu nhỏ của nước Pháp đầu thế kỷ 20 – nơi bạn có những công nhân, triệu phú, người làm sáng tạo, tất cả đều xuất hiện dưới cùng một mái nhà,” Meyrou phát biểu. “Những văn phòng nằm trong một dinh thự kiểu Napoleon đệ Tam thuộc về cuối thế kỷ 18, và cách mà mọi người di chuyển, trò chuyện và tương tác với nhau như thế họ thuộc về một thời kì khác; như một bộ phim của Jean Renoir. Sự sáng tạo là trung tâm xoay vần của mọi quyết định – tất cả mọi thứ đều dựa vào tầm nhìn của Yves Saint Laurent.”

Bộ phim vẽ nên một bức tranh sống động của một trung tâm sáng tạo, tập trung vào petites mains – những bàn tay nhỏ cần cù khéo léo thổi hồn sự sống vào những thiết kế của Saint Laurent, vật lộn với đống vải lót sột soạt và những tấm vải nhung khâu tạm bợ, cũng như công nhận những bánh răng chính khác trong guồng máy như giám đốc phụ kiện Loulou de là Falaise và chú chó Bull Pháp yêu quý của ngài Saint Laurent, Moujik. Nhưng chính ánh đèn mà bộ phim soi rọi lên Bergé và Saint Laurent, cả với tư cách cá nhân và một tập hợp, mới là thứ khiến mọi thứ trở nên thật đáng nhớ.

Bergé chiếm nhiều thời lượng lên hình hơn là một Saint Laurent nhát camera. Ông chạy xung quanh ra lệnh, quở trách nhân viên và chắc chắn rằng mọi thứ đều đúng với tiêu chuẩn mà Laurent mong muốn, thứ tiêu chuẩn mà ông đã thuộc nằm lòng. Ông cũng không e ngại chỉ đạo cả người tình cũ của mình – Saint Laurent, khi ông luyện tập cho bài phát biểu tại Lễ trao giải CDFA, Bergé bảo Laurent không nên rũ vai xuống như một “lão già run rẩy” – nhưng, Meyrou giải thích thêm, họ không phải là kiểu mối quan hệ giữa con rối và kẻ giật dây.

4-yves saint laurent-elle man-1119 (9)

“Trong suốt quá trình quay phim, tôi thường tự hỏi điều gì đã xảy ra vào đêm họ gặp nhau lần đầu tiên – khi Saint Laurent 26 và Bergé 32 tuổi. Họ có thể đã làm tình và sau đó, trong tưởng tượng của tôi, điều có lẽ gần với sự thật nhất là họ thức dậy buổi sáng hôm sau và Pierre bảo với Yves, “Em là nhà thiết kế vĩ đại nhất trái đất, và mọi người sẽ biết điều đó thôi.” Đó là nhiệm vụ của cả hai người. Như thể một con đại bàng với hai quả trứng, họ giống như cùng một người. Trong những năm sau đó, Bergé đã trở thành xương sống của Saint Laurent nhưng chính Laurent mới là người ra quyết định cuối cùng. Về thể chất mà nói, ông là người đàn ông ốm yếu nhất làm việc trong đế chế này, nhưng lại tỏa ra một nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ.”

Mặc dù truyền tải chính xác tầm nhìn và lòng mến mộ đối với Saint Laurent của chính đạo diễn Olivier, bộ phim lại miêu tả nhà thiết kế bậc thầy với một bầu không khí đượm buồn. Suốt quá trình quay, ông dần dà trở nên bạc nhược và khổ sở. Trong cuộc phỏng vấn năm 1999 với một phóng viên của tờ Le Figaro, nhà thiết kế bày tỏ khao khát được giải thoát bản thân khỏi “những nỗi sợ hãi và lo âu tệ hại”, nhưng điều này, chúng ta có thể thấy, là một sự bất khả thi.

“Tôi chỉ trao đổi với Saint Laurent ba lần trong suốt quá trình,” Meyrou kể. “Ông ấy vô cùng vĩ đại, và với một cái đầu vĩ đại – gần như rất khó để tiếp cận. Thứ duy nhất chúng ta có thể làm là quan sát ông ấy từ xa, như làm một bộ phim tài liệu về thế giới hoang dã.” Những thước phim đen trắng và có màu cho thấy nhà thiết kế hoặc chìm trong mơ màng suy tưởng hoặc chìm trong khói thuốc, cũng như phác thảo và trao đổi công việc với nhân viên, tất cả đều đều diễn ra trong một bầu không khí lãnh đạm và độc lập.

Thiết kế âm thanh mang tính thể nghiệm từ nhà soạn nhạc quá cố François-Eudes Chanfrault mang đến một phông nền đầy ám ảnh cho các cảnh quay – “chúng tôi muốn tái tạo lại thứ âm nhạc ông ấy có thể đã nghe trong đầu mình.”

 

Về lí do vì sao Bergé không ngần ngại đưa khuynh hướng e dè của Saint Laurent lên phim, Meyrou có một giả thuyết. “Saint Laurent là một hiện thân của bi kịch. Ngay từ tuổi thơ ở Algeria, ông đã muốn được thiết kế áo váy, muốn trở nên nổi tiếng, đến tận khi cái tên Saint Laurent xuất hiện trên đại lộ Champs- Élysées. Ông đã phải đấu tranh rất nhiều – là một người đồng tính và ẻo lả thời điểm đó. Tôi nghĩ rằng khao khát danh vọng của Laurent cũng một phần là sự trả thù. Tuy nhiên, như Bergé đề cập trong bộ phim, ông phải trả một cái giá đắt để có thể đạt được ước mơ của mình. Nhưng cả Bergé lẫn Saint Laurent đều không e ngại bi kịch: họ yêu opera và vận một số khía cạnh của loại hình nghệ thuật đó vào chính cuộc đời mình. Bergé cũng bị ám ảnh với việc bảo tồn di sản của hai người họ và sự công nhận đối với vai trò của ông tại Saint Laurent. Ở Bergé tồn tại một cái tôi lớn – một bản tính rất grandeur, rất Pháp.”

5-yves saint laurent-elle man-1119

Và thú vị là, Bergé khởi kiện Meyrou (và do đó ngăn bộ phim được công chiếu) thậm chí trước cả khi tự mình xem bộ phim. Ông ta chỉ chọn xem nó – sau khi cho phép bộ phim phát hành – vào năm 2015, bảy năm sau cái chết của Saint Laurent và hai năm trước cái chết cả chính mình. “Tôi không nghĩ ông ta hiểu bộ phim tài liệu này nói về điều gì,” Meyrou giải thích. “Ông ấy đã quen với việc chỉ đạo, kiểm soát tất cả những công tác hình ảnh liên quan đến Yves Saint Laurent và khi tôi bảo rằng ông ấy không được phép tham gia vào quá trình biên tập và kể chuyện, Bergé không hài lòng. Tôi cũng nghĩ ông ấy biết rằng chúng tôi đang ghi lại hồi kết và còn quá sớm để ông ấy có thể chấp nhận được sự thật này.”

__

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Lược dịch: Blair – Nguồn tham khảo: AnOther

Ảnh: Film still – MUBI

No more