Khi Hollywood “phát cuồng” với phim tiểu sử âm nhạc

Bài Tuan Anh

Sau bộ phim tiểu sử hư cấu tuyệt đẹp “Maestro” kể về chàng nhạc trưởng Leonard Bernstein do Bradley Cooper thủ vai gây thổn thức trong mùa Oscar 2024, thì kinh đô điện ảnh năm nay tiếp tục hứa hẹn là một năm của những danh ca, nhạc sĩ huyền thoại.

phim âm nhạc

Phim tiểu sử âm nhạc khuynh đảo phòng vé toàn cầu

 

Được sản xuất bởi Mathew Vaughn của The Kingsman (2014), Rocketman, bộ phim tiểu sử về Elton John đã nhận được đánh giá tích cực từ người hâm mộ cũng như giới phê bình. Màn trình diễn của Taron Edgerton và âm nhạc của Elton đã chiến thắng tại Quả cầu vàng cũng như giải Oscar. Nhưng không phải Rocketman, bộ phim đã mở đường cho dòng phim tiểu sử âm nhạc là Bohemian Rhapsody (2018), kể về nhóm trưởng ban nhạc Queens huyền thoại Freddie Mercury.

 

Khi Hollywood không còn ngại thể hiện sự đánh giá cao dành cho nhạc Rock dù trong quá khứ, đây vốn được xem là dòng nhạc của những kẻ nổi loạn, phim tiểu sử về những anh hào làng nhạc rock and roll một thời lại được khai thác và tìm thấy sự đồng cảm mạnh mẽ. Âm nhạc với điện ảnh chính thức hòa quyện trong mối quan hệ cộng sinh, thúc đẩy nhiều nhà làm phim khai thác nhiều hơn về các ngôi sao âm nhạc đình đám một thời.

phim âm nhạc
Bohemian Rhapsody mở đường cho sự lên ngôi của dòng phim tiểu sử âm nhạc (Ảnh: Tư liệu)

Rắc rối với những tranh cãi và tính chân thực, Bohemian Rhapsody (2018) vẫn giành được thành công khổng lồ về mặt phê bình và phòng vé. Bộ phim mang lại cho 20th Century Fox hơn 900 triệu USD toàn cầu và trở thành một trong những tác phẩm ăn khách nhất trong lịch sử của hãng phim này. Vai diễn xuất sắc của Rami Malek trong vai giọng ca chính Freddie Mercury cũng đem về cho anh nhiều giải thưởng lớn.

 

Trong khi đó, Elvis của Baz Luhrmann, bộ phim tiểu sử về Elvis Presley, do Austin Butler thủ vai, cũng ra mắt với nhiều thành tựu lớn. Dẫu bị giới phê bình lẫn khán giả chỉ trích gay gắt, bộ phim vẫn giành được ba đề cử Quả cầu vàng, bao gồm Phim điện ảnh – chính kịch hay nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đi kèm sáu đề cử Oscar.

 

Mặc dù nổi tiếng là khó thành công, kén người xem nhưng hiện tại, dòng phim này lại rất hiếm trường hợp gặp khó khăn ở phòng vé. Elvis năm 2022 được thực hiện với kinh phí 87 triệu USD và thu về con số chóng mặt 287,3 triệu USD trên toàn thế giới, trở thành bộ phim tiểu sử âm nhạc có doanh thu cao thứ hai mọi thời đại sau Bohemian Rhapsody, thu về 910 triệu USD trên toàn thế giới với kinh phí sản xuất chỉ 50 triệu USD. Và Tár với sự tham gia của Cate Blanchett, bộ phim tiểu sử hư cấu choáng ngợp về nữ nhạc trưởng Lydia Tár đã đem về cho người đẹp Australia loạt đề cử danh giá tại Quả cầu vàng, các giải thưởng khác tại LHP Venice, Palm Springs cũng như đề cử Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất…

Dòng phim này khuynh đảo từ phòng vé tới các lễ trao giải. (Ảnh: Tư liệu)

Bước sang năm 2024, phim tiểu sử âm nhạc vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt và đang dần trở thành “vị khách” quen thuộc trên màn ảnh rộng. Với 120 triệu USD doanh thu chiếu rạp trên toàn thế giới, Bob Marley: One Love là tác phẩm mới nhất trong loạt danh sách phim tiểu sử âm nhạc đang không ngừng mở rộng.

 

Trong tương lai gần, Timothee Chalamet sau thành công vang dội của Dune 2 đang trong quá trình thực hiện bộ phim tiểu sử về Bob Dylan có tựa đề A Complete Unknown. Nhiều đồn đoán cho rằng Julia Garner của Inventing Anna (2022) sẽ đóng vai chính trong phim tiểu sử về Madonna hay Selena Gomez sẽ đóng chính trong phim về nữ danh ca Linda Ronstadt.

 

Thêm vào đó, Daisy Edgar-Jones cũng chính thức nhận vai chính trong phim về Carole King. Hãng Sony Pictures Entertainment bày tỏ tham vọng khủng khi thông báo dự án bốn phim tiểu sử về bốn thành viên nhóm nhạc The Beatles dự kiến ra mắt năm 2027. Michael do Jaafar Jackson đóng chính đã hé lộ những hình ảnh đầu tiên về cha đẻ của bước nhảy moonwalk. Bóng hồng Amy Winehouse cũng trở lại màn ảnh qua màn hóa thân của Marisa Abela trong Back to Black và bộ phim về ban nhạc pop-disco Bee Gees chính thức được đạo diễn Ridley Scott cầm trịch…

phim âm nhạc
Loạt tác phẩm chung đề tài đầy tiềm năng hé lộ những hình ảnh đầu tiên. (Ảnh: Tư liệu)

Xu thế “hoài cổ” hay hiện tượng “vắt sữa” tài nguyên?

 

Một trong những điều làm phim tiểu sử âm nhạc trở nên thu hút là bởi chúng mang đến sự kết hợp độc đáo giữa thực tế và hư cấu, bao gồm cả những khoảnh khắc chính trị, lịch sử hoặc văn hóa thuộc về thời đại trước. Bỏ các vấn đề về mặt hình thức, kinh phí, sức hút của các bộ phim tiểu sử chính là mối liên kết của khán giả đại chúng với những biểu tượng văn hóa đại chúng trên đất nước họ. Những câu chuyện này mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của ngôi sao, trình diện mảng tối và góc khuất trong cuộc đời họ nhưng cũng nói về những nỗ lực và vinh quang mà họ có được sau những vấp ngã.

 

Các yếu tố kể trên đã giúp những tác phẩm thuộc dòng phim này khoác lên chiếc áo hàn lâm hơn, nghệ thuật hơn, trưởng thành hơn nếu đem so với câu chuyện anh hùng mặc áo khoác choàng đang dần bị gắn mác trẻ con. Chẳng hạn, Amy (2015) không chỉ là một bộ phim về Amy Winehouse; đó là một bộ phim về hiện trạng truyền thông Anh Quốc những năm 2000. Bohemian Rhapsody không chỉ kể về thanh xuân của những chàng trai Queens mà còn nói về cuộc khủng hoảng AIDS những năm 1980. Elvis bị cho là lãng mạn hóa cuộc đời Elvis Presley nhưng cũng nói về vấn nạn chiếm đoạt văn hóa da màu ở Memphis…

 

Một bộ phim tiểu sử âm nhạc thành công không chỉ kết hợp nỗi nhớ thế hệ với những câu chuyện quen thuộc của thời đại cũ, mà còn xây dựng câu chuyện đủ chạm về những con người không hoàn hảo vật lộn với thế giới và tìm thấy hào quang ở những năm đẹp nhất của cuộc đời, để rồi cũng trong chính hào quang, nỗ lực đấu tranh với con quỷ đang trỗi dậy bên trong mình. Đây là một khía cạnh thiết yếu của I Saw The Light (2015) trong đó Tom Hiddleston đóng vai huyền thoại nhạc đồng quê Hank Williams. Đằng sau tất cả những bản ballad du dương, Williams vẫn được khắc họa là một kẻ nghiện rượu, lạm dụng ma túy. Đó cũng là một phần quan trọng tạo nên thành công cho Elvis, Bohemian Rhapsody, Priscilla,… khi các nhân vật văn hóa mang tính biểu tượng được trình diện một cách không khoan nhượng, bất hảo và đôi khi là một kẻ phản diện.

phim âm nhạc
Phim tiểu sử âm nhạc kết hợp độc đáo giữa thực tế, hư cấu, chính trị, lịch sử, văn hóa. (Ảnh: Tư liệu)

Trong thời đại của hoài niệm, phim tiểu sử nói chung và tiểu sử âm nhạc nói riêng là lời nhắc nhở khán giả về thời đại tươi đẹp của thế giới nơi mà họ đã từng hoặc chưa từng dự phần. Trào lưu phim tiểu sử âm nhạc lên ngôi một mặt cho thấy xu hướng hoài cổ của con người hiện đại, niềm tự hào đại chúng, mối liên kết của con người hiện đại với biểu tượng văn hóa sinh ra trong thời đại họ nói riêng, toàn cầu nói chung, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về hiện tượng “vắt sữa” vốn là vấn nạn muôn thuở của Hollywood.

 

Một minh chứng tương tự với trào lưu này có thể kể ngay đến kỷ nguyên bùng nổ của phim siêu anh hùng những năm gần cuối của thập kỷ 2010s. Và thời điểm 2024, phim siêu anh hùng đang bị ghẻ lạnh hơn bao giờ với số lượng phim Marvel, DC ra mắt đều đặn nhưng đều ngậm ngùi nếm trái đắng. Ngay cả các diễn viên cũng e dè nhận phim siêu anh hùng dù 10 năm trước đó, trở thành nhân vật chính trong một tác phẩm gắn nhãn Marvel, DC là ước mơ của rất nhiều người và được xem là bước ngoặt ngoạn mục trong sự nghiệp.

 

Như đạo diễn Martin Scorsese đã từng chia sẻ, những bộ phim bom tấn CGI hoành tráng này là “biểu hiện của thói háu ăn” trong ngành điện ảnh. Các nhà điều hành hãng phim chỉ nghĩ đơn giản rằng các bộ phim siêu anh hùng đang thu hút khán giả, vì vậy họ bật đèn xanh mà không do dự. Về lâu dài, phim siêu anh hùng trở nên bão hòa, hình ảnh một người hùng giải cứu thế giới, đánh bại quái vật trở thành câu chuyện chung chung như nhau và thoái trào là lời tiên tri đã được dự báo trước.

 

Con đường này cũng có thể lặp lại với phim tiểu sử âm nhạc khi nhiều tác phẩm về những danh ca, nghệ sĩ đang dần định hình một công thức phổ biến: nhân vật chính xuất hiện lần đầu tiên khi còn là một đứa trẻ và họ có vấn đề rắc rối với cha mẹ hoặc môi trường của họ. Khi họ lớn lên, họ có những cuộc đấu tranh lớn hơn, thường là với những mối quan hệ lộn xộn xung quanh. Và trong hầu hết các phim tiểu sử âm nhạc, các nhân vật chính đều lạm dụng chất gây nghiện. Cuối cùng, bộ phim thường kết thúc bằng một thông điệp đầy hy vọng hoặc cái chết bi thảm.

 

Tuy thế, thành tựu vang dội mà các bộ phim tiểu sử mang về có thể xem là sự hồi sinh vẻ vang của một hình thức chưa bao giờ biến mất nhưng đang dần tiệm cận với đỉnh vinh quang ở thời điểm hiện tại. Cùng sự khởi động của loạt tác phẩm về Ronnie Spector, Bob Dylan, Carole King, Daniel Radcliffe, Linda Ronstadt, Michael Jackson, The Beatles và Fred Astaire… phim tiểu sử âm nhạc đang trở thành một nguồn tài nguyên dồi dào và đầy tiềm năng chinh phục màn bạc kinh đô điện ảnh.

_____________

Bài: Hoàng Thúy Vân

No more