Phim Việt Nam 2015: Nịnh mắt, nịnh tai

Bài Trúc Đoàn

Con số hơn 40 phim ra rạp trong năm 2015 vừa ấn tượng bởi số lượng nhưng cũng để lại không ít hoài nghi về chất lượng. ELLE MAN nhìn lại một năm với rất nhiều tác phẩm và trạng thái buồn vui của điện ảnh Việt.

Những điểm sáng

Xuất hiện trong chùm phim Tết 2015, ‘Trúng Số’ vốn không được kỳ vọng nhiều. Sau thất bại với ‘Lửa Phật’, một phim võ hiệp fantasy khá nửa mùa, giới chuyên môn và khán giả không còn đặt nhiều hy vọng vào Dustin Nguyễn, nhất là khi anh làm phim Tết với tựa phim khá bình dân. Vậy mà ‘Trúng Số’ đã vượt qua những định kiến đó để nhẹ nhàng đi với lòng người với những chi tiết đơn giản về cuộc sống và ước mơ của những người lao động. Đâu đó trong phim là hiện thực, tuy có bị “làm sạch” đôi chút bởi góc nhìn của nhà làm phim, vẫn gần gũi và đáng yêu. Người xem thấy đâu đó những con người lao động mà mình gặp hàng ngày qua những nhân vật trong phim. Một bộ phim, đôi lúc chỉ cần sự chân thành là có thể đi vào lòng khán giả.

Ra mắt vào dịp 30/4, ‘Ma Dai’ là một bất ngờ nho nhỏ khác. Trong một cấu tứ phim hài đôi chỗ bị làm lố, Ma dai có những đoạn khá duyên dáng và hài hước trong mối quan hệ oan gia giữa một cô trưởng phòng đi lên từ mối quan hệ gia đình và một anh chàng sửa xe xấu lạ. Trong khi mối quan hệ giữa hai nhân vật chính nhiều lần bị đẩy quá mức người xem ghét cả hai nhân vật, điểm sáng của phim rốt cuộc lại rơi vào mối quan hệ giữa nhân vật của Đức Thịnh với gia đình mình, bởi nó khá tự nhiên và ấm áp.

10

Sao cho vui mắt, vừa tai

Phim Việt năm 2015 cho thấy không ngại bất kỳ một kỹ thuật làm phim nào, trừ những kỹ xảo điện ảnh phức tạp. ‘Ngày Nảy Ngày Nay’ ra mắt đầu năm mang đến tín hiệu tốt về kỹ xảo hình trong phim Việt. Toàn bộ phần vẽ 3D của phim được làm tại Việt Nam bởi một ê-kíp rất trẻ. Dù còn rất nhiều lỗi nhỏ và chưa hoàn toàn hoàn thiện, phần kỹ xảo này góp phần làm nên không khí thần tiên cho phim.

‘Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh’ là một ví dụ điển hình bởi sự chăm chút về hình ảnh đôi lúc bị làm quá trong phim Việt khiến người ta tưởng đâu đang xem quảng cáo. Tất cả mọi thứ trong khuôn hình, từ góc máy, cách chọn chuyển động máy, cho đến phần thiết kế mỹ thuật đều được dọn sạch sẽ, khiến tất cả trơn tru mà thiếu đi những ngây thơ, vụng dại và cả sự thần tiên được mở ra qua những đôi mắt và tâm hồn trẻ nhỏ. Một ví dụ điển hình là cảnh rước đèn Trung Thu trong phim, máy quay di chuyển nhẹ nhàng, những đứa bé cầm đèn qua lại, đi cùng một nhịp, vây quanh một nhân vật đang hát, ngồi trước một ngôi nhà có đèn thắp sáng đủ cho hậu cảnh. Nếu cắt ghép cảnh quay này cho một quảng cáo bánh Trung Thu bất kỳ, có lẽ cũng không ai phản đối. ‘Tôi Thấy hoa Vàng Trên Cỏ Xanh’ dư thừa rất nhiều về sự điệu đàng của hình ảnh.

Phim Toi thay hoa vang tren co xanh
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trường hợp quá lạm dụng sự chăm chút hình ảnh làm hạn chế cảm xúc tự nhiên một cách đáng tiếc

Người cũ và người mới

Các đạo diễn đã từng là những tên tuổi bảo chứng phòng vé có một năm không thành công. Trừ Victor Vũ, vẫn nhẹ nhàng chinh phục phòng vé, lập kỷ lục doanh thu, lần lượt Nguyễn Quang Dũng và Vũ Ngọc Đãng thất bại. ‘Siêu nhân X’ của Nguyễn Quang Dũng bị giới phê bình nhận xét là lộn xộn về cấu tứ và nhảy cóc về câu chuyện đã không thắng trong chùm phim Tết 2015. Có lẽ kiểu làm phim với thông điệp rất lộ của Nguyễn Quang Dũng đã bị người xem bắt bài. Với Vũ Ngọc Đãng, ‘Con Ma Nhà Họ Vương’ không đến nỗi tệ về dụng ý ban đầu, nhưng có thể việc lâu ngày không làm phim điện ảnh khiến anh sa đà vào lối kể chuyện lê thê của phim truyền hình.

Trong bối cảnh đó, những người lần đầu làm phim lại khá thành công. Đức Thịnh thu lại cả vốn lẫn lời với ‘Ma Dai, trong khi Vũ Ngọc Phượng và Việt Max được nhiều thiện cảm với ’12 Chòm Sao’ và ‘Yêu’. Tuy vậy, cả ba bộ phim mới chỉ là những phim dễ thương và sa vào lối làm phim điện ảnh kiểu truyền hình. Diễn xuất của diễn viên đôi lúc căng cứng, giọng thoại vang to như trả bài tập đài từ trong các lớp diễn xuất khiến người xem phân vân không biết mình xem đời thực hay xem những tình huống bị bi kịch hóa trong thể loại telenovela của truyền hình. Cả ba bộ phim đều được làm một cách tử tế, nhưng vẫn thiếu đâu đó chút tinh tế.

Phim Yeu
Phim Yêu của Việt Max đẹp, được làm chỉn chu nhưng vẫn còn hơi mang tính truyền hình

Nổi bật hơn cả trong số những bộ phim Việt Nam năm vừa qua là ‘Em Là Bà Nội Của Anh’ (Phan Gia Nhật Linh). Với một kịch bản được chuyển thể cực tốt từ kịch bản Miss Granny của Hàn Quốc, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã không sẩy chân khi lồng ghép khéo léo vị Việt Nam rất riêng vào bộ phim, khiến người xem tin đây là một phim Việt, thấm đẫm tinh thần Việt. ‘Em Là Bà Nội Của Anh’ hóa ra lại là phim thấm đẫm tinh thần Việt Nam nhất của năm. Rõ ràng tay nghề của các đạo diễn Việt Nam không hề thua kém các đạo diễn trong khu vực, nhưng những kịch bản Việt gần gũi, khai thác được tình cảm và cảm xúc trong mối quan hệ gia đình, bạn bè, lứa đôi, hay xa hơn là liên hệ được những vấn đề của xã hội, đang ở đâu?

Phim Em la ba noi cua anh
Em là bà nội của anh là một phim Việt Nam xuất sắc của năm 2015

Phim nghệ thuật vẫn như cũ

Một tín hiệu sáng sủa đến vào đầu năm khi ‘Cha và Con, và…’ của Phan Đăng Di tạo nên cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên lọt vào tranh giải chính thức của Liên hoan phim Berlin danh giá, thì phần còn lại của năm lại khá yên ắng bởi không một phim nghệ thuật nào khác được ra mắt.

Xuất hiện ở những liên hoan phim quốc tế vẫn là ‘Cha và Con, và…’ cùng ‘Đập Cánh Giữa Không Trung’ đã ra mắt từ năm 2014 của Nguyễn Hoàng Điệp. Phim nghệ thuật cũng lèo tèo ra rạp khi ‘Cha và Con, và…’ và thậm chí là ‘Nước’ (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) vẫn đang chờ ngày ra rạp ở Việt Nam. Một số phim như ‘Dịu Dàng’ (Lê Văn Kiệt), dù được đánh giá cao bởi sự xù xì, gai góc trong thể hiện và tính dữ dội của câu chuyện, vẫn âm thầm ra rạp rồi lặng lẽ biến mất. ‘Đi Tìm Phong’ (phim tài liệu của Trần Phương Thảo và Swann Dubus), dù tranh giải và đoạt hàng loạt giải thưởng tại các liên hoan phim tài liệu quốc tế, vẫn đang mỏi mòn chờ ngày ra rạp sau sự thành công mở màn của ‘Chuyến Đi Cuối Cùng’ của chị Phụng. Đã lâu lắm rồi phim Việt Nam thiếu hẳn những dự án gây sửng sốt cho người xem. Thế nên mới có việc Trúng số, một phim hài cho gia đình, phải lãnh trọng trách đại diện cho phim Việt Nam tham dự hạng mục Oscar “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc”.

Phim Cha va con va
Một khoảnh khắc đẹp trong phim Cha và con, và… của đạo diễn Phan Đăng Di
Phim Diu dang
Dustin Nguyễn thành công với vai diễn mới mẻ trong Dịu dàng

Tại mỗi kỳ liên hoan phim quốc gia vẫn vắng bóng những phim tác giả có tìm tòi về câu chuyện và ngôn ngữ điện ảnh.  Sự xuất hiện của những dự án đến từ các đạo diễn trẻ như Đỗ Quốc Trung, Trần Dũng Thanh Huy, Đoàn Hồng Lê hay Võ Thạch Thảo tại các diễn đàn đấu thầu dự án phim mở ra hy vọng những bộ phim nghệ thuật sẽ được ra mắt nhiều hơn, đa dạng về hình thức lẫn tiếng nói.

Rõ ràng trong bối cảnh xã hội mỗi ngày thay đổi và phát triển với nhiều bất cập, những cá nhân loay hoay trong các mối quan hệ, những nhà làm phim có rất nhiều chất liệu cho kịch bản của mình, dù đó là phim cho khán giả, hay cho chính tác giả. Vấn đề là họ có chịu dấn thân để phát hiện, trải nghiệm và đưa được những câu chuyện và nhân vật hay lên màn ảnh, để người xem có thể khóc, cười, bất bình hay đồng cảm cùng nhân vật được hay không?

Bài: Hải Yến

No more