Phim Bridge of Spies – Khi nước Mỹ vừa bị châm biếm, vừa được ngợi ca

Bài ELLE Man

Người đàm phán (Bridge of Spies) có thể không phải là một bộ phim dễ xem đối với tất cả mọi người, nhưng chắc chắn sẽ là bộ phim mà những người quan tâm đến lịch sử, chính trị và nước Mỹ, không thể bỏ qua.

Lấy bối cảnh và kịch bản từ câu chuyện có thật trong lịch sử cuộc Chiến tranh lạnh Nga – Mỹ, bộ phim Bridge of Spies (Người Đàm Phán) không đơn thuần chỉ là một bộ phim nhàm chán về chiến tranh như mọi người thường nghĩ. Như tất cả những tác phẩm khác của đạo diễn Steven Spielberg, Bridge of Spies được lồng ghép trong đó rất nhiều sự ngợi ca lẫn châm biếm.

phim bridges of spies 3

10 phút đầu của bộ phim Bridge of Spies, chúng ta sẽ lạc vào một khung cảnh nước Mỹ giữa thế kỷ XX. Mọi thứ có vẻ hơi chậm rãi và nhàm chán. Một nước Mỹ đẹp đẽ, hiện đại nhưng vẫn phảng phất những lo lắng, u buồn. Và rồi đúng với nguyên tắc “đặt vấn đề sau 10 phút” của Hollywood, người xem sẽ ngay lập tức hiểu ra mấu chốt câu chuyện: vị họa sĩ đường phố Brooklyn hóa ra lại là đại tá Rudolf Abel (Mark Rylance), một điệp viên tình báo Liên Xô, bị cáo buộc có nhiều hoạt động chống đối và bán đứng Mỹ, trong thời điểm chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ đang chạy đua vũ trang và không ngừng khiêu khích lẫn nhau.

phim bridge of spies b

Phải hiểu rằng ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ thời điểm đó hay ở bất kỳ thời đại nào đi nữa, tội phạm gián điệp hay bán đứng tổ quốc đều là một tội danh nghiêm trọng và bị khinh ghét. Nhất là trong bối cảnh tình hình quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ đang cực kỳ căng thẳng, Abel nghiễm nhiên trở thành tên tội phạm “giết ngay không cần xử”. Đến mức không một luật sư hình sự nào muốn đứng ra bào chữa cho ông, vì phiên tòa xét xử đằng nào cũng chỉ là hình thức. Tất cả đều đã mặc định tên gián điệp ấy phải bị tử hình. Nhưng luật nhân quyền của người Mỹ sẽ không bao giờ để một phạm nhân ra tòa mà không có luật sư. Vì vậy, James Donovan (Tom Hanks), một luật sư bảo hiểm không tên tuổi ở Brooklyn, New York được triệu tập để bào chữa cho Rudolf Abel. Và mọi chuyện bắt đầu tại đây.

phim bridge of spies x

Không bàn quá nhiều về nội dung, thứ tôi muốn đề cập ở đây hôm nay là sự châm biếm và ngợi ca Mỹ quốc, cả hai cùng song song trong phim Bridge of Spies. Nói một cách đơn giản nhất, thái độ của người Mỹ đối với tên gián điệp Nga đã là một sự châm biếm dành cho người Mỹ. Xuyên suốt bộ film, một hình ảnh nước Mỹ đầy lo lắng, bất an và giận dữ hiện ra. Từ vị thẩm phán tối cao, nhân viên CIA cho đến vợ con của luật sư Donavan hay những người dân bình thường đều bày tỏ một thái độ “Tại sao ông lại nhận bào chữa cho một kẻ tội đồ như vậy?”, dù tất cả đều hiểu đó là công việc mà một luật sự chân chính phải làm.

Mối đe dọa về chiến tranh vũ khí hạt nhân cộng với sự nghiêm trọng hóa vấn đề của phần lớn người Mỹ làm mọi thứ trở nên cực đoan. Dù Abel – chưa một lần mở miệng thừa nhận hay phủ nhận tội trạng gián điệp của mình thì một cái án tử hình đã được định sẵn cho ông, không cần xét xử, không cần thẩm vấn. Một chuyện có vẻ thật nực cười và hơi châm biếm đối với nước Mỹ – một nơi luôn được ngợi ca là hình mẫu điển hình của tự do dân chủ.

phim bridge of spies 8

Nhưng cũng chính trong bối cảnh này, luật sư Donovan vẫn kiên định và nỗ lực với công việc bào chữa của mình, như một sự ca ngợi về tinh thần công minh, thượng tôn pháp luật và dân chủ của người Mỹ. Cách đặt vấn đề rất xuất sắc, khi một bên là quyền lợi của tổ quốc, một bên là quyền lợi của thân chủ mình, và bắt buộc vị luật sự phải lựa chọn. Hình ảnh một vị luật sư người Mỹ không hề khiếp sợ trước sự đe dọa, sự xa lánh và kỳ thị của mọi người, tìm mọi cách để bảo vệ thân chủ của mình – một gián điệp người Nga, bất chấp những rủi ro mà ông hay Tổ quốc ông phải gánh chịu, là hàm ý ẩn dụ mạnh mẽ nhất cho thấy ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, luật pháp và nhân quyền vẫn là thứ quan trọng hơn tất cả.

Xuyên suốt Người đàm phán, những hình ảnh đối lập từ cách người Mỹ và người Liên Xô đối đãi với phạm nhân, hay cách hai bên chào đón công dân của mình trở về, cũng là cách đạo diễn Steven Spielberg ca ngợi Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Dù bạn có là một tội đồ chắc chắn chỉ có đường chết, thì ở đất nước của sự tự do dân chủ chúng tôi, vẫn luôn có một con đường, một cơ hội để bạn được bảo vệ – đó là những gì bộ phim ngầm ý muốn truyền tải. Phân đoạn luật sư Donavan tìm mọi cách để cứu con tin Frederic Pryor nằm trong tay CHLB Đức mặc cho sự ngăn cản và vô tâm của các nhân viên chính phủ Mỹ xung quanh cũng là một hình ảnh vừa ca ngợi vừa châm biếm khác. “Everybody is matter” có lẽ là một câu nói xuất sắc của Donavan (Tom Hanks). Sự hấp tấp, nóng vội, chỉ biết lợi ích trước mắt của chính phủ Mỹ bị bộ phim châm biếm, nhưng một lần nữa, luật pháp, sự công bằng và quyền dân chủ đã được bảo vệ và tôn vinh.

phim bridge of spies

Nhân vật Abel của Mark Rylance được nhiều người nhận định là vai diễn sáng giá nhất của bộ phim. Sự bình tĩnh và dửng dưng của ông trước mọi hoàn cảnh như một hình ảnh tương phản đầy châm biếm với những công dân Mỹ hoảng loạn, lo lắng, chỉ muốn giết quách tên gián điệp ấy cho xong. “Lo lắng liệu có ích gì?” là câu thoại được lặp đi lặp lại tổng cộng 6 lần của nhân vật này, cùng hình ảnh standing man, tất cả đã khắc họa một nhân vật dũng cảm, kiên định và tinh thần trung thành Tổ quốc đáng ngưỡng mộ.

Brooklyn lawyer James Donovan (Tom Hanks) is an ordinary man placed in extraordinary circumstances in DreamWorks Pictures/Fox 2000 Pictures' dramatic thriller BRIDGE OF SPIES, directed by Steven Spielberg.

Về nhân vật Donavan, có rất nhiều điều để khen ngợi. Tom Hanks đã hoàn thành rất xuất sắc vai diễn của mình. Từ hành động đi qua đi lại đầy lo lắng khi nghe về tình trạng của Abel, ánh mắt kiên định vượt qua cái lạnh giá khắc nghiệt của mùa Đông nước Đức để bảo vệ công lý, cho đến những khoảng lặng buồn bã khi phải tạm biệt và không thể bảo vệ thân chủ của mình đến cùng. Và ở Donavan, có một câu chuyện lồng ghép khác mà có lẽ ít ai để ý. Đó là hình ảnh Donavan – một luật sư gốc Do thái, phải lang thang rất nhiều ngày ở nước Đức. Máy quay focus rất rõ vào ánh mắt và thái độ có phần lo lắng, run sợ của ông khi phải gặp hay đối diện với những người Đức (đặc biệt là lúc bị trấn lột áo khoác), và việc ông nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, “Tôi không muốn ở đây (nước Đức), tôi muốn về nhà”. Có lẽ đạo diễn Steven Spielberg cũng đang muốn một lần nữa lồng ghép mối quan hệ căng thẳng của người Đức thời hậu Quốc Xã và người Do Thái ở nhân vật do Tom Hanks thủ vai.

phim bridge of spies m

Cũng giống như những tác phẩm điện ảnh khác về chiến tranh của đạo diễn Steven Spielberg, nếu xem phim Bridge of Spies một cách hời hợt, bạn sẽ thấy nó có vẻ hiển nhiên và nhàm chán, một sự ngợi ca nước Mỹ mù quáng và mô-tuýp nhàm chán lẽ phải luôn chiến thắng. Nhưng nếu bạn là người am hiểu về lịch sử, chính trị và đã đọc câu chuyện thực tế, đây chắc chắn là một bộ phim sâu sắc với nhiều câu chuyện lồng ghép, nhiều tầng nghĩa đan xen. Điều thú vị trong các tác phẩm của ông, đó không phải là chỉ đơn thuần mô tả cuộc chiến với những tham chiếu từ lịch sử hay các sự kiện có thật, mà còn là những câu chuyện giữa con người với con người, giữa những dằn xé, mâu thuẫn và bản sắc của mỗi con người, họ có thể là nạn nhân, là kẻ gây chiến, hay thậm chí là những người ngoài cuộc. Nhưng bất kể ai đúng ai sai, ai chánh ai tà, khi xuất hiện trong các bộ phim của Steven Spielberg, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh, thì mỗi người đều mang trong mình sứ mệnh phải sống, phải khác biệt trên tổng thể hài hòa và cảm xúc mà bộ phim mang lại.

Xem thêm:

5 bộ phim điện ảnh gắn liền với tên tuổi Christopher Nolan

11 phim điện ảnh ý nghĩa dành cho nam giới

Bài viết: Hạnh Nguyên (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man)

No more