Review album “LOI CHOI” của Wren Evans: Hành trình tìm ra lối chơi riêng

Bài Tuan Anh

Trong interlude "Lối Chơi", Wren Evans đã tự nhận “mình là dân chơi thế hệ mới”. Sự tự khẳng định đó dường như cũng chính là tuyên ngôn của thế hệ nghệ sĩ trẻ hiện nay: Xem âm nhạc là một cuộc chơi để thỏa sức sáng tạo, thoả sức bộc lộ cái tôi nghệ thuật của mình.

 

Chàng nghệ sĩ trẻ gốc Hà Nội vừa ra mắt album đầu tay mang tên LOI CHOI của mình. Cùng với ba đĩa đơn được phát hành trước đó là Việt Kiều, Call MeTừng Quen, LOI CHOI và thêm tám ca khúc mới với đa dạng các thể loại khác nhau cùng với nhiều sự biến ảo mới mẻ trong phối khí. Album đã thể hiện rõ nét tinh thần loi choi và dân chơi mà Wren Evans muốn truyền tải.

loi choi
Bìa album LOI CHOI của Wren Evans (Ảnh: Tư liệu)
"Death’s

Quen thuộc nhưng không hết sắc sảo

 

Có thể thấy từ những ca khúc đầu tiên, tình yêu đôi lứa vẫn là đề tài quen thuộc trong các sáng tác của Wren Evans, và LOI CHOI cũng không phải ngoại lệ. Trong album đầu tay, tình yêu vẫn là mạch nguồn chảy dài xuyên suốt 11 bài hát của anh nhưng được mở rộng ở nhiều khía cạnh hơn và hơn hết là chứa đựng tinh thần của người trẻ: đôi lúc bồng bột, đôi lúc nghịch ngợm, đôi lúc tha thiết, nhưng trên tất cả là sự nhiệt huyết, dám yêu và dám sống của một thế hệ mới.

 

Phóng Đổ Tim Em là lời bày tỏ đầy kiêu hãnh của một chàng trai với cô gái mình yêu, Cầu Vĩnh Tuy là hồi ức về một tình yêu đẹp đẽ trong quá khứ, hay Từng Quen là một thứ tình cảm mơ hồ, vừa tha thiết nhưng cũng vô vọng của một chàng trai dành cho một cô gái khác. Trong mỗi ca khúc, dù có chung đề tài, Wren Evans luôn biết cách để khai thác nó theo hướng khác nhau. Không chú trọng vào sự phức tạp, Wren nhấn mạnh vào những cảm xúc gần gũi, đôi khi cụ thể hoá nó thành một địa danh có thật (Cầu Vĩnh Tuy),  tạo nên sự kết nối dễ dàng với đại chúng.

 

Ca từ của Wren Evans là điểm then chốt để anh tạo nên sức ảnh hưởng với khán giả. Việc tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, nhiều ngôn ngữ khác nhau đã hình thành trong Wren tư duy ngôn ngữ đặc sắc, thể hiện trong cách anh “thả” vào trong bài hát của mình những câu hát dễ viral nhất. Trong Phóng Đổ Tim Em, Wren cô đặc sự mạnh mẽ và nghịch ngợm của chàng trai bằng câu hát được xem là killing part của bài: “Anh Wren dân tổ phóng đổ tim em.” Trong Call Me, anh tha thiết hỏi người mình yêu bằng một câu hết sức ngây thơ: “Việt Nam là vùng nhiệt đới, thế mình là gì em ơi?”, biểu thị rõ nét sự rối bời, có chút ngu ngơ của một chàng trai đang trong tình yêu. Hay trong Bé Ơi Từ Từ, chỉ một đoạn hook lặp đi lặp lại đã khiến người nghe dễ dàng nhớ và lẩm nhẩm nó trong đầu mình.

Wren Evans trong buổi Pre-listening Party của LOI CHOI. (Ảnh: Tư liệu).

Tuy nhiên tất cả sự thông minh của Wren Evans phải được nhận thấy trong Việt Kiều, đĩa đơn mở đường cho LOI CHOI. Trong ca khúc, anh kết hợp cả bốn thứ tiếng một cách linh hoạt, khéo léo, mang đậm tinh thần của dân chơi thế hệ mới lẫn chủ đề “Việt kiều”. Đặc biệt, cách chơi chữ “mình quê Thanh Hóa” thành “mình hoa thanh quế” mở ra một nghĩa khác tạo điểm nhấn đầy phấn khích trong bài. Tự nhận mình là “Việt kiều” đối với văn hoá việt Nam, Wren Evans xem nó là cơ hội để tiếp cận văn hoá nước mình một cách mới mẻ và linh hoạt nhất.

 

Loi choi để phá bỏ khuôn mẫu 

 

Trong lần trở lại này, Wren Evans đã hợp tác với itsnk, người đã từng cùng Vũ Thanh Vân làm nên thành công cho EP After Party của cô trước đó. Nếu với Vũ Thanh Vân, itsnk thể hiện sự tinh tế trong phối khí, kỹ càng từng phút để tạo nên những khoảnh khắc bùng nổ, thì với LOI CHOI, vẫn sự tinh tế và kỹ lưỡng ấy, anh tiếp tục cho thấy tư duy hiện đại của mình trong việc phối hợp nhiều thể loại khác nhau nhưng vẫn đảm bảo dễ tiếp cận với đại đa số quần chúng.

 

Sự tinh tế cũng như mới lạ về mặt phối khí của Wren Evans trước hết nằm ở việc xử lý cấu trúc của từng bài hát. Trong Phóng Đổ Tim Em, sau câu hát “anh Wren dân tổ phóng đổ tim em”, người nghe mong chờ một đoạn bùng nổ sau đó, nhưng Wren Evans ngay lập tức tiếp tục đoạn verse của mình và nhịp độ của ca khúc vẫn duy trì ở mức vừa phải. Điều đó khiến cho câu hát nổi bật đó xuất hiện bất ngờ nhưng chỉ một lần, làm người nghe nhớ ngay và khao khát được nghe nó vang lên lần nữa – một cách làm thông minh, đủ đáng nhớ cho một ca khúc mở đầu. Trong Cầu Vĩnh Tuy, Wren Evans cùng itsnk đẩy nhanh phần phối lên, verse và chorus liên tục nối đuôi nhau khiến người nghe như hoà mình vào những đoạn phim ký ức về một tình yêu đôi lứa vừa nhiệt huyết nhưng cũng mang chút nuối tiếc. Phần phối của những bài khác như ĐĐĐ hay Tò Te Tí dày hơn và có nhiều khoảnh khắc đặc sắc hơn. Đoạn drop trong Tò Te Tí có thể xem là đoạn kết đẹp với toàn album với tất cả sự mạnh mẽ và dồn dập của nó.

 

Việc vận dụng nhiều thể loại nhạc đã không còn là một điều lạ đối với một người không thích chơi dễ như Wren Evans. Trong LOI CHOI, anh và itsnk đã mạnh dạn chơi cả bolero và flamenco mang âm hưởng nhạc hải ngoại xưa, cụ thể qua Tình Yêu Vĩ MôQuyền Anh. Phần phối khí của hai ca khúc không mang nhiều sự biến hoá mà tinh tế đi theo từng chuyển biến trong giọng hát của Wren. Dù với bản phối mang phong cách xưa, cách hát của anh lại mang tinh thần đương đại như một sự nâng đỡ lẫn nhau giữa cái cũ và mới, tạo nên phong cách không thể trộn lẫn. Và cuối cùng, Việt Kiều như một ca khúc tổng hợp tất cả những gì Wren Evans muốn thể hiện trong suốt album. Phần phối khí đầy hỗn loạn được xây dựng tương thích với sự hỗn loạn trong lyrics, phá bỏ tất cả những ý niệm sẵn có của đại đa số về một ca khúc đã gây chia rẽ khán giả: người thì cực kỳ tâm đắc, người thì lại không nghe nổi. Thích hay không thích, ta vẫn thừa nhận tinh thần loi choi của Wren Evans đã mở ra một khía cạnh khác: mạnh dạn đạp đổ những khuôn mẫu dù nó có thể gây tranh cãi đi chăng nữa.

Wren Evans
Wren Evans trong LOI CHOI. (Ảnh: Tư liệu)

LOI CHOI của Wren Evans là minh chứng cho việc những nghệ sĩ trẻ GenZ hiện nay luôn biết cách làm mới mình bằng cách tiếp thu những tinh hoa âm nhạc ở trong lẫn ngoài nước để bồi đắp cho bản ngã nghệ thuật của riêng mình. Họ không nên bó buộc mình vào khuôn khổ hay những ý niệm về dân tộc. “Loi choi” trở thành một khái niệm chỉ trạng thái sáng tạo của người nghệ sĩ. Từ chối những gì tĩnh tại, khước từ những khuôn mẫu, nghệ sĩ phải luôn chuyển mình, trở thành những “Việt kiều”, liên tục thay đổi, liên tục tiếp nhận để vươn đến những đỉnh cao mới trong nghệ thuật.

 

Một điều ta có thể thấy nữa, là ở những album V-Pop hiện nay, đặc biệt là trong năm 2023 đã quan tâm nhiều hơn về phần chuyển giao giữa các bài hát. Ta sẽ thấy rõ điều này trong Ái của Tlinh và LOI CHOI của Wren Evans. Điều này cho thấy những nghệ sĩ đã quan tâm nhiều hơn về tính thống nhất trong một album nhạc, đồng thời cũng ngầm khẳng định rằng việc làm một album không phải chỉ là việc tập hợp những đĩa đơn riêng lẻ vào. Nó phải có một câu chuyện riêng, một tinh thần riêng, bộc lộ cái tôi của người làm nên nó. Chỉ như thế âm nhạc mới có thể phát triển.

 

Một nền âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, nếu thiếu đi cá tính và sự chuyển mình linh hoạt, sẽ mãi dậm chân tại chỗ. Ta cần phải loi choi, phải linh hoạt để tìm ra lối chơi, một con đường sáng tạo của riêng mình.

Tìm

_______

Bài: Nam Lê

No more