Review “Chị Chị Em Em 2”: Bộ phim vừa có “sắc”, lại đủ “hương”

Bài Tuan Anh

Vào thời điểm thông báo bộ phim "Chị Chị Em Em 2", rất nhiều khán giả cho rằng tác phẩm này "có sắc mà chưa chắc có hương". Tuy nhiên, đây không phải là điều chính xác với bộ phim mới do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cầm trịch.

*Lưu ý: Bài viết review “Chị Chị Em Em 2” có tiết lộ nội dung phim

Trở lại sau 3 năm, Chị Chị Em Em 2 vẫn theo đuổi thể loại phim tâm lý với mô típ cũ, tập trung vào sự đối đầu, những toan tính và ganh đua giữa hai người phụ nữ.

Trong phần này, câu chuyện bắt nguồn từ lòng ngưỡng mộ đan xen sự đố kị mà Nhi (Ngọc Trinh) hướng về Ba Trà (Minh Hằng). Xuất thân từ nghề mại dâm, bị khinh rẻ như những người dưới đáy xã hội đã khiến Nhi tìm mọi cách, bày mưu tính kế để tiếp cận Đệ Nhất Mỹ Nhân Sài Thành – Ba Trà nhằm đổi đời. 

Sự việc tiến triển như mong đợi, cô Ba nhận Nhi làm em gái nuôi, giúp cô gột rửa cái mác thấp hèn và tái sinh trong thân phận Tiểu thư Tư Nhị. Cũng từ đó, cả hai trở thành cặp chị em tình thâm, danh tiếng ngày một thăng hạng kéo theo tiền tài, danh vọng và cả những mưu kế khôn lường nhằm độc chiếm vị trí số một cho mình.

Ảnh: CGV
Review

Xây dựng nhân vật thú vị nhưng khai thác chưa triệt để

Ngoài Ba Trà nổi danh Cô Ba Sài Gòn nức tiếng gần xa thì nhân vật Tư Nhị lại ít ai nắm rõ. Hầu như thông tin về người phụ nữ này hiển thị khá mập mờ, chỉ được biết đến như một người em gái của cô Ba. Ấy vậy mà Chị Chị Em Em 2 đã nhào nặn nên cả quá trình biến chuyển từ tâm lý đến ngoại hình cho Nhi – một gái điếm trở thành tiểu thư đài các nổi tiếng không kém gì chị gái. Hành trình lột xác và nỗ lực thoát khỏi tầng lớp thấp hèn nhất tiến đến đỉnh cao danh vọng thu hút vương tôn, công tử vây quanh mỗi ngày tạo thêm nhiều không gian cho màn đối đầu thêm phần kịch tính.

So với những lời đồn đại và thông tin về bộ đôi mỹ nhân những năm 1930 này thì nội dung trong Chị Chị Em Em 2 đã pha trộn khá nhiều yếu tố hư cấu để câu chuyện có thêm điểm nhấn. Phim có thời lượng 1 tiếng 55 phút và phân chia rạch ròi mối quan hệ Ba Trà – Tư Nhị làm 3 phần: gặp gỡ – gắn kết – gỡ nút. Điểm trừ trong kịch bản bắt đầu xuất hiện khi mạch phim diễn tiến không đều. Vậy nên, dù giới thiệu nhân vật độc đáo, lôi cuốn nhưng vẫn đem tới cảm giác chuyện dài lê thê. Ngoài ra, phim có cách giải quyết gói ghém, đơn giản đến nhạt nhòa so với những kế sách tinh vi đề ra từ đâu gây xung đột, hụt hẫng.

Ảnh: Nhà sản xuất phim

“Chị Chị Em Em 2”: Đầu tư hình ảnh, âm thanh chỉn chu

Ưu điểm của phim tập trung vào phần nghe – nhìn khi tái hiện lại bối cảnh Sài Thành những năm cũ công phu, chọn lọc kiến trúc Pháp kiểu cổ và dựng thêm nhiều bối cảnh đường sá, bày trí lộng lẫy. Không chỉ không gian, lối trang trí mang phong thái châu Âu mà để tô điểm cho danh xưng Đệ Nhất Mỹ Nhân thì nhân vật Ba Trà đã liên tục thay đổi trang phục trong phim. Những bộ váy đầm được mặc lên người phụ nữ này đều toát lên cốt cách thanh tao, quyến rũ. Tạo hình của Tư Nhị cũng không kém cạnh, cô nàng có sự chuyển đổi trong thời trang khi lột bỏ lớp áo bà ba mỏng tang để thay vào đó nhiều bộ cánh ôm trọn đường nét cơ thể.

Song song với con người và phố thị Sài Gòn hoa lệ, hào nhoáng thì cảnh vật khu ổ chuột Bọ Rệp, Bọ Rệt,… nơi hoạt động mại dâm diễn ra tấp nập cũng được chọn lọc kĩ. Phần màu phim có độ tương phản giữa cuộc sống nhung lụa khi được nâng tầm mỹ nhân với những mảnh đời bất hạnh rơi vào con đường buôn hương bán phấn. Một bên rực rỡ, nồng ấm còn bên kia đầy tối tăm, u uất, đặc biệt sự khốn cùng hiện lên rõ hơn trong những ngày trời mưa tầm tã.

Bên cạnh đó, phần âm thanh của phim được ráp ăn khớp, đẩy không khí và nhịp điệu câu chuyện lên cao. Ăn điểm nhiều nhất là phân đoạn chị em Ba Trà – Tư Nhị ẩu đả với nhóm người gièm pha, buông lời sỉ vả mình giữa phiên chợ náo nhiệt có hơi hướng nhạc kịch.

Ảnh: Nhà sản xuất phim

Câu từ sắc bén, chứa đựng nhiều hàm ý trong “Chị Chị Em Em 2”

Diễn xuất của Minh Hằng và Ngọc Trinh đã tạo không ít điểm nhấn nhờ vào sự hỗ trợ của ngôn từ được sử dụng trong phim. Việc tái hiện lại phong thái phụ nữ đương thời thật sự không dễ dàng vì không chỉ có khác biệt chất giọng vùng miền mà còn nhiều thay đổi so với từ điển hiện đại. Đơn cử việc dùng “đờn ông” thay cho “đàn ông” hay “đệ nhứt” thế chỗ cho “đệ nhất” cùng ngữ điệu mà nhân vật thể hiện cũng ánh lên sự kĩ tính của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Thêm nữa, cả hai tương tác tốt, có nhiều cử chỉ và giọng điệu được căn chỉnh cho hợp với thời điểm sự kiện diễn ra. Hầu như các diễn viên đều phải tìm hiểu về văn hóa, cách giao lưu của người Sài Gòn thời đó dựa trên nhiều nguồn thông tin. Một trong số đó đến từ nam diễn viên Lương Mạnh Hải. Anh dù không xuất hiện trong phim nhưng vẫn hỗ trợ từ xa bằng cách gửi tặng quyển sách “Sài Gòn Tạp pín lù” của tác giả Vương Hồng Sển cùng các tư liệu về Sài Gòn nửa đầu thế kỉ 20.

Điểm tiếc nuối mà Chị Chị Em Em 2 để lại rơi vào chỗ phim dựa trên một giai thoại nổi tiếng, được nhiều thế hệ biết tới nhưng lại có lối kể khá nhẹ nhàng, thiết kế câu chuyện dễ đoán. Các yếu tố ẩn dụ được cài cắm liên tục, nhiều ẩn ý mà chẳng thể tìm được điểm mũi nhọn. Có thể thấy rõ nhiều luận điểm đầy tiềm năng nhưng kéo đến đều đặn, chưa kịp nhấn nhá thì đã trôi tuột theo câu chuyện khi tiến dần về cuối phim.

Ảnh: Nhà sản xuất phim

Nhìn chung, câu chuyện mà Chị Chị Em Em 2 mang lại vẫn chứa đựng sự thú vị, xen kẽ nhiều yếu tố gây hài một cách tự nhiên, duyên dáng. Phim có sự tiến bộ hơn trong việc chọn góc quay, gọt giũa câu chữ hợp thời mà vẫn giữ cho lời thoại không bị khô cứng so với phần trước. Dù còn khiếm khuyết nhưng đây vẫn là một bộ phim đáng xem, phù hợp với nhu cầu giải trí đơn thuần trong dịp Tết năm nay.

___________

Bài: Thanh Trúc

No more