Godzilla: Singular Point – Một tựa anime về Kaiju rất… khoa học

Bài ELLE Man

Nhắc đến Godzilla, đại chúng nhớ ngay đến Vua Kaiju hùnh mạnh nhất và cũng là nhân vật chính trong nhiều tựa phim bom tấn cùng tên của Nhật Bản lẫn Hollywood. Tuy nhiên, khác với những tựa phim Godzilla khác, Singular Point mang đến những lý giải về nguồn gốc sinh học cũng như tập tính bầy đàn của những quái vật qua cách tiếp cận khoa học hơn.

Đạo diễn Atsushi Takahashi cùng với ekip của hai studio hoạt hình nổi tiếng Bones và Orange cho ra mắt bộ anime kết hợp phong cách vẽ tay và hiệu ứng CGI hoành tráng, lấy cảm hứng từ thương hiệu nổi tiếng “thằn lằn bé bự” Godzilla.

Nhắc đến Godzilla, đại chúng nhớ ngay đến vị Vua Kaiju hùnh mạnh nhất và cũng là nhân vật chính trong nhiều tựa phim bom tấn cùng tên của cả Nhật Bản lẫn Hollywood. Ở đất nước “Mặt Trời mọc”, chú thằn lằn khổng lồ nổi tiếng đến mức được cấp “quyền công dân” vào năm 2015, đồng thời được xây tượng với kích thước 1:1 tại trung tâm khu Shibuya, Nhật Bản.

Tuy nhiên, phần phim anime mới của Netflix có chút khác biệt, khi Godzilla chỉ xuất hiện từ… tập 7. Trước đó, đây là câu chuyện của hai cô cậu thanh niên thiên tài Yun Arikawa và Mei Kamino. Họ được giao trọng trách điều tra vụ việc Trái đất bỗng xuất hiện những kaiju khổng lồ, tụ tập thành một hệ sinh thái lớn như thể đang đón chờ ngày tận thế.

2 nhân vật chính Yun Arikawa và Mei Kamino - phim Godzilla Singular Point.
2 nhân vật chính Yun Arikawa và Mei Kamino.

Không giống với các phim khác thuộc thương hiệu Godzilla, Singular Point giới thiệu các chủng quái vật như Rodan, Anguirus, Manda theo từng tập phim, với những lý giải về nguồn gốc sinh học cũng như tập tính bầy đàn. Trong khi các bản trước biến Kaiju thành những sinh vật có tạo hình vô lý cùng lai lịch mơ hồ, thì loạt anime cho cách tiếp cận khoa học, lớp lang hơn.

Godzilla Singular Point - hệ thống quái vật Kaiju.
Kaiju trong phim đều có tạo hình khác biệt với gai góc đúng nghĩa là các quái thú đang thống lĩnh Địa Cầu.

Tiết tấu chậm rãi xen lẫn với kịch bản đưa ra nhiều lý luận chặt chẽ phân tích nguyên nhân và nguồn cội giúp phim có sự liên kết thống nhất về các sự kiện siêu nhiên đang diễn ra. Có thể nói phim phù hợp với người khó tính nhất, luôn đặt câu hỏi tại sao sự vật, nội dung đó xảy ra mà không rõ nguyên nhân.

Đứng trước những hiểm hoạ cổ xưa, tuyến nhân vật con người tỏ ra rất thông minh, luôn đưa ra những lý luận cũng như hiểu biết về các thuyết Archetype và Red Dust, hay các Kaiju lần này sẽ đương đầu với nhau hay chịu sự điều khiển, trục lợi từ loài người nhằm thỏa mãn sự tham lam của họ.

Godzilla

Khác với con người trong phần phim điện ảnh Godzilla vs. Kong (2021) chỉ biết la hét hoặc tỏ ra nguy hiểm quá mức cần thiết, hai nhân vật chính có tính cách rất thú vị, hài hước, đồng thời có “chemistry” ăn ý dù gần như cả phim không gặp nhau. Yun Arikawa có tạo hình và sở thích ăn đồ ngọt khá giống “thánh bựa” Gintoki trong loạt Gintama, còn Mei Kamino với vóc dáng nhỏ bé, nhưng lại sẵn sàng vào sinh ra tử ở những nơi nguy hiểm nhất. Các tuyến phụ phối hợp nhịp nhàng, khiến Godzilla: Singular Point thành một bộ phim chậm nhưng không nhàm chán.

Các nhân vật trong phim đa dạng màu sắc không bị trùng lặp.

Ở phần phim này, Godzilla sau khi trải qua nhiều lần tiến hóa mới đạt được dạng chuẩn nhất và có thể dùng Hơi thở Nguyên tử của mình hủy diệt thành phố. Việc tiến hoá theo kiểu “lột xác” khiến sinh vật giống các chủng bò sát ngoài đời thực, khiến người xem vừa kinh sợ, vừa tò mò.

Gần cuối phim có sự góp mặt của Jet Jaguar do Yun sáng tạo được kết nối với trí thông minh nhân tạo A.I, Jet Jaguar có thể linh hoạt chuyển động cơ thể tự vận hành chiến đấu mà không cần sự điều khiển từ con người. Đây là nhân vật từng xuất hiện trong nhiều đời phim Godzilla cũ, nhưng khá mới lạ với khán giả thế hệ mới, vốn chủ yếu biết đến Vua Quái thú qua ba phần phim Hollywood gần đây.

Godzilla: Singular Point làm rất tốt phần hình ảnh khi được kết hợp từ bảng vẽ tay và hiệu ứng CGI,  cho ra những khung hình rất đẹp, những chuyển động 3D có chiều sâu. Loạt hành động từ phim cũng vì đó mà có cao trào và gây hứng thú hơn. Trong nhiều phân cảnh chiến đấu, lối vẽ truyền thống mang đến sự uyển chuyển, linh hoạt của các quái vật. Sau đó, ekip “3D hoá” một vài bộ phận cơ thể của chúng, đồng thời cách điệu các hiệu ứng cháy nổ nhằm mang đến cảm giác “đã mắt” hơn.

Phần âm thanh của anime, không vì thế mà lại làm cho có được, có thể nói bộ phim được chau chuốt rất kỹ càng. Những đoạn gào thét từ Godzilla, Rodan, Manda… được lột tả rất chân thật với các tiếng gầm, tiếng thét kinh điển từ loạt phim gốc, mang tới cho người xem một trải nghiệm trọn vẹn nhất.

Đến với phiên bản anime, khán giả sẽ không được trải nghiệm các pha hành động đánh nhau nghẹt thở, mà đi cùng với đó là rất nhiều kiến thức rộng lớn để hiểu được thế giới vũ trụ kaiju được hoạt động ra sao. Nội dung có thể khó hiểu ở một vài đoạn, nhưng nhìn chung đã giải mã rất nhiều điều mà ở các phần phim Godzilla khác chưa thể trình bày hay bằng cũng như mang lại sự giải đáp thoả đáng.

Điểm hạn chế của Godzilla: Singular Point là phần thoại quá nhiều. Các kiến thức chuyên ngành được chắt lọc, phân tích dễ hiểu thông qua những hình ảnh hoạt hoạ sinh động, song vẫn khiến người xem phải suy nghĩ nhiều. Việc Godzilla xuất hiện trễ, cũng như không còn đóng vai trò anh hùng có thể khiến nhiều “fan cứng” hụt hẫng. Hy vọng ở mùa hai, vũ trụ của các Kaiju sẽ được phát triển nhiều hơn, từ đó mang đến cho khán giả những trường đoạn chiến đấu đỉnh cao, đồng thời trả lời cho loạt câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Giải

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn – Khánh Duy

No more