Review phim Cô Gái Đến Từ Hư Vô mùa 2: Quái nữ đối đầu

Bài ELLE Man

Mùa hai của Cô Gái Đến Từ Hư Vô (Girl from Nowhere) giới thiệu Yuri (Chanya McClory), một ma nữ với sức mạnh tương tự Nanno, nhưng tàn bạo hơn cô nàng rất nhiều. Đây cũng chính là làn gió mới bên cạnh một Kitty Chicha Amatayakul rất được lòng người hâm mô xuyên suốt series. 

Cô Gái Đến Từ Hư Vô (Girl from Nowhere/Dek Mai) là một hiện tượng trong dòng phim truyền hình Thái. Mùa đầu tiên của tác phẩm tạo cơn sốt trên toàn thế giới khi ra mắt năm 2018. Trên các diễn đàn fan như Reddit hay 4Chan, Nanno – tên nữ chính của phim – là cái từ khóa được tìm kiếm nhiều. Mùa hai do Netflix sản xuất, vừa ra mắt đầu tháng 5/2021, nằm trong top 10 phim được xem nhiều ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Hành trình phạt ác và trưởng thành của nữ sinh ma quái

Loạt phim xoay quanh Nanno (Chicha Amatayakul đóng), một nữ sinh có lai lịch bí ẩn. Nanno thường giả làm học sinh mới tại nhiều ngôi trường có bề ngoài yên bình, cao quý. Sự xuất hiện của cô nữ sinh ma quái khiến bản chất thực sự của con người lộ diện, những bí mật động trời bị phanh phui.

Qua vài tập phim đầu tiên, khán giả nhận ra Nanno không phải con người, là thế lực siêu nhiên với nhiều quyền năng như trẻ mãi không già, thao túng tâm trí, phân thân,… Nanno xuất hiện trong rất nhiều địa điểm và mốc thời gian khác nhau, với vai trò người phán xét những kẻ có tội. Nhiều người xem, đặc biệt là fan truyện tranh Nhật, so sánh Nanno với Tomie trong loạt truyện cùng tên – cũng là một “nữ quỷ” với tạo hình và cá tính tương tự.

Nanno thu hút vì lai lịch bất minh, tính cách khó lường.

Là sản phẩm giải trí của xứ chùa vàng, Cô Gái Đến Từ Hư Vô (Girl from Nowhere) khéo léo lồng ghép nhiều giá trị Phật giáo qua các tập phim. Nanno đẩy bản chất xấu xa của con người lên đến cực hạn, khiến họ sẵn sàng làm những điều tán tận lương tâm như khước từ cha mẹ, ăn thịt người, chôn xác,… Tuy nhiên, cô vẫn mong đợi những kẻ lầm lỡ biết hối cải, bởi không phải ai lâm vào cảnh túng quẫn cũng đi ăn cắp. Ở tập Lost and Found, Nanno tìm cách quyến rũ nam sinh TK, nhưng thất bại vì TK là một người tử tế thực sự. Hành trình phạt ác của Nanno tưởng chừng vô vị, nhưng khiến bản thân cô trưởng thành, đa chiều hơn. Nanno giống những kiếp nạn mà Đức Phật phải trải qua, để rồi nhận ra giọt nước mắt khi hạnh phúc mới là sự giác ngộ đích thực.

Nhân vật được yêu mến phần lớn nhờ diễn xuất của Chicha Amatayakul. Với vẻ đẹp căng tràn sức sống cùng dáng vóc “sang chảnh”, Chicha mang đến cho Nanno thần thái riêng biệt. Ở những cảnh rùng rợn, ma mị, điệu cười và cái nghiêng đầu, liếc mắt của “quái nữ” khiến người xem rùng mình. Nhưng Chicha còn diễn được những cảnh “giả nai”, nhí nhảnh, sẵn sàng ca hát, nhảy múa, lộ cả da thịt cho cảnh nóng – đúng với bản chất khó lường của Nanno. 

Kitty

Mùa hai xuất hiện “thiên địch” của Nanno – Cô gái mang nơ đỏ tên Yuri 

Yuri (Chanya McGlory) từng là một người thường, nhờ một lần nếm máu Nanno nên cũng bất tử như cô. Từ cuối tập một mùa hai, sự tồn tại của Yuri được cài cắm qua hình tượng chiếc nơ đỏ, cùng dòng chữ viết bằng máu “See You Soon”. Yuri bị ám ảnh bởi vai trò “người phán xét” của Nanno, nhiều lần can thiệp vào hành trình phạt ác của cô và khiến câu chuyện nghiêm trọng hơn. Khác với Nanno, ma nữ thứ hai là một thực thể tà ác và điên cuồng hơn, luôn cảm thấy vui sướng khi nhìn thấy nhân loại chia rẽ, chém giết nhau. Nếu Nanno là nhân quả, thì Yuri là sự phục thù mù quáng, là đại diện cho câu nói cổ: “Nợ máu phải trả bằng máu”.

Chanya

Sự xuất hiện của Yuri khiến nhiều khán giả khó chịu, và có phần ức chế với cô nàng. Yuri thôi thúc kẻ ác tự kết liễu đời mình, phủ nhận cơ hội để họ chuộc lỗi, thậm chí sẵn sàng giết thú cưng để hoàn thành “kịch bản” của mình. Tuy nhiên, Yuri là nhân tố mới cần phải có. Sự tồn tại của Yuri còn giúp khán giả so sánh, để nhận ra Nanno đã rất nhân từ như thế nào. Ở mùa hai, fan lần đầu thấy Nanno khóc cho nhân loại, thấy cô bối rối không biết phân xử làm sao cho hợp lẽ. Tuyến truyện của mùa hai vì thế cũng đa chiều và khó đoán hơn. Chi tiết Nanno đối đầu Yuri cũng gợi nhắc loạt truyện Tomie vs. Tomie, khi các bản sao của Tomie vì bất đồng quan điểm nên lao vào chém giết và hãm hại nhau.

Mùa hai xoay quanh cuộc đối đầu của hai “ác nữ”.

Và cũng như Chicha Amatayakul, McGlory có thể “thiên biến vạn hóa” với những biểu cảm đa dạng. Nữ diễn viên mang hai dòng máu Thái – Anh còn có thể “duet” cùng Chicha trong một cảnh nhảy múa cuốn hút. Chanya McGlory còn mang “trọng trách” phải khiến khán giả ghét mình, qua những biểu cảm khuôn mặt đểu giả, “gợi đòn”.

Mùa hai còn có sự phát triển về mặt nghệ thuật hình ảnh, khi mỗi tập được thực hiện theo phong cách gần như khác nhau. Tập phim Liberation được làm theo phong cách neo noir – đen trắng, chỉ đổ màu ở một số chi tiết quan trọng, gợi nhắc đến bộ phim nổi tiếng Sin City của Frank Miller. Ở tập Minnie and Four Bodies, việc một nhân vật bị rơi vào vòng lặp thảm sát giống với các phim thể loại time-loop như Happy Death Day, Palm Spring,…

Mùa hai của Cô Gái Đến Từ Hư Vô  hơi ôm đồm khi ngoài luật nhân quả, bộ phim còn đề cập đến những chủ đề nhạy cảm như chính trị, mặt tối của mạng xã hội, sự phân biệt giàu nghèo, nạn nạo phá thai ở tuổi học sinh. Các thông điệp gần gũi với người trẻ, nhất là Gen Z, tuy nhiên việc chúng xuất hiện khá dầy đặc khiến phim có phần nặng tâm lý hơn phần một. Cái kết mở của mùa hai báo hiệu sự xuất hiện của một phản diện mới, cũng như cuộc chiến giữa Nanno và Yuri sẽ bước sang một trang mới khốc liệt hơn. 

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Phúc Nguyễn

No more