Phim The Irishman – kiệt tác gangster cuối cùng của Martin Scorsese

Bài ELLE Team

Không thể ngờ sau những “Goodfellas”, “The Departed” hay “Taxi Driver”, Martin Scorsese vẫn có thể làm được thêm một tác phẩm đề tài tội phạm thập niên 70 hay đến như vậy.

Dựa trên cuốn sách của Charles Brandt mang tên I Heard You Paint Houses (Tựa Việt: Tôi nghe nói anh sơn nhà), phim The Irishman là bức tranh xã hội Mỹ với trung tâm là nhân vật Frank Sheeran (Robert De Niro), từ lúc còn là người giao thịt thập niên 50 cho tới khi trở thành sát thủ, chính khách, bảo kê cho ông chủ nghiệp đoàn giàu có và quyền lực. Trong quá trình thăng tiến đó, tình bạn giữa Frank và chủ tịch nghiệp đoàn Teamster Jimmy Hoffa (Al Pacino) trở nên mâu thuẫn với mối quan hệ chủ – tớ của Frank và bố già Russell Bufalino (Joe Pesci).

Trải dài qua nhiều thập kỷ, bộ phim khắc họa chi tiết sự cám dỗ không thể chối bỏ của quyền lực và cái giá phải trả sau đó cho những ai bước chân vào guồng máy bạo lực tiền tài.

Đồ họa đỉnh cao làm “trẻ hóa” dàn diễn viên U70

Với nội dung xoay quanh cuộc đời của Frank Sheeran từ khi còn là một người lính trong thế chiến 2 cho tới lúc lụ khụ chờ chết trên giường bệnh, đồ họa vi tính VFX đã được triệt để sử dụng để đưa Robert De Niro năm nay đã 76 tuổi về những năm tháng đôi mươi, bốn mươi, sáu mươi. De Niro – chủ nhân của 2 giải Oscar đã thế lại chẳng phải là gương mặt xa lạ gì với khán giả đại chúng.

1-phim The Irishman-elleman-1219

Không chỉ phải đưa một ông già trở thành một thanh niên trên màn ảnh, đội ngũ kỹ xảo còn phải làm điều tương tự với trên dưới chục diễn viên đưa họ tới lui trên những mốc thời gian của bộ phim. Những cái tên lão luyện của làng kỹ xảo phim như công ty Industrial Light & Magic và giám sát Pablo Helman đã được chọn mặt gửi vàng để đảm trách nhiệm vụ khó khăn này.

2-phim The Irishman-elleman-1219

Kết quả hoàn toàn vượt xa những gì khán giả mong đợi. Gương mặt của các nhân vật được chăm chút kỹ lưỡng đủ để đánh lừa người xem tinh ý nhất. Tuy nhiên, hạn chế của bộ phim nằm ở dáng điệu của các diễn viên – nhiều người trong số này đã khá cao tuổi và vì thế, điệu bộ và cử chỉ không còn hoạt bát như lứa tuổi mà họ đang đóng trong từng cảnh. Điển hình là chi tiết vật lộn của Jimmy Hoffa hay cảnh Frank đánh người bán hàng ta có thể thấy rõ nỗ lực “hồi xuân” từ dàn cast U70 khi cố gắng mô phỏng dáng đi của người trung niên.

Phim The Irishman là bức tranh xã hội Mỹ bị thao túng bởi bạo quyền

Gần như tất cả những sự kiện đình đám của thập niên 60, 70 đều có thể tìm thấy trong phim The Irishman: vụ thanh trừng trùm xã hội đen khét tiếng Albert Anastasia, bàn tay điều khiển của thế giới ngầm nhúng vào cuộc bầu cử JFK, “Joe Điên” Joe Gallo xuất hiện, sự kiện vịnh con Lợn, vụ ám sát tổng thống, Nixon và scandal Watergate…

Dưới bàn tay biên kịch tài hoa của Steven Zaillian và cách kể chuyện mạch lạc từ Scorsese, tất cả những biến thiên bát nháo kia được lồng ghép hoàn chỉnh vào cuộc đời của Frank Sheeran tóm gọn 20 năm thăng trầm đời ông thu họ. Sheeran là kiểu nhân vật mà mấy ông nhà văn thường phải bịa ra để tóm tắt các sự kiện lịch sử, nhưng may thay, đây lại là một kẻ bằng xương bằng thịt.

Bên cạnh diễn xuất không có gì để chê của Robert De Niro và một Al Pacino đầy sống động, người để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho khán giả có lẽ là Joe Pesci và sự trở lại đầy bất ngờ và cũng rất miễn cưỡng. Có nguồn tin cho biết diễn viên gạo cội đã từ chối Scorsese tới tận… 50 lần, quyết tâm với kế hoạch nghỉ hưu của mình mà chẳng được. Sự già đời của Russ, cái khôn ngoan và lọc lõi của một kẻ “thọc tay vào miếng bánh của tất cả mọi người mà không ai biết” đã nâng Frank lên bậc thang của danh vọng và cũng đồng thời đẩy “học trò” của mình vào bi kịch nhìn thấy trước.

Cái giá phải trả của bạo lực

Ở đó, Sheeran “sơn nhà” không phải bằng sơn, mà là bằng máu. Từ một cựu binh, một gã giao thịt, người đàn ông Ireland này đã leo dần lên những nấc thang quyền lực bằng nghề giết mướn. Đó không giống với thứ bạo lực giải trí, bạo lực trượng nghĩa mà chúng ta hay thấy trên màn ảnh.

4-phim The Irishman-elleman-1219

Trong bộ phim The Irishman, sẽ không có những “Say hello to my little friend”. Gã sát thủ sấn sổ bước tới, bắn thẳng vào mục tiêu. Đôi lúc hắn bắn thêm vài phát nữa để chắc ăn. Nạn nhân đổ gục xuống không kịp kêu lấy một tiếng. “Thợ sơn” đôi khi sẽ ở lại để làm “mộc”, tức là dọn dẹp xác chết. Nếu không, hắn sẽ vội vã rời đi. Như Frank nói, việc nó phải thế. Frank không thích giết người, nhưng cũng chẳng ghét. Bạo lực – trong phim The Irishman – như một thứ công cụ để giữ mọi thứ trơn tru thông suốt.

Hơn ai hết, Frank cũng như Russ đều hiểu rằng viên đạn bắn ra đều đi kèm với cái giá đắt. Có kẻ phải đổi bằng mạng sống. Kẻ khác là danh vọng. Không phải lúc nào máu cũng phải trả bằng máu. Với Frank, sự cô độc và xa lánh của cô con gái Peggy chính là hình phạt cay độc xảy đến. Nhân vật cô con gái gần như câm lặng cả bộ phim, càng chứng kiến nỗ lực làm lành giữa Frank và Peggy thất bại thảm hại ra sao, chúng ta càng có nhận ra dù câu chuyện của Frank có trọn vẹn thế nào thì sự vắng mặt của Peggy luôn là một lỗ thủng lớn trong cuộc đời của con người này.

Kết cục đến với Frank không phải là thứ chúng ta thường thấy trong cuộc đời của tội phạm. Ta tưởng rằng làm gangster thì hoặc là bị giết chết, hoặc bị tù mọt gông, phải lừng lẫy chấn động thì mới đúng kiểu. Frank Sheeran, bị bỏ lại trong viện dưỡng lão đã kể lại cuộc đời của mình một cách khẩn khoản với nỗi sợ hiện sinh.

Bộ phim The Irishman dữ dội và đồ sộ đã vẽ nên bức tranh đặc sắc về thế giới tội phạm, chính trị nhập nhoạng thập niên 60 và 70 tại Mỹ. Là một trong những người có công đưa dòng phim gangster lên tới đỉnh cao, Martin Scorsese trở lại với The Irishman, lần này để khép lại chính thể loại này. Có lẽ ngoài ông ra sẽ chẳng có ai có đủ cái tầm và cái tâm để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn như vậy.

Review

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Như Ngọc

No more