Review “She-Hulk: Attorney At Law”: Sau loạt tranh cãi, series này còn đáng xem?

Bài Tuan Anh

Kể từ khi hàng loạt tv series thuộc MCU được lên sóng, Marvel không ngừng nỗ lực làm mới các siêu anh hùng của mình. "She-Hulk: Attorney At Law" cũng không ngoại lệ khi series mang màu sắc hài hước, châm biếm nhiều hơn thiên về hành động.

(*) Bài review “She-Hulk: Attorney At Law” có tiết lộ một vài chi tiết trong phim

“She-Hulk: Attorney At Law” kể về nữ luật sư Jennifer Walters (Tatiana Maslany), cô là em họ của Bruce Banner (Mark Ruffalo). Jennifer nhận được sức mạnh từ Hulk sau một vụ va chạm xe hơi với con tàu vũ trụ Sakaar. Từ đây, Jennifer phải chấp nhận mình là một siêu anh hùng, và mọi rắc rối liên tục tìm đến Jennifer dù cô muốn hay không.

Jennifer Walters nhận được sức mạnh tương tự anh họ. (Ảnh:Marvel)

Cũng giống như Ms.Marvel, “She-Hulk” phải hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều từ phía cộng đồng mạng trước khi ra mắt. Mảng kỹ xảo của series không được đánh giá cao và nhận về nhiều lời chê bai vì thiếu tự nhiên. Mặt khác, S”he-Hulk: Attorney At Law” tập trung vào khía cạnh pháp lý, một vấn đề chưa từng được khai thác trước đây trong MCU làm người xem không khỏi hứng thú.

Top

Vấn đề xã hội được phản ánh dưới mác phim siêu anh hùng

Nhờ dòng máu đặc biệt chảy trong cơ thể mà Jennifer có thể tiếp nhận và sử dụng năng lực giống Bruce Banner. Cô không mất đi tính cách ban đầu sau khi biến hình và thành thạo tất cả các kỹ năng của một Hulk. Phân đoạn trò chuyện giữa Jennifer và Bruce phần nào giải thích được tại sao Jennifer lại có thể kiểm soát được cơn giận của mình. Jennifer là phụ nữ nên cô phải học cách kiềm chế và giữ bình tĩnh nếu không những người đàn ông xung quanh luôn tìm cớ để phán xét .

Trường hợp của Jennifer không hề hiếm gặp trong thực tế. Một người phụ nữ dễ dàng bị châm chọc bởi một người đàn ông trong bất kì hoàn cảnh nào. Nhưng nếu họ phản kháng lại, người phụ nữ bị gọi là nhạy cảm, hoặc tệ hơn như bị đeo bám và hãm hại. Phụ nữ không còn cách nào ngoài học được cách sống chung với những thứ cảm xúc như giận dữ và sợ hãi. 

Trò chuyện với Total Film, đạo diễn Kat Coiro chia sẻ thêm: “She-Hulk là một bộ phim hài và mang tính giải trí, nhưng tôi nghĩ rằng những đoạn đối thoại như thế này sẽ giúp mọi người nhìn nhận thế giới một cách rõ nét hơn qua con mắt của người phụ nữ”.

Nữ đạo diễn Kat Cairo (Ảnh: Getty)

“She-Hulk” còn đặc biệt chú trọng mô tả truyền thông. Ngay khi Jennifer trở nên nổi tiếng với tư cách She-Hulk, hàng loạt các trang mạng xã hội thi nhau đưa tin về nữ siêu anh hùng mới. Đương nhiên, không phải thông tin nào cũng đúng với sự thật nhưng lại thu hút một lượng lớn người đọc và bình luận. Khi liên hệ với thực tế, khán giả có thể hình dung được cách báo chí vận hành. Không quan trọng đúng sai, các trang báo sẵn sàng “giật tít” miễn sao thành công câu dẫn người xem.

Marvel còn lên án một bộ phận nam giới độc hại. Kể từ tập đầu tiên, series nhận về rất nhiều đánh giá một sao bởi một bộ phận người hâm mộ không thể chấp nhận những dự án lấy phụ nữ làm trung tâm như Captain Marvel và Ms. Marvel. Bình luận chỉ trích She-Hulk đa phần thuộc về những người đàn ông, cả trên phim lẫn ngoài đời. Trong phân cảnh dư luận bàn tán về Jennifer, người xem dễ dàng nhận thấy nhiều phản ứng quen thuộc như: “có quá nhiều siêu anh hùng nữ”, “tại sao lại lấy đi chất đàn ông của Hulk trao cho người phụ nữ”,…

She – Hulk: Dàn diễn viên góp phần tạo nên câu chuyện thú vị

Ngay từ ban đầu, “She-Hulk: Attorney At Law” được định hướng là một series sitcom. Khác với những siêu anh hùng khác nhận được sức mạnh rồi đối đầu với ác nhân, Jennifer lại đấu tranh về mặt pháp lý. Cô giúp đỡ các khách hàng cường nhân của mình mỗi khi có tranh chấp về kiện tụng. Điển hình trong tập 3, Jennifer làm đại diện cho Emil Brosky/Abomination (Tim Roth) – phản diện từng đối đầu với Hulk nhưng nay chính thức hoàn lương. 

Giống như Deadpool, She-Hulk có năng lực trò chuyện với khán giả qua màn hình. Thông qua các cuộc hội thoại, người xem gần gũi hơn với nhân vật và không khỏi bật cười trước những màn cà khịa hài hước. Rất may, Marvel không quá lạm dụng các tình tiết phá vỡ bức tường thứ tư để tránh gây xao nhãng.

Tatiana Maslany trong vai nữ luật sư Jennifer Walters  (Ảnh: Slashfilm)

Diễn viên từng đoạt giải Emmy Tatiana Maslany chiếm trọn cảm tình người xem nhờ diễn xuất duyên dáng. Jennifer Walters có niềm tin mạnh mẽ về công lý, dù có cá tính mạnh mẽ nhưng sâu bên trong, Jennifer vẫn là một người phụ nữ với nội tâm phức tạp, khao khát tìm kiếm tình yêu. Tương tác tự nhiên giữa Maslany và nam diễn viên Mark Ruffalo góp phần tạo nên mối quan hệ gia đình ý nghĩa. Bruce và Jennifer dù có bất đồng nhưng vẫn dành sự quan tâm nhất định dành cho nhau.

Ngoài hai diễn viên quen mặt với khán giả, “She-Hulk: Attorney At Law” sở hữu dàn diễn viên và khách mời chất lượng. Series đánh dấu sự trở lại của Tim Roth sau 14 năm kể từ “The Incredible Hulk”- bộ phim tưởng chừng như bị lãng quên nay được xác nhận là một phần trong vũ trụ điện ảnh Marvel. Wong (Benedict Wong) trở thành gương mặt thân quen ở Giai Đoạn 4 khi liên tục góp mặt trong vô số tác phẩm, She-Hulk cũng không ngoại lệ. 

Nữ ca sĩ kiêm rapper Megan Thee Stallion gây bão với phân đoạn gây cười cuối tập 3. Tuy nhiên, cảnh phim tưởng chừng như hài hước lại vấp phải chỉ trích vì làm mất hình tượng siêu anh hùng. Jameela Jamil vào vai Titania kênh kiệu, nhân vật của cô dựa trên những influencer ngoài đời thực. Titania là một đối thủ phiền phức của Jennifer, dù vậy, cả hai chưa chính thức đối đầu vật lý mà chỉ dừng lại ở những màn đá xéo nhau. 

Ẩn ý về sự xuất hiện của Daredevil (Charlie Cox) cuối tập 5 khiến cho khán giả không khỏi phấn khích. Màn tương tác giữa hai anh hùng kiêm luật sư hứa hẹn tạo nên những khoảnh khắc thú vị cho phim. 

“She-Hulk”  và những mặt cần cải thiện

“She-Hulk: Attorney At Law” không chỉ tập trung khắc họa những người phụ nữ độc lập, tự tin như Jennifer Walters mà còn khắc họa nỗi niềm mà chỉ có hội chị em mới thấu hiểu. Tuy vậy, vì đề cao phái đẹp mà phái mạnh không tránh khỏi bị dìm hàng. Hầu hết những người đàn ông xuất hiện trong phim đều xấu tính, hẹp hòi, xem thường phụ nữ và độc đoán. 

Tiêu biểu nhất là phân đoạn hẹn hò qua mạng của She-Hulk. Các chàng trai gặp mặt Jennifer chỉ hứng thú với hình dạng nữ anh hùng da xanh quyến rũ. Mặt khác, khi là She-Hulk, bọn họ cũng chỉ tò mò về khía cạnh siêu năng lực của Jennifer khiến cô lắc đầu ngao ngán. Tưởng chừng như gặp một chàng trai tốt như Arthur (Michel Curiel) nhưng nữ chính lại một phen đau lòng khi anh lập tức rời đi lúc cô quay về nữ luật sư giản dị.

Thực chất, không phải gã đàn ông nào trong câu chuyện của Jennifer đều tồi tệ. Anh luật sư Pug sẵn lòng giúp đỡ She-Hulk may bộ đồ siêu anh hùng hay người bố lo lắng cho Jennifer khi nghe tin cô bị tấn công. Dù vậy, số lượng nhân vật nam tử tế vẫn còn quá ít. Series nên thực hiện một số thay đổi trong hình tượng người đàn ông trước khi bị chính người hâm mộ quay lưng.

Anh đồng nghiệp vui tính Pug (Ảnh: Marvel)

Với một series lấy luật pháp làm chủ đề chính như “She-Hulk: Attorney At Law”, việc thiếu vắng các cảnh hành động thật không thể tránh khỏi. Hơn nữa, mảng kỹ xảo trong phim vẫn là một vấn đề quá lớn để xử lý, dễ thấy trong những lần She-Hulk xuất hiện trên khung hình. Dù đội ngũ VFX luôn cố gắng hoàn thiện CGI nhưng chuyển động nhân vật vẫn rất thô cứng và khó lọt qua được con mắt tinh tường của khán giả.

Sự chậm chạp trong câu chuyện còn là nguyên nhân khiến người hâm mộ mất dần kiên nhẫn với “She-Hulk”. Qua 6 tập phim, nữ anh hùng vẫn chưa “lên đồ” để đối đầu với kẻ xấu, phản diện bị giấu kín quá lâu cùng với nhiều tuyến truyện phụ không cần thiết. Có thể thấy “She-Hulk: Attorney At Law” đang phí hoài tiềm năng của mình, nếu còn tiếp diễn, series khó giữ chân được ngay cả khán giả trung thành nhất. 

Hi vọng trong các tập tiếp theo, “She-Hulk: Attorney At Law” có thể giải quyết câu chuyện một cách mượt mà. Với cương vị một series giải trí, She-Hulk hoàn thành tốt vai trò của mình và là một bổ sung cần thiết trong vũ trụ Điện ảnh Marvel.

_________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Huyền Châu

No more