Review “Tro tàn rực rỡ”: Tác phẩm điện ảnh đáng xem

Bài Tuan Anh

Mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ được lột tả đầy cay đắng và thi vị qua tác phẩm điện ảnh “Tro tàn rực rỡ”.

(Nội dung bài review “Tro Tàn Rực Rỡ” tiết lộ một phần bộ phim)

Khán giả từng ấn tượng với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên qua Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Cuốc xe đêm, Lời nguyền huyết ngải. Trở lại màn ảnh rộng sau tròn một thập kỷ, Bùi Thạc Chuyên mang đến tác phẩm đáng nhớ của năm 2022, Tro tàn rực rỡ, chuyển thể từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡCủi mục trôi về của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đây không phải lần đầu truyện của Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành phim sau những: Cánh đồng bất tận, Ơi Cải về đâu!, Biến mất ở Thư Viên

Mang đậm đời sống và văn hóa sông nước miền Tây khi lấy bối cảnh ở Thơm Rơm, xóm ven biển Cà Mau, tác phẩm khắc họa tình yêu và nỗi đau của ba người phụ nữ cùng những người đàn ông đời họ. 

Tác phẩm mở màn với đám cháy lớn, thiêu hủy một ngôi nhà, xóa tan màn đêm tĩnh lặng ở làng quê nghèo. Ở bờ bên kia, một người phụ nữ trẻ bình tĩnh trần thuật lại cảnh tượng đó, vừa như độc thoại vừa như lời thủ thỉ với chồng. Đó là Hậu (Bảo Ngọc Doling). Cô là vợ của Dương (Lê Công Hoàng) –  người đàn ông vẫn luôn nhớ thương Nhàn (Phương Anh Đào) dù Nhàn đã yên bề gia thất bên Tam (Quang Tuấn). Mối quan hệ đầy “ái ngại” giữa họ là điềm báo cho chuỗi bi kịch phía sau. 

Ảnh: TIFF
Review

Bi kịch từ nam tính độc hại 

Trong Tro tàn rực rỡ, những người đàn ông đều không tìm được lối thoát và sống bệ rạc, vô hồn.

Dương, người chỉ coi Hậu như một thế thân để quên đi hình bóng Nhàn rồi bỏ đi biền biệt ngoài biển. Anh trốn chạy khỏi ký ức và trách nhiệm hiện tại, cô lập chính mình và cô lập người vợ trong cuộc hôn nhân gò ép. Dù cố gắng tới đâu, Hậu cũng không thể mở cửa tâm hồn lãnh cảm kia, khi anh đã chìm sâu trong biển lạnh u tối. 

Ảnh: CGV

Người “tước” đi tình yêu đời Dương – Tam – lại tìm đến lửa để hủy diệt tất cả và chính mình. So với nguyên tác, Tam trong phim xuất hiện đầy đủ hình thái, có nghề nghiệp và động cơ đốt nhà cũng rõ rệt hơn. Không thể vượt qua nỗi đau mất con, không tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, Tam vùi đầu vào khoái cảm làm đau bản thân cho tới coi việc đốt nhà thành chiến tích. Tam say đắm ngắm nhìn, gặm nhấm những đám cháy và đống tro tàn còn sót lại. Trong ánh mắt người chồng từng hiền lành mẫu mực, giờ chỉ còn ánh lửa huy hoàng, hoàn toàn bỏ qua cái nhìn đắm say và nỗ lực hàn gắn gia đình của người vợ tảo tần. 

Trong khi đó, Khang (Thạch Kim Long) – gã đàn ông lại như khúc củi mục nát không biết trôi dạt về đâu khi ám ảnh quá khứ tù tội và tương lai vô định. Anh ta tìm tới ngôi chùa nghèo Thổ Sầu để sám hối, ăn chay niệm Phật. Nhưng anh lại không thể đối mặt với chính người con gái mà mình lỡ hại đời. 

Ảnh: CGV

Định kiến xã hội, tiêu chuẩn về chuẩn mực nam tính cho đến những áp lực mà những người đàn ông tự đặt lên vai mình đã đẩy ba người đàn ông trong phim trở thành những kẻ hèn nhát, ích kỷ, cực đoan. Sự bất lực và bế tắc cùng cực đưa họ đến cách đối xử vô tâm, tàn nhẫn với những người phụ nữ lặng thầm hy sinh và đang cố rắng cứu rỗi mình. 

Dương, Tam, Khang không chỉ là nhân vật trên trang sách hay phim ảnh, họ chính là bi kịch còn tồn đọng ở nhiều miền quê nghèo Việt Nam. 

Những người phụ nữ tìm hạnh phúc trong vô vọng

Nếu như trong Chơi vơi, người phụ nữ Hà thành vừa khép nép lẫn dữ dội thì lần này, những người đàn bà nơi sông nước miền Tây hiện lên đầy hào sảng, chịu thương chịu khó nhưng ẩn nhẫn tới đáng thương. 

Hậu – người vợ vô hình trong mắt chồng, Nhàn – gia đình trên bờ vực tan nát sau biến cố và Loan (NSƯT Hạnh Thúy) – người đàn bà sống mãi ở tuổi 12 sau khi bị lạm dụng tới suýt bỏ mạng. Ba người phụ nữ, ba số phận nhưng cùng chung khát khao được hiện hữu trong mắt người mình thương.

Nếu nam giới trong phim đều lẩn tránh thương tổn thì những người đàn bà lại mạnh mẽ đối diện thực tại và cho đi thật nhiều dù đổi lại chẳng được chi. 

Hậu đưa hết tâm tình và tình cảm chân phương của mình vào những câu chuyện kể cho người chồng thờ ơ, tìm cách kết thân với Nhàn vì nghĩ đấy là đề tài duy nhất liên kết mình với chồng. 

Nhàn giống như con thiêu thân lao vào lửa, chấp nhận thú vui điên dại của chồng chỉ để tìm lại hình bóng và nụ cười trên môi anh như thưở ban đầu. Không một lần can ngăn, than trách, Nhàn quyết định gắn bó cả đời mình với chồng và tiếp sức cho những “chiến công” của anh. 

Còn Loan “khùng,” tìm đủ cách gây sự với gã trai ở chùa Thổ Sầu chỉ để anh ta chịu đối thoại với mình. Những năm tháng đơn độc lúc điên lúc tỉnh, chìm trong men rượu khiến hận thù phai nhòa, thậm chí mơ về hạnh phúc lứa đôi với kẻ từng hại đời mình. 

Bùi Thạc Chuyên để khán giả dõi theo câu chuyện của các nhân vật ở một khoảng cách vừa đủ khi chọn cỡ cảnh trung và một ống kính duy nhất. Đạo diễn triệt tiêu rào cản không gian, xóa mờ sự tịnh tiến của thời gian, loại bỏ hạn chế kịch tính tối đa để người xem tập trung vào diễn xuất của diễn viên. 

Ảnh: CGV

Vẻ đẹp điện ảnh chân phương, sống động 

Tro tàn rực rỡ có nhịp điệu chậm rãi, tạo cảm giác bí bức, không lối thoát như tàn tích cháy âm ỉ của ngọn lửa, chỉ trực bùng nổ. Gam màu tro xám bao trùm không khí phim, lời thoại được tinh giảm hết mức, ngay cả giọng dẫn chuyện đều đều, mỏi mệt của nhân vật Hậu càng khiến phim hiện ra tỉnh lụi như chính cuộc đời. 

Tuy vậy, đời sống người dân miền Tây qua lăng kính Bùi Thạc Chuyên sống động và gần gũi. Trong quá trình phát triển kịch bản, đạo diễn có nhiều chuyến đi thực nghiệm, sống cùng người dân. Các diễn viên dành hàng tháng tập chẻ củi, lái ghe, ép chuối, đốt lò, đánh cá… Ở lần đầu ra mắt, gương mặt trẻ Bảo Ngọc Doling được dự đoán là viên ngọc sáng nếu tiếp tục nối duyên với điện ảnh. Nam diễn viên của dòng phim độc lập Lê Công Hoàng đã bền bỉ tập đi trên dây để mang đến một phân cảnh ấn tượng. Khán giả không còn nhận ra vẻ hào nhoáng của các ngôi sao như Phương Anh Đào, Quang Tuấn, Hạnh Thúy… khi họ lăn xả, chịu xấu chịu khổ để hòa mình vào nhân vật. 

Không thể kể thiếu sự tài tình của DOP K’Linh, thiết kế mỹ thuật Lê Văn Thanh, góp phần mang đến những khung hình chân thực mà nên thơ. Đạo diễn chia sẻ, toàn bộ những cảnh cháy trong phim được làm thật 100%, hoàn toàn không có sự can thiệp của kỹ xảo. 

Ảnh: CGV

Trong Tro Tàn Rực Rỡ, hình ảnh nước và lửa được đặt kề cạnh, vừa đối lập vừa dung hòa nhau để lột tả những khoảnh khắc chết lụi và tái sinh của các nhân vật. Dòng nước là dục vọng, là tình cảm và cũng an ủi những niềm đau. Còn lửa mang đến đớn đau, hủy diệt nhưng cũng cứu rỗi và thắp sáng hy vọng. Chính vì tối giản màu sắc, ngọn lửa trong phim càng hiện rực rỡ, tráng lệ. 

Với một góc nhìn trung lập và trần trụi, Tro tàn rực rỡ không phán xét cũng không cổ súy, tác phẩm phơi bày cái nhìn về cuộc sống: khắt khe, kiềm chế, đồng cảm và rất đỗi nhân văn. 

Phim tranh giải ở hạng mục chính tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF) và đạt giải Montgolfière d’or (Khinh khí cầu vàng) ở Liên hoan phim 3 châu lục (Festival des 3 Continents), tổ chức tại Pháp. Tro tàn rực rỡ khởi chiếu ở các rạp trên toàn quốc từ 2/12.

Review

——————————————

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Minh Hằng

No more