Review “Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát”: Cái trác tuyệt của thiên nhiên

Bài Tuan Anh

"Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát" thành công khắc họa vẻ đẹp của một khung cảnh thiên nhiên đầy khắc nghiệt nhưng cũng vô cùng long lanh.

(Nội dung bài review có tiết lộ một số tình tiết trong phim Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát”)

Được đầu tư kinh phí khoảng 24 triệu đô la, bộ phim “Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát” được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết ăn khách cùng tên đã chính thức ra rạp và mang về cho nhà sản xuất tới 106 triệu đô la. Cùng tìm hiểu về bộ phim đang thu hút được nhiều khán giả mua vé.

Review

Kya – Nhân vật chính tự chống chọi với cuộc đời từ khi còn tấm bé

Dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên bán chạy năm 2018 thuộc thể loại ly kì, bí ẩn của nhà văn Delia Owens, bộ phim được thực hiện bởi bộ đôi nhà sản xuất Reese Witherspoon và đạo diễn Olivia Newman, kể về hành trình 20 năm trưởng thành nghiệt ngã của cô gái Kya Clark (Daisy Edgar-Jones) tách biệt khỏi cộng đồng và một mình sinh tồn giữa khu đồng lầy phía bắc Carolina, nước Mỹ những năm 1960. 

“Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát” bắt đầu từ những phân cảnh Kya lúc bé (Jojo Regina) với đôi mắt ngây thơ, to tròn, long lanh hai hàng nước mắt khi bị ông bố (Garret Dillahunt) cho ăn một cú bạt tai đau điếng. Tưởng như những thước phim sau, ta có thể thấy cô bé Kya được quan tâm, chăm sóc hơn nhưng tất cả chỉ mới là màn dạo đầu cho một tuổi thơ bi kịch, nhiều nước mắt.

Ảnh: IMDb

Mối tình đầu trong sáng với Tate (Taylor John Smith) như chiếc chìa khoá mở ra một chân trời mới, anh dạy cô đọc, viết và trở thành chỗ dựa tinh thần cho cô gái đã tự mình sinh tồn từ khi còn tấm bé. Kya trao anh thứ tình cảm thuần khiết và chân thành nhất, để đến ngày anh ra đi, cả thế giới dường như lại bỏ rơi cô, “Cô gái đồng lầy” lại hoàn toàn cô độc giữa đồng lầy. 

Kya và Tate trên màn ảnh. (Ảnh: Sony Pictures)

Cuộc gặp gỡ với Chase (Harris Dickinson) , chàng trai vàng của thị trấn với vẻ ngoài điển trai và cuộc sống hào nhoáng là cọng rơm kéo Kya ra khỏi nỗi cô đơn tột cùng. Chase thao túng và ép buộc sự ngây thơ của Kya, nhưng cô nghĩ “Ít ra mình đã không còn cô đơn”. Cô tin tưởng và dần chấp nhận Chase bước vào cuộc sống của, nhưng cũng sẵn sàng phản kháng để bảo vệ phẩm giá của mình.

Lấy bối cảnh tuyệt đẹp được quay tại công viên Bang Fairview – Riverside (Madisonville) rộng 400 ngàn mét vuông bên bờ sông Tchefuncte, với những cây sồi trăm năm tuổi, khu vực đồng lầy, đầm lầy và đầm phá, hệt như những miêu tả về ngôi nhà của Kya trong sách.

Cô bé tội nghiệp năm nào nay đã lớn khôn và tỏ ra rất bản lĩnh giữa thiên nhiên đầy khắc nghiệt. (Ảnh: IMDb)

Những góc máy quay cận cảnh vào đôi chân trần lấm lem bùn đất, vào mái tóc râu ngô xơ xác và những bộ quần áo cũ mèm của cô gái Kya lúc nhỏ khiến người đọc không khỏi cảm thương cho một em bé còn quá nhỏ mà chịu đủ sự thiếu thốn không chỉ vật chất mà còn rộng hơn là tình thương. 

Phân cảnh Kya lúc nhỏ đi bắt trai, mò trai khi trời còn chưa sáng để đổi lấy một bao yến mạch bé xíu và một ít xăng, một cây nến nhằm duy trì sự sống vốn dĩ không có gì chắc chắn của mình càng làm nổi bật lên hình ảnh tuyệt đẹp của khu đồng lầy giữa đêm lấp lánh ánh đom đóm, lung linh như chính nguyên tác miêu tả.

Ngôi nhà gỗ đơn sơ trong truyện khi lên phim cũng có một vẻ đẹp của nơi đồng quê giản dị với cửa gỗ sơn xanh vụng về, chiếc giường kê tạm ngay cạnh cửa sổ. Những phân cảnh nhân vật chính thức dậy, nhìn ra cửa sổ là thấy một vườn cây xanh mát thật không khác gì một khu nghỉ dưỡng theo kiểu thuần thiên nhiên. 

Những điểm đáng tiếc của “Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát”

Tuy sở hữu cốt truyện kịch tính và plot twist hấp dẫn, phiên bản điện ảnh chứa đựng một số tình tiết thừa thãi khiến mạch phim trở nên lê thê và khó hiểu. Tuyến tình cảm của Kya với hai người đàn ông dường như là trung tâm trong suốt hai tiếng của bộ phim, khán giả khó lòng chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp hoang dại cũng như thơ mộng của vùng đồng lầy. Bên cạnh đó, quá trình trưởng thành tàn khốc, đau thương của “Cô gái đồng lầy” phần nào mờ nhạt và bị lấn át bởi những yếu tố lãng mạn.

Nhân vật Kya Clark trên phim được xây dựng hơi lệch nguyên tác khi không tái hiện hoàn toàn hình ảnh một cô gái gai góc, sống bản năng, đơn độc giữa những hiểm nguy nơi đồng lầy.

Những cảnh tình cảm chiếm nhiều thời lượng phim khiến cho mạch phim bị kéo dài và chưa thật sự có đất diễn cho những cảnh sinh tồn của Kya. (Ảnh: IMDb)

Dù kịch bản vẫn còn lỗ hổng cũng như thiếu đi sự quyến rũ so với nguyên tác của Delia Owens, “Xa ngoài kia nơi loài tôm hát” vẫn là một bộ phim chuyển thể đáng xem đối với những người yêu thích thể loại ly kỳ, bí ẩn. Bộ phim cũng để lại nhiều suy ngẫm về sự chiến đấu âm ỉ nhưng mạnh mẽ của nữ quyền trong một xã hội đầy rẫy sự nam tính độc hại, định kiến và áp đặt.

Bên cạnh đó, phải kể đến đóng góp không nhỏ của Daisy Edgar-Jones, nữ diễn viên được đề cử Quả cầu vàng, khi nhập vai “Cô gái đồng lầy” trong phim. Nữ diễn viên lột tả tinh tế từng rung động đầy bản năng của Kya cho đến những khoảnh khắc rụt rè hay ngờ vực của cô gái, thành công lôi cuốn những khán giả khó tính nhất. Sau vai diễn Marianne Sheridan ấn tượng trong “Normal People”, vai diễn Kya Clark có thể coi là dấu ấn quan trọng tiếp theo trong sự nghiệp của Daisy.

Vì

_________

Tạp chí Phái mạnh ELLE Man

Bài: Hà Chuu

No more