Robert Lucius – “Hoạt động nhân đạo cũng là người lính”

Bài Trúc Đoàn

[Tạp chí ELLE MAN - 4/2016] ELLE MAN gặp Robert Lucius - nhà hoạt động vì quyền động vật - khi anh đang có chuyến công tác tại Sài Gòn.

Sự nồng ấm và nụ cười thân thiện ở Robert Lucius như một phần hài hòa với công việc, và cũng khiến người ta quên anh từng phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên, với Robert Lucius, một nhà hoạt động nhân đạo đôi khi không khác một người lính.

ellemanvn robert lucius
Robert Lucius

Chào Robert Lucius, có vẻ anh khá có duyên với đất nước này vì tôi được biết công việc hiện tại lẫn trước đây của anh đều ít nhiều liên quan đến Việt Nam?

Xin chào, bạn có thể gọi tôi là Bob. Ở tuổi 48, tôi đã bước sang nửa sau của sự nghiệp. Ở nửa đầu sự nghiệp của mình, tôi được đào tạo như một nhà ngoại giao quân đội và từng phục vụ trong lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong 23 năm, trong đó có 3 năm tôi công tác tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Tôi rất trân trọng quãng thời gian này ở Việt Nam, đã gặp gỡ nhiều bạn bè và học hỏi được nhiều điều. Hơn hết, tại đây tôi đã trải qua một bước ngoặt khiến tôi chuyển hướng sang lĩnh vực phúc lợi động vật và tiếp tục có nhiều hoạt động ở Việt Nam.

Anh có thể chia sẻ thêm về bước ngoặt mà anh đề cập?

Đó là giai đoạn 2005-2008 khi tôi sống và làm việc tại Hà Nội. Ví dụ như một ngày, khi tôi đang ngồi taxi để đến chỗ làm thì nhận được điện thoại từ vợ tôi. Cô ấy ra ngoài tập thể dục và thấy một chú mèo rất tội nghiệp trong công viên, mới khoảng 5 tuần tuổi và một chân sau bị gãy, hệ quả từ việc bị hành hạ. Vợ tôi đã giải cứu và đưa chú mèo về nhà để chăm sóc, từ đó nó trở thành một thành viên trong gia đình chúng tôi.

Điều thú vị là vợ tôi, người từng không hề muốn có con, đã phát triển bản năng người mẹ từ việc chăm sóc cho chú mèo. Chúng tôi giờ đã có một cậu con trai 6 tuổi và chú mèo vẫn sống cùng chúng tôi ở Mỹ. Tuy nhiên, mối quan tâm của tôi với quyền động vật đã bắt nguồn từ nhiều năm trước khi tôi chứng kiến người ta vận chuyển chó đi xẻ thịt trong một chuyến công tác. Tôi không bao giờ quên được sự sợ hãi tuyệt vọng trong mắt những con chó đó.

nhà hoạt động nhân đạo robert lucius - elle man
Một bước ngoặt trong giai đoạn 2005-2008 tại Hà Nội khiến Robert Lucius chuyển chuyển hướng sang lĩnh vực phúc lợi động vật và tiếp tục có nhiều hoạt động ở Việt Nam.

 

Những sự kiện đó ảnh hưởng như thế nào tới bản thân anh?

Một trải nghiệm thay đổi cuộc đời, vì trước đây tôi ăn rất nhiều các món chế biến từ thịt. Nhưng kể từ khoảnh khắc đó tôi quyết định sẽ không tiếp tục ăn thịt động vật nữa. Khi tôi chia sẻ với vợ tôi về quyết định đó, cô ấy nói: “Chúc may mắn!” (cười). Nhưng sau đó chỉ một tháng, cô ấy đã quyết định ăn chay cùng tôi. Tính đến nay chúng tôi đã ăn chay được 9 năm.

Về sau tôi quyết định rời khỏi quân đội và làm điều gì đó khác với cuộc đời mình. Từ vài năm trước tôi bắt đầu làm việc cho Humane Society International (HSI), một tổ chức bảo vệ động vật lớn với quy mô quốc tế nhưng chưa có nhiều chương trình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Công việc của tôi là thúc đẩy các hoạt động của tổ chức ở khu vực này, với trung tâm là Việt Nam. Sắp tới chúng tôi sẽ mở văn phòng đầu tiên của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á tại đây. HSI tin rằng Việt Nam sẽ là một hình mẫu tiêu biểu trong công tác bảo vệ động vật ở khu vực.

nhà hoạt động nhân đạo robert lucius - elle man 2
HSI sẽ mở văn phòng đầu tiên của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á, họ tin rằng Việt Nam sẽ là một hình mẫu tiêu biểu trong công tác bảo vệ động vật ở khu vực.

Anh có cảm thấy mâu thuẫn khi anh từng phục vụ trong quân đội nhưng hiện giờ lại hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật?

Với tôi, thật ra không có gì khác biệt cả. Từ khi còn rất trẻ, tôi đã quyết định gia nhập quân đội vì đây là cách để tôi có thể bảo vệ và chiến đấu vì những người yếu thế hơn mình. Và thực tế, mọi công việc tôi tham gia đều liên quan đến hoạt động nhân đạo, ví dụ như khi ở Việt Nam tôi từng tham gia công tác xây trường học, trạm y tế cho nhiều tỉnh thành.

Khi tôi chuyển sang lĩnh vực bảo vệ động vật, ý nghĩa đó vẫn không thay đổi. Cũng có người hỏi tôi vì sao tôi hoạt động vì quyền động vật mà không phải nhân quyền. Tôi luôn trả lời rằng hai vấn đề đó thực ra liên quan rất mật thiết với nhau: chúng ta học cách đối xử với đồng loại từ việc đối xử tốt với các loài vật khác.

Là một người quan sát lâu năm, anh nghĩ như thế nào về tình hình phúc lợi cho động vật tại Việt Nam?

Rất nhiều thay đổi đã diễn ra trong một thập kỷ qua. Tôi biết nhiều người phương Tây đến đây và bị sốc vì ở đây người ta ăn thịt chó mèo. Nhưng tôi thì không, vì với tôi đó là chỉ vấn đề về góc nhìn. Ở Mỹ, tuy chúng tôi không ăn thịt chó mèo nhưng chúng tôi tiêu thụ một khối lượng lớn thịt heo, bò, gà và cách những gia súc gia cầm này bị đối xử trong các trang trại quy mô công nghiệp còn tệ hơn chó mèo ở Việt Nam nhiều.

Vậy nên, không có chuyện ở đâu tốt hơn hay tệ hơn mà đơn giản là chúng ta có những vấn đề khác nhau. Điều quan trọng là một cuộc cách mạng đang diễn ra hàng ngày khiến mọi người thay đổi nhận thức. Nhiều nhóm hoạt động vì động vật địa phương đã được thành lập, như nhóm Yêu Động Vật hay Hanoi Pet Rescue.

nhà hoạt động nhân đạo robert lucius - elle man 1
Điều quan trọng là một cuộc cách mạng đang diễn ra hàng ngày khiến mọi người thay đổi nhận thức.

Anh nghĩ thế nào khi cũng có ý kiến cho rằng việc không ăn thịt chó thuộc về hệ thống giá trị phương Tây và không nhất thiết phải áp dụng cho xã hội Việt Nam?

Một số người cực đoan thậm chí còn cho rằng từ bỏ ăn thịt chó là bị xâm lăng về mặt văn hóa! Tôi không hề đánh giá người Việt Nam hay người phương Tây là đúng hay sai. Tôi cũng không cho rằng có sự khác biệt giữa gà hay bò với chó và nói rằng có thể ăn gà, bò nhưng không thể ăn chó. Mặc dù loài chó có quan hệ mật thiết với loài người, tôi tin chúng ta cần đối đãi mọi loài vật với sự trân trọng ngang nhau.

Sứ mệnh của tổ chức không phải là chấm dứt tiêu thụ thịt chó hay bất cứ loài động vật nào khác, mà là bảo vệ động vật khỏi những đau đớn không cần thiết dù chúng được nuôi để lấy thịt. Còn đối với những người có quan điểm cực đoan, có hai điều tôi muốn nói với họ. Đầu tiên, bạn không thể đứng ngoài cuộc cách mạng giá trị đạo đức chỉ bởi vì truyền thống văn hóa. Rõ ràng có nhiều truyền thống ở Việt Nam đã bị cho vào quá khứ vì không còn phù hợp. Thứ hai, dù là người Việt hay người nước nào, về cơ bản chúng ta đều là con người và đều có những trách nhiệm nhân đạo.

nhà hoạt động nhân đạo robert lucius - elle man 3
Dù là người Việt hay người nước nào, về cơ bản chúng ta đều là con người và đều có những trách nhiệm nhân đạo.

 

Có những lý do nào khác cho việc giảm tiêu thụ thịt động vật ngoài vấn đề nhân đạo không thưa anh?

Càng tiêu thụ nhiều thịt, chúng ta càng tạo áp lực lên những người sản xuất và từ đó tạo áp lực lên môi trường. Không nói ở đâu xa, ngay tại Việt Nam, chúng ta đã có thể thấy các trang trại lớn gây hậu quả như thế nào tới môi trường: không khí, nguồn nước bị ô nhiễm, dư lượng kháng sinh, nguy cơ bệnh dịch tăng cao… Và vì là quy mô công nghiệp cần ít người vận hành, chúng không tạo việc làm cho người dân địa phương trong khi tiền chảy vào túi những tập đoàn lớn.

Bạn thấy đấy, mọi thứ đều liên quan tới nhau và cách chúng ta đối xử tồi tệ với động vật cuối cùng quay lại ảnh hưởng đến chính chúng ta. Một khía cạnh khác của vấn đề là ngành trang trại thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn rất nhiều so với khí thải từ giao thông hay xây dựng. Việt Nam lại nằm trong nhóm nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thay đổi khí hậu.

Sắp tới đây tổ chức của anh sẽ có hoạt động cụ thể gì tại Việt Nam?

Từ tháng 3/2016, chúng tôi sẽ phát động Green Monday (Ngày Thứ Hai Xanh), một chương trình lớn đã được tiến hành tại nhiều nước. Đây là một chiến dịch quốc tế nhưng được chạy bởi nhân sự địa phương, khuyến khích cộng đồng thay thế thịt động vật bằng các loại thực phẩm khác vào mỗi thứ Hai hàng tuần.

Sự

Bài: Hằng Lương – Minh họa: Trương Huyền Đức

No more