Sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và Việt Nam

Bài ELLE Team

Sự đối lập văn hóa ngàn đời giữa Đông và Tây vẫn rất rõ ràng trong nội tại, chỉ là vì chúng ta lướt qua chúng quá nhanh và không để ý đến những điều đó. Chỉ khi bước chân ra khỏi đất nước hình chữ S này thì chúng ta mới bỡ ngỡ nhận ra sự khác biệt mà bấy lâu nay vô tình bị lãng quên.
Khác biệt văn hóa phương Tây và Việt Nam 1 - elleman
Sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và Việt Nam

Việt Nam nằm ngay vùng trung tâm hàng hải và giao thương kinh tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Việt Nam càng trở nên hội nhập với các quốc gia khác với những nền văn hóa đa dạng. Tại những trung tâm du lịch, tài chính, văn hóa như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng hay Nha Trang thì chúng ta khó có thể thấy được sự khác biệt trong văn hóa giữa người bản địa cũng như du khách vì dường như quá trình giao thoa văn hóa diễn ra từng ngày khiến chúng trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, sự đối lập văn hóa ngàn đời giữa Đông và Tây vẫn rất rõ ràng trong nội tại, chỉ là vì chúng ta lướt qua chúng quá nhanh và không để ý đến những điều đó. Chỉ khi bước chân ra khỏi đất nước hình chữ S này thì chúng ta mới bỡ ngỡ nhận ra sự khác biệt mà bấy lâu nay vô tình bị lãng quên. Do đó, việc tìm hiểu sự khác biệt văn hóa rất quan trọng, giúp chúng ta có thể sẵn sàng tinh thần với những cú shock văn hóa.

Bài viết sau đây của ELLE MAN là danh sách liệt kê những sự khác nhau cơ bản giữa văn hóa phương Tây và Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày.

1. Chuyện tình cảm yêu đương và gia đình:

Phương Tây: Nam, nữ nắm tay nhau hoặc hôn nhau tại chốn công cộng là chuyện hoàn toàn bình thường. Những người xung quanh cũng chẳng hề bận tâm về chuyện đó.

Thậm chí đối với những người là bạn bè thân lâu năm, đàn ông hay đàn bà vẫn có thể dành cho nhau những cái nắm tay, khoác lên vai nhau hoặc trao cho nhau những nụ hôn phớt lên má hoặc cả lên môi.

Khác biệt văn hóa phương Tây và Việt Nam - gia đình phương Tây - elleman
Vợ chồng thường trao nhau những cái ôm hoặc những chiếc hôn trước mặt lũ trẻ một cách rất vô tư.

Trong một gia đình, vợ chồng trao nhau những cái ôm hoặc những chiếc hôn trước mặt lũ trẻ một cách rất vô tư và những đứa trẻ thích nhìn bố mẹ chúng làm vậy. Bố mẹ cũng rất thương xuyên trao những nụ hôn cho con trẻ, họ xem đó là sự biểu hiện tình cảm yêu thương và con cái cũng như những người bạn thân.

Việt Nam: Thường thì ta ít thấy những cặp đôi hôn nhau tại chốn công cộng trừ thế hệ trẻ ngày nay, những người có cái nhìn thoáng hơn trong chuyện yêu đương. Tuy nhiên, họ sẽ nhận được những cái nhìn “ái ngại” từ người lớn xung quanh.

Đối với bạn bè, việc đụng chạm thân thể nhau là cực kì hạn chế dù là những người bạn thân lâu năm, bởi không khéo sẽ đưa cả 2 từ friendzone chuyển sang love affair tự lúc nào không hay.

Khác biệt văn hóa phương Tây và Việt Nam - gia đình Á Đông - elleman
Ít những cử chỉ gần gũi hơn nhưng không có nghĩa là họ không yêu thương con cái hơn người người Tây phương.

Vợ chồng cũng ít khi hôn nhau trước mặt con cái, mà họ thường làm chuyện ấy khi không có ai như cái thuở trốn ông bà để cùng nhau đi hẹn hò. Những người bố thường ít khi hôn con trẻ, họ rất yêu thương chúng nhưng cách thể hiện thường đôi khi “ít gần gũi” hơn người phương Tây.

2. Tiệc tùng và lễ hội:

Phương Tây: Giáng sinh và Tết Dương lịch là những ngày lễ quan trọng nhất trong một năm. Họ thường đi nghỉ lễ xa nhà hoặc chỉ quây quần cùng nhau.

Giáng Sinh và Năm Mới là lễ hội lớn nhất trong văn hóa phương Tây.
Giáng sinh và Năm mới là lễ hội lớn nhất trong văn hóa phương Tây.

Đối với một người châu Âu, sinh nhật và đám cưới là những dịp quan trọng nhất trong đời. Tại sinh nhật, người thân sẽ tụ tập ca hát, nhảy múa, tặng quà và ăn tiệc nhẹ. Trong đám cưới, người phương Tây thường tổ chức tiệc ngồi lẫn buffet, nhưng họ thường ăn nhẹ, ca hát và nhận quà tặng từ người thân và bạn bè. Ít khi nhận tiền mừng, trừ một số vùng văn hóa đặc biệt như Sicily của Ý.

Việt Nam: Tết Âm lịch là dịp lễ hội quan trọng nhất trong một năm. Là dịp để mọi người xa xứ tụ họp về quê hương, quây quần bên nhau bên mâm cỗ gia đình và bái cúng tổ tiên.

Tết cổ truyền là dịp quan trọng nhất của người Việt Nam.
Tết cổ truyền là dịp quan trọng nhất của người Việt Nam.

Người Việt Nam tổ chức đám giỗ lớn hơn cả sinh nhật, đây là dịp để họ hàng cùng họp mặt nhau trong mâm cơm. Họ bàn về những kí ức xưa của người đã khuất, những điều tốt đẹp về họ. Đối với đám cưới, người Việt Nam cũng tổ chức rất cầu kì, bao gồm nhiều công đoạn tùy vào từng địa phương nhưng thường sẽ có Lễ Đám Hỏi trước Lễ Đính Hôn, là ngày để gia đình họ trai bưng mâm quả qua nhà gái để hỏi cưới. Họ tổ chức tiệc cưới khá long trọng và người đi dự đám cưới thường phải biếu tiền mừng.

3. Ăn uống

Phương Tây: Người phương Tây, điển hình là người Mỹ, không dành quá nhiều thời gian cho việc nấu nướng thường nhật, trừ khi họ là một đầu bếp hoặc một người sành ăn. Họ thường có thói quen mua dự trữ lương thực cho cả một tuần do tính chất cuộc sống, công việc hối hả và bận rộn. Đa phần theo Cơ Đốc giáo nên họ thường sẽ cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa trước khi ăn (không khác biệt lắm so với những người Việt Nam theo Cơ Đốc giáo).

Khác biệt văn hóa phương Tây và Việt Nam - bữa ăn phương Tây - elleman
Các thành viên trong gia đình quây quần cùng nhau, thức ăn được chia đều cho mọi thành viên gia đình.

Cách chế biến món ăn cũng rất khác người châu Á, điển hình là Việt Nam, với thức ăn không quá dậy mùi gia vị và không hề cay, ngoại trừ những nền ẩm thực chú trọng gia vị sau chế biến như Hy Lạp, Ý hay Pháp.

Dao, muỗng, nĩa là những vật dụng thường thấy trên bàn ăn, thức ăn thường là thực phẩm khô nguội và súp thì được đựng trong dĩa. Người Mỹ chỉ có một bữa ăn chính là ăn chiều, khi các thành viên trong gia đình quây quần cùng nhau. Thức ăn được chia đều cho mọi thành viên gia đình, và khi ăn họ thường không gây nên tiếng sột soạt (lý do vì sao, tôi sẽ giải thích sau).

Các

Việt Nam: Người Việt chúng ta dành rất nhiều thời gian để chế biến và nấu nướng bởi tính chất ẩm thực Việt Nam khá cầu kì với muôn vàn các loại gia vị. Họ thường mua sắm lương thực hàng ngày tại những khu chợ truyền thống hay trong siêu thị bởi tính chất của ẩm thực Á Đông là nền ẩm thực tươi ngon và nóng hổi khi chế biến, nên sẽ không phù hợp lắm khi dự trữ thức ăn cho cả tuần.

Cách chế biến thức ăn của Việt Nam khá nồng mùi gia vị và rất cay, đây cũng chính là đặc điểm chung của nền ẩm thực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Khác biệt văn hóa phương Tây và Việt Nam - mâm cơm Việt Nam - elleman
Một mâm cơm cơ bản của gia đình Việt.

Người Việt thường ăn bằng đũa và muỗng, thức ăn được đặt trong đĩa và tô, đặt chung trên mâm cơm và mọi người gắp vào chén (bát) của mình để ăn, canh (súp) thường được đặt giữa mâm cơm. Lý giải cho điều này chính là văn hóa cộng đồng trong cách ăn ở và sinh hoạt có từ ngàn năm trước. Trước khi ăn, các hậu bối (người nhỏ tuổi) phải mời các trưởng bối trong gia đình xơi (ăn) cơm rồi mới được đụng đũa. Khi ăn một món ăn ngon, đặc biệt là canh hay những món nước, thường thì họ gây ra tiếng sột soạt khi húp.

Tôi sẽ lý giải một chút ở phần này, do bị ảnh hưởng quá nhiều của văn hóa Tây phương mà ngày nay nhiều người xem việc ăn ra tiếng là bất lịch sự và mất vệ sinh. Điều này đúng mà cũng không đúng, vì sao? Bởi đặc tính của cả 2 nền ẩm thực là hoàn toàn khác nhau, thức ăn phương Tây vốn dĩ lấy lúa mạch làm nền tảng nên trên bàn ăn sẽ thường xuất hiện bánh mì cùng nhiều loại thức ăn khô nguội, việc ăn không gây tiếng động là điều hiển nhiên; còn ẩm thực Việt Nam thường rất cay nồng và chỉ thực sự ngon khi được dùng ngay lúc nóng, điều này tạo ra cử động chóp chép và hít hà khi ăn để làm dịu thức ăn trong miệng. Cũng giống như người Nhật và Hàn Quốc, khi được gia chủ mời dùng bữa, việc gây tiếng động sột soạt sẽ tạo cho họ cảm giác vui vẻ vì chứng tỏ họ nấu ăn ngon.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cổ súy việc ăn uống gây quá nhiều tiếng động và vương vãi lung tung, như vậy thật sự là bất lịch sự và không vệ sinh.

4. Cung cách chào hỏi

Phương Tây: Trong cách chào hỏi, người phương Tây có xu hướng bình đẳng giới nên bắt tay giữa 2 người khác giới là điều rất bình thường. Đối với những người bạn, họ thường trao nhau những nụ hôn lên má hoặc hôn phớt trên môi khi chào hỏi lúc gặp mặt hoặc chia tay.

D4WG1B
Bạn bè thường ôm nhau, hôn lên má để thể hiện tình cảm.

Họ thường vẫy tay chào hỏi người khác kể cả với người lớn hơn, và việc vỗ nhẹ vào lưng từ đằng sau để chào hỏi đối với những người thân quen là điều hoàn toàn bình thường. Khi trở về nhà hoặc viếng thăm nhà bạn bè, người phương Tây thường chào hỏi bất cứ thành viên nào trong gia đình mà họ gặp đầu tiên.

Việt Nam: Rất ít khi thấy những người khác giới bắt tay nhau, đàn ông Việt thường không chủ động bắt tay với người lớn tuổi hơn hay với phụ nữ mà sẽ đợi hành động đó từ họ. Khi bắt tay, họ chỉ nắm vừa đủ và không quá lâu, dùng cả hai tay và cúi đầu chào để thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi hơn. Phụ nữ thường không bao giờ bắt tay nhau.

Khác biệt văn hóa phương Tây và Việt Nam - cung cách chào hỏi Việt Nam - elleman
Khi bắt tay, họ chỉ nắm vừa đủ và không quá lâu, dùng cả hai tay và cúi đầu chào để thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi hơn.

Người Việt chẳng bao giờ dành cho nhau những nụ hôn bạn bè, đặc biệt là giữa hai người khác giới, thậm chí đó còn là điều cấm kị đối với những phụ nữ đã có gia đình.

Chỉ có người lớn mới được dùng động tác vẫy tay để kêu trẻ nhỏ, hoặc bạn bè cùng trang lứa kêu lẫn nhau. Việc vỗ nhẹ vào lưng chỉ được chấp nhận đối với bạn bè với nhau, nhưng đối với những người lớn thì điều đó hoàn toàn bị cấm kị, đặc biệt là đàn ông không được làm điều đó với một phụ nữ trưởng thành. Khi vào nhà một gia đình Việt, bạn cần chào hỏi người trưởng tộc hay người lớn tuổi nhất, vào chào từ lớn đến nhỏ.

Trên đây chỉ là một số khác biệt rõ nét và cơ bản nhất trong đời sống tinh thần tình cảm, ăn uống, chào hỏi và lễ hội giữa người Việt Nam và người phương Tây. Ngoài ra còn có rất nhiều điều khác biệt khác nữa, mà chỉ cần tinh ý một chút thôi sẽ thấy chúng diễn ra hàng ngày và hàng giờ. Càng hiểu biết nhiều về sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và Việt Nam sẽ giúp bản thân sẽ dễ dàng hội nhập và có thêm nhiều bạn bè quốc tế.

Bài viết: Đức Nguyễn – Hình ảnh: Sưu tầm

No more