Những năm gần đây, ngành công nghiệp thời trang đang bị bủa vây bởi hàng loạt những bê bối xoay quanh các vấn đề xã nội như nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và sự chiếm dụng văn hóa. Một số những cáo buộc này có mức độ nghiêm trọng cao cũng như được ủng hộ, nhưng số khác thì gây ra nhiều những tranh cãi cùng luồng dư luận trái chiều. Vậy, việc đưa những góc nhìn, những quan điểm chính trị vào trong thời trang là đúng hay sai? Có phải, chính những tính đúng đắn trong chính trị sẽ giết chết sự sáng tạo, phát triển của giới tạo mốt hay không?
Cáo buộc phân biệt chủng tộc
Dolce & Gabbana, Prada và Gucci đều là những cái tên cao cấp bị vướng vào những tranh cãi này. Hãy thử lấy thời điểm cuối năm 2018 tới nay làm ví dụ. Ngày 21/11/2018, Dolce & Gabbana phải hủy buổi diễn thời trang tại Thượng Hải vì đoạn quảng cáo bị cho là mang tính phân biệt chủng tộc với người Trung Quốc. Ngày 14/12/2018, Prada phải thu hồi hàng loạt phụ kiện nữ trang, móc khóa vì có thiết kế lấy cảm hứng từ người da màu. Cho đến 7/2/2019, chiếc áo len Balaclava của Gucci bị cáo buộc có thiết kế xúc phạm, đả kích tới cộng đồng người da màu. Có thể nói, chưa bao giờ, hình ảnh của làng thời trang hoa mỹ lại trở nên “xấu xí” đến như vậy.
Trên thực tế, từ xưa đến nay, ngành công nghiệp thời trang không ít lần dính líu tới những vấn đề nhạy cảm liên quan tới những tranh cãi tôn giáo-sắc tộc. Nhưng cùng với sự phát triển của truyền thông và xã hội, cũng như sự nhận thức của cộng đồng về các vấn đề nói trên, dường như, cái ranh giới giữa những đấu tranh cho nhân quyền và sự công kích một cách quá khích chưa bao giờ trở nên mong manh đến thế.
Quan điểm của người trong giới thời trang
Nhà phê bình thời trang, Angelo Flaccavento gần đây đã có những chia sẻ trên tờ Vogue Italia, “Chúng ta đang sống trong thời đại mà bất cứ ai trong xã hội này cũng thành những “nhà đạo đức”. Họ giết chết đi sự tự do ngôn luận, cũng như sự sáng tạo trong nghệ thuật dưới danh nghĩa những tư tưởng méo mó. Các nhà kiểm duyệt cũng đang dần biến thời trang trở thành một thứ gì đó thông minh, giàu tri thức khủng khiếp, luôn bao hàm những quan điểm chính trị, mà phủ nhận đi cái bản chất sáng tạo, phù phiếm, lập dị, ngớ ngẩn và điên cuồng của nó. Hãy làm rõ vấn đề này: những giá trị liên quan tới chính trị – xã hội về thời trang thì luôn sâu sắc, nhưng thời trang lại chẳng hề như vậy. Chúng là những gì hiện hữu trước mắt mỗi người, là thẩm mỹ, là sự sáng tạo. Thời trang càng hời hợt, thì càng kích thích sự phát triển xa hơn. Việc phủ nhận bản ngã của thời trang bằng những bài học ngoại đạo, những tư tưởng hẹp hòi, cứng nhắc chính là phá hủy đi cánh đồng màu mỡ cho sự sáng tạo, bay bổng của nghệ thuật, bằng chính sự kiêu ngạo đến từ những kẻ phàm phu tục tử.”
Hậu quả của những cuộc chiến văn hóa
Và hậu quả để lại sau những ‘cuộc đấu tranh nhân danh quyền con người’ ấy là gì? Sự đắc thắng của truyền thông và xã hội khi hàng loạt sản phẩm thời trang bị gỡ khỏi kệ trưng bày, những buổi họp báo xin lỗi công khai, và rất nhiều tiền để chi trả cho những chiến dịch PR nhằm khôi phục lại hình ảnh thương hiệu. Suy cho cùng, thời trang hay nghệ thuật thì cũng cần phải có lợi nhuận, và đương nhiên khách hàng thì luôn là thượng đế. Tất nhiên, nếu luôn giữ vững quan điểm cũng như sự sáng tạo không biên giới của thời trang, thì người chịu thiệt trong “trận chiến” này chỉ là các thương hiệu mà thôi.
Trong quyển sách Culture of Complaint: The Fraying of America (Tạm dịch: Nền văn hóa Khiếu nại: Cuộc xung đột của nước Mỹ) xuất bản năm 1993 của nhà phê bình nghệ thuật Robert Hughes, ông có đề cập đến những bộ ảnh của của Robert Mapplethorpe – khai thác chủ đề đồng tính nam và S&M, cũng như những phản ứng của cộng đồng thời điểm đó. Năm 1989, những tác phẩm gây tranh cãi của ông đã bị đưa ra khỏi Bảo tàng trưng bày nghệ thuật Corcoran của Washington DC dưới những áp lực từ cộng đồng Cơ Đốc giáo. Sự việc nghiêm trọng tới mức chính Bảo tàng trưng bày những tác phẩm trên còn bị kiện lên Tòa án tối cao. Lần đầu tiên trong lịch sử, một bảo tàng lại bị kiện bởi chính những tác phẩm nghệ thuật họ trưng bày.
Và có vẻ như, lịch sử lại một lần nữa lặp lại. Vào năm 2017, các nhà hoạt động nữ quyền đã yêu cầu Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York gỡ bức tranh năm 1938 của họa sĩ Balthus Klossowki họa một thiếu nữ trong tư thế bị coi là phản cảm. Tôi không chắc là sự nhạy cảm của họ có “đạo đức” hơn những người truyền giáo kia hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng cả hai đều sử dụng cùng một lí do, đó là dùng những quan điểm mang đậm dấu ấn chính trị để áp đặt lên sự sáng tạo đằng sau một tác phẩm nghệ thuật.
Và mặc dù bảo tàng Corcoran, nơi trưng bày những bức tranh trần trụi của Mapplethorpe đã dành thắng lợi trong vụ kiện, nhưng theo Hughes, những rắc rối xung quanh triển lãm này đã “tạo nên một bầu không khí nghi ngại, tự vấn bản thân, cũng như hoang mang cho các bảo tàng, đặc biệt là những người phụ trách, hay giám đốc khi phải đối mặt với những yêu sách chính trị đến từ các đảng phái gây áp lực”. Điều này có gợi lại cho bạn điều gì không?
Trên thực tế, tuy không có sự tương đồng giữa chiếc móc khóa hình chú khỉ của Prada, hay áo chui đầu của nhà mốt Gucci với những bức ảnh của Mapplethorpe, hay bức họa Thérèse Dreaming của Balthus, nhưng cách dư luận phản ứng trước những sự sáng tạo của thời trang ắt hẳn cũng có vài phần tương tự.
Thật hài hước làm sao khi suốt một thời gian dài, nghệ thuật nói chung, hay thời trang nói riêng luôn trở thành trò cười, cũng như tâm điểm chỉ trích cho xã hội. Họ chê bai nghệ thuật là trừu tượng, khó hiểu, là sự nực cười rỗng tuếch, nhưng khi một nghệ sĩ dùng sự sáng tạo của mình tạo nên những bức tranh, những thước vải phê phán cái thực tại của cuộc sống, chính dư luận lại một lần nữa chĩa mũi dùi chỉ trích về phía họ.
Sàn diễn Thu-Đông 1995 của nhà mốt Alexander McQueen với cái tên Highland Rape cũng là một trong những nạn nhân của dư luận. Phản ánh lại mối quan hệ đầy sóng gió giữa Scotland và Đế quốc Anh thời trung cổ, sàn diễn hôm đó là hình ảnh người mẫu đi dặt dẹo trên sàn catwalk, với trang phục rách rưới như những nạn nhân của nạn bạo hành tình dục. Và đương nhiên, chẳng cần quan tâm tới ẩn ý được cài cắm đằng sau BST, những “nhà phê bình” bắt đầu công kích McQueen. Với cương vị là nhà sáng tạo nghệ thuật, nhà thiết kế thiên tài Alexander McQueen chẳng hề quan tâm đến điều đó. Ông biết mình đang làm gì, và đó có phải là vấn đề ông nên để tâm khi mọi người hiểu sai về BST đó? Không hề. McQueen luôn tin rằng, nhiệm vụ của người nghệ sĩ là phải nâng tầm sự sáng tạo, không phải là chú tâm tới những quan điểm đảng phái chính trị.
Vào năm 1997, sàn diễn La Poupée của McQueen xuất hiện hình ảnh người mẫu da màu Debra Shaw mặc một bộ khung kim loại với rất nhiều chiếc kẹp, gây nhiều khó khăn cho cô trong quá trình di chuyển. Khi được hỏi về vấn đề hình ảnh này liệu có liên quan tới chế độ nô lệ da đen hay không, McQueen rùng mình và trả lời rằng, đây là thiết kế phản ánh sự kìm kẹp của chế độ tư bản thời trang độc tài. Với Shaw, điều này hoàn toàn hợp lý. Nhưng bạn hãy tượng tượng xem, chuyện gì sẽ xảy ra nếu đây là một BST ra mắt vào năm 2018 thay vì 11 năm về trước? Truyền thông, dư luận sẽ phản ứng ra sao?
Ai đúng? Ai sai?
Trên thực tế, để nói cho đúng thì dư luận hay truyền thông cũng có những mặt đúng của họ. Theo dòng chảy của sự du nhập văn hóa phương Tây, những cuộc chiến văn hóa – sắc tộc giờ đây không còn là chuyện riêng của mỗi quốc gia nào nữa. Và dù cho chúng ta đang sống trong một thời kỳ của công nghệ, của những phát kiến vượt bậc, những tư tưởng cấp tiến, thì đâu đó, nạn phân biệt chủng tộc cùng sự cố chấp vẫn luôn tồn tại song song, như một khiếm khuyết tàn dư của xã hội cũ, tiêu biểu là những quốc gia giàu văn hóa tại châu Âu. Những bê bối trên Instagram liên quan đến Stefano Gabbana là một trường hợp không thể bênh vực, nhưng còn những trường hợp khác, điển hình như sàn diễn của Alexander McQueen nói trên, liệu có đáng bị chỉ trích đến như thế?
Phát biểu sau sự thất bại của móc khóa hình chú khỉ Prada, Miuccia Prada đã bày tỏ: “Tôi ngày càng nghĩ rằng, mọi điều chúng ta làm hiện nay đều có thể trở nên gây tranh cãi. Điều này đôi lúc thật sự là thiếu rộng lượng. Làm sao chúng ta có thể nắm tường tận tất cả các nền văn hóa được chứ?” Trả lời thêm một câu hỏi đến từ phóng viên liên quan đến sự chiếm dụng văn hóa, bà nhấn mạnh: “Mọi người muốn nhận được sự tôn trọng bởi vì giờ đây, khái niệm chiếm dụng văn hóa ra đời. Nhưng họ quên rằng chính văn hóa lại là nền tảng cho thời trang, như là cách văn hóa là gốc rễ của sự sáng tạo nghệ thuật, của tất cả mọi thứ vậy.”
Cũng chính vì sự nhạy cảm đến “khó đỡ” của dư luận, rất ít nhà phê bình thời trang thật sự dám nói lên quan điểm cá nhân của mình, đặc biệt là khi hoàn toàn có thể đoán được sự phản ứng của dư luận đầy độc đoán ra sao.
Và ai là người được lợi nhất trong trận chiến này? Khách hàng ư? Không hề. Thương hiệu thời trang ư? Càng không phải. Đó chính là những kênh thương mại, dưới cái tên “mỹ miều” là watchdogs (kẻ giám hộ), tiêu biểu là Diet Prada. Tính tới thời điểm hiện tại, Diet Prada có tới hơn 1 triệu lượt theo dõi trên Instagram, lượng khách hàng tiềm năng lớn cho những sản phẩm quần áo của họ. Những trang như Diet Prada thành công nhờ vào sự “châm ngòi” cho những thiên vị nhận thức thay vì những góp ý mang tính chất xây dựng, “dắt mũi” dư luận đi theo một lối suy nghĩ chỉ trích tiêu cực.
Vậy trong trận chiến này, có phải thương hiệu thời trang là những người bị hại? Điều này đúng và không đúng. Như đã đề cập trên, đâu đó trong ngành thời trang vẫn còn tồn tại những sự xấu xí chẳng thể phủ nhận đến từ nạn phân biệt chủng tộc, chiếm dụng văn hóa. Trong khi, một cách đầy châm biếm người mẫu da màu đang dần trở thành “mốt” trên sàn diễn thời trang, thì những mẫu châu Á tiếng tăm như Liu Wen, Sui He, Shu Pei Qin, Ming Xi… cũng đã phải chật vật gấp mấy lần mẫu da trắng để có thể đạt được vị trí ngày hôm nay của họ.
Điều gì đúng, đương nhiên chúng ta phải công nhận. Nhưng điều gì sai, chúng ta cần phải xem xét. Không thể vì những phân biệt chủng tộc trên sàn diễn mà chúng ta áp đặt nó lên tất cả sự sáng tạo trong thời trang. Điều này là hoàn toàn thiển cận. “Sự sáng tạo không thể được định hướng bằng các quan điểm chính trị, dù cho những quan điểm đó có ảnh hưởng tới thực tại xã hội đi chăng nữa. Người sáng tạo ở đây chỉ có nhiệm vụ chỉ cho chúng ta những cái mới, những ý nghĩa mới mà thôi.”
Với Flaccavento, những nhà thiết kế thời trang đại tài thì chẳng bao giờ theo đuổi sự kêu gọi tới từ vạn vật. Giống như nghệ thuật, sự sáng tạo thời trang thật sự như một tấm gương phản ánh xã hội, chỉ ra những mặt xấu, biến chúng thành những lời tuyên ngôn thông qua từng thước vải. Bằng cách yêu cầu thời trang được lọc qua một lăng kính thể hiện mỗi thế giới quan duy nhất (chính trị), nó sẽ trở nên thiếu chi tiết, cũng như thiếu ý nghĩa hơn. Suy cho cùng, nếu bạn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, sản phẩm cho ra thường chẳng mang tí sức nặng gì với bất cứ ai.
Lời kết
Sự kêu gọi, đấu tranh cho bình đẳng giữa người với người, cho sự tôn trọng mỗi sắc tộc là một điều đúng đắn. Tuy nhiên, trong cuộc chiến văn hóa chưa có hồi kết này, đôi khi, chúng ta cũng nên tự hỏi, đây là đấu tranh cho nhân quyền, hay là những trò lố đến từ những kẻ tự cho mình cái quyền tự do phán xét, tự do ngôn luận, tự do chỉ trích một cách bừa bãi? Đây là đấu tranh cho tính đúng đắn trong chính trị, hay chỉ là những chiêu trò kích động đám đông nhằm mục đích trục lợi cá nhân? Có phải khi mạng xã hội càng phát triển, thì con người ta càng thiếu đi chính kiến riêng, càng dễ mắc phải “hội chứng đám đông” hay không?
Có bao giờ, những con người trong đám đông chỉ trích ngoài kia, đã từng tự hỏi mình những câu như vậy?
Xem thêm
Thời trang cao cấp hiện nay liệu có thật sự còn “đắt xắt ra miếng”?
Khi thời trang cao cấp làm sneaker: Đã đủ tầm “đe dọa” các ông lớn thể thao?
—
Phương Linh (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, tham khảo: Highsnobiety, Smith Sonian Magazine)