Terminator Zero (Tựa Việt: Kẻ hủy diệt Zero) là series hoạt hình ăn theo thương hiệu điện ảnh nổi tiếng Kẻ hủy diệt do James Cameron sáng tạo. Dự án được gã khổng lồ trực tuyến Netflix kết hợp với nhiều đơn vị sản xuất, trong đó có Production i.G – cái nôi của hàng loạt tác phẩm hoạt hình nổi tiếng như Ghost in the Shell, Guilty Crown, Psycho-Pass, Eden of the East… Do đó, người hâm mộ không khỏi nóng lòng chờ đợi từ khi series được công bố sản xuất.
Terminator Zero: Câu chuyện bạo lực và đẫm máu
Chuyện phim đưa người xem trở về năm 1997 sau những sự kiện của phần 2 Terminator: Judgment Day ra mắt năm 1991. Lúc này, siêu máy tính Skynet đến từ tương lai tiếp tục tìm cách gửi một Kẻ hủy diệt mới đến Nhật Bản để thay đổi tương lai.
Chúng truy tìm tiến sĩ Malcolm Lee – vốn là người đã phát minh ra siêu trí tuệ nhân tạo Kokoro có khả năng ngăn chặn được Skynet.
Không còn cách nào khác, quân kháng chiến cũng phải gửi nữ chiến binh quả cảm Eiko về quá khứ để bảo vệ Malcolm Lee và những đứa con của anh. Từ đó, đôi bên tạo ra một cuộc chiến không khoan nhượng, với nhiều tình tiết bạo lực và đẫm máu.
Về cơ bản, câu chuyện của Terminator Zero không quá mới mẻ. Kịch bản vẫn đi theo mô-típ quen thuộc của thương hiệu khi phân ra hai phe thiện – ác. Song, thời lượng tập cho phép các biên kịch khai thác thế giới tương lai sâu rộng hơn.
Terminator Zero cũng mang đến góc nhìn tổng quát hơn về bối cảnh câu chuyện của Kẻ hủy diệt. Series giải thích rõ ràng hơn về nguyên nhân Skynet trỗi dậy, trở thành mối nguy hại của con người cũng như tình hình chiến sự lúc bấy giờ.
Đạo diễn Masashi Kudō tập trung vào mảng hành động để mang lại một series đậm tính giải trí. Nhiều cảnh quay trong phim được đánh giá là đen tối và bạo lực hơn cả các bản điện ảnh trước đó.
Dưới nét vẽ anime, thế giới của những cỗ máy tương lai cũng hiện lên chi tiết và sống động. Các tập phim tạo ra một không khí u ám bao trùm, về một thời đại tăm tối, nơi bất kỳ ai cũng phải đau đớn vì đối mặt với chiến tranh thảm khốc.
Thông điệp ẩn sau những nét vẽ
Các nhân vật trong phim cũng được đầu tư phát triển hợp lý. Nhân vật chính Eiko hiện lên như là một nữ chiến binh đầy quả cảm, không chịu khuất phục trước cái ác. Reika – con gái út của Malcolm Lee – thì gây ấn tượng với ánh mắt kiên cường, chưa bao giờ biết sợ hãi là gì.
Trái lại, những robot Kẻ hủy diệt luôn đáng sợ và tàn ác, chẳng khác gì tử thần đến từ tương lai. Sự tương phản giữa hai phe càng giúp cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn từ đầu đến cuối.
Như bản điện ảnh, Terminator Zero cũng lồng ghép khá nhiều thông điệp qua từng tập. Sự phản kháng của Skynet chính là cái giá phải trả cho một nền văn minh ngày càng tân tiến đến mất kiểm soát. Phim cũng đặt ra nhiều câu hỏi, hoài nghi về những phát kiến khoa học lẫn lịch sử. Liệu tương lai loài người có thể đổi khác hay rồi cũng sẽ đi đến kết cục đen tối giống như trong phim?
Các diễn viên lồng tiếng như Yûya Uchida, Hiro Shimono, Saori Hayami… cũng tròn vai, giúp các nhân vật trong phim trở nên sống động và chân thật hơn.
Terminator Zero còn hấp dẫn vì lồng ghép nhiều cú twist bất ngờ. Song, điểm trừ là nhịp phim vẫn còn hơi lan man ở đôi chỗ. Vì sa đà quá nhiều vào những phân đoạn giải thích, câu chuyện có thể kém thu hút với những ai đã từng xem các phiên bản điện ảnh trước đó.
Terminator Zero ra đời vào đúng 40 năm sau khi phần đầu tiên The Terminator (1984) ra mắt và khuấy đảo phòng vé. Qua nhiều năm tháng, Kẻ hủy diệt đã ghi dấu như là thương hiệu phim hành động – viễn tưởng kinh điển mang lại nhiều cảm xúc và ấn tượng khó phai với khán giả.
Sự xuất hiện của Terminator Zero chứng minh sức hút trường tồn của thương hiệu, đồng thời cũng cho thấy câu chuyện về những cỗ máy tàn bạo vẫn có nhiều đất để khai thác trong tương lai.
______
Bài: Văn Nghệ – Phúc Logic