Kiệt tác bị lãng quên
Nếu đang trông chờ bộ suit Tom Ford hay Hugo Boss bóng loáng, cắt may tỉ mỉ đến từng sợi chỉ thì có lẽ bạn sẽ phải thất vọng; Nhưng nếu muốn nhìn thấy những gã đàn ông phong trần, đầu đội nón cao bồi, mặc áo gilet ôm sát eo, quần bò sờn gấu, lướt qua khói bụi sa mạc bằng đôi mắt đăm chiêu thì The Magnificent Seven là lựa chọn không tồi.
Nội dung chính của The Magnificent Seven vẫn tập trung vào bảy anh chàng cao bồi và hành trình giải thoát cho một ngôi làng khỏi ách áp bức của bọn địa chủ. “7 tay súng” lần này là sự “trộn màu”, gồm: Denzel Washington, Chris Pratt, Ethan Hawke, Lee Byung Hun, Vincent D’Onofrio, Manuel Garcia-Rulfo và Martin Sensmeier. Tính cách nhiều màu sắc và có sự pha trộn giữa các nhân vật của bản cũ. Đây là phim thứ hai Denzel Washington và Ethan Hawke góp mặt cùng nhau sau Training Day (2001) cũng của đạo diễn Antoine Fuqua.
Ra đời vào tháng 10/1960, đạo diễn John Sturges từng gây sóng gió dư luận khi “chuyển thể” phiên bản kinh điển Seven Samurai của Nhật thành phim thuần Mỹ trăm phần trăm. Quy tụ hàng loạt ngôi sao tên tuổi lúc bấy giờ, khá ổn về doanh thu, thậm chí được đề cử Oscar “Nhạc nền hay nhất” nhưng lạ lùng thay phim lại không hề tạo được hiệu ứng khiến người xem nô nức đến rạp như những bộ phim cao bồi cùng thời. An ủi là, Akira Kurosawa – tác giả của Seven Samurai, đã gửi sang Mỹ một thanh kiếm làm quà tặng cho John Sturges nhằm bày tỏ sự ấn tượng và lòng ngưỡng mộ của ông với bộ phim. Sau này, Viện phim Mỹ đánh giá lại The Magnificent Seven và xếp phim hạng 79 trong top “80 phim rùng rợn xuất sắc mọi thời đại”. Phần nhạc nền do Elmer Bernstein đảm trách (lọt top 25 Phim có nhạc hay nhất) có đời sống bền bỉ không kém. Nhiều phim truyền hình hay một số nghệ sĩ đã vay mượn phần nhạc của phim nhằm truyền tải thông điệp riêng. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả! Sự phớt tỉnh và ngầu đời của bảy nhân vật chính đã tạo ra chuỗi liên hoàn các phim phần tiếp, lấy cảm hứng, làm lại. Từ năm 1966 đến 2003, hàng chục tác phẩm ít nhiều dính líu tới The Magnificent Seven ra đời. Có thể kể đến: Three Amigos, Star Wars,… Cây viết nổi danh Stephen King đã công khai “lấy cảm hứng” từ bộ phim cho tiểu thuyết Wolves of the Calla của ông.
Ở Hollywood hiện tại, cao bồi viễn Tây không còn là dòng phim thịnh hành nhưng mỗi lần có ai đó thực hiện đề tài này vẫn luôn dành được sự chú ý và trông chờ nhất định. Câu trả lời thuyết phục nằm ở vó ngựa oai hùng của những gã cao bồi dày dạn sương gió, nụ cười nửa miệng trọng nghĩa khinh tài. Django Unchained, The Hateful Eight của Quentin Tarantino, True Grit của Coen Brothers, The Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford của Andrew Dominik là một vài cái tên có thể nhắc đến. Sức sống bền bỉ của vó ngựa và súng lục qua các thế hệ cũng góp phần giúp The Magnificent Seven trở thành phim được chiếu đi chiếu lại thứ nhì trên truyền hình Mỹ (đứng đầu, đương nhiên là The Wizard of Oz).
Đời trai gió sương
Phiên bản làm lại mới nhất của The Magnificent Seven được khởi xướng vào năm 2012 với dự liệu: Tom Cruise thủ vai chính cùng sự tham gia của Kevin Costner, Morgan Freeman và MattDamon. Tuy nhiên dàn sao này không đủ kiên nhẫn chờ đợi dự án huy động vốn nên đã rút lui. Khán giả được một phen ngóng chờ và thở dài tiếc nuối! Tháng 3 năm ngoái, Denzel Washington, Chris Pratt, Ethan Hawke, Lee Byung-hun chính thức lên tiếng xác nhận có mặt trên trường quay tại Louisiana cho phiên bản mới. Toàn bộ chi phí sản xuất 108 triệu USD đều đến từ các hãng phim ít tiếng – một cuộc chơi liều mạng: 5 ăn 5 thua.
The Hollywood Reporter từng phân tích khá chi tiết lý do vì sao các phim làm lại (remake, reboot) hoặc phim dài tập (bao gồm tiền và hậu truyện) gặp thất bại hoặc sụt giảm doanh thu dù được đầu tư gấp đôi, gấp ba. Kịch bản kém là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới chất lượng phim. Ngoài ra khán giả đã bắt đầu chọn streaming (hình thức mua phim trực tuyến) qua các kênh như Netflix, Amazon để giải trí làm số lượng người xem đến rạp vơi đi. Trong khi các hãng phim lớn như Sony, Warner Bros hay Walt Disney đều tập trung đầu tư cho D.C. Studio hay Marvel Studio thì việc làm lại The Magnificent Seven không nằm trong kế hoạch ưu tiên. Nhưng như đã nói ở trên, sự khác biệt của The Magnificent Seven ở thời điểm hiện tại, có thể là bàn quyết định thắng thua.
Đạo diễn Antoine Fuqua, người có kinh nghiệm làm phim hành động trước đó (Olympus Has Fallen, The Equalizer) cho biết với tác phẩm kinh điển, người hâm mộ đã “khắc cốt ghi tâm”, nếu làm quá mới thì khó nhận được sự đồng thuận số của đông và càng không tránh khỏi sự so sánh. Điểm mà Antoine tự tin phim sẽ thời sự và ăn khách là cách ông “trộn màu” các tay súng oai hùng: một Lee Byung-Hun da vàng, Denzel Washington da đen hay Chris Pratt da trắng trong giai đoạn Hollywood dấy lên phong trào “chống phân biệt sắc tộc”. Xưa nay, khán giả chỉ xem những chàng cao bồi da trắng hoặc cùng lắm là da đen thì nay da vàng của The Magnificent Seven cũng được cho là “đặc sản”. Bên cạnh đó, bóng hồng duy nhất – Emma Cullen, nhân vật được biên kịch Nic Pizzolatto nhào nặn cũng sẽ gây bất ngờ với vai trò then chốt làm mạch phim uyển chuyển và bớt khô khan hơn.
Để mở rộng đối tượng khán giả, Antoine Fuqua giảm thiểu tính bạo lực cho The Magnificent Seven thay vào đó ông khai thác diễn biến tâm lý của từng người hùng bởi theo ông “đôi lúc người ta làm việc thiện chẳng vì lý do gì cụ thể”. Cách tiếp cận của Antoine khá khôn ngoan bởi phần lớn những phim dán nhãn R rất khó duy trì khả năng trụ rạp do hạn chế độ tuổi người xem (trên 15 tuổi) trong khi nhãn PG-13 của phim thì khán giả nhỏ tuổi (đi cùng bốmẹ) vẫn đến rạp thưởng thức.
Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE