The Substance
Cuộc chiến với tiêu chuẩn sắc đẹp
Trong bộ phim Noir kinh điển Sunset Boulevard (1950), đạo diễn Billy Wilder đã mượn câu chuyện của Norma Desmond để khắc họa tấn bi kịch của những ngôi sao hết thời. Ở đó, Norma không chỉ là một biểu tượng cho những vì sao vụt tắt mà còn là một hình ảnh phản chiếu sự tàn nhẫn của ngành công nghiệp giải trí lẫn định kiến xã hội về giá trị của phụ nữ khi họ già đi. Đó là những cô gái đã từng tỏa sáng, từng dũng cảm theo đuổi đam mê, từng rực rỡ và ngọt ngào nhưng giờ đây, họ có thể đang chìm vào quên lãng.
Bên cạnh Sunset Boulevard, nhiều bộ phim khác cũng đã khám phá chủ đề tương tự. Trong All About Eve (1950), ngôi sao Margo Channing, thủ vai bởi Bette Davis, phải đối mặt với sự cạnh tranh từ một diễn viên mới nổi. The Substance cũng mang dáng dấp như vậy. Tuy The Substance tái tạo câu chuyện không hẳn mới về bi kịch của một bóng hồng luống tuổi trong ngành giải trí, nhưng nó lại làm nổi bật sự đấu tranh nội tâm của nhân vật Elisabeth trong một bối cảnh hiện đại, sử dụng yếu tố khoa học viễn tưởng với huyết thanh trẻ hóa để thể hiện nỗi sợ hãi về quá trình lão hóa
Elisabeth, do Demi Moore thủ vai, là một minh tinh nổi tiếng, từng là biểu tượng của vẻ đẹp trong những năm 90. Khi bước vào tuổi 50, cô phải đối mặt với việc bị sa thải khỏi công việc vì “quá già”. Đây là một cú sốc cho cả sự nghiệp lẫn tâm lý của cô. Mong muốn tái tạo lại phiên bản trẻ trung của chính mình, Elisabeth tìm đến một loại huyết thanh bí ẩn từ thị trường chợ đen.
Với một mũi tiêm huyết thanh tự tiêm, Elisabeth theo nghĩa đen đã “tách ra” phiên bản trẻ trung và quyến rũ hơn của chính mình – “Sue,” do Margaret Qualley thủ vai. Tuy nhiên, phiên bản này chỉ kéo dài trong bảy ngày. Sau khoảng thời gian đó, cô buộc phải trở lại với phiên bản già hơn và liên tục lặp lại quá trình này, nếu không, sẽ có những hậu quả khôn lường.
Sue, với ngoại hình vui vẻ và tươi tắn, nhanh chóng trở thành IT Girl của lĩnh vực thể dục nhịp điệu, còn Elisabeth dần chìm đắm trong sự ghen tỵ đối với thành công của phiên bản trẻ trung lẫn cuộc sống hào nhoáng của Sue. Quy tắc “cân bằng” bảy ngày bắt đầu nghiêng về một phía và mọi thứ trở nên ngày càng tồi tệ.
Hai bản thể không chia sẻ cùng một tâm trí, khiến bản thể cũ chỉ có thể ngồi xem TV, trở thành người quan sát thụ động trong khi phiên bản mới tỏa sáng giữa thế giới bên ngoài. Sue xinh đẹp, hoàn hảo nhưng cũng mang trong mình sự ích kỷ, bốc đồng của tuổi trẻ, cô thường không tuân thủ “quy tắc 7 ngày” và triệt để tàn phá phiên bản già sau mỗi lần sử dụng. Thời gian cân bằng giữa hai phiên bản dần trở thành một cuộc chiến về cả thể xác lẫn tinh thần, mỗi khoảnh khắc trôi qua lại càng làm rõ nét hơn sự phân rã giữa cái cũ và cái mới.
Trong hồi ba của bộ phim, sự thoái hóa không ngừng của cả Sue và Elisabeth mang đến một trải nghiệm đầy kinh hoàng, nhưng lại khiến người xem phải tán thưởng vì tài năng diễn xuất của các diễn viên. Ranh giới giữa hai bản thể dần bị xóa nhòa, ngay cả căn hộ láng bóng, sạch sẽ với ánh nắng mặt trời xuyên qua từng khung cửa ban đầu cũng bị biến thành cảnh tượng bẩn thỉu, dơ dáy khi càng về hồi kết. Căn phòng trở thành hình ảnh ẩn dụ cho sự tàn tạ, mục ruỗng dần của Elisabeth khi cô tiếp tục để phiên bản trẻ gặm nhấm chính mình.
Sự tôn sùng vẻ đẹp và tuổi trẻ trong The Substance là một phần của thực tại mà nhân vật Norma cũng phải đấu tranh trong Sunset Boulevard. Giống như Norma – ngôi sao phim câm một thời giờ đây sống trong hào quang của quá khứ, Elizabeth cũng mang trong mình nỗi đau khi đối mặt với sự lãng quên và áp lực từ tiêu chuẩn sắc đẹp của ngành giải trí. Cái chết của hai ngôi sao phản ánh một thực tế tàn nhẫn: không có sắc đẹp nào là mãi mãi trường tồn.
Bi kịch khi người phụ nữ luống tuổi The Substance
Khéo léo khai thác chủ đề lời nguyền lão hóa ở Hollywood, The Substance đồng thời mang đến cho người xem góc khuất trong nội tâm của người phụ nữ.
Hành trình của Elisabeth là một phép ẩn dụ cho những áp lực và định kiến mà xã hội đặt lên những người phụ nữ khi họ già đi, từ việc mất đi giá trị trong mắt người khác cho đến việc chấp nhận bản thân giữa một thế giới mà vẻ đẹp và tuổi trẻ thường được coi là tiêu chuẩn tối thượng. Theo thời gian, họ trở thành nạn nhân của những kỳ vọng không thực tế, từ cả xã hội và từ chính mình.
Trong một phân cảnh xót xa, Elizabeth đứng trước gương, loay hoay chỉnh sửa những chi tiết cuối cùng cho lớp trang điểm và trang phục của mình. Mặc dù trông rất quyến rũ nhưng Elizabeth, trong sự không hài lòng với hình ảnh của mình, hung hăng lau đi lớp son môi đậm và gỡ bỏ hàng mi giả. Cô không thể nhận ra vẻ đẹp của bản thân, mà chỉ thấy trong gương sự già nua và những khuyết điểm. Với quyết định từ bỏ thực tại để trẻ hóa và sống như phiên bản Sue, Elizabeth đồng thời từ bỏ chính mình, dẫn đến một cuộc sống giả tạo và những hậu quả thảm khốc.
Bên cạnh đó, cuộc sống tạm bợ của Sue, mặc dù rực rỡ, cuối cùng chỉ mang lại bi kịch cho cả hai. Cái chết của phiên bản Sue không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một ảo tưởng mà còn là một lời cảnh tỉnh về cái giá phải trả khi từ chối chấp nhận thực tại.
The Substance đã thành công gửi gắm thông điệp về sự cần thiết phải chấp nhận bản thân ở mọi giai đoạn trong cuộc đời. Mỗi độ tuổi đều có giá trị riêng và việc hiểu và yêu bản thân là chìa khóa để sống một cuộc đời hạnh phúc. Nếu không chấp nhận sự thay đổi và không tìm thấy tình yêu thương, những bi kịch như của Norma hay Elizabeth có thể trở thành hiện thực cho bất kỳ ai.
Sự thành công của The Substance không thể không kể đến màn trình diễn của Demi Moore, trong vai một người phụ nữ vật lộn với lòng tự ghét bản thân và những tổn thưởng trước cách xã hội đối xử với cô… Demi Moore mang đến một tinh thần thô ráp, đầy sắc sảo, gợi nhớ đến những ngôi sao thời kỳ hoàng kim như Faye Dunaway hay Bette Davis…
Tuy nhiên, Demi không phải là diễn viên duy nhất gây chú ý trong phim. Hai diễn viên Margaret Qualley (vai Sue) và Dennis Quaid (vai Harvey) cũng thể hiện xuất sắc nhân vật của mình, đặc biệt là Margaret, cựu người mẫu và là “nàng thơ” của loạt phim arthouse đình đám như Kind of Kindness, Poor Things…
_______
Bài: Hoàng Thúy Vân