Tình yêu và sự nhạy cảm luôn là dòng chảy nuôi dưỡng mạch phim của Vương Gia Vệ ngay từ thuở ban đầu
Trong những năm 80, nếu như sự xuất hiện đình đám của bộ phim Bản Sắc Anh Hùng (A Better Tomorrow – 1986) khiến chủ đề xã hội đen trở nên thịnh hành trong nền điện ảnh Hong Kong lúc bấy giờ, thì không lâu sau đó vào năm 1988, Vượng Giác Tạp Môn (As Tears Go By) – bộ phim đầu tay do Vương Gia Vệ là đạo diễn ra đời, đánh dấu mốc quan trọng việc hình thành phong cách nghệ thuật của ông. Mặc dù cũng xoay quanh chủ đề xã hội đen, nhưng điểm khác biệt của phim Vượng Giác Tạp Môn so với các phim cùng thời chính là chất lãng mạn của tình yêu, sự nhạy cảm hay thậm chí có phần ủy mị trong mối quan hệ huynh đệ.
Phim Vượng Giác Tạp Môn (As Tears Go By – 1988)
Tuyến tình cảm của A Hoa và A Nga được diễn tả vô cùng đẹp đẽ và tinh tế, từ cách Nga nấu cơm, chuẩn bị bữa tối, viết thư gửi anh hay mua những chiếc cốc dành tặng Hoa. “Em có mua thêm vài chiếc cốc. Em biết rằng sớm hay muộn chúng cũng sẽ vỡ hết cả thôi. Thế nên em giấu đi một chiếc. Một ngày nào đó nếu anh cần, gọi cho em, em sẽ chỉ chỗ em giấu nó cho anh”, không biết vô ý hay hữu ý, mà trong tiếng Trung Quốc, cái cốc (Bēizi) đọc gần giống Cuộc đời (Bèizi), nên việc trao tặng chiếc cốc đối với người Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn, như thể họ đã trao gửi một phần cuộc đời của mình vào tay người nhận vậy.
Xuyên suốt những tác phẩm sau này, chuyện lãng mạn trong phim của Vương Gia Vệ đã tạo thành một “vũ trụ điện ảnh”, nơi nhân vật của ông chất chứa những mảnh kí ức về các mối tình dang dở. Nhưng cũng phải nói rằng, Vương Gia Vệ là “ông hoàng” của thể loại phim tình cảm dằn vặt, day dứt, đậm màu sắc Hong Kong; tuy nhiên phong cách trầm tư giàu cảm xúc ấy lại không hợp với thế giới xã hội đen. Chính vì vậy, mạch cảm xúc uỷ mị được lồng ghép vào bối cảnh và nhân vật xã hội đen một cách khiên cưỡng, phi lý như trong chính tác phẩm đầu tay của ông hay phiên bản nâng cấp hơn là “Đọa lạc thiên sứ”.
Những tình yêu đẹp đẽ và dở dang luôn tồn tại trong kí ức
Nhắc đến những bộ phim nổi tiếng nhất trong “vũ trụ yêu” của ông, phải kể đến bộ tứ tác phẩm: A Phi Chính Truyện (Days of Being Wild – 1990); Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express – 1994); Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together – 1997); Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love – 2000).
Phim A Phi Chính Truyện (Days of Being Wild – 1990)
Mặc dù tên phim là A Phi Chính Truyện, nhưng trong phim lại không hề có nhân vật nào tên Phi. Từ “phi” nghĩa là “bay”, dùng để chỉ lớp thanh niên bốc đồng, sống phóng túng trong xã hội bấy giờ, mà người đại diện là Yuddy/Húc Tử (Trương Quốc Vinh) – một playboy sành sỏi trong việc lả lơi với các cô nàng. Mối tình của Yuddy lần lượt bén duyên với Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc) – cô gái chân chất, tin vào tình yêu lý tưởng hay với Mimi (Lưu Gia Linh) – một vũ công với tính cách hoàn toàn trái ngược với cô gái trước đó, nhưng cũng không giữ được trái tim anh. A Phi Chính Truyện không hề có cốt truyện liền mạch hay các tình tiết cao trào. Xuyên suốt bộ phim của Vương Gia Vệ, ta dễ dàng nhận thấy điểm duy nhất để ông nương theo và tạo ra mối liên kết trong cách kể truyện là từ dòng chảy của tâm lý nhân vật. Đằng sau những mối tình lạc lối ấy, ta luôn gặp một tâm hồn cô đơn, một kẻ ám ảnh với việc bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ – Yuddy.
https://www.youtube.com/watch?v=2VLWIx9TwiM
Phim Xuân Quang Xạ Tiết (Happy Together – 1997)
Ta gặp lại vẫn Yuddy ấy trong một phiên bản khác là Hà Bảo Vinh (Trương Quốc Vinh) trong “Xuân Quang Xạ Tiết”. Anh có cuộc sống phóng túng, tính cách thất thường cùng mối tình đồng tính với Lê Diệu Huy. Chuyện tình yêu của họ cứ tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan; luôn lấy dấu mốc từ câu nói “Chúng mình làm lại từ đầu đi!” của Hà Bảo Vinh mỗi khi anh ta muốn bắt đầu lại mối quan hệ mà trước đó chính anh ta là người chủ động chấm dứt. Cho đến cuối cùng mối tình của họ cũng tan vỡ, nhưng hạnh phúc lứa đôi theo đúng nghĩa “happy together” lại nảy nở theo một ý niệm đi ngược lại với truyền thống: “Với tôi, hạnh phúc bên nhau có thể là giữa hai người, cũng có thể là giữa một người và quá khứ của anh ta. Tôi nghĩ, một lúc nào đó khi một người có thể yên bình với quá khứ của bản thân, đó là thời điểm cho sự bắt đầu của một mối quan hệ mới, có thể đem đến hạnh phúc trong tương lai…”
Phim Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express – 1994)
Nếu Lê Diệu Huy tìm được cách để sống “yên ổn” với quá khứ thì Hà Chí Vũ (Kaneshiro Takeshi/Kim Thành Vũ) trong “Trùng Khánh Sâm Lâm” lại không thể thấy lối ra sau khi chia tay. Bạn gái của Hà chia tay với anh vào đúng ngày Cá tháng Tư, còn sinh nhật của anh là đúng 1 tháng sau đó vào ngày 1/5, vì vậy Hà quyết định chờ bạn gái quay trở lại trong vòng một tháng. Mỗi ngày anh đều mua một lon dứa hộp – món bạn gái cũ thích, có hạn sử dụng đến ngày 1/5. Đúng một tháng sau ngày chia tay, anh lấy toàn bộ số dứa hộp ra ăn và cố gắng đi tìm một mối quan hệ mới. Ai dám nói ăn 30 hộp dứa là sẽ quên được bạn gái cũ? Nhưng nó đưa anh vào một điểm quyết định về mặt lý trí là sẽ dừng nhớ nhung tình cũ và tìm kiếm điều mới mẻ hơn như “sa vào lưới tình” với cô gái tóc vàng tại quán bar. Có điều về mặt cảm xúc anh vẫn “khóc”, vẫn đau, vẫn chạy vài vòng quanh sân để tạm quên đi thứ cảm xúc ngổn ngang trong lòng.
Phim Tâm Trạng Khi Yêu (In the Mood for Love – 2000)
Đến với thế giới phim “Tâm trạng khi yêu”, ta thấy mối tình giữa ông Chu (Lương Triều Vỹ) và bà Trương (Trương Mạn Ngọc) còn day dứt và ám ảnh hơn cả. Trong phim của Vương Gia Vệ, họ là hai cặp vợ chồng không hề quen biết nhau từ trước, cho tới khi chuyển nhà và làm hàng xóm của nhau vào cùng một ngày. Một bên vợ thường vắng nhà, một bên chồng hay đi công tác xa, hai con người cô đơn ở lại trong hai căn phòng thuê mướn cùng đi về chung một cầu thang nên vào ra thường chạm mặt. Và rồi một ngày họ gặp nhau tại một quán ăn, họ bộc bạch, chia sẻ những nghi ngờ về người bạn đời của mình và cùng nhận ra cả hai đều biết vợ và chồng của họ là một cặp tình nhân. Bà bị chồng lừa dối, ông bị vợ cắm sừng, họ cùng đau khổ và cùng muốn san sẻ sự phiền muộn trong lòng. Họ đến với nhau nhiều hơn, bữa dạo phố, bữa ăn hàng, bữa lại tô mì khi đói bụng, và dù chỉ là một bát chè lúc ốm đau cũng chứa chan rất nhiều quan tâm lo lắng,… thế nhưng, mọi sự đều giữ nguyên bởi một khoảng cách vô hình mang tên luân thường đạo lý, gia phong nếp nhà, quan niệm xã hội cùng hàng trăm thứ khác. Mối tình của ông Chu, bà Trương chỉ là những vấn vương, xao xuyến, là biểu cảm qua ánh mắt. Trên thực tế, họ chưa từng nói lời yêu, lời thương hay buông câu nhớ. Thậm chí, mối tình này còn chưa được coi là một “mối tình”.
Cái kết không thành và nỗi ám ảnh, dằn vặt trong lòng người xem qua những bộ phim của Vương Gia Vệ
Không phải vô cớ mà phim của Vương Gia Vệ luôn dễ đi vào lòng người, bởi làm phim về tình yêu, viết về tình yêu thì ai cũng có thể, nhưng để giữ trọn vẹn sự hài hòa, giản đơn vốn có mà không mất đi tính đa chiều thì rất khó.
Hình tượng chiếc cốc lặp đi lặp lại xuyên suốt Vượng Giác Tạp Môn, bị ném đi, bị rơi vỡ. Đó phải chăng là dấu hiệu của cái kết không thành? Và quả đúng như vậy. Tình yêu sơm nở nhanh tan trong những bộ phim của Vương Gia Vệ đều được bộc lộ tinh tế như thế, xuất phát từ những cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt nhưng lại kết thúc “lãng xẹt” bởi những lý do chẳng rõ ràng. Đôi khi, sự chia ly tới từ câu hết yêu nhưng cũng có thể bắt nguồn từ một lý do chẳng ai ngờ đến.
“Vũ trụ yêu” trong phim của Vương Gia Vệ luôn tạo nên dư chấn trong lòng khán giả. Không hẳn vì sự ngậm ngùi khi phải chứng kiến một cuộc tình tan vỡ mà thường xuất phát từ sự đồng cảm, sự thấu hiểu và mối dây liên kết vô hình giữa người xem với nhân vật. Ta có thể bắt gặp chính mình trong phim của Vương Gia Vệ, mối tình của ta cũng có thể là bất kì mối tình dang dở nào, vẫn yêu, vẫn đẹp nhưng không thể đồng hành cùng nhau được nữa.
__
Tạp chí Phái mạnh ELLE Man
Bài viết: Chloe Phung